Friday, July 22, 2016

BIỂU TƯỢNG HOA SEN VÀ NGỌN ĐÈN TRONG GIÁO PHÁP KHẤT SĨ

1. Biểu tượng là di sản văn hóa

Theo Nguyễn Văn Hậu (1996), giảng viên khoa Văn hóa học, trường đại học Văn hóa Hà Nội, “Nói đến đời sống văn hóa không thể không nói đến biểu tượng. Nó được xem như là “hạt nhân cơ bản” của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc”. Cụ thể hơn, trong bài viết “Biểu tượng Phật giáo trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc”, ông Nguyễn Như Hảo, Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội cho rằng “Các biểu tượng Phật giáo đã hình thành nên những di sản văn hóa vật thể và “di sản văn hóa phi vật thể”. Chúng là một trong những yếu tố cốt lõi  nhất làm nên “bản sắc văn hóa” của cộng đồng - dân tộc Việt Nam”. Chu Hy, một triết gia đời Tống đã giải thích: “Tượng là lấy hình này để trỏ nghĩa kia”, tức là dùng cái tri giác để nói lên cái khó có thể tri giác, hay dùng cái tĩnh để nói cái động, dùng cái cụ thể để nói cái trừu tượng, dùng cái hữu hình để nói cái vô hình v.v… Như vậy, rõ ràng biểu tượng luôn chứa đựng, hàm chứa trong nó những giá trị văn hóa nhất định.

2. Biểu tượng hoa sen và ngọn đèn Chơn lý

Tổ sư Minh Đăng Quang chọn “hoa sen” và “đèn chơn lý” làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối Truyền Thích Ca Chánh PhápĐạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, hiện nay là Hệ phái Khất sĩ. Đức Tổ sư đã bày tỏ ý hướng đem chánh pháp thanh tịnh của chư Phật (hoa sen), soi đường dẫn lối (đèn chơn lý) cho người hữu duyên. Đó là cách phụng thờ chánh pháp một cách tốt đẹp nhất. Chính vì lẽ đó, ngọn đèn chơn lý hoa sen được chọn làm biểu tượng và ta dễ dàng thấy biểu tượng này xuất hiện ở nhiều nơi trong cấu trúc ở các ngôi tịnh xá:
Đắp trên nóc các tịnh xá:

Đắp trên trụ cổng:


Hoa văn cửa:

Trang trí trên những bức phù điêu tường thành:


Trên trang bìa của bộ Chơn lý:

Trên các ấn phẩm của Hệ phái:

Logo trang mạng của Khất sĩ:


3. Ý nghĩa của biểu tượng hoa sen và ngọn đèn Chơn lý

Biểu tượng hoa sen và ngọn đuốc nói lên hạnh nguyện độ sanh của đạo Phật Khất sĩ. Hoa sen xin nhận dưỡng chất từ đất bùn và nước, ngọn đuốc xin nhận ánh sáng từ mặt trời. Tất cả những điều xin nhận đó cũng có nghĩa là sự học hỏi. Cuối cùng, sen từ đất bùn vươn lên khỏi mặt nước và trổ hoa tỏa hương khoe sắc cho đời mà không bị bùn làm ô nhiễm. Ngọn đuốc đem ánh sáng soi rọi vào nơi tăm tối. Sen một khi vượt thoát khỏi bùn và tỏa hương ngào ngạt, ngọn đuốc rực sáng là lúc người Khất sĩ đem cái hiểu, cái tu dạy lại cho đời trong tinh thần vô nhiễm, từ đó đem lại sự bình an, lợi lạc cho người, cho môi trường xung quanh. Triết lý xin và cho, học và dạy là tư tưởng chủ đạo của đức Tổ sư và là sự hành trì xuyên suốt của mỗi người Khất sĩ được gói gọn qua hình tượng thâm thúy này.  
Như vậy, biểu tượng hoa sen và ngọn đuốc (đèn chơn lý) chính là lý tưởng, hoài bão của đức Tổ sư về một quốc độ, một cuộc sống an vui, thuần thiện của tất cả mọi người. Trong đó người tu phải thể hiện một đời sống tu tập trong sáng, thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý hiến tặng cho đời. Biểu tượng này là một di sản quý giá chư Tăng Ni hệ phái Khất sĩ được thừa hưởng, giữ gìn và phát huy: Xin để rồi cho, học để rồi dạy, sống trong vô nhiễm, tỏa sáng cho đời là mục đích hướng đến của mỗi một người con trong giáo pháp Khất sĩ.