Tuesday, October 11, 2016

THẤY KHỔ RỒI VƯỢT KHỔ – TỪ SAṂVEGA ĐẾN PASADA

 “Tôi tin rằng mỗi người đều không có sự lựa chọn nào khác là đối mặt với những khó khăn, bức bách (saṃvega) của riêng mình; chúng ta phải tìm ra lối thoát (pasada) cho chính mình vậy” (Thanissaro).
Câu nói “đời là bể khổ” trở nên quen thuộc với tất cả chúng ta. Những điều không như ý, bất toàn là hiện thân của cái khổ mà ta gặp hầu như mỗi ngày. Như vậy, khổ là một chất liệu không thể thiếu làm nên cuộc sống đầy sắc màu sinh động này và chắc chắn là ta không thể nào tránh né chúng. Chính vì vậy, trọng tâm bài pháp đầu tiên đức Phật chia sẻ với năm người bạn đồng tu là khổ và con đường diệt khổ. Điều đầu tiên trên tiến trình này là nhận rõ diện mạo của khổ đau. Nếu không cảm nhận được cái khổ đang thống thiết bức bách mình, sẽ không có ai tìm cách để thoát khổ. Đây là một sự thật được đức Phật chứng minh hùng hồn qua cuộc từ bỏ vĩ đại của Ngài: từ bỏ những gì cao quý nhất của trần gian là cung vàng điện ngọc để đi tìm con đường thoát khỏi những giới hạn giam hãm kiếp người. Thái tử nhận ra cái khổ ở các phương diện bức bách, tù hãm, căng thẳng, bất an thường trực của già, bệnh và chết đè nặng lên kiếp sống nhân sinh. Thế rồi, hoàn toàn đối lập, hình ảnh một người đạo sĩ thanh thoát dạo trước cổng thành như một tia nắng lóe lên trên bầu trời u ám mây đen đã vực dậy tâm lý nặng nề ấy, thắp sáng động lực ra đi để tìm cách cởi bỏ những ràng buộc nơi thái tử Siddhattha. Sự ra đi lịch sử ấy, hành trình tìm đạo và thành đạo vô tiền khoáng hậu của đức Phật bắt đầu từ chuỗi tâm lý thấy khổ rồi vượt khổ, nỗ lực, tinh cần đúng mức để đi đến thành công.  Trên cơ sở nhận thức này, toàn bộ những lời dạy trong sự nghiệp hoằng pháp của Ngài đặt trên trục xoay của giáo lý về khổ và con đường diệt khổ.
Từ trải nghiệm thực tế đó, đức Phật đã xây dựng một hệ thống giáo lý vô cùng đặc sắc, trở thành “thương hiệu” của đạo Phật, đó là giáo lý Tứ diệu đế  – giáo lý về khổ và sự diệt khổ. Đây là giáo lý nền tảng giàu giá trị nhân văn, đem lại sự bình an, hạnh phúc bằng sự nỗ lực tự thân. Một sự thật không thể phủ nhận rằng, giáo lý Tứ diệu đế là một sự đóng góp tuyệt vời của đức Phật với cuộc đời này. Mọi sự cởi trói chỉ có thể thực hiện khi nào người bị trói hiểu rõ “mình đang bị trói buộc” và cảm thấy vô cùng ngột ngạt, bức bách tột cùng với sự trói buộc này đến mức bằng mọi giá, phải tìm cách vượt thoát.

Chạm mặt khổ đau

Đau khổ là chất liệu làm nên cuộc sống. Không khổ sao được khi ý chí, nguyện vọng và mọi nỗ lực của con người trở nên bé nhỏ và bất lực trước sự chi phối của già, bệnh, chết và những điều trái ý nghịch lòng cứ tác động đến thân phận của một kiếp người. Điều quan trọng là ý thức rõ những bức bách, nặng nề, căng thẳng, bất an, hụt hẫng, thất vọng và chán nản, khi chạm mặt với già, bệnh, chết và những điều không như ý trong cuộc sống mà con người không thể can thiệp. Khi ấy, với người biết suy tư, tâm lý hụt hẫng, chông chênh, chấn động khởi lên trong tâm vì thấy kiếp người thật vô nghĩa. Tâm lý này được gọi là saṃvega. Tỳ kheo Thanissaro có một bài viết với tựa đề “Lẽ thật của con tim” khá sâu sắc bàn về chuỗi tâm lý này và chuỗi tâm lý vực dậy để tìm giải pháp vượt thoát gọi là Pasada (sẽ đề cập ở phần sau của bài viết)..
Saṃvega là một từ khó dịch. Với những từ bao hàm nhiều nghĩa như từ saṃvega, khi không tìm được từ tiếng Việt tương đương (cả tiếng Anh, thầy Thanissaro nói rằng cũng không tìm được từ nào tương đương đủ để chuyển tải hết nghĩa của từ này), thì tốt hơn ta giữ nguyên từ gốc. Saṃvega bao hàm nhiều mức độ cảm xúc, ít nhất ở ba quá trình tâm lý tiếp nối nhau. Thứ nhất, đó là cảm giác đè nặng do choáng sốc, vỡ mộng và chán ngán khi nhận ra sự phù phiếm, vô nghĩa của đời sống nhân sinh. Cảm giác ngột ngạt do bị sốc, xuống tinh thần, và muốn xa lánh vì nhận ra sự phù phiếm và vô nghĩa của cuộc sống nếu cứ để thời gian trôi qua một đời bình thường nhạt nhòa như thế. Thứ hai, chuỗi tâm lý tiếp theo là cảm giác tội lỗi khi thấy mình tự thỏa mãn và ngu si, khờ dại khi cho phép mình sống một cách mù quáng như thế. Cuối cùng, chuỗi tâm lý tiếp theo xuất hiện, đó là cảm giác bất an lo lắng làm thế nào để nhanh tìm ra lối thoát khỏi cuộc sống xoay vần vô nghĩa này, cảm giác bồn chồn khắc khoải do ý thức tính cấp bách của việc tìm cách thoát ra khỏi cái vòng quẩn quanh vô nghĩa này.
Đức Phật đã trải nghiệm đầy đủ các cung bậc cảm xúc của saṃvega như thế. Sau khi dạo bốn cửa thành, thái tử Siddhattha trở về hoàng cung với tâm lý saṃvega oằn nặng tâm tư. Khi gặp một người già, một người bệnh và một người chết, tâm lý thái tử Siddhattha nặng nề, choáng sốc, bất an, căng thẳng để rồi Ngài luôn suy tư, trăn trở về cuộc sống vô nghĩa của một kiếp người. Phải chăng sống chỉ để trải qua các giai đoạn thay đổi để rồi kết thúc bằng cái chết? Dù sống trong cung vàng điện ngọc, như bao con người khác, cơ thể sinh học Ngài cũng sẽ trải qua các giai đoạn biến chuyển như thế. Từ đó, thái tử thấy cần phải tìm lối thoát ra khỏi ngục vàng. Theo sự mô tả trong kinh Thánh cầu (Trung bộ kinh số 26), khi chạm mặt với ba sự thật không thể thay đổi của cuộc đời là già, bệnh và chết, thái tử Siddhattha trầm tư về thân phận của con người và trải qua các cung bậc cảm xúc của saṃvega để rồi chuỗi tâm lý này trở thành tác nhân kích thích sự ra đi vĩ đại của Ngài.

Quyết tâm vượt thoát khổ đau

Pasada là chuỗi cảm xúc phát triển tiếp theo sau nhằm vực dậy tâm lý trầm uất, buồn nản và cảm giác vô vị do saṃvega đem lại. Cảm xúc của thái tử Siddhattha khi gặp vị sa-môn du hành ngoài cung điện, một dáng đi ung dung từng bước thảnh thơi, trông rất thanh thoát, bình an đã đánh động tâm thức Ngài. Tâm trạng nặng trĩu khi thấu hiểu những bức bách, bất lực trước sự chi phối của già, bệnh và chết để rồi khao khát tìm đường thoát khỏi các tâm lý tiêu cực đè nặng ấy lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Như một đòn bẩy có tác dụng kích hoạt, nâng đỡ tâm thức giúp Ngài lóe lên tia sáng, tin chắc sẽ có con đường thoát khỏi cảm giác saṃvega này, vượt lên trên sự chi phối của già, bệnh và chết, chứ không phải ngõ cụt bế tắc. Cảm xúc này là pasada, thường được dịch là ‘niềm tin trong sáng’ (còn gọi ‘niềm tin thanh tịnh’, ‘tâm tịnh tín’), thế nhưng, dịch như thế cho tạm hiểu chứ cụm từ ấy vẫn không chuyển tải trọn ý của từ này. Khi bắt đầu có niềm tin khởi lên từ trong nặng nề và trống rỗng là lúc tâm lý pasada kịp thời nâng đỡ tâm lý saṃvega, chuyển hóa các tâm lý tiêu cực để hóa giải nỗi bức bách trong tâm. Pasada là cảm xúc giữ cho cảm giác saṃvega không rơi xuống tận đáy của sự bế tắc và biến thành tuyệt vọng. Thái tử Siddhattha đã ý thức rõ tình trạng hiểm nguy của thân phận con người, và ý thức về một con đường thoát khỏi tâm lý đè nặng do già, bệnh, chết đem lại và tin tưởng có một con đường đưa đến thành công là cơ sở để Ngài tìm đạo, tu đạo, thành đạo và hành đạo.
Cũng giống như saṃvega, tâm lý pasada có ba chuỗi tâm lý nối tiếp nhau. Thứ nhất, tâm lý hướng đến một đời sống cao quý thay vì bằng lòng với cuộc sống phù du tạm bợ và vô nghĩa xoay vần quanh sự hưởng thụ vật chất thấp kém ta đang hụp lặn trong dòng sống ấy để rồi chết trong vô nghĩa. Đây là khởi điểm cho mọi sự thay đổi tích cực. Có hai hướng cho người đang ngụp lặn trong khổ đau: hoặc là vượt thoát để ra khỏi (tích cực và tươi sáng), hoặc cam phận để bị nhấn chìm trong khổ đau ấy (tiêu cực và bế tắc). Người bị vô minh bao phủ sẽ không có nhu cầu ra khỏi dòng khổ, hoặc không tìm được hướng ra nên cái kết đắng cay cho họ là mãi trầm luân trong sanh tử luân hồi. Người như thế thì tâm lý pasada không đủ mạnh để hướng tâm đến một đời sống cao quý. Một khi pasada phát triển mạnh, hành giả sẽ thấy:
Cười gì, hân hoan gì,
Khi đời mãi bị thiêu?
Bị tối tăm bao trùm,
Sao không tìm ngọn đèn? (Pháp cú câu 146)
 Ý nghĩa thứ hai của từ pasada  tin vào bản chất thiện lành vốn có của mỗi người, dành trọn tâm ý hướng về lối sống đầy từ bi và trí tuệ để mong tìm ra một phải pháp thoát khỏi cảnh mê mờ, tối tăm trước đó. Điều này có nghĩa rằng, chúng ta tin vào tiềm năng hướng đến một chân trời tươi sáng của mình và phát huy nó, làm thay đổi cuộc đời mình một cách ngoạn mục để thoát khỏi cảnh khổ đau phải chịu đựng trong một thời gian dài. Chính đức Phật là người tiên phong và thành công trong quá trình kích hoạt các hạt giống thiện lành trong tâm thức để cuối cùng, trang bị cho mình đủ dũng lực để vượt thoát sự chi phối của già, bệnh, chết. Ý nghĩa cuối cùng của pasada  tin vào sự nỗ lực đúng cách của bản thân sẽ giúp chúng ta tìm được con đường để thoát khỏi sự bức bách, nhiệt não và bất an. Chuỗi tâm lý này là giai đoạn phát triển tiếp theo của chuỗi tâm lý saṃvega. Sự thành công của đức Phật trong quá trình nhận ra bản chất cuộc sống, tìm đạo, tu đạo và thành đạo là một điển hình sinh động cho sự tự thân vận động trong quá trình tu chứng. Sự nỗ lực đúng cách của mỗi cá nhân được đức Phật khuyến khích, nhắc nhở, bằng những cách khác nhau và ở các mức độ khác nhau trong tất cả các bài pháp.
Trên cơ sở các chuỗi tâm lý saṃvega  pasada, đức Phật luôn chánh niệm tỉnh giác về khổ đau và con đường thoát khổ.  Ngài dạy “Thời gian lặng lẽ trôi, không luận ngày hay đêm, già và chết đang đến gần. Nếu ai sợ hãi già và chết thì hãy sớm tạo các công đức lành, bỏ đi vật chất thế gian và hướng đến nếp sống an tịnh viễn ly” (Tương ưng bộ kinh, chương I, phẩm I, kinh Đưa đến đoạn tận).
Hai chuỗi tâm lý saṃvega  pasada làm động cơ ban đầu và là nguồn năng lượng nuôi dưỡng ý chí và nghị lực cần thiết cho sự thành tựu quả vị giác ngộ của đức Phật. Với saṃvega, Ngài không cam phận ngồi đó giao nộp mình cho già chết, không tránh né để thọ hưởng vật chất thế gian trong cung vàng điện ngọc. Với pasada, Ngài hướng đến tìm con đường để thoát khỏi già chết, để không bị vật chất thế gian ràng buộc với niềm tin vững chắc vào một nếp sống thanh cao, tâm giải thoát và sự nỗ lực không ngừng cho đến khi thành tựu. Đây là cơ sở để đức Phật nhận thức sâu sắc, thấu triệt bản chất của bốn chân lý cao thượng (Tứ diệu đế) và giảng dạy giáo lý ấy cho những người có duyên.

Khổ của già, bệnh, chết kích hoạt tâm lý vượt khổ: Từ saṃvega đến pasada

Có thể nói tuyên ngôn hoằng pháp của đức Phật được gói gọn trong lời dạy mang tính kinh điển rằng “Xưa [từ bài kinh đầu tiên giảng cho năm  anh em Kiều Trần Như] cũng như nay, này các Tỳ kheo, Như Lai chỉ nói về khổ và sự diệt khổ” (Kinh ví dụ con rắn, Trung bộ kinh, số 22). Với sự chuyển biến tâm lý qua hai chuỗi saṃvega  pasada, rõ ràng là việc chỉ rõ và nhấn mạnh cái khổ là điều cần thiết để đánh động tâm lý, kích hoạt ý chí mong muốn vượt thoát và tìm đường vượt thoát, từ đó nỗ lực đúng cách và đúng mức để đạt đến đích. Nếu nhận thức đầy đủ và toàn diện vấn đề, thật là phiến diện và thiếu cơ sở khi nói đạo Phật bi quan chỉ vì đức Phật nói về khổ được thể hiện qua tướng già, bệnh và chết. Thật ra, đây là một sự thật cần thiết làm tiền đề cho một giải pháp tích cực và lạc quan. Nhận thức được bản chất của khổ đau, của già bệnh và chết đang mỗi lúc một gần là điểm nhấn cần thiết để tạo nên sự chấn động tâm thức, nhờ vậy mới có thể tìm phương hướng ra khỏi sự bức bách ấy:
Với gậy người chăn bò,
Lùa bò ra bãi cỏ;
Cũng vậy, già và chết,
Lùa người đến mạng chung (Pháp cú câu 135).
Bản chất về khổ đế được đức Phật nhấn mạnh trong thời Pháp đầu tiên sau khi Ngài thành đạo và giảng cho năm anh em Kiều Trần Như, được ghi lại trong bài kinh “Chuyển pháp luân” như sau: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ” (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm 2, kinh Chuyển pháp luân).
Ở một bài kinh khác, đức Phật dùng hình tượng sinh động của các hòn núi khổng lồ đang lăn dần về phía mình chỉ cho sự già và chết  đang mỗi lúc đến gần chúng ta hơn cốt để đánh thức tâm thức chúng ta. Ngài nói, ví như các hòn núi từ bốn phương đông, tây, nam, bắc đang lăn dần về phía chúng ta, trên đường lăn, nó cuốn phăng, đè bẹp và nghiền nát mọi thứ, các hòn núi đó là già và chết. Để không quá trễ, trước khi bị chúng nghiền nát, chúng ta hãy sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, tạo các công đức (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương III, phẩm III, kinh Ví dụ hòn núi).
Chúng ta đang già đi trong từng tích tắc thời gian, nhưng sẽ không biết được cái chết đến với mình khi nào. Vì lẽ đó, một người thực hành pháp nghiêm túc sẽ giật mình vì điều này và sống trọn vẹn với từng sát na trong hiện tại dạt dào ý nghĩa, không truy tìm quá khứ đã qua, không mơ tưởng tương lai chưa đến. Trong bài kinh Nhất dạ hiền giả (Trung bộ kinh, số 131), đức Phật dạy rằng “Quá khứ đã qua rồi, không nên truy tìm. Tương lai thì chưa đến, không ước vọng. Chỉ có hiện tại nhiệm mầu, nên dốc tâm tu tập ngày hôm nay. Không ai biết được khi nào thần chết đế. Cứ nhiệt tâm thực hành pháp suốt đêm ngày không biết mệt mỏi như vậy, hành giả xứng đáng được gọi bậc Nhứt dạ Hiền, an tịnh, trầm lặng.
Chỉ khi nào tâm chúng ta bị dao động do thấy uy lực lớn của già và chết, còn mình thì hoàn toàn bất lực không can thiệp được gì, chúng ta mới thấy có ba việc cấp thiết cần phải làm trước khi thần chết đến: “sử dùng thời gian của mình để chấp hành tăng thượng giới học, chấp hành tăng thượng tâm học, chấp hành tăng thượng tuệ học. Nhờ vậy, tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ trong hiện tại cũng như tương lai (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm X, kinh số 91: Cấp thiết).
Sống ở đời, những điều không tránh khỏi tạo nên nỗi sợ hãi và bất an thường trực. Do đó, cần phải tận dụng thời gian và chuyển nguồn năng lượng sợ hãi ấy vào những việc làm có lợi ích cho cuộc sống của mình trở nên có giá trị trong hiện tại và cả ở tương lai. Cũng ngần ấy thời gian trong ngày, nếu không làm việc có ích, ắt ta làm việc vô ích. Cũng ngần ấy thời gian trong cuộc sống, nếu không thể sống với tâm an lạc, thì phiền não, khổ đau sẽ choán hết tâm trí và lấy đi trọn vẹn thời gian sống. Bằng sự trải nghiệm bản thân, đức Phật luôn khuyến tấn các đệ tử: “Hãy đứng dậy, hãy ngồi dậy, đừng ham ngủ, nếu không, sẽ trúng mũi tên phiền lụy. Hãy đứng dậy, hãy ngồi dậy, hãy kiên trì học tập, đạt cho được an tịnh, đừng để cho thần chết, biết người là phóng dật, sẽ mê hoặc, chinh phục người. Hãy vượt ái dục này, chớ để thời khắc qua. Khi thời khắc đã qua, bị sầu khổ địa ngục” (Kinh tập, câu 331-333).
Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, do nguyên nhân gì vẫn còn là ẩn số đối với chúng ta. Nghĩ đến điều này chỉ có một con đường duy nhất cho những ai quyết tâm sống một đời không uổng phí: siêng năng, phấn đấu không ngừng nghỉ, trọn ngày trọn đêm trên con đường hành trì pháp. Đức Phật dạy cần quán sát thấy rõ năm nguyên nhân đưa đến cái chết không biết trước này, cũng đã quá đủ để một vị tỳ kheo sống ở rừng không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Khi ta sống một mình trong rừng, rắn, bò cạp, rít có thể cắn ta chết. Khi ta sống một mình trong rừng, ta có thể vấp ngã và té xuống, do ăn uống ta có thể mắc bệnh mà chết. Sống một mình trong rừng, ta chung sống với các loài thú nguy hiểm, như sư tử, cọp, báo, gấu, dã can và bị chúng cắn mà chết. Trong khi ta sống một mình trong rừng, ta chung sống với các loài ăn trộm, ăn cắp đã hành nghề, chúng có thể đoạt mạng sống của ta. Ở trong rừng có những loài phi nhân nguy hiểm, chúng có thể đoạt mạng sống của ta” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm VIII, kinh số 77).
Một khi ý thức được già, bệnh và chết đang đến mỗi lúc một gần hơn, hành giả tận dụng thời gian và điều kiện đang có để tu học là điều cần thiết. Đức Phật ân cần khuyên nhắc, “Hãy siêng năng tinh tấn khi còn trẻ và chưa bị già chinh phục, khi còn khỏe mà chưa bị bệnh chinh phục, khi no đủ mà chưa bị đói kém, mất mùa chinh phục, khi loài người sống với nhau thuận hòa, hoan hỷ với nhau, không cãi lộn nhau mà không phải lúc loạn lạc, khi chúng tăng hòa hợp, cùng nhau hoan hỷ, không tranh luận nhau, sống thoải mái cùng chung một lời dạy chứ không chia rẽ” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm VIII, kinh số 78).
Tâm lý thường tình của con người là sống với nhiều dự tính như thể ta sống mãi với thế gian này! Trong tâm thế đó, nhiều người nghĩ mình cứ trẻ hoài và khỏe mãi, còn già, bệnh và chết nếu có đến thì với người khác, mà chưa đến với mình. Nếu có đến với mình chăng, thì còn lâu lắm vì hiện tại, ta còn đang thừa trẻ và dư khỏe. Chỉ khi nào hiểu rõ ta thật sự yếu đuối và vô dụng trước vô thường, chúng ta mới thấu hiểu lời Phật dạy rằng, khi thấy rõ con người không thể vượt qua già, bệnh, chết, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn toàn sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh được đoạn trừ hoàn toàn, sự kiêu mạn của sự sống trong sự sống được đoạn trừ hoàn toàn (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm IV, kinh số 38). Dứt kiêu mạn về tuổi trẻ và sức khỏe mới đặt mình vào quỹ đạo thực hành pháp và sống trọn vẹn với pháp.

Thay lời kết

Sau khi thành tựu đạo quả, bằng kinh nghiệm bản thân, đức Phật dốc tâm dạy cho các đệ tử phải biết quán chiếu những nỗi khổ của già, bệnh và chết mà con người đang gánh chịu, không có lối thoát, không có quyền chọn lựa. Khi biết rõ không thể thay đổi hiện tượng khách quan này, đức Phật dạy chúng ta phải có sự thay đổi trong nhận thức và thái độ để giải thoát tâm ra khỏi sự ràng buộc, bức bách này. Tâm vững chãi, an tịnh trong thiền định có khả năng làm chủ tâm ý, làm chủ dòng cảm xúc để không bị các pháp bên ngoài chi phối, là cơ sở để tự cởi trói mà thuật ngữ nhà Phật gọi là “giải thoát”.
Tuy nhiên, mức độ dao động của tâm và khả năng kích thích tâm để có thể thấy ra vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề còn tùy thuộc vào mức độ nhận thức, giác ngộ và nỗ lực của mỗi cá nhân. Trong Tăng chi bộ kinh, đức Phật mô tả về bốn hạng người với bốn mức độ cần thiết khiến tâm dao động và được kích hoạt để tìm đường vượt thoát khổ đau. Hạng người thứ nhất, chỉ nghe người khác bị bệnh, già hoặc chết, tâm người ấy đủ bị dao động và kích thích rồi. Hạng người thứ hai cần phải trực tiếp thấy tận mắt các hiện tướng ấy mới sợ hãi, tâm mới dao động và bị kích động. Hạng người thứ ba là khi người thân trải qua các cảnh già, bệnh và chết thì mới tỉnh ngộ, tâm dao động và bị kích động và hạng người thứ tư, khi chính bản thân họ trực tiếp trải nghiệm đau đớn, khổ sở của già, bệnh và cận kề cái chết thì mới hoảng hốt, tâm dao động và bị kích động (Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm XII, kinh số 113: Gậy thúc ngựa). Chỉ khi nào duyên bên ngoài tác động đủ mạnh để tâm thức bị kích động thì chúng ta mới có động cơ để tinh cần trên con đường hành trì giáo pháp, chuyển hóa nội tâm.
Thật ra, chúng ta không có đủ thời gian, năng lượng và cơ hội để đem thân mình ra trải nghiệm mọi thứ trên cuộc đời rồi mới có được bài học và để tâm thức được kích hoạt. Do đó, chúng ta cần rút kinh nghiệm thông qua sự trải nghiệm của người khác. Nếu chỉ cần thấy già, bệnh và chết là “những thiên sứ” (Kinh Thiên sứ, Trung bộ kinh số 130) mang thông điệp vô thường đến, ta dốc sức tinh cần, tinh tấn trên con đường tu tập thì sẽ được nhiều lợi ích và kết quả ngay trong hiện tại. Được như vậy, ta không phải làm những phép thử và trả giá đắt, không phải đi lòng vòng mà rút ngắn được thời gian. Rút thời gian rong rêu trong một kiếp cũng đồng nghĩa với việc rút ngắn vòng luân hồi sanh tử và đây là mục đích của mỗi người học pháp và hành pháp vậy.
Thấy bị trói, cảm nhận sự bức bách, bất an vì bị giam hãm trói buộc mới nghĩ đến việc tìm cách cởi trói. Thấy khổ rồi mới có thể vượt khổ. Càng học pháp, càng chiêm nghiệm sự vận hành các pháp trong chánh niệm, chúng ta càng nhạy bén với các hiện tướng già, bệnh, chết thì càng sớm tỉnh ngộ, càng có cơ hội để sống một cuộc đời nhiều ý nghĩa trên lộ trình tu tập và giải thoát. Con đường tu tập bắt đầu với cảm xúc saṃvega rồi được nuôi dưỡng với cảm xúc pasada rồi được thường xuyên phát triển chuỗi tâm lý phức hợp này trong sự cân đối giữa từ bi và trí tuệ để đi đến cứu cánh giải thoát. Sự thể nhập và hòa quyện giữa trí tuệ và từ bi có thể đạt được rốt ráo, đưa hành giả thoát khỏi cuộc sống vô nghĩa này và giải thoát ra khỏi sự giam hãm của vòng luân hồi vô tận nhờ vào sự phát triển của chuỗi tâm lý saṃvega  pasada.