Có
thể nói mà không sợ sai rằng Phật giáo là tôn giáo duy nhất tôn trọng quyền sống
của tất cả các loài. Với giá trị nhân bản vốn được biết đến như một nền tảng
trong toàn bộ giáo lý, Phật giáo là tôn giáo vì con người, hướng đến con người,
nhưng không xem con người là chủ thể của cõi sống và là chủ thể phải được phục
vụ bởi các loài vật khác. Bởi từ ngàn xưa, từ bi và trí tuệ là “dấu ấn” xác định
lời Phật dạy và trong tinh thần này, con người và loài vật đều có quyền sống
như nhau. Không giết và không hại vật là một trong những phương diện quan trọng,
nhất quán xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống kinh điển. Viết về nguyên tắc sống
đạo đức đầu tiên của người cư sĩ tại gia: không giết hại đã được bàn rất nhiều
từ xưa đến nay. Tuy nhiên, tìm hiểu về những lợi ích của việc không giết hại như
là một biểu hiện sự tôn trọng quyền sống của mọi sinh vật dường như vẫn chưa được
triển khai đầy đủ. Bài viết này là một sự bổ khuyết phần nào về phương diện
này.
Không làm tổn hại mọi loài: nuôi dưỡng tâm bình đẳng
Phật Giáo xác nhận
sự bình đẳng ở tất cả chúng sanh, rằng tất cả đều có tiềm năng thành Phật và cơ
hội để nuôi dưỡng và làm cho phát triển tiềm năng này là dành cho tất cả, không
chỉ con người. Khi chủ ý đoạt mạng sống của một sinh vật nào, nghĩa là ta lấy
đi cơ hội thành Phật, cơ hội giác ngộ của chúng sanh ấy. Trong các loại chúng
sanh, con người không phải là công dân ưu tú như loài người tự phong cho mình
và coi tất cả các loài khác là công dân hạng hai. Trong giáo pháp của đức Phật,
loài người không có một chỗ ưu tiên đặc biệt hơn các loài có đời sống khác. Thế
giới không được đặc biệt tạo ra cho lợi ích và khoái lạc của loài người. Vì
lòng tham lam, ích kỷ mà con người cứ ngỡ cả thế giới này chỉ dành riêng cho
con người mặc sức sử dụng, hưởng thụ và vắt đến cạn kiệt để đáp ứng cho nhu cầu
và ham muốn không bao giờ có giới hạn của con người.
Theo quan điểm của
đạo Phật, một chúng sanh chưa giác ngộ giải thoát, bao gồm con người như chúng
ta, thì sự thay hình đổi dạng trong vòng luân hồi vô tận là một quy luật. Quá
trình sống-chết, hợp-tan, đến-đi, lên-xuống trong sáu đường là chuyện ắt như
vậy, nên khi thân người mất đi, nghiệp tái sanh sẽ đưa đẩy chúng sanh ấy tiếp
tục lăn xoay trong sanh tử với hình hài khác. Trong vòng luân chuyển ấy, không
phải chỉ có tiến hóa mà còn có cả thoái hóa, thay hình đổi dạng trong các chủng
loài. Người có thể thành thú và thú có thể thành người. Do vậy, một chúng sanh
nào cũng có thể đã từng, hoặc sẽ là quyến thuộc, người thân quen của mình. Con
đường đi lên chỉ dành cho những chúng sanh hướng thiện và hướng thượng, làm tất
cả các điều lành, xa lìa các điều ác, trong đó việc không giết hại mà một trong
những việc làm để tạo bậc thang đi lên về các cõi lành hơn, yên ổn hơn và có
nhiều hạnh phúc hơn. Theo quan điểm Phật giáo, người sát sanh hại vật là người
tạo nhân xấu không tương ưng với đạo đức của một con người đúng nghĩa. Do vậy,
đức Phật nói người nào làm những điều “dưới ngưỡng con người” chuẩn mực ấy là
đoạn dứt cơ hội tiến hóa của mình, là người tự đào bới gốc rễ của mình ngay tại
đời này (Pháp cú câu 246-247). Trên cơ sở này, Đức Phật dạy, người nào
muốn được an lạc trong tương lai thì đừng nên giết hại bất kỳ một sanh linh
nào:
Chúng sanh cầu an lạc,
Ai dùng trượng hại người,
Để tìm lạc cho mình,
Đời sau không được lạc.
Chúng sanh cầu an lạc,
Không dùng trượng hại người,
Để tìm lạc cho mình,
Đời sau được hưởng lạc. (Pháp
cú 131-132).
Tâm bình đẳng
vốn là hành trang hỗ trợ rất nhiều cho hành giả trên con đường thực hành pháp
và là điều kiện cần thiết để chung sống hòa bình và hòa thuận với mọi người
trong cộng đồng. Với tâm bình đẳng, ta không phân biệt đối đãi, không ganh tỵ
hiềm khích, không căng thẳng so đo, nói chung là không có điều kiện nào để phân
biệt tình yêu. Với bình đẳng, hành giả có thể giữ tâm bình yên trong chánh niệm.
Tâm bình đẳng là cơ sở để thiết lập sự an bình nội tại và là nền tảng cho sự
giác ngộ giải thoát. Do vậy, những cách giúp chúng ta thực hành tâm bình đẳng
đơn giản như không làm tổn hại muôn loài, tại sao ta lại bỏ qua?
Không làm tổn hại mọi loài: nuôi dưỡng tâm từ bi
Đức
Phật chủ trương không giết hại mạng sống, như vậy, khái niệm “mạng sống” cần được
hiểu như thế nào? Có thể bao gồm cả cây cối hay không? Ở đây, đức Phật xác định
rõ đó là mạng sống các loài hữu tình, loài có tri giác, tri thức, biết sợ biết
lo, biết mừng biết vui, biết ham sống sợ chết không khác con người. Với những
loài có tình, có thức, con người mới có thể trên kinh nghiệm bản thân để nghĩ đến,
đối chiếu và dễ dàng cảm nhận sự liên hệ, liên quan và liên đới giữa con người
và con vật. Bản thân ta ham sống, sợ chết. Nhìn ra thế giới quanh ta, người người
đều ham sống, sợ chết. Nhìn sâu một chút, ta thấy con vật cũng không ngoại lệ. Khi
một con cá bị đưa ra khỏi môi trường sống quen thuộc của nó là nước thì nó đoán
biết nguy hiểm đang rập rình và nó cố vẫy vùng như một sự phản đối để nỗ lực bảo
toàn mạng sống của chính mình. Điều này được đức Phật diễn tả trong kinh Pháp cú, câu số 34.
Voi,
khỉ cũng biết hầu cận và cúng dường đức Phật. Trong các bản sớ giải kinh điển,
ta đọc được rằng, vào năm thứ 10 sau khi thành đạo, đức Phật có lần rời tăng
chúng tại Kosambi, một mình đi đến vùng núi rừng Pārileyyaka gần đó tĩnh tu.
Lúc ấy có con voi Pārileyyaka theo hầu Phật chu đáo như một người thị giả thuần
thành, đến mức tìm nước nóng đem về cúng dường cho Phật tắm, vào rừng hái quả về
cúng dường Phật. Cùng với voi Pārileyyaka, còn có con khỉ lấy mật ong về dâng
Phật. Những sự kiện này được ghi nhận trong các bản sớ giải (sớ giải
Kinh Pháp cú, sớ giải Kinh Phật tự thuyết). Vậy con voi và con khỉ này
có khác gì con người đâu! Vì lẽ đó, đức Phật dạy chúng ta nên dùng chính cuộc sống
của mình để suy ra, nghiệm ra những tình cảm và tâm lý con vật không khác con
người, để rồi có sự đối xử trong tinh thần bình đẳng và tôn trọng:
Mọi
người sợ hình phạt,
Mọi
người sợ tử vong.
Lấy
mình làm ví dụ
Không
giết, không bảo giết. (Pháp cú 129)
Mọi
người sợ hình phạt,
Mọi
người thương sống còn;
Lấy
mình làm ví dụ,
Không
giết, không bảo giết.(Pháp cú 130)
Cảm nhận được sự đau đớn, giãy giụa, vẫy vùng của con vật khi cận kề với
cái chết do con người gây ra, chúng ta có thể mở lòng từ bi tha chết cho chúng.
Khi tâm hồn chúng ta trở nên nhạy cảm với nỗi khổ niềm đau của người khác, cho
đến loài vật, tâm thấu cảm, đồng cảm được nuôi dưỡng và tăng trưởng đáng kể. Nhờ
tâm lý mẫn cảm này, trong cuộc sống, ta dễ dàng hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh
của người khác với tâm bao dung, rộng lượng. Như vậy, thoạt nhìn có vẻ như việc
không giết hại và tâm cảm thông, chia sẻ với người khác không liên quan gì,
nhưng thật ra, chúng có liên quan mật thiết nhau. Khi tâm lý thấu cảm, đồng cảm
được nuôi dưỡng và thực hành, tâm thương yêu, bao dung, thông cảm, rộng lượng với
mọi người tăng trưởng như một hệ quả tất yếu. Như vậy, không giết hại còn là một
pháp hỗ trợ cho sự thực hành các thiện pháp khác trong cuộc sống của mình.
Thêm vào đó, trong kinh Phạm võng bồ tát giới dạy rằng “Tất cả nam-tử là cha ta, tất cả nữ-nhân là mẹ
ta. Từ nhiều đời ta đều thác-sanh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sanh trong lục đạo
đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính là giết cha mẹ ta, mà
cũng là giết thân cũ của ta” (HT Thích Trí Tịnh dịch). Ta sát hại một chúng
sanh để lấy thịt ăn, dù mang hình thức là con gì, là loài nào đều có nghĩa ta
đang ăn thịt người thân, ăn thịt quyến thuộc mình. Người nào sống bằng nghề đồ
tể là đang giết bà con xưa nuôi quyến thuộc nay, ân oán chất chồng, hận thù
không dứt, quẩn quanh mãi trong vòng sanh tử luân hồi vô tận mà thôi. Suy gẫm
điều này, người có tâm từ bi thương người, thương vật, thương tâm lành của bản
thân mình mới có thể không giết hại chúng sanh khác trong bất kỳ tình huống
nào. Tâm từ bi là một trong những chất liệu quan trọng nuôi lớn mọi pháp lành trên
con đường hành trì chánh pháp. Những ai muốn đi trên con đường hướng thượng này
thì tập mở rộng lòng từ bằng những việc làm thiết thực nhất, đơn giản nhất
trong cuộc sống với sự không giết hại các loài vật chung sống quanh ta.
Không làm tổn hại mọi loài: biết tiết chế các nhu cầu trong cuộc
sống
Cách mỗi người đối với con vật cũng
không ai giống ai, tùy vào bản tánh, giáo dục và môi trường sống của mỗi người.
Có người khóc khi con cá nhỏ bé chết đi, nhưng cũng lắm kẻ đi xa tít chỉ để
thỏa mãn thú vui câu cá và họ cảm thấy hạnh phúc khi đem về được nhiều con cá
cắn câu. Có người thấy con chim bị thương rơi xuống là đem về ủ ấm, chăm sóc
vết thương cho đến khi nó lành hẳn rồi trả nó về với trời xanh, nhưng có kẻ săn
lùng bắn và bắt chim như một thú tiêu khiển. Có người chăm các con vật như
người thân, coi chúng như là thành viên trong gia đình, trong khi đó, nhiều
người săn bắt, câu trộm, giết hại chỉ để làm món ăn trên bàn tiệc. Mahatma
Gandhi, nhà chính trị chủ trương bất bạo động của Ấn Độ mà ta quen gọi là
“thánh Gandhi” từng phát biểu “sự vĩ đại của một quốc gia và sự tiến bộ về
mặt đạo đức của quốc gia đó được đánh giá dựa trên cách họ đối xử với động vật.”(The greatness of a nation and its moral
progress can be judged by the way its animals are treated). Điều này
không chỉ đúng ở phạm vi quốc gia mà nó hoàn toàn đúng ở phạm vi cá nhân mỗi
con người chúng ta nữa. Tính khí và phẩm cách của con người được bộc lộ khá rõ
qua cách người ấy đối xử với động vật vậy. Những yếu tố này không phải là di
truyền hay bẩm sinh mà phần lớn được hình thành và nuôi dưỡng qua thời gian tùy
vào nhận thức, thái độ sống của mỗi người.
Nhiều
người cho rằng tiết chế tâm ý đủ rồi, cần gì phải tiết chế ăn uống và cách
chúng ta thỏa mãn những nhu cầu cuộc sống của mình. Thật ra, tất cả mọi hành vi
của cơ thể, cử chỉ, lời nói đều do tâm ý chỉ đạo và chi phối. Sự thể hiện của mỗi
cá nhân trong cuộc sống là “đại diện” của tâm ý thông qua các hoạt động trong các
mối liên hệ con người và cách phản ứng với môi trường. Nếu chúng ta biết suy nghĩ, liên hệ với bản thân và tự hỏi, ta có
quyền sống, con vật cũng có tình có thức, biết đau đớn sợ hãi, hẳn chúng cũng
có quyền được sống chứ? Liệu ta có nên nhân danh con người – loài vật cao cấp
có trí khôn và trí nhớ hơn loài vật khác, để tước đoạt quyền sống của chúng hay
không? Nếu biết tôn trọng quyền sống của các loài, chúng ta không nỡ giết chúng
để làm nguồn thức ăn cho mình, dã man lắm! Chúng ta không thể khoác lên người
chiếc áo lông ấm, mang đôi giày da hay chiếc túi xách da để thể hiện “đẳng cấp”
để rồi nhiều con vật khác đánh đổi bằng cả mạng sống của chúng, tàn nhẫn lắm! Giết mạng sống của chúng sanh khác làm thức ăn cho mình là một trong những
việc, đức Phât gọi là không đáng làm mà ta làm (Pháp cú câu 292). Sa đà
vào ăn uống cũng nguy hiểm và tầm thường như đam mê những ham muốn dục lạc thấp
hèn khác.Chỉ những ai biết tiết chế ham muốn, biết làm chủ mình
mà không phải làm nô lệ cho các nhu cầu ăn mặc ở bệnh tầm thường, sẽ biết trải
lòng thương yêu đến các loài vật. Đức Phật từng khuyến Người giết hại sanh
mạng là bị tâm tham, sân và si chi phối (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VII, kinh
số 65). Hệ thống giới luật của nhà Phật sẽ hỗ trợ cho người thực
hành chánh pháp sống trong phạm vi an toàn của cuộc sống thiện lành. Đức Phật dạy:
Không phỉ báng, phá hoại,
Hộ trì giới căn bản,
Ăn uống có tiết độ,
Sàng tọa chỗ nhàn tịnh
Chuyên chú tăng thượng tâm,
Chính lời chư Phật dạy (Pháp
cú 185).
Người biết tiết chế những
nhu cầu của mình sẽ biết cuộc sống này là của chung và chúng ta phải có trách
nhiệm bảo vệ, xây dựng chứ không phá hoại. Giết hại các loài vật là phá vỡ sự
cân bằng sinh thái mà lẽ ra, là con người với trí khôn và hiểu biết cao hơn
loài vật, ta phải đi tiên phong trong việc bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường
sống và bảo vệ các loài chung sống.
Không làm tổn hại mọi loài: không nuôi thân bất chấp nhân quả
Đức Phật chưa bao
giờ nói rằng chúng ta nên cung phụng thân này, tô trét nó bằng vật chất trần gian
vì Ngài đã trải nghiệm tất cả những lạc thú này và Ngài thấy chúng tầm thường,
đọa lạc, ngăn ngại và không đem lại bất cứ lợi ích nào trên con đường tu tập
tâm linh. Mặc dù vậy, đức Phật cũng không khuyên chúng ta nên hủy hoại thân
này, hoặc không đáp ứng những nhu cầu chính yếu của thân, đì đọt thân xác một
cách vô ích và không cần thiết. Ngài chỉ nhấn mạnh rằng thân này là vô thường, giả
hợp, có tính cấu thành nên rất mong manh, chúng ta nên quan tâm đến đức hạnh
nhiều hơn là nuôi dưỡng cái thân tạm bợ này. Do vậy, giết mạng sinh vật để nuôi
thân này, để hưởng thụ cho thỏa mãn đam mê ăn uống, mong kéo dài mạng sống,
mong được mạnh khỏe để rồi tạo nên bao hệ lụy mà một sự đánh đổi không xứng
đáng. Về thực tế, chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh rằng người ăn
thịt động vật khỏe hơn người ăn rau củ quả cả. Về tương quan nhân quả thì đây
là một việc làm vô lý khi đoạn mạng sống của chúng sanh khác để mong thân mình
có sức khỏe và kéo dài tuổi thọ là điều trái ngược với quy luật. Thân này cũng
không đáng để đánh đổi bằng mọi giá, kể cả đạo đức, nhân quả để đắp bồi cho nó
những lạc thú tạm bợ mà đem lại đau khổ lâu dài.
Trong kinh
đức Phật nhắc chúng ta, thân này tuy đẹp đẽ, dễ nhìn bên ngoài là vậy, nhưng nó
giả tạm, là một túi bất tịnh, luôn chịu sự chi phối của sanh già bệnh chết.
Thân này chẳng khác nào chiếc bong bóng, bên ngoài thì xinh xắn, nhưng đó chỉ
là cái vỏ bọc của nhiều thứ ô uế, vết thương, bệnh hoạn bên trong, nên không
cần phải quá nâng niu, chìu chuộng, cung phụng nó mà bất chấp tội lỗi, nhân quả
bất thiện, tội lỗi, làm tổn thương tâm lành của mình:
Hãy xem bong bóng đẹp,
Chỗ chất chứa vết thương,
Bệnh hoạn nhiều suy tư,
Thật không gì trường cửu.
Sắc này bị suy già,
Ổ tật bệnh, mỏng manh,
Nhóm bất tịnh, đỗ vỡ,
Chết chấm dứt mạng sống. (Pháp cú 147-148)
Thành này làm bằng xương,
Quét tô bằng thịt máu,
Ở đây già và chết,
Mạn, lừa đảo chất chứa. (Pháp cú 150)
Một khi ý thức ăn là
điều cần thiết để duy trì mạng sống, ta không tìm cầu, không đòi hỏi, không
nhất thiết phải giết mạng sinh vật khác để có cái ăn. Đức Phật từng đưa ra một
hình ảnh rất sinh động rằng, có hai vợ chồng nọ đem theo một ít
lương thực đi qua một quãng đường hoang dã cùng với một đứa con dễ thương mà họ
hết lòng yêu mến. Trải qua thời gian, số lương thực ít ỏi ấy trở nên ít dần và
hết sạch, mà đoạn đường hoang vu còn khá dài phía trước. Cả ba người đều có
nguy cơ bị chết đói. Để giải quyết tình huống gay cấn này, họ đành lòng giết đi
đứa con họ hết mực yêu thương ấy, làm thành thịt khô và thịt ướp, để đủ sức vượt
qua chặng đường hoang vu còn lại này. Họ vừa ăn thịt con, vừa đau khổ, quyết
chí vượt qua con đường khó khăn hoang vu ấy. Họ ăn thịt con không phải để vui
chơi, không phải để tham đắm, không phải để trang sức, không phải để béo tốt,
mà để có sức khỏe đủ để làm việc cần làm. Rồi đức Phật dạy các tỳ kheo thọ dụng
thức ăn, dù là thức ăn chay thanh tịnh, cũng trong ý niệm đó: để thân này đủ khỏe
mà duy trì đời sống phạm hạnh, đoạn trừ tham ái để kết thành quả giải thoát (Tương
ưng bộ kinh, tập II, chương I, phẩm VII, kinh số 3: Thịt đứa con).
Vẫn biết
rằng trong cuộc sống cộng sinh này, ta không thể nào tránh hoàn toàn việc không
làm tổn hại đến mạng sống các chúng sanh khác. Ví dụ rau củ quả chúng ta ăn
được bón phân làm từ xương cá. Các loại thuốc có chức năng như thực phẩm chức
năng như glucosamine được làm từ sụn vi cá mập, dầu cá omega3, một số thuốc có
thành tố calcium làm từ vỏ sò điệp. Các loại thuốc trước khi được đưa ra sử
dụng đại trà cho con người, thường được đã từng thí nghiệm và thử nghiệm trên
động vật và với việc làm này, nhiều động vật đã chết để phục vụ cho nghiên cứu y
họ,… Hoặc vi tế hơn, những sản phẩm thuần túy không có nguồn gốc động vật như
rau củ quả được sản xuất bởi những người ăn thịt, cá… liệu ta có gián tiếp gây
tổn hại đến mạng sống chúng sanh không? Điều này muốn nói rằng, ở mức độ tuyệt
đối, khởi tâm, khởi thân đã là gây ảnh hưởng, tổn hại đến mạng sống chúng sanh.
Vừa thức dậy bước xuống giường là đã có thể giẫm đạp những chúng sanh nhỏ bé và
lấy đi mạng sống nhỏ nhít của chúng là điều không thể tránh khỏi. Uống nước dù
có lọc rồi vẫn còn những vi sinh vật đó thôi. Do vậy, những gì tránh được, ta
nỗ lực tránh để giảm thiểu đến mức thấp nhất sự tổn hại này. Cách tốt nhất
chúng ta có thể nuôi dưỡng tâm lành của mình là chủ động tránh gây tổn hại mạng
sống chúng bằng việc giết các loài khác làm thức ăn cho mình. Nguồn thức ăn
thực vật phong phú, chúng ta có thể thay đổi chế độ dinh dưỡng của mình mà vẫn
đảm bảo sức khỏe đó thôi. Tại sao ta không chọn cách ăn thanh cao ấy, vừa thể
hiện văn hóa ăn uống đượm tính từ bi, bình đẳng vừa tránh gây oan nghiệp trong
tương lai?
Không làm tổn hại mọi loài: lợi ích lớn, công đức lớn
Thời đức Phật,
từ vua chí dân, ai có khả năng tổ chức tế đàn đều thực hiện nghi lễ này để mong
mình được nhiều lợi ích, kết quả và công đức từ việc làm này. Kinh Kutadanta, Trường bộ kinh số 5,
kể lại việc đức Phật giảng cho bà la môn Kutadanta cách tổ chức tế
đàn có lợi ích lớn, kết quả lớn, đó là tế đàn không giết hại bất
cứ sinh mạng nào để tế lễ, không chặt cây làm trụ làm giàn tế,
không cắt cỏ để phục vụ cho đàn tế, không la rầy, dọa nạt, quát
tháo người làm chuẩn bị cho tế đàn. Bà la môn hỏi có tế đàn nào
đơn giản hơn mà đem lại lợi ích lớn, kết quả lớn, đức Phật nói có
tế đàn quy y tam bảo, sống đời đạo đức theo năm giới, bố thí, thực
hành pháp, chứng các tầng thiền.
Khi hiểu lời
Phật dạy, bà la môn Kutadanta trả tự do và sự sống cho bảy trăm con bò đực, bảy
trăm con bò cái, bảy trăm con dê và bảy trăm con cừu. Mong chúng được ăn cỏ
xanh và uống nước mát, mong chúng được hưởng gió mát, trở về với cuộc sống tự
nhiên vốn có của chúng. Ở một số bài kinh khác, đức Phật cũng nhấn mạnh đến các
yếu tố thực hành chánh pháp với người làm tế đàn để được lợi ích lớn. Ngài nói rằng,
tại tế đàn nào mà không có trâu bò bị giết, không có các loại dê bị giết, không
có gà heo bị giết, không có các loại sanh vật khác bị giết, và những ai tham dự
tế đàn ấy là những vị có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh
mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, tế đàn ấy đem lại quả báo lớn, lợi
ích lớn, danh tiếng lớn, được quảng bá rộng lớn” (Kinh Tệ Túc, số 23 Trường bộ kinh ; Tương ưng bộ kinh, tập I,
chương III, phẩm I, kinh số 9 : Tế đàn’ Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm
IV, kinh số 39, kinh số 40 ; chương VII, phẩm V, kinh số 44: Lửa).
Nếu người nào tổ chức tế đàn mà giết các loài vật, chặt cây phá có, hành khổ
người làm công phục vụ cho tế đàn thì đức Phật gọi đó là hạng người
vừa tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, hành khổ cả hai (Kinh Kandaraka, Trung bộ kinh 51;
kinh số 60: Kinh Không gì chuyển hướng; tăng chi, chương IV, phẩm XX, kinh số
198).
Ngài khẳng
định đã là người xuất gia, hành trì các học giới và sống theo hạnh của người tỳ
kheo, nhất thiết phải từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết
xấu hổ, sợ hãi, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và
loài hữu tình (Kinh Kandaraka, Trung bộ kinh 51). Bằng tuệ nhãn của một bậc
giác ngộ, đức Phật đã khuyến cáo các đệ tử Ngài một sự thật rằng, giết hại là
nguyên nhân khiến con người thêm tính khí hung hăng, xem nhau như cầm thú, thích
sử dụng bạo lực hành hạ nhau, tuổi thọ vì đó mà giảm dần. Khi con người ý thức
được sự đau khổ do giết hại gây nên, không tạo nhân bất thiện nữa mà chỉ tạo
nhân thiện, tuổi thọ bắt đầu tăng trở lại (Kinh
Chuyển luân thánh vương sư tử hống, Trường bộ kinh số 25).
Đức Phật
nêu rõ ràng quan điểm của Ngài rằng, người nào vì đức Phật, hay nhân danh vì đệ
tử Ngài mà giết hại sinh vật, người ấy chất chứa nhiều phi công đức do năm
nguyên nhân: (1) bảo đem con vật bị giết đến, (2) khi dắt đi, khiến cho con vật
sợ hãi, khổ đau, (3) bảo giết con vật ấy, (4) trước khi bị giết, con vật sợ hãi
khổ đau và (5) dùng thịt con vật bị giết này cúng dường đức Phật và tăng chúng
(Kinh
Jivaka, Trung bộ kinh 55). Điều
này được tái khẳng định trong một bài kinh khác rằng “tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu
hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn, hay khiến người gây phiền muộn, gây áo
não hay khiến người gây áo não, tự mình gây sợ hãi hay khiến người gây sợ hãi… là việc làm không có công đức” (Kinh
Sandaka, trung bộ kinh số 76).
Như vậy,
không phải tổ chức các nghi lễ tôn giáo rườm rà, tốn kém và sát sanh hại vật để
cúng tế là cách làm lợi ích và tạo công đức. Đức Phật khẳng định chỉ những ai
nương tựa ba ngôi báu, thực hành chánh pháp trong cuộc sống của mình, làm tất cả
các thiện sự mới có thể đem lại lợi ích lớn, công đức lớn vậy.
Không làm tổn hại mọi loài: đem lại an lạc, hạnh phúc hiện tại
và tương lai
Ai
trong chúng ta cũng đều chấp nhận rằng khi giết hại mạng sống chúng sanh khác
là ta đang mang đến cho chúng sự đau khổ tột cùng, sự sợ hãi ghê gớm và nỗi bất
an không thể nào lớn hơn.Nỗi sợ hãi và bất an lớn nhất ở con người chúng ta là
sợ chết, sợ không giữ được mạng sống của mình, con vật cũng tương tự như vậy.
Điều này đã được đức Phật khẳng định trong nội dung câu pháp cú số 129 đã trình bày ở trên, rằng không giết hại sinh vật
khác là một việc làm đem lại nhiều ý nghĩa cho con vật ấy và cho bản thân mình.
Đây là lúc chúng ta cho con vật ấy một cơ hội quý giá nhất đời: cơ hội kéo dài
mạng sống. Đồng thời ta cũng tự tưởng thưởng cho mình một cơ hội để nuôi dưỡng
đạo đức làm người. Đừng nghĩ rằng không có sự liên quan nào giữa việc giết hại
mạng sống loài vật với đạo đức con người. Khi ra tay giết hại một con vật, ta
đang gieo thêm và tưới tẩm hạt giống bạo động vốn có trong tâm thức mình. Cứ tạo
môi trường thích hợp như thế, hạt giống bạo lực, giết hại này được nuôi dưỡng càng
lớn mạnh thêm lên. Khi gặp tình huống, chúng trỗi dậy và lúc ấy, nó không cần
phân biệt đối tượng là người hay vật, nhất là khi sự hận thù, ganh ghen, bực tức
được châm ngòi và xông mờ con mắt lý trí thì tất nhiên, đau khổ sầu muộn liền
có mặt. Nếu làm chủ thân và tâm, không giết hại sinh mạng, ta được lợi ích hiện
tại và tương lai. Đây là nội dung lời dạy của đức Phật:
Bậc
hiền không hại ai,
Thân
thường được chế ngự,
Đạt
được cảnh bất tử,
Đến
đây, không ưu sầu (Pháp cú 225).
Không chỉ đức Phật khuyên dạy chúng ta không giết hại sẽ được an vui hạnh
phúc, mà Pythagoras, nhà hiền triết phương Tây đương thời với đức Phật cũng từng
phát biểu “Khi con người thảm sát động vật,
nghĩa là họ đang giết hại lẫn nhau. Ai gieo chết chóc và đau khổ thì không thể
gặt hái niềm vui và tình yêu” (For as long as men massacre animals, they
will kill each other. Indeed, he who sows the seed of murder and pain cannot
reap joy and love). Vua Asoka khi thay đổi từ một con người cực ác đến con người
thuần thiện hộ trì Phật pháp rồi thì trong nhà bếp của triều đình không hề có
con vật nào bị giết để làm thức ăn cho
vua là một điển hình.
Đoạt mạng sống của sanh linh khác để tìm cầu hạnh phúc sẽ không bao giờ
được thành tựu vì gieo nhân không hạnh phúc, không bình an thì làm gì có quả hạnh
phúc và bình an? Người giết hại sinh mạng tự mình mở ra con đường đen tối, bất
hạnh, nhiều đau khổ, “cứ tìm những chốn
đoạn trường mà đi” là điều tất nhiên theo luật nhân quả. Đức Phật khẳng định,
không có chuyện một người đồ tể, sau khi giết các con bò, rồi đi bán; tạo
nghiệp như vậy mà người ấy được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe,
được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa các tài sản lớn hay tài sản chất
đống” (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm II, kinh số
18).
Đức Phật
còn kể lại, Ngài từng chứng kiến, có lần Ngài đi từ núi Gijjhakūta (Linh Thứu)
xuống, Ngài thấy một người, Ngài mô tả đó là “một đống thịt đang di chuyển giữa
hư không”. Một bầy các con kên kên, quạ, chim ưng đuổi theo người ấy, cắn mổ, cắn
xé, và người ấy kêu thét kêu đau đớn, rồi bị đao kiếm rơi đâm vào người gây đau
đớn. Khi các đệ tử thắc mắc, đức Phật nói đó là người đồ tể giết trâu bò, giết
dê, giết heo (Tương ưng bộ kinh, tập II, chương VII, phẩm I, kinh số 2, số 4, số 5: Đồ
tể giết trâu bò, giết dê, giết heo). Người gây đau khổ cho kẻ khác, dù
đó là người hay vật, sẽ không bao giờ được an vui hạnh phúc trong hiện tại cũng
như ở tương lai.
Hại chúng
sanh khác mà mong mình được lợi, gây đau khổ cho người và vật để thỏa mãn dục vọng
mà muốn mình bình an hạnh phúc là hão huyền trên mây khói, chẳng khác nào nấu
cát mà mong thành cơm là điều muôn đời không thể!
Thay lời kết: Không làm tổn hại mọi loài – làm người
cao quý
Với
nhiều lợi ích của việc không giết hại như vừa trình bày, chúng ta hãy khôn
ngoan chọn cho mình một cách hành xử với cuộc sống này một cách sáng suốt và đầy
tình thương yêu để đằng sau những năm tháng đi trên cuộc đời, ta để lại những dấu
ấn tốt đẹp nhất, đồng thời có tư lương cao quý để làm hành trang trên chặng đường
tiếp theo. Hãy làm người cao quý nhất trong tất cả các loài sinh vật để xứng
danh là “tối thượng trong các loài”. Nhiều người lầm tưởng mình có địa vị cao
quý hơn các loài khác, thật ra không phải vậy. Do đặc trưng của mỗi loài mà có
sự sai khác đó thôi. Chim có thể bay chứ con người thì không. Cá có thể thở
trong nước chứ con người thì không thể. Tai chó thính hơn tai người là điều
không thể chối cãi. Mắt dơi nhìn màn đêm tinh tường hơn mắt người là điều không
thể phủ nhận. Sự phân công lao động ở con người chưa chắc tốt hơn con ong, đây
là một thực tế. Tính tổ chức, ý thức tự giác, lo xa, kiên nhẫn và bền bỉ nhiều
khi con người cần phải học từ loài kiến bé nhỏ đấy thôi. Do đó, con người khác
động vật là con người có lý trí để lý giải vấn đề và theo đó, chỉ đạo hành động
của mình, còn động vật thì không. Ngoài phương diện này, hầu hết con người và động
vật giống nhau, kể cả suy nghĩ, tình cảm, các thuộc tính tâm lý như vui mừng,
lo sợ… khác nhau chăng là ở mức độ (khác chứ không hẳn là kém hơn) trong mỗi
phương diện cụ thể mà thôi. Trên cơ sở này, tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã rất
hợp lý khi yêu cầu rằng “việc sử dụng động
vật phải được gắn liền với trách nhiệm đạo đức để đảm bảo quyền lợi của động vật
đó đạt tới mức cao nhất có thể được” (The use of animals carries with it an
ethical responsibility to ensure the welfare of such animals to the greatest
extent practicable) (Bộ luật quốc tế về thú y, 2006).
Đã
là con người thì ai cũng muốn sống, không muốn chết, và con vật nào cũng vậy chứ
không chỉ con người mới có cảm giác này. Khi con muỗi chích ta, ta khua nhẹ nó
đã bay vút ra xa để cố gắng bảo toàn mạng sống. Con vật nào trước giờ bị giết đều
vẫy vùng dù trong vô vọng để mong thoát chết. Khi hiểu ra điều này, con người
không có một đặc quyền nào hơn các loài vật khác trong vũ trụ. Do vậy, cần tôn
trọng mạng sống của muôn loài là một lẽ công bằng cần thiết được đức Phật nhấn
mạnh trong rất nhiều bài giảng của Ngài. Với đức Phật, người cao quý không phải
là người xuất thân từ dòng dõi được trọng vọng trong xã hội, theo quan điểm
truyền thống là có huyết thống bảy đời cha mẹ thanh tịnh, mà là người sống phạm
hạnh, đạo đức, tâm an tịnh, không sát hại mọi sanh linh, không sai khiến hay
khuyến khích người khác giết hại. Những người như vậy được gọi bằng những từ
cao quý như sa môn, khất sĩ (Pháp cú câu 142) hay bà la môn:
Bỏ gậy đối chúng sanh,
Kẻ yếu cùng kẻ mạnh,
Không giết, không hại ai,
Kẻ ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn. (Trung bộ
kinh 96: Kinh Vasettha;Pháp cú câu 405)
Giết hại là biểu hiện của tàn bạo, của độc ác và bạo lực, và là nguồn gốc
của mọi xung đột và chiến tranh trong xã hội. Do vậy, không giết hại là một
trong những tiêu chí của người cao quý đượm nhuần từ bi và trí tuệ, đáng trân
trọng và tán thán. Người cao quý là người biết sống chung tay xây dựng một xã hội
an hòa được bao phủ bằng trí sáng soi và tình thương yêu vô điều kiện, tôn trọng
và công bằng với tất cả, không chỉ với con người mà còn với vạn loại chúng
sanh. Đây chính là tôn chỉ lời Phật dạy và là mơ ước cho xã hội lý tưởng mà ai
ai cũng mong được thiết lập trên cõi đời này: đau khổ chấm dứt không chỉ với
con người mà còn với vạn loại sanh linh.