Tuesday, January 5, 2016

ĐẠO VĂN

 Ban ngày cho người chân thật, ban đêm cho kẻ trộm (Euripides)
Đạo văn là một hiện tượng ngày càng phổ biến trong trường học vì sinh viên  có thể tìm thấy đây là cách nhanh nhất, dễ dàng nhất để có bài tiểu luận nộp cho giáo viên đúng kỳ hạn. Nhiều sinh viên cảm thấy yêu cầu làm bài tiểu luận quá nhiều, quá áp lực với một thời lượng hạn chế, nên cứ thế, chép và dán là cách để đối phó với yêu cầu của khóa học. 
Hơn bao giờ hết, sinh viên cần ý thức hơn rằng, việc hoàn thành những bài luận, đạt điểm tốt là cần thiết, nhưng trưng dẫn nguồn tham khảo và trích dẫn từ những tài liệu có giá trị và uy tín còn cần thiết hơn (Harris, 2001). Nhiều giáo viên đã lên tiếng khuyến khích sinh viên ý thức về tầm quan trọng của thành thực trong nghiên cứu, cần tôn trọng và thành thật trong quá trình sử dụng những công trình nghiên cứu của người đi trước mà mình sử dụng lại (Bellack, 2004).
Một số công trình nghiên cứu về đạo văn đã được thực hiện. Kết quả ghi nhận rằng, nhiều sinh viên không hiểu rằng sử dụng tài liệu của người khác là đạo văn (Hyland, 2001; Harris, 2001; Sowden, 2005). Một số nghiên cứu khác ghi nhận sinh viên nước ngoài hoặc sinh viên có nguồn gốc nước ngoài, khi không thông thạo ngoại ngữ, không tự diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ của tự mình, có xu hướng đạo văn khi tình thế bắt buộc (Sowden, 2005; Hyland, 2001).
Tự điển Concise Oxford Dictionary định nghĩa “đạo văn” là “lấy và sử dụng những ý tưởng, tác phẩm, các phát minh sáng chế… của người khác như thể đó là của mình. (Fowler & Fowler, 1964, tr.926).
Theo các nhà nghiên cứu Park (2003), Willen ( 2004), đạo văn không phải là một hiện tượng mới ở môi trường đại học. “Nhiều giảng viên đại học nhận ra rằng các bài tiểu luận mà học sinh nộp chứa nhiều nội dung “sao chép và dán” (copy and paste)  (Harris, 2001).
Harris phát biểu rằng, “đạo văn là không ghi nguồn tài liệu một cách rõ ràng đầy đủ. Đạo văn là khi một người nào đó mạo nhận một ý tưởng nào đó là của mình mà thật ra, anh ta/ cô ta lấy từ một nguồn khác. Như vậy là sai, ngay cả khi người ấy “xào nấu” ý tưởng ấy trở lại bằng ngôn ngữ của mình. Một trong những mục đích của giáo dục là giúp cho người học biết cách sử dụng các ý tưởng của người khác với sự ghi nhận cần thiết. Khi sử dụng một ý tưởng chúng ta nhặt được từ sách, từ một trang mạng, từ bài tiểu luận của người bạn học, hay bất kỳ một nguồn nào, dù trích nguyên văn hay diễn đạt lại theo cách viết của mình, chúng ta cần ghi nhận cụ thể, chính xác, đầy đủ nguồn mà ta lấy ý tưởng đó” (Harris, 2001).
Theo Park (2005) “Đạo văn là khái niệm thường được dùng để chỉ cho việc ăn cắp ngôn ngữ cũng như ý tưởng vốn không thuộc kiến thức thông thường.” Những sinh viên đạo văn vì thái độ cá nhân, như không biết đó là điều không được phép, không ghi chú nguồn cẩn thận khi lấy ý tưởng, để tiết kiệm thời gian, để bài luận mình hay, không cưỡng lại với việc dùng ý tưởng sẵn có mà không cần động não và thiếu kỹ năng diễn đạt(Harris, 2001; Park, 2003).
Trong thực tế, đạo văn có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức.  Giáo sư Brian Martin (Đại học Wollongong, Úc) từng viết nhiều bài về vấn đề này.  Trong bài viết “Plagiarism Struggles”, ông liệt kê một loạt hình thức đạo văn, mà tôi trích dịch và diễn giải thêm cho rõ, trình bày ở đây:
Bureaucratic plagiarism (đạo văn quan quyền) là loại đạo văn thường hay thấy trong giới chính trị gia và những người có quyền cao chức trọng, những người này có người soạn diễn văn cho mình, rồi lấy đó như là tác phẩm của mình. Đây có thể xem là loại đạo văn mặc nhiên được chấp nhận và ai cũng biết. Ở mức độ tương đối và theo quy ước xã hội, một cách đương nhiên, không một vị lãnh đạo nào không có người soạn diễn văn cho. Thậm chí các nguyên thủ quốc gia và các nhà chính trị gia lớn có cả một tập thể được tuyển chọn kỹ càng để đảm nhận công việc này.  Trên thực tế, hầu như không ai xem đây là hình thức đạo văn cả vì nó đương nhiên phải vậy, nhưng trên phương diện học thuật, khi ý tưởng và ngôn ngữ không phải do chính nhà chính khách ấy viết ra thì vẫn phải xếp vào “đạo văn” vậy.
Competitive plagiarism (đạo văn cạnh tranh) thường hay thấy trong giới sinh viên hay những người không có quyền thế, những người này lấy ý tưởng người khác nhằm vào mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp và được điểm hạng tốt trong học tập. Những trường hợp sinh viên đạo văn để có một luận án tốt nghiệp là một ví dụ tiêu biểu. Trường hợp này ngày càng nhiều trong các trường học, khi các thông tin được đăng tải trên các trang mạng internet ngày càng nhiều. Xu hướng  sử dụng quy trình “search- copy-paste” trở thành thao tác quen thuộc của sinh viên mà  không cần phải động não. Nhiều sinh viên còn cho rằng, việc tìm ra nguồn tài liệu, biết chọn những thông tin, dữ liệu phù hợp và biết “xào nấu” là cả một vấn đề nỗ lực đáng trân trọng, một sự lao động “vất vả” lắm rồi!
Cryptomnesia (đạo văn ký ức) là loại đạo văn mà đương sự nhớ đến câu văn hay ý tưởng của người khác nhưng không nhớ người đó là ai, rồi dùng những dữ liệu đó như là tác phẩm của chính mình.  Đây là hình thức đạo văn không cố ý (unintentional plagiarism). Loại đạo văn này phần lớn là sản phẩm của văn hóa, phổ biến nhiều ở các nước phương đông, nhất là Trung Quốc và Việt Nam. Học sinh, sinh viên ở các nước này từ bé được thầy cô giáo và cha mẹ khuyến khích học thuộc lời hay ý đẹp, lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Do thuộc sẵn, học sinh, sinh viên có xu hướng dùng lại những câu danh ngôn của các bậc tiền bối chứa đựng nhiều triết lý sống đẹp khi có nhu cầu. Đây cũng là sản phẩm của một nền giáo dục khuyến khích học thuộc lòng như ở Việt Nam. Trong nhiều bài viết, tôi thấy “cổ đức dạy rằng…”, “Lời xưa nói…”, “Có lời thơ rằng…”, “Có người viết rằng…” mà sau nội dung ấy chẳng ghi nguồn tham khảo gì cả.
Ghostwriting (tác phẩm ma).  “Tác giả ma” ở đây là một thuật ngữ dùng để chỉ những người không đứng tên tác giả của các tác phẩm do chính họ tạo ra; thay vào đó, đứng tên tác giả là những người khác, do sự thỏa thuận giữa đôi bên trên cơ sở trách nhiệm và quyền lợi theo một cách nào đó. Do đó, tác phẩm ma là tác phẩm của tác giả ma. Nói cách khác, người đứng tên tác giả không phải là người viết ra tác phẩm đó, vì một lý do nào đó, đôi khi rất tế nhị. 
Gift authorship hay honorary authorship Hiện tượng gift author là trong đó các nhà khoa học cho tên của đồng nghiệp hay cấp trên của mình vào danh sách tác giả dù người này chẳng biết hay chẳng dính dáng gì đến công trình nghiên cứu. Hiện tượng gift author khá phổ biến trong khoa học,  nhất là ở những xã hội còn nhiều cả nể. Ví dụ, công trình nghiên cứu của một nhóm sinh viên thực hiện, nhưng khi công bố thì không thể thiếu tên của một vài vị thầy. Khi làm như vậy, nhóm sinh viên ấy cũng hoàn toàn hài lòng mà không hề “ấm ức” vì thiếu công bằng, vì đó là thầy mình mà! Hơn nữa, họ ngầm hiểu và thỏa thuận theo kiểu “ông thần cậy cây đa, cây đa cậy ông thần” khi công trình nghiên cứu của nhóm sinh viên này mượn danh Thầy mình để gây sự chú ý và tiếng vang. Thôi thì ‘win-win situation” mà, nên cũng không mấy ai xem đây là đạo văn.
Patchwriting là cách copy một văn bản từ nguồn khác, cắt bỏ và thêm vài chữ, thay đổi cấu trúc câu văn và mạo nhận đây là của mình. Hiện tượng này ngày càng phổ biến trong trường học. Nếu thầy cô giáo lười lao động, làm việc không nghiêm túc, dễ dàng chấp nhận những bài luận sinh viên nộp lên trong đó, phần lớn nội dung là “luộc, xào, nấu” từ tài sản trí tuệ của người khác là gián tiếp khuyến khích các em đối phó với việc  học bằng cách này. Kết quả là chất lượng đầu ra kém cỏi, khả năng làm việc độc lập, sáng tạo rất hạn chế, phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề yếu kém, kỹ năng lập luận yếu, cách trình bày vấn đề không rõ ràng.
Self-plagiarism (tự đạo văn) là cách trình bày nghiên cứu trước của mình như là một nghiên cứu mới. Nói cách khác, tác giả trích câu văn và dữ liệu trước của chính mình đã công bố mà không ghi nguồn, làm như là dữ liệu mới. Nhiều sinh viên không nghĩ như thế này là đạo văn. Các bạn cứ hiểu rằng, ý tưởng, ngôn ngữ này là của mình kia mà! Câu chữ, ý của mình thì mình dùng, có dùng của ai khác đâu mà gọi là “ăn cắp” chứ! Thật ra, trên nguyên tắc học thuật, khi một tài liệu đã được công bố, nó trở thành nguồn tài sản trí tuệ cho tất cả mọi người cùng tham khảo. Bản thân ta, muốn lấy lại một hoặc nhiều ý để dùng lại với mục đích riêng của mình, cũng phải ghi nguồn rõ ràng.
Supervisory ghostwriting là những trường hợp mà người hướng dẫn nghiên cứu sử dụng dữ liệu và câu chữ của nghiên cứu sinh dưới quyền của mình mà không ghi nguồn. Đây cũng là một hiện tượng nhức nhối không kém với lối đạo văn Patchwriting vừa trình bày ở trên. Trong khi Patchwriting là tệ nạn trong giới sinh viên thì Supervisory ghostwriting là tệ nạn của giáo viên thiếu tự trọng và thiếu tôn trọng học trò của mình. Khi còn làm nghiên cứu sinh, chúng tôi cũng từng là nạn nhân của hình thức đạo văn này. Biết người hướng dẫn nghiên cứu mình sử dụng một phần nghiên cứu (chưa công bố) của mình, nhưng không ai dám lên tiếng, vì chúng tôi thường đùa với nhau rằng “muốn hoàn thành luận văn, không được làm phật lòng người hướng dẫn nghiên cứu”!
Plagiarism of secondary sources là “lấy lại từ nguồn khác (nguồn tham khảo phụ) và trình bày lại như thể mình tìm về nguồn chính”  (Martin 1984). Nghĩa là người viết lấy trích dẫn và liệt kê các nguồn tài liệu tham khảo là bản gốc, nhưng trên thực tếbản thân người ấy không đọc nguồn tham khảo chính mà chỉ tham khảo các nguồn tài liệu phụ. Đây là hình thức đạo văn khá phổ biến đối với nhiều người cầm bút thiếu đạo đức nghiên cứu. Ví dụ trong một bài viết về Tứ vô lượng tâm, Ayya Khema có đề cập đến nội dung rằng, một người giữ voi thưa với Đức Phật: khi con voi có khuynh hướng hành động, suy nghĩ thế nào còn dễ hiểu hơn là hiểu con người, Đức Phật đồng tình, vì con voi đi trong rừng rậm, còn con người đi trong rừng tâm tưởng. Ayya Khema ghi nguồn là trích từ bài kinh Kandaraka, Trung bộ kinh số 51. Một người nhặt được ý tưởng này, ghi rằng, trong bài kinh Kandaraka, Đức Phật dạy rằng hiểu con vật dễ hơn con người, vì con vật đi trong rừng rậm, con người đi trong rừng tâm tưởng. Sau khi trưng dẫn nội dung trên, người ấy ghi nguồn là “Trung bộ kinh, số 51: kinh Kandaraka” mà không hề đọc bài kinh này trong kinh Trung bộ.
Đa dạng đạo văn là vậy, chúng ta cũng nên biết qua để tránh làm người đạo văn. Trong học thuật và nghiên cứu, hãy làm người tử tế, có đạo đức nghiên cứu, làm việc nghiêm túc, biết trân trọng và sử dụng với lòng biết ơn những công trình nghiên cứu của người đi trước bằng cách GHI NGUỒN RÕ RÀNG, CỤ THỂ KHI TRÍCH DẪN!