Nguyên
tác: Phang Cheng Kar
Người
dịch: Liên Trí (Hằng Như)
Lời người dịch
Tập sách này không dành cho
các độc giả có phước thừa về sức khỏe: chỉ cảm xoàng vài hôm rồi khỏi và chưa
trải nghiệm cái đau của thân kéo theo cái khổ của tâm. Tập sách này cũng không
dành cho những độc giả đang tìm kiếm tri thức cao sâu về Phật giáo hay kiến thức
chuyên môn về Y học. Những gì chứa đựng trong tập sách này là những lời chia sẻ
rất mộc mạc so với giáo lý cao thâm của nhà Phật và kỹ nghệ tiên tiến của Y học
hiện nay. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là tôi tin bạn sẽ tìm thấy giá trị ứng
dụng thực tế rất lớn trong tập sách này, cụ thể là biết được một số kỹ năng sống
với bệnh để làm vơi đi (hay ít ra cũng không làm tăng thêm) nỗi khổ niềm đau do
bệnh gây nên.
Tôi đã một lần bệnh chí tử
và Thầy tôi đã từng đem bài Kệ Thị Tịch của Thiền Sư Mãn Giác giảng cho tôi hiểu
vô thường của cuộc sống để rồi lỡ “chia tay” sớm, tôi còn có chút tư lương để
đi tiếp mà tâm lý không quá lưu luyến những gì mình không thể níu kéo. Thoát chết
lần ấy, tôi lại mang chứng bệnh khác và “nó” đã theo tôi suốt, ngày cũng như
đêm, trong nhiều năm qua. Tôi đã sống chung với bệnh mãn tính hơn 15 năm rồi. Và
lần này, chứng kiến tường tận một người thân đương đầu với cơn bạo bệnh, tôi
càng thấm thía nỗi đau do bệnh gây nên. Trong khi chăm sóc người bệnh đang
được điều trị tại Bệnh Viện Đa Khoa Huế, tôi tình cờ đọc được tập sách Don’t
Worry, Be Healthy của Bác sĩ Phang Cheng Kar, người Malaysia. Nhờ những
kinh nghiệm cá nhân này, tôi lập tức nhận ra giá trị của những lời chia sẻ và
hướng dẫn rất đơn giản mà hiệu nghiệm được Bác sĩ Phang Cheng Kar sưu tập và
biên soạn trong tập sách này. Trong lúc bản thân mang bệnh mãn tính và đang
nuôi người thân mắc bệnh nan y, tôi như đang đi giữa đường hầm và khi đọc cuốn
sách này, ánh sáng nơi cuối đường hầm đã xuất hiện.
Những câu chuyện với các bệnh
nhân, với y bác sĩ ở Bệnh viện Huế trong thời gian tôi lưu lại ở đây để nuôi thầy
là động cơ khiến tôi tranh thủ dịch tập sách này để chia sẻ với những ai có
cùng cảnh ngộ, hy vọng sẽ có người có được lợi ích, như bản thân tôi, với những
kinh nghiệm và hướng dẫn mà Bác sĩ Phang Cheng Kar đã bỏ công sưu tập trong suốt
5 năm.
Với những ai đã thực sự thấm
mùi đau bệnh mà chưa tìm ra một lối thoát khả dĩ nào để vơi đi nỗi khổ đau, tập
sách này đặc biệt có ý nghĩa. Một điều cần nhớ là dù thân đau bệnh thì đó là một phần của cuộc sống, nên ta không để tâm khổ vì bệnh.
Tôi sẽ lần lượt chia nhỏ nội
dung post lên trang blog này từng phần để chia sẻ cùng quý vị có duyên.
Mong tất cả đều an lành.
Liên Trí (Hằng Như)
LỜI GIỚI THIỆU
LỜI NÓI ĐẦU
LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn
sách
“Chớ lo lắng, hãy sống an lạc: Phương pháp sống mạnh khỏe và bình an theo
quan điểm Phật giáo”của bác sĩ Phang
Cheng Kar là một sự kết hợp tuyệt vời giữa kiến thức y học và Phật pháp để tạo
cho mình một cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Vị bác sĩ giỏi này đã sử dụng kiến thức chuyên
môn của một bác sĩ y khoa cùng với những kinh nghiệm của mình về Phật pháp viết
ra những lời hướng dẫn về sống khỏe và an lạc.
Trị
liệu Thân Tâm ngày càng trở nên lãnh vực quan trọng trong y học hiện đại mặc dù
cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật đã dạy sức mạnh của tâm đối với đời sống con
người. Y học phương Tây đã trị bệnh con
người bằng cách tập trung vào thân, trị liệu hậu quả mà không trị liệu nguyên
nhân. Cứ như thế, bệnh nhân phải tiếp tục dùng thuốc để chữa bệnh theo cách như
vậy. Điều này chỉ giúp cho những người bán thuốc tây thôi, còn bệnh nhân phải
chịu đựng những phản ứng phụ do dùng thuốc lâu ngày. Nếu chúng ta biết trị liệu
nguyên nhân để không cần phải dùng đến thuốc nữa, điều này sẽ tốt hơn rất nhiều.
Dược liệu quan trọng nhất là luyện tập tâm thức bên cạnh các trị liệu hợp lý
trong quá trình chữa bệnh. Cuốn sách này là bản hướng dẫn để ngăn ngừa và chữa
trị các vấn đề y khoa thông thường mà con người thường mắc phải như đau nhức,
nghiện ngập, căng thẳng và trầm cảm. Nhiều đề tài quan trọng được bàn đến như chế
độ ăn uống lành mạnh, chăm sóc người bệnh, trị liệu về sự tiếc nhớ quá khứ và
làm thế nào để đương đầu với cái chết. Xin chúc mừng bác sĩ Phang Cheng Kar đã có
đóng góp tuyệt vời trong lãnh vực giáo dục Phật giáo khi đề cập đến thể trạng khỏe
mạnh và an lạc nhờ vào sự thực hành Phật giáo.
Cám
ơn các nhà tài trợ đã ấn hành cuốn sách này.
Nguyện
cầu tất cả mọi người bình an và hạnh phúc.
Thượng
Tọa B. Saranankara Thero,
Chủ
tịch tăng đoàn Chùa
Sri Lanka
Sentul,
Kuala Lumpur.
31 tháng 3 năm 2005
LỜI NÓI ĐẦU
Con xin thành kính đảnh lễ Đức Thế
Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.
Tôi
viết cuốn sách này ngay sau khi tôi rời phòng săn sóc đặc biệt của bệnh viện tổng
quát Ipoh, nơi chị dâu tôi, một phụ nữ trẻ và là thành viên của hội Từ thiện Từ
Tế, đang được điều trị. Chị tôi có thai được 4 tháng, nhưng đã trải qua nguy kịch
phải nhập viện mổ cấp cứu vì căn bệnh u não vừa mới phát hiện. Tôi rất vui khi
nhận ra rằng nhiều điều trong cuốn sách này được ghi lại từ những việc làm của
các bạn bè Phật tử của chị cũng như các thành viên trong gia đình đã giúp chị
bình phục.
Tôi
bắt đầu thích các nguyên tắc sống của Phật giáo về sức khỏe và an lạc từ khi
tôi có cơ duyên trình bày một bài nghiên cứu với tựa đề “sức khỏe toàn diện qua
thực hành Phật pháp” tại cuộc hội thảo Phật giáo toàn cầu tổ chức vào năm 2000 ở
Singapore. Kể từ đó, tôi để tâm sưu tập các bài nghiên cứu và các bài viết chia
sẻ kinh nghiệm thực tế trong lãnh vực này. Những gì tập hợp trong cuốn sách này
không thể nào đầy đủ và toàn diện, thế nhưng cũng đủ để làm tài liệu hướng dẫn
cho những ai chưa biết mình cần phải làm gì theo quan điểm của Phật giáo trong
lúc mình đang bệnh.
Khi
tôi viết cuốn sách đầu tiên “Chớ lo lắng, hãy sống an lạc: hướng dẫn về động cơ
và truyền cảm hứng cho sinh viên ngành Y”, tôi thật sự chuẩn bị mình cho công
việc của một bác sĩ y khoa. Ở cuốn sách thứ hai này, tôi cũng đang chuẩn bị
mình để đương đầu với những thử thách lớn hơn trong cuộc đời: đó là Bệnh. Tôi
hy vọng rằng mình có thể sống và trưởng thành hơn khi đối mặt với bệnh tật. Tôi mong mỏi các bạn tìm thấy niềm vui khi đọc
cuốn sách này và không quên cầu chúc các bạn sống lâu, sức khỏe dồi dào và hạnh
phúc.
Bác
sĩ Phang Cheng Kar (MD)
20th
February, 2005