Tuesday, June 7, 2016

CHỚ LO LẮNG, HÃY SỐNG AN LẠC (kỳ 1)

Nguyên tác: Phang Cheng Kar
Liên Trí dịch

TAM BẢO – MÔ HÌNH Y KHOA

Tam bảo, ba ngôi quý báu được tôn kính nhất trong Phật giáo, là khái niệm chỉ cho Đức Phật: bậc sáng lập ra Đạo Phật; Pháp: những lời dạy của Đức Phật và Tăng: chúng đệ tử của Đức Phật, những người đã thấu hiểu và đạt được lợi ích thiết thực từ những lời Đức Phật dạy.
Nhìn ở một khía cạnh khác, chúng ta có thể hiểu Đức Phật là vị bác sĩ đại tài, chánh pháp là thuốc do Đức Phật kê toa và chư tăng là những bệnh nhân đã thuyên giảm bệnh nhờ vào những vị thuốc mà Đức Phật đã đưa ra.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta là những bệnh nhân chưa hề thuyên giảm căn bệnh thông thường và phổ biến nhất, đó là bệnh thiếu hạnh phúc hay là không toại nguyện trong cuộc sống. Đức Phật, được mô tả trong kinh là một vị lương y và là nhà phẩu thuật đại tài (anuttaro bhisakko sallakatto), là một chuyên gia siêu việt có khả năng chữa lành căn bệnh mất hạnh phúc này. Ngài là vị bác sĩ giỏi nhất có thể chẩn đoán đúng bệnh và có cách điều trị hay nhất, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào Ngài, uống những loại thuốc Ngài đưa ra để được hết bệnh và thành người khỏe mạnh.

Sức khỏe là tài sản quý giá nhất

Chính Đức Phật đã nói như vậy và ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy lời phát biểu trên trong kinh Pháp cú, kệ số 204 rằng “không bệnh lợi tối thượng”. Đơn giản là không ai để tâm đến lời khuyên này. Lời khuyên này, căn bản nghĩa là sức khỏe là một cái gì đó rất quý giá, tương tự như câu thành ngữ tiếng Anh “Health is the greatest wealth” (sức khỏe là của cải lớn nhất). Một điều đáng tiếc là chúng ta chỉ ý thức được điều này khi mình bị bệnh. Một cách tốt nhất để chúng ta luôn ghi nhớ thông điệp quan trọng này là nên thường xuyên thăm viếng các bệnh nhân ở bệnh viện. Điều này rõ ràng có tác dụng đánh thức chúng ta ý thức về sức khỏe và nhờ đó biết bảo trọng sức khỏe của mình hơn. Mặt khác, khi chúng ta bệnh, chúng ta cũng nên ghi nhận một cách có ý thức về sự đau nhức và khó chịu của cơ thể. Điều này cũng giúp mình biết quý trọng sức khỏe hơn sau khi lành bệnh. Nó có ý nghĩa tương tự với câu nói, sức khỏe là cái chúng ta đạt được, giành được. Sức khỏe không phải là quà tặng. Sức khỏe không phải ở đâu bỗng nhiên rơi xuống đặc biệt dành riêng cho mình khi trở về già. Chúng ta không thể có được sức khỏe chỉ vì ngồi đó cầu nguyện Đức Phật rằng “xin cho con mạnh! Xin cho con khỏe”. Chúng ta phải làm việc nghiêm túc và đúng mức theo những bước hợp lý như tập thể dục, có chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ, bỏ hút thuốc, ngồi thiền thường xuyên, làm các việc công ích, v.v… thì mới có được sức khỏe. Phải đảm bảo theo cách như vậy và thực hiện nghiêm túc mới được. Chính vì vậy, có sức khỏe tốt là có một tài sản quý báu.
Bệnh tật là nỗi khổ đau lớn nhất ở đời. Và nó cũng đem đến nỗi tuyệt vọng nhiều nhất mà ta từng gánh chịu. Có một câu danh ngôn rằng, ngay cả người lực sĩ, anh hùng cũng không thể nào tránh khỏi bệnh tật.”  “Thật vô nghĩa khi sống trên giàu sang danh vọng thừa mứa mà không có sức khỏe tốt. Rõ ràng mạnh khỏe là một điều tối thượng” (Đạo sư Shi Zheng Yan).
Khi thân thể ta khỏe mạnh,
Thế giới bên ngoài rong chơi.
Khi tâm bình an, mạnh mẽ,
Thế giới quay về hôn chân.
Đời tươi cho hồng đôi má,
Lòng rộn ràng trong nắng mai.
Tích tắc thế gian bừng sáng,
Mấy gã đàn ông lướt qua,
Lực lưỡng nhưng hãy canh chừng.
Sức khỏe mảnh như pha lê,
Thế gian đang vui vỡ vụn.
Nhiều anh bốn mươi đã bệnh,
Lắm cô tiều tụy ốm đau.
Phải chăng mùa xuân ngắn ngủi,
Hay đông lại trở nên dài.
Tất cả do mình mà ra.
(Trưởng lão Sujiva)

Bệnh là chuyện bình thường

Đừng tránh né bệnh tật
Đó chẳng phải là điều gì tồi tệ lắm đâu
Bình thường thôi, đơn giản là ‘bệnh’
Thường thì chúng ta rất buồn khi bị bệnh. Càng buồn hơn nếu bệnh chúng ta bình phục chậm hơn mình mong muốn. Theo cách này, chúng ta đã coi bệnh tật là điều bất thường gây nên phiền toái ở đời. Thế nhưng, thử xem, ai mà không bệnh chứ? Không ai cả! Già, bệnh và chết là một phần của cuộc sống. Không ai có thể chạy trốn khỏi chúng. Khi chúng ta chưa sẵn sàng tâm thế để đón nhận những điều này, chúng lại đến. Càng tìm cách chạy trốn, chúng ta đau khổ càng nhiều hơn. Thay vì chạy trốn, chúng ta nên đón nhận chúng và sống với chúng. Làm như thế, các hiện tượng này trở thành bình thường và tự nhiên.
Câu chuyện sau đây của nhà sư Ajahn Brahmavamso minh họa rõ hơn về điểm này:
Trong các cuộc nói chuyện với cộng đồng, tôi thường yêu cầu thính giả, người nào đã từng bị bệnh thì đưa tay lên. Hầu như tất cả đều đưa tay lên. (tất nhiên là không kể những người đang ngủ gục hay mất khả năng tưởng tượng sinh lý). Tôi nói ra điều này để thấy rằng bệnh là một việc hết sức bình thường. Thật ra, không bệnh mới là không bình thường. Thế thì tại sao khi đến bác sĩ, bạn lại nói “nhờ bác sĩ xem giùm, có điều gì không ổn với tôi?” Bạn không bệnh lúc này hay lúc khác mới là điều không ổn. Như vậy, một người sống lý trí sẽ đến nói với bác sĩ rằng “thưa bác sĩ, có điều hợp lý đến với tôi. Tôi lại bệnh nữa rồi.
Bất cứ khi nào bạn coi bệnh tật là một điều không hợp lý, bạn càng thêm căng thẳng lo lắng, thậm chí cảm thấy tội lỗi và vô cùng bất an. Trong cuốn tiểu thuyết Erehwon vào thế kỷ 19, Samuel Butler đã vạch trần một xã hội coi bệnh tật mà một tội lỗi và người bệnh bị nhốt tù trong một thời gian. Có một đoạn đáng ghi nhớ là có một người bệnh và bị đem đến quan tòa xử tội. Khi đang ngồi ở hàng ghế dành cho bị cáo, anh ta sổ mũi và hắc xì. Thế là quan tòa kết án anh ta phạm nhiều tội cùng một lúc. Đó không phải là lần đầu tiên anh ta đến hầu tòa trong tình trạng đang bị cảm. Thêm vào đó, anh ta còn bị kết tội là ăn thức ăn bán dạo vỉa hè và lười tập thể dục, lại có cuộc sống căng thẳng. Thế là anh ta bị kết án nhiều năm tù.
Bao nhiêu người trong chúng ta cảm thấy có tội khi bị bệnh? Một vị tăng nọ bị bệnh nhiều năm mà không tìm ra bệnh. Thế là vị sư ấy nằm suốt trên giường, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần nọ, thân thể gầy còm ốm yếu, đi không nổi ra khỏi căn phòng của mình. Tu viện cũng không tính toán chi phí chữa trị, chữa cách này không khỏi thì cố gắng tìm một phương thức trị liệu khác cho sư. Thế nhưng, vẫn không có hiệu quả mấy. Có khi sư có cảm giác mình đã khá hơn một chút, gượng dậy đi ra ngoài một tí. Bước chệch choạng được vài bước, bệnh tái phát và phải lại nằm liệt giường mấy tuần. Nhiều lần, tăng chúng nghĩ vị sư này chắc không sống nổi. Một hôm, vị sư trụ trì thông thái của tu viện, với tuệ quán sắc bén, thấy được vấn đề. Sư trụ trì đến tận phòng thăm vị sư đang bệnh. Vị sư đang nằm liệt giường đưa cặp mắt vô vọng nhìn sư trụ trì. Vị sư trụ trì nói “hôm nay, tôi đến đây. Thay mặt chư tăng ni của tu viện, tôi cũng thay mặt luôn cho chư Phật tử hộ đạo hỗ trợ cho chúng ta. Tôi thay mặt cho cả những người yêu thương và chăm sóc ông, tôi đến đây để cho phép ông được chết. Ông có thể chết. Đừng gắng để bình phục nữa.”
 Khi nghe mấy lời này, vị sư bật khóc. Thì ra trong thời gian qua, sư đã cố gắng nhiều để có thể khá hơn. Các vị sư đồng tu lần lượt đi hết, sau khi họ cảm thấy phiền khi cố gắng giúp thân thể bệnh hoạn của sư, nhưng rồi không thể chịu đựng nổi. Sư cảm nhận đây là một sự thất bại, một tội lỗi nếu không thể bình phục. Khi nghe những lời của vị sư trụ trì, bây giờ, vị sư ấy cảm thấy thoải mái, tự do bệnh, thậm chí tự do chết. Sư không cần phải cố sức, ráng sức vật lộn với cơn bệnh để làm vừa lòng bạn đồng tu nữa, cảm giác nhẹ nhàng khiến sư cảm động không cầm được nước mắt. Bạn biết điều gì xảy ra sau đó không? Từ ngày hôm sau, sư bắt đầu bình phục (còn nữa).