Tuesday, June 14, 2016

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 4)

Đạo Phật có thể giúp gì cho sức khỏe của chúng ta?

-Stephen S. Hall
THE NEW YORK TIMES (Thời Báo New York), ngày 14 tháng 9 năm 2003
Vào mùa xuân năm 1992, bất thình lình, chiếc máy fax trong văn phòng của Richard Davidson ở khoa tâm lý, trường Đại học Wisconsin ở Madison, chạy ra một lá thư của Ngài Dalai Lama thứ 14 Tenzin Gyatso. Bậc lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng lưu vong đã viết thư mời giới nghiên cứu khoa học nghiên cứu về các trạng thái tâm thức của các hành giả thực tập với Ngài, đặc biệt là năng lực thiền định. Davidson, nhà khoa học thần kinh tại trường Harvard, đã khẳng định tên tuổi của mình qua công trình nghiên cứu về bản chất của tình cảm tích cực và ông vừa hoàn thành công việc nghiên cứu này ở Bắc Ấn.
Dường như lòng tự trọng của các nhà khoa học thần kinh người Mỹ co lại, nếu không muốn nói là biến mất, trước một lời mời nghiên cứu về thiền Phật giáo, cho rằng đề tài này chưa rõ ràng với ông lắm, có thể khó thực hiện được. Theo như Davidson thừa nhận gần đây, nghiên cứu dạng này “rất mong manh”. Thế nhưng vị giáo sư của trường đại học Wisconsin, sau một thời gian dài thực tập thiền định, đã xin nghỉ phép và không bỏ lỡ cơ hội, đã sang Ấn Độ và Tích Lan để học phương pháp thiền định phương Đông này. Vào tháng 9 năm 1992, giáo sư Davidson thu xếp và bắt đầu cuộc hành trình đến tận xứ Bắc Ấn với mong muốn thu thập được nhiều tư liệu. Ông mang theo một máy phát điện nhỏ, máy tính xách tay và máy đo điện não, thiết bị thu âm thu hình rồi đến chân núi Hy-mã-lạp sơn.
Mục đích của ông là, nếu tình thế không khả quan cho lắm, chỉ ghi nhận thực trạng về các đặc điểm thần kinh của bộ não một người tu Phật hoạt động như thế nào. Davidson phát biểu rằng “họ là những vận động viên thế vận hội, đạt huy chương vàng về bộ môn thiền định.” Công việc bắt đầu không được ổn lắm. Các tu sĩ tham gia nghiên cứu ban đầu gặp chướng ngại với mớ dây nhợ đo điện não, nhưng nghiên cứu thiền định đến nay đã đạt đến mức độ tin tưởng không ngờ so với một thập niên trước đây.
Hơn 10 năm qua, một số tu sĩ do Matthieu Ricard dẫn đầu đã đến phòng nghiên cứu của Davidson ở Madison. Matthieu Ricard là một tu sĩ gốc Pháp, có bằng tiến sĩ ngành sinh học phân tử, đã từng viếng thăm nhiều nơi từ Bắc Ấn đến các nước Đông Nam Á. Tại phòng nghiên cứu của Davidson, Ricard và những người đồng tu được yêu cầu ngồi trên nền trệt của phòng nghiên cứu, mang hệ thống đo điện não có hình thù như con sứa của máy đo điện não EEG 256 điện cực và phản ứng với các kích thích thị giác. Họ được yêu cầu cố gắng thiền định mỗi lần hai hay ba tiếng đồng hồ giữa tiếng kêu lách cách và đều đều của máy đo điện não.
Chưa có dữ liệu nào trong các nghiên cứu thực nghiệm ấy được công bố một cách chính thức. Thế nhưng, trong cuốn “Năng lực của tâm từ bi”, một cuốn sách tập hợp các bài viết của Davidson xuất bản năm ngoái, ông đã công bố rằng, hoạt động của các vùng khác nhau trên nửa vỏ não thùy trái trước, phần ngay dưới trán, (vùng mà những nghiên cứu gần đây cho là có liên hệ đến tình cảm tích cực), của một tu sĩ phát sóng mạnh nhất trong số 175 đối tượng tham gia nghiên cứu.
Từ khi Davidson nhận được lá fax từ Đức Dalai Lama cho đến nay, nghiên cứu khoa học thần kinh về thực hành Phật giáo đã được nhiều người biết đến và chấp nhận như là một đề tài rất đáng cho khoa học lưu tâm. Một phần đưa đến lý do này là khi kỹ thuật đo điện não tiên tiến phát triển và trở nên có thế mạnh hơn, chúng ta có thể biết đến sự thay đổi của sóng não không chỉ trong lúc đang ngồi thiền mà còn có thể xác định được những thay đổi trong hoạt động của não nhiều tháng sau một đợt thực hành thiền dài hạn. Và thực tế đáng mừng là hiện nay nhiều chuyên gia nổi tiếng về khoa học thần kinh rất chú ý đến các báo cáo sơ bộ về những kỹ năng thực hành tâm linh đặc biệt trong Phật giáo. Paul Ekman, trường đại học California tại San Francisco và Stephen Kosslyn, trường đại học Harvard đã bắt đầu làm nghiên cứu về khả năng tâm linh của các tu sĩ. Thêm vào đó, một vài nghiên cứu đối chứng nghiêm túc cho thấy quá trình thực hành thiền Phật giáo của các bệnh nhân phương tây có thể tạo nên sự thay đổi sinh lý của bộ não và hệ thống miễn dịch.
Sự hình thành, nếu đôi khi còn dè dặt, của ngành sinh học thiền định đang là sự kiện quan trọng cuối tuần này, khi một số nhà khoa học thần kinh và khoa học hành vi hàng đầu các nước đang có cuộc gặp các tu sĩ Tây Tạng, cả Đức Dalai Lama, tại một hội thảo chuyên đề tổ chức tại Viện công nghệ Massachusetts. Jon Kabat-Zinn, nguyên là Giáo sư y khoa trường Đại học Y Massachusetts, người tiên phong trong nghiên cứu về thiền định và lợi ích của thiền định đối với sức khỏe, đã phát biểu rằng “bạn có thể nghĩ rằng đây là trường hợp các tu sĩ phô bày những tiềm năng. Nhưng bạn không cần thiết phải trở nên huyền bí, hoặc trở thành một Phật tử hoặc đang ngồi trên một đỉnh núi nào đó ở Ấn Độ  mới có thể đạt được những lợi ích  của thiền tập. Loại nghiên cứu này vẫn còn non trẻ, nhưng chúng ta đang trên đà khám phá nhiều điều hấp dẫn hơn.”
Lịch sử 2500 năm của Phật giáo, một tôn giáo hướng nội nhằm giúp cho con người trau dồi tâm thức để hiểu được đúng trạng thái hạnh phúc của tâm, đ xác định và loại trừ nguồn gốc của những tâm lý tiêu cực, và để nuôi dưỡng các trạng thái tâm lý tích cực, như lòng từ bi, nhằm mang lại an lạc cho nhân cách và ổn định cho xã hội. Trong nhiều thập niên qua, nghiên cứu khoa học ở Mỹ đã tập trung nghiên cứu tác dụng tức thời của thiền định đối với hệ thần kinh và đưa ra kết luận rằng thiền định có tác dụng làm giảm những dấu hiệu căng thẳng thần kinh như nhịp tim đập nhanh và vã mồ hôi. Kết luận này đã trở thành cơ sở dẫn đến sự phổ biến của phương pháp thư giãn do giáo sư Herbert Benson, thuộc trường đại học Harvard hướng dẫn vào những năm 1970. Tuy nhiên, thực hành Phật giáo nhấn mạnh đến sự thay đổi các hoạt động tinh thần lâu dài chứ không chỉ đem đến các tác dụng tức thời. Vì vậy, thiền định có tác dụng làm thay đổi hệ thần kinh và cơ thể sinh học trong thời gian dài nhờ thực hành thiền một cách nghiêm túc và bền bỉ. . Do đó, nghiên cứu về lãnh vực này đã trở nên hấp dẫn và thu hút nhiều nhà khoa học.
Davidson giải thích rằng “trong truyền thống Phật giáo, ‘thiền định’ là một từ giống như từ ‘thể thao’ ở Mỹ vậy. Đó là một chuỗi hoạt động, chứ không phải là một hành động đơn lẻ.”
Mỗi một bước thực tập đòi hỏi các kỹ năng rèn luyện tâm thức khác nhau. Ví dụ, các nghiên cứu sinh trường Wisconsin tập trung vào ba phương pháp thiền định phổ biến. Theo Davidson, hình thức thứ nhất là ‘tập trung sự chú ý.’ Người thực hành thiền luyện tập để tập trung sự chú ý vào một đối tượng trong một thời gian dài. Phương pháp thứ hai là ‘tu tập trải rộng tâm từ vô điều kiện.’ Đây là việc làm hằng ngày và cần có cách thực tập đặc biệt. Người thực hành hình dung ra những sự kiện tiêu cực, những nguyên nhân gây nên sân giận, rồi trải tâm từ chuyển hóa các sự kiện hay đối tượng đó. Cách thứ ba là ‘mở rộng sự có mặt.’ Đó là trạng thái ý thức hoàn toàn về bất cứ tư tưởng, tình cảm và cảm thọ nào nảy sinh trong hiện tại, mà không phản ứng gì cả. Phương pháp này được xem là một dạng ý thức thuần túy.
Thực tế là bộ não có khả năng học, thích ứng và tự tái cấu trúc các tế bào não trên cơ sở kinh nghiệm và rèn luyện. Điều này cho thấy rằng thiền định có thể để lại các chứng cứ sinh học trên bộ não mà kỹ thuật tiên tiến tinh vi ngày nay có thể nhận ra và đo đạc được. Stephen Kosslyn, một nhà khoa học thần kinh, trường đại học Harvard, cho rằng “điều này hoàn toàn hợp lý khi đối chiếu với những nghiên cứu của giới chuyên gia khoa học thần kinh,” chẳng hạn như các nghiên cứu về trí nhớ không gian của tài xế taxi hay về xướng âm của các nhạc sĩ hòa nhạc. Nếu bạn làm một điều gì đó, bất cứ điều gì, ngay cả chơi bóng bàn, trong 20 năm, 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, thì bộ não của bạn sẽ khác với bộ não của một người chưa từng làm việc đó. Vấn đề đơn giản là như vậy.”
Jonathan D. Cohen, một chuyên gia ở Princeton nghiên cứu về khả năng chú ý và làm chủ nhận thức, rất ngạc nhiên với các báo cáo cho biết những người chuyên cần thực hành pháp Phật có khả năng tập trung rất lâu. Ông ta nói rằng “theo kinh nghiệm nghiên cứu của chúng tôi - chứng cứ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhiều lắm - khả năng chú ý của con người là hạn chế. Khi chúng ta cố duy trì chú ý trong thời gian dài hơn, giống như người điều khiển không lộ phải làm, chúng ta cảm thấy phải nỗ lực và căng thẳng vô cùng. Phật giáo dạy rất rõ về khả năng điều hướng sự chú ý một cách linh hoạt và những người thực hành Phật giáo cũng chia sẻ kinh nghiệm về trạng thái tập trung chú ý lâu dài như vậy nhưng đó là sự chú ý rất thoải mái, không căng thẳng gì cả.”
Nếu không có gì thay đổi, cuộc thảo luận khoa học cuối tuần này tại Viện công nghệ Massachusetts. sẽ cho thấy rằng Davidson, một trong những người tổ chức chủ chốt, đã thành công trong việc thuyết phục nhiều người có tên tuổi cùng hợp tác với ông, làm cho quá trình nghiên cứu các phương pháp thực hành này mang  tính khoa học cao. Những người tham gia bao gồm các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành như Eric Lander, người đứng đầu đề án gien người; Cohen, một nhà nghiên cứu lỗi lạc về cơ chế thần kinh liên quan đến quyết định về đạo đức và kinh tế; và Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel kinh tế ở Princeton, nhà nghiên cứu tiên phong trong lãnh vực tâm lý liên quan đến quyết định tài chính.
Là người chủ trì một phần của cuộc thảo luận khoa học ở Viện công nghệ Massachusetts, Cohen cho biết “Những nhà khoa học thần kinh muốn bảo vệ quan điểm nghiên cứu của họ cũng như kết quả thực thụ của các nghiên cứu mà họ thực hiện. vì không ai muốn mình bị đánh giá là chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” trong việc tìm hiểu về ý thức.” Mặc khác, cá nhân tôi tin rằng lịch sử khoa học làm cho mình cảm thấy nhỏ bé, tránh đi những kiêu căng ngạo mạn trong suy nghĩ rằng mình biết hết mọi thứ.
Chương trình “thực nghiệm tu sĩ” ở Madison bắt đầu được ủng hộ bởi một số nghiên cứu tuy nhỏ nhưng có tính mở đường cho thấy rằng thiền định Phật giáo có ảnh hưởng cả về phương diện tình cảm lẫn phương diện sinh lý. Nghĩa là, những người không phải là phật tử vẫn có thể thực tập và phát triển công năng của thiền định nhằm vừa giảm trạng thái căng thẳng và làm dịu đi những tình cảm tiêu cực, vừa cải thiện các chức năng của cơ thể, chẳng hạn như chức năng miễn dịch.
Sự ảnh hưởng của tâm lực lên các chức năng của thân thể đã lôi cuốn sự chú ý của các nhà khoa học từ lâu rồi, đặc biệt là liên hệ giữa hệ thần kinh, hệ thống miễn dịch và hệ nội tiết. Ví dụ như Janice Kiecolt-Glaser và Ronald Glaser, những nhà nghiên cứu ở đại học Ohio, đã thực hiện một chuỗi các nghiên cứu cho thấy rằng căng thẳng sẽ làm giảm chức năng miễn dịch, mặc dù cụ thể chi tiết những mối liên hệ này thế nào vẫn còn là vấn đề đang được nghiên cứu.
Thật là lý thú khi các đối tượng nghiên cứu là những người thực hành Phật giáo phần lớn rất cởi mở và cho phép giới khoa học tiếp cận và giải thích quá trình thực hành của họ. Trong một bức điện thư gởi cho tôi hồi tháng trước, Matthieu Ricard đã giải thích với tôi rằng “Phật giáo, giống như khoa học, đặt nền tảng trên kinh nghiệm và sự khám phá, chứ không đặt nền tảng trên niềm tin mù quáng như vậy. Ông còn viết thêm rằng “Phật giáo có thể hiểu là một ‘khoa học thiền quán’. Đức Phật luôn dạy rằng, không nên chấp nhận những gì Ngài dạy chỉ vì tôn trọng Ngài mà hãy tìm hiểu đâu là chân lý qua kinh nghiệm thực tế của chính bản thân mình. Ví như người thợ vàng thử chất lượng vàng bằng cách cọ xát vàng lên đá, hoặc nung chảy nó, v.v…”.
Vào tháng 7 vừa rồi, tôi có dịp chứng kiến giáo sư Davidson và các đồng nghiệp của ông đang theo dõi một thí nghiệm đang diễn ra trong phòng nghiên cứu của họ. Trên màn hình ti vi của phòng nghiên cứu là một người phụ nữ ngồi trên ghế ở một căn phòng bên cạnh. Cô ấy ngồi đó một mình, chỉ với tư tưởng của mình. Những tư tưởng này, và đặc biệt là cách cô ta nỗ lực chế ngự chúng mỗi khi chúng khởi lên, là đề tài của thí nghiệm.
Davidson giả thuyết rằng có một thành tố tác động đến tình cảm con người biểu hiện ở khả năng cân bằng hoạt động của hai bên vỏ não thùy trán. Công trình nghiên cứu của Davidson kết luận rằng thùy trái liên quan đến tình cảm tích cực trong khi đó, hoạt động của thùy phải liên quan đến lo lắng, buồn chán và các trạng thái rối loạn khác.
Nhóm của giáo sư đã thực hiện nhiều nghiên cứu trên trẻ em và người già, người hành thiền không chuyên và những thiền giả đông phương, nhằm tìm ra một định nghĩa về mạch thần kinh phức tạp nối kết vỏ não thùy trán với các cấu trúc bộ não ở các vùng khác như hạch hạnh nhân, nơixuất phát cảm giác khiếp sợ và vỏ não đồi trước, liên quan đến khả năng “điều tiết xung đột.” Một số thí nghiệm cũng cho thấy rằng nếu vỏ não thùy trán trái trước lớn hơn thì khả năng miễn dịch tốt hơn nhờ vào những tế nào miễn dịch tự nhiên cũng như chất khác giúp cơ thể miễn dịch.
Khi một nhà khoa học ở trong phòng thí nghiệm nói “được rồi, bức ảnh đầu tiên ra rồi đây,” đó là lúc người phụ nữ trẻ lộ rõ vẻ căng thẳng, cô ta kẹp chặp hai khủy tay lại. Điện cực ngoằn ngoèo trên đầu cô ta được gỡ ra khỏi hai điểm ngay dưới mắt phải. Và rồi, liếc nhìn vào màn hình, người phụ nữ thấy những hình ảnh cắt lát liên tiếp nhau, loạn xạ xuất hiện trên màn hình trước mặt - một cơ thể bị cắt xén thấy ghê sợ, một bàn tay cứng nhắc, một con rắn phun nọc độc sẵn sàng tấn công. Qua công cụ tai nghe (airphones), người phụ nữ được gợi ý điều chỉnh phản ứng tình cảm của mình khi nhìn thấy từng tấm hình xuất hiện trên màn hình, không đè nén cũng không buông theo phản ứng tình cảm đó, trong khi đó, điện cực ở ngay dưới mí mắt cô ta bí mật ghi vào mạch thần kinh để thấy được cô ấy đã điều chỉnh thế nào về phản ứng tình cảm tích cực hay tiêu cực đối với những hình ảnh này.
Giáo sư Davidson giải thích rằng “điều chúng tôi muốn đo lường là khả năng tự giác điều chỉnh phản ứng tình cảm của con người.” Daren Jackson, nhà nghiên cứu chính trong công trình này, nói thêm rằng “thiền định có thể giúp cho thần kinh phục hồi trở lại bình thường nhanh hơn và tự nhiên hơn sau các phản ứng tiêu cực.”
Các tu sĩ được mời tham gia nghiên cứu cũng như một nhóm các nhân viên văn phòng đang thực hành thiền định tại công ty công nghệ sinh học ở gần đây, được cho nhìn các hình ảnh khủng khiếp này với mục đích tương tự: xác định cái mà Davidson gọi là ‘kiểu tình cảm’ của mỗi cá nhân (ví dụ, họ thường mắc những phản ứng tình cảm tiêu cực) và nếu kiểu tình cảm đó có thể điều chỉnh bằng nỗ lực tinh thần, điều mà thiền định nhắm đến. Davidson cùng với Kabat-Zinn, người thỉnh thoảng cộng tác với ông, hy vọng rằng năng lực của thiền định không những có thể làm cho cảm xúc ổn định mà còn giúp tăng trưởng sức khỏe của con người.
Từ khi thành lập Trung tâm Trị liệu Giảm Căng thẳng Thần Kinh tại trường đại học Y khoa Massachusetts năm 1979, Kabat-Zinn và các đồng nghiệp đã chữa trị cho 16 ngàn bệnh nhân và giảng dạy kỹ thuật thiền tỉnh thức cho hơn 2 ngàn chuyên gia về sức khỏe. Đây là một phương pháp thực hành tỉnh thức ‘không phán xét’, tập trung hoàn toàn vào giây phút hiện tại có nguồn gốc từ truyền thống Thiền Phật giáo, như là một phương pháp giảm căng thẳng thần kinh..
Cùng với quá trình giảng dạy và trị liệu, Kabat-Zinn xuất bản một số nghiên cứu, tuy không lớn nhưng rất hấp dẫn, rằng những người đang trong thời gian điều trị bệnh vảy nến, nếu ngồi thiền sẽ bình phục nhanh gấp bốn lần bệnh nhân không thực hành thiền. Những bệnh nhân ung thư, nếu thực hành thiền, sẽ có tinh thần, quan điểm tích cực hơn số bệnh nhân không thực hành thiền. Thiền định không chỉ giúp bệnh nhân giảm lo lắng và các cơn đau mãn tính mà lợi ích của thực tập thiền còn kéo dài đến 4 năm sau. Kabat-Zinn đang tiến hành một nghiên cứu cho trung tâm y tế Cigna để tìm xem đối với các bệnh nhân có triệu chứng đau nhức mãn tính, đau nhức khớp và dễ cáu kỉnh vô cớ, liệu thiền định có giúp giảm chi phí điều trị hay không.
Vào thời điểm này, khoa học thiền định vẫn còn mắc kẹt trong văn hóa gọi là ‘no-man’s land (lãnh địa bỏ trống vì là vùng đang tranh chấp giữa hai chiến tuyến)’, tức là đứng giữa cái nghịch hợp và tồn tại riêng biệt hơn. Davidson nói “trong nghiên cứu, chúng ta còn quá sớm”. Rồi ông cũng nói rằng “phần lớn những nghiên cứu về thiền định được thực hiện lẻ tẻ.” Thế nhưng vào tháng 7, một nghiên cứu rất nghiêm túc được Davidson, Kabat-Zinn và các đồng nghiệp xuất bản như là một chứng cứ cho rằng nghiên cứu về đề tài thiền định là xác đáng.
Vào tháng 7 năm 1997, Davidson mời một số người (đối tượng) từ một công ty sinh học nhỏ bên ngoài Madison tên là Promega tham gia vào nghiên cứu về tác dụng của thiền Phật giáo trên hệ thần kinh và hoạt động miễn dịch của thường dân Mỹ, cụ thể là nhân viên văn phòng. Điện não của các nhân viên này được đo trước khi Kabat-Zinn hướng dẫn khóa thực hành thiền. Đây là một nghiên cứu đối chứng, chọn đối tượng ngẫu nhiên. Sau 8 tuần, các nhà nghiên cứu đo lại điện não và ghi nhận các dấu hiệu thay đổi để xác định tác dụng của thiền định.
Có một số nhân viên ngập ngừng không tự nguyện tham gia nghiên cứu, nhưng cuối cùng hơn 40 nhân viên tham gia. Cứ mỗi tuần một lần, trong suốt 8 tuần liên tiếp, Kabat-Zinn đến Promega với hộp đựng micro, mấy chiếc băng cát-sét đỏ và tím, một chiếc chuông kiểu Tây Tạng cùng với những nhân viên tại Promega tham gia nghiên cứu. Các nhà khoa học, những người làm tiếp thị, người kỹ thuật viên phòng nghiên cứu và ngay cả một số người quản lý, ngồi trên sàn nhà của sảnh đường hội nghị và thực tập thiền tỉnh thức trong vòng ba tiếng đồng hồ. Vào tháng 7, kết quả thực nghiệm được công bố trên tạp chí Y học Thần kinh (Psychosomatic Medicine), gợi ý rằng thiền định có thể có ảnh hưởng sâu sắc và kéo dài trong tâm và thân của người thực hành. Các nhà nghiên cứu ở Winsconsin nhận thấy ở các nhân viên ở Promega thực hành thiền định trong hai tháng, có sự tăng lên đáng kể trong hoạt động ở nhiều vùng vỏ não thuộc thùy trán trước và khi các nhân viên ấy được kiểm tra lại thì tác dụng các hoạt động ấy duy trì trong vòng bốn tháng tiếp theo sau khi làm thí nghiệm. Hơn nữa, những người thực hành thiền và có hoạt động ở vùng vỏ não thùy trán trước tăng lên rõ rệt do hành thiền, có dấu hiệu cho thấy người ấy cũng khỏe mạnh hơn, có khả năng tạo ra kháng thể ngừa bệnh tốt hơn khi được tiêm thuốc chủng ngừa bệnh cúm.
Trong phần kết luận, Kabat-Zinn nói rằng, tính năng hoạt động của bộ não thay đổi tốt hơn sau chỉ hai tháng thiền định và đây là kết quả sơ bộ giống như các kết quả nghiên cứu ở những tu sĩ chuyên thực hành thiền. Các kết quả này chỉ là những công bố còn rất dè dặt. Thật ra, kết quả nghiên cứu ở Đại Học Wisconsin phải mất 5 năm mới công bố được, một phần là vì, theo như Davidson cho biết, nhiều tạp chí nổi tiếng từ chối xuất bản, ngay cả việc gởi bài nghiên cứu để bình duyệt họ cũng từ chối. Và trong quá trình thực hiện nghiên cứu này, kinh nghiệm chủ quan của người tham gia nghiên cứu cũng bổ sung cho các dữ liệu khách quan khi họ xác nhận rằng thiền định chắc chắn giúp cho người ta có cảm giác mạnh khỏe hơn, tích cực hơn và ít căng thẳng hơn. Michael Slater, một nhà sinh học phân tử ở Promega phát biểu rằng, “tôi thật sự là người luôn có óc thực nghiệm trong mọi phương diện của cuộc sống.” “Tôi không tin vào mê tín, tôi muốn thử nghiệm. Tôi thực hành thiền trong phòng thí nghiệm và [trong thời gian tham gia nghiên cứu – ND) tôi cũng áp dụng cho cả đời sống cá nhân của tôi nữa. Do vậy, tôi có thể cảm nhận được sự giảm căng thẳng của mình. Tôi có thể nói rằng tôi bớt cáu kỉnh, có khả năng chịu đựng tốt hơn với những tình huống gây căng thẳng. Vợ tôi có cảm nhận rằng tôi trở nên dễ chịu hơn. Như vậy, thiền có rất nhiều tác dụng. Với một người thực nghiệm, như vậy là đủ.”
Đành rằng với những kết quả đã được công bố còn khiêm tốn, chưa đủ để thuyết phục nhiều người, nhất là những nhà khoa học hoài nghi, lời xác nhận tự nhiên và chân thực của Slater đã thuyết phục tôi không kém một lời bình duyệt, mặc dù lời phát biểu ấy không chính thức. Ông nói “vợ tôi…”, ông im lặng, rồi tiếp “khát khao tôi bắt đầu thực hành thiền trở lại.”
* Stephen S. Hall, tác giả cuốn sách mới nhất là “Merchants of Immortality: Chasing the Dream of Human Life Extension.”