Con người vừa là một thực thể sinh học vừa là thực thể xã hội,
do đó, nhu cầu cộng đồng là một trong những nhu cầu thiết yếu của tất cả chúng
ta. Từ sâu thẳm trong tâm thức, con người rất sợ đơn độc và cảm thấy cô đơn khi
bên cạnh không có người. Con người bình thường không thể sống một mình ở cả
phương diện xã hội lẫn tâm lý. Họ cần lắm những mối quan hệ con người, cần lắm
một cộng đồng để qua đó, họ ghi dấu sự tồn tại của mình và tìm sự nương náu về
tâm lý. Như những con cừu muốn xích lại gần nhau thành bầy để tìm hơi ấm của
nhau, con người cũng thích tụ họp thành nhóm để có đoàn thể, cộng đồng. Nhiều
người ở một mình thì sợ, ở đông thì không sao, sống nơi vắng thì không yên tâm,
tụ hội chen chúc nơi đông đúc thì chẳng có vấn đề gì. Ở một mình dù trong một
thời gian ngắn là điều khó làm được đối với nhiều người. Cái tâm lý sống dựa
dẫm vào người khác dần trở thành thói quen của con người sống trong xã hội và
vô hình trung, ai cũng thấy đây là một điều bình thường. Sống một mình, với họ,
mới là điều “không bình thường”. Thế mới biết tâm lý “sống một mình” đã dần mất
đi trong xã hội con người. Thật ra, ưa tụ hội và thích đám đông là cách sống từ
chối quyền tự chủ của mình và giao cho các yếu tố bên ngoài định đoạt để rồi đổi
lấy sự bất an, căng thẳng và lệ thuộc khi tự đánh mất chính mình.
Tìm hòa tan vào đám đông
Bình thường, con người đã sợ sống một mình. Những lúc buồn,
nếu phải sống một mình lại càng đáng sợ hơn, tâm lý cảm thấy trống vắng, chơi
vơi càng tăng thêm. Họ đến nơi nào đó, để tan vào trong đám đông, những tưởng
như vậy, nỗi buồn cũng tan theo. Họ lao vào tiệc tùng, cố làm ra vẻ mình đang
là người hạnh phúc. Cười nói giòn tan, mặt tươi hớn hở nhưng đâu đó nỗi buồn và
sợ lo ẩn tàng, cất giấu sâu hơn mà thôi. Họ cũng không hề biết những người bên
cạnh đang hớn hở, vui cười kia cũng là cách né tránh cảm giác căng thẳng, áp
lực từ nhiều điều trong cuộc sống. Thật ra, không ai cảm thấy thoải mái cả, mỗi
người một tâm trạng riêng với những niềm đau riêng. Đến lúc họ đối diện với
chính mình, nước mắt rơi nhiều hơn và cảm giác cô đơn, buồn chán xâm
chiếm cõi lòng còn nhiều hơn, quạnh quẽ và trống vắng chông chênh hơn. Thì ra,
tìm đến đám đông không phải là giải pháp để nỗi buồn tan đi, mà là cách để tất
cả những tâm lý bất an và tiêu cực, buồn đau ấy kết tủa và lắng vào tâm thức
tạm thời mà thôi.
Họ tránh né nhìn vào cơn thịnh nộ phi lý không được kềm chế đang
tan vỡ nơi mình và vương vãi khắp nơi. Theo bản năng, họ phóng thích năng lượng
giận dữ ấy ra dưới vỏ bọc của sự sôi nổi náo nhiệt ở nơi này hay trong không
khí đông người của một nhóm. Họ ưa thích quần tụ, la ó, hát hò, cười nói và đó là
những biểu hiện của thứ năng lượng thừa không kềm chế đều lộ diện dưới danh
nghĩa ‘nhóm’. Tuy nhiên, không có sự tránh né nào có hiệu lực lâu dài được. Khi
một mình phải đối diện với sự thật, họ càng trở nên bất an hơn, đau khổ hơn và
bế tắc vì không có kỹ năng hóa giải những bức bách này.
Chính vì không thể thiếu đám đông, con người thường lệ thuộc
về tình cảm, tâm lý và họ tình nguyện giao nộp quyền quyết định cuộc sống của
mình cho người khác và các yếu tố bên ngoài. Một điều thường thấy là mỗi khi
gặp thăng trầm hay những điều khó khăn, không như ý trong cuộc sống, họ liền
nghĩ đến việc tìm đến đám đông để mong lẩn trốn chứ không phải tự mình tìm giải
pháp cho vấn đề đang gặp phải. Mỗi khó khăn lớn nhỏ đối với họ là chướng ngại
để dừng lại hoặc thối tâm lùi bước chứ không phải thử thách để chinh phục và
vượt qua. Khi chạm mặt với thực tế không như ý, con người thường phản ứng theo
những cách hướng ngoại như vậy nhưng bế tắc lại càng bế tắc nhiều hơn. Đây là
cách họ không tự làm chủ và đánh mất mình.
Tìm đến rượu bia để giải sầu
Không chọn cách giải quyết khổ đau khi nhập vào các đám đông
với sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống, hoặc chọn cách ấy rồi mà vẫn không hiệu
quả, nhiều người tìm đến rượu bia và các trò tiêu khiển thiếu lành mạnh để mong
quên đi nỗi khổ niềm đau trong lòng. Thay vì hướng vào tâm mình để tìm ra vấn
đề, xác định nguyên nhân của vấn đề, hướng đến tình trạng tươi sáng sau khi vấn
đề được giải quyết và tìm ra phương cách khả thi nhất để giải quyết vấn đề theo
công thức “Tứ diệu đế” mà đạo Phật chủ trương, họ lao mình vào các cuộc hẹn hò
bạn bè bù khú để giết thời gian, mong quên đi muộn phiền. Vui trong chốc lát,
tạm thời quên buồn, như người bệnh đang uống thuốc giảm đau. Thế nhưng, cuộc
chơi nào rồi cũng tàn, họ trở về nơi ngôi nhà mình với tâm trạng nặng nề hơn,
thuốc giảm đau hết hiệu lực, cảm giác đau lại càng nhiều hơn. Thế nhưng, khi niềm
vui tạm bợ và ngắn ngủi này qua đi, khổ đau, trống vắng, cô đơn và thất vọng
xâm chiếm trọn cả nỗi lòng. Họ tự lừa dối và đang đánh mất mình.
Có người khi gặp cảnh đời ngang trái, thất vọng trong cuộc
sống sẽ tìm cách giải sầu trong bia rượu. Họ chọn một góc nhà hay góc quán
khuất vắng, ngồi một mình, uống hết ly này đến ly khác, đầu óc lảo đảo, rồi
chìm vào mê mờ, không còn tỉnh táo sáng suốt và họ ngỡ có thể tìm được sự lãng
quên sự đời đau khổ trong cơn say bí tỉ ấy. Thế nhưng, khi tỉnh dậy, đau buồn
không bớt mà đầu óc choáng váng, nặng nề thêm. Trong bế tắc, họ lại tiếp tục
lao vào uống và say để tạm quên trong giây lát, rồi lại tiếp tục chịu đựng khổ
đau không lối thoát. Say xỉn rồi lại gây sự đánh nhau là chuyện thường. Nhiều
người cố gắng giải tỏa những những căng thẳng bên trong của mình bằng những
cách liều mạng như thế là đang tự đánh mất mình.
Tìm người tin tưởng để tâm sự
Không tìm được giải pháp nơi đám đông hoặc làm bạn với bia
rượu cũng chẳng đến đâu, nhiều người chọn cách tìm người tâm sự để giải tỏa
những kềm nén trong lòng. Người thân và bạn bè cùng cảnh ngộ thường được ưu
tiên chọn để trút bầu tâm sự, phóng thích nỗi khổ niềm đau. Với tâm trạng nặng
nề, những tưởng sẽ được trút đi sau khi có người chịu nghe. Thế nhưng, cách này
cũng chẳng khá hơn, vì vấn đề không đơn giản được giải quyết khi ta nói và có
người nghe. Có thể ta có cảm giác nhẹ lòng hơn trong thời điểm ấy, thế rồi sau
đó, mọi thứ trở về như cũ, lòng vẫn nặng trĩu với bao buồn đau lo lắng. Thêm
vào đó, trong bức bách khổ đau ta tìm người, chọn người để tâm sự, thế nhưng
liệu ta có dám sống chân thật hết mình để chia sẻ một cách trung thực và khách
quan hay không, lại là vấn đề khác. Thường thì ta chọn lựa các chi tiết có lợi
cho mình để tâm sự, để chia sẻ. Do đó, trên danh nghĩa là tâm sự, tận đáy lòng
ta có xu hướng lôi kéo người khác ủng hộ mình, đứng về phía mình cho có đồng minh
và để chứng tỏ ta đúng, người khác sai. Thì ra, với cách này, ta ngỡ rằng trái
tim băng giá của mình được sưới ấm nhờ sự đồng cảm của người ta chia sẻ, nhưng
đây cũng là cách ta đánh mất mình và bám víu vào sự cảm thông, đồng tình và ủng
hộ của người khác.
Đó là chưa kể trong tình huống xấu hơn, những người ta chọn để
tâm sự không phải là người có tâm lành, mà trong lúc quá khổ đau, gặp người như
kẻ đuối vớ phải cọc, ta trút tất cả sự nặng nề, bức bách trong lòng cho vơi nỗi
khổ. Tâm sự xong rồi, ta lại lo lắng bất an. Khi ấy, có thể hậu quả không tốt
lại đến với chúng ta, khổ đau ta tưởng có thể chia đi ấy không được vơi đi mà
còn chồng chất thêm lên.
Những người chọn giải pháp này rõ ràng là tự thân họ trong lúc
gánh chịu khổ đau không có được trạng thái bình an và không biết cách tìm sự
bình an một cách an toàn. Thay vì nhìn sâu vào tâm mình, họ hướng ra bên ngoài
để mong có thể giải tỏa được tâm lý căng thẳng, khổ đau và bất an ấy bằng cách
này hay cách khác. Thế nhưng, càng hướng ra, họ càng bế tắc vì đau khổ là vấn
đề của tâm, phát khởi từ tâm và cần giải quyết từ nội tâm mà thôi. Tìm cầu bên
ngoài, mong chờ các yếu tố bên ngoài có thể khỏa lấp khổ đau thì niềm vui nếu
có, cũng chỉ trong chốc lát, còn sầu não thì vẫn triền miên.
Tìm cách xi mạ: đánh mất mình
Vì không có nội lực để có thể sống mà không lệ thuộc vào cảm
giác người khác, họ đành sống nương tựa vào đám đông, lệ thuộc vào người khác,
nếu không cơm áo gạo tiền thì ít ra cũng về cảm xúc và tình cảm. Vì không có
nội lực để sống với chính mình, họ sống trong vỏ bọc hoàn hảo nhất họ có thể
sắm vai để tạo cảm giác an toàn cho bản thân, để có cảm giác được chấp nhận
trong cộng đồng. Khi nhận ra ở giữa đám đông, trong các thú tiêu khiển, trong
tâm sự nỗi niềm, khổ đau vẫn không buông tha, nhiều người chọn cách quay về với
chính mình để tìm giải pháp giải tỏa sự căng thẳng, bất an ấy. Thế nhưng nếu
không nhận rõ sự hành hoạt, điều động và chi phối của tâm tham, sân và si thì
ta vẫn chưa làm chủ được mình.
Thử kiểm nghiệm lại tâm mình, mỗi người chúng ta thấy rõ điều
này. Có những lúc ta ganh tỵ, do tâm lý không thiện lành này điều động và chi
phối, tâm ta lúc ấy chất chứa nhiều khổ đau, không hài lòng và căng thẳng. Khi
ta cố đè nén, nó lại tuôn trào dường như mạnh hơn, như thể có lực đẩy
archimedes từ bên trong tâm vậy. Ai mà ganh tỵ là đang mang chứng bệnh nan y về
tâm, vô cùng khó chữa. Gốc của ganh tỵ nằm sâu trong tham, sân và si. Ganh tỵ
bám rễ trong tham vì tham nung nấu, thúc đẩy họ muốn có những cái ngoài khả
năng mình và muốn những gì hơn cả cái mình cần. Khi ham muốn không được mà thấy
người khác được, họ chịu không nổi, nên ganh. Ganh tỵ bám rễ trong sân vì khi
tham không được, họ sẽ phẫn nộ, sân giận, hiềm hận vì không thể chịu nổi một sự
thật là người khác hơn mình. Ganh tỵ bám rễ trong si vì chỉ có si mê, ngu muội
mới không chấp nhận người khác hơn mình. Trên thế gian này, có nhiều người không
bằng mình, thì cũng chấp nhận một sự thật bao nhiêu người khác hơn mình. Có
người vẫn có thể chấp nhận có người xa lạ nào đó hơn mình, nhưng không thể nào
chịu đựng nổi khi người quen, người thân lại hơn mình! Thế nhưng, dù ganh tỵ
đến mấy, trước mặt mọi người, họ cũng tỏ ra “tùy hỷ” với cái được của người
khác để chứng tỏ mình cao thượng! Điều này mỗi người đều có cơ hội học từ cuộc
sống và ai cũng biết thể hiện “bộ mặt tử tế” như thế ngay cả các em nhỏ. Một
đứa bé trong đêm chung kết trao giải một chương trình “nhí” truyền hình trực
tiếp cũng biết trả lời báo chí rằng “bạn giành ngôi vị quán quân, em không
được, mà em còn vui, vì em thấy bạn xứng đáng”, nhưng sau đó, ở hậu trường chứ
chưa kịp về nhà, là đã khóc nức nở vì tức tưởi, vì nghĩ mình xứng đáng hơn. Trẻ
em mà còn vậy, huống chi người lớn! Càng trưởng thành, sắm vai càng hoàn hảo!
Họ tự lừa dối và đang đánh mất mình.
Con người bình thường có lòng tham rất lớn và vi tế. Họ cũng
rất khéo che đậy cái tham của mình. Một cách bản năng, họ muốn được tất cả: vừa
lợi để thỏa mãn cơn khát của tham, vừa muốn được cái danh tử tế, biết đủ, đạm
bạc. Nói theo ngôn ngữ của Thầy Thanissaro (một tu sĩ người Mỹ) thì họ muốn
được cả vàng lẫn kẹo, là điều không thể có mà phải cân nhắc và tỉnh táo để
quyết định đổi một cái, để được cái kia. Muốn lợi dưỡng để thỏa mãn tâm tham
thì sao được tiếng tử tế, biết đủ, đạm bạc? muốn được tiếng tốt thì phải biết
từ chối lợi dưỡng, sống thanh bần trong nếp đạo chứ! Thế mà một số người quá
khéo, nên tạo được một vỏ bọc như thể mẫu mực, mà đằng sau đó thì tâm tham hành
hoạt mạnh mẽ. Thế nhưng, họ chỉ có thể che chắn trong một số trường hợp, trong
một thời gian nhất định nào đó, nhưng ông bà ta từ xưa đã có câu “giấy thì
không gói được lửa”. Sự khéo léo đầy tiểu xảo ấy không thể gói được lửa tham và
lửa sân. Với lời nói đầy chủ ý trục lợi cá nhân, dù khéo “áo” một lớp để cho
người khác hiểu họ là con người cao thượng, biết quan tâm, thấu cảm, đầy tâm từ,
thì bản chất thật sự của họ dần lộ diện qua hành động, lời nói và ý nghĩ. Họ có
thể sử dụng lời nói ngọt ngào nhưng không phải là ái ngữ, vì lời nói ấy không
xuất phát từ tâm thiện thuần túy; nói nôm na, không phải vàng nguyên khối mà
chỉ mạ vàng thôi! Đến một lúc nào đó, nhất định cuộc sống sẽ cho họ cơ hội để
có đủ thời gian nhớ lại, gặm nhấm những gì đi qua đời mình thì cay đắng nhận
ra: họ tự lừa dối và đang đánh mất mình và rất có thể không còn kịp thời gian
để thay đổi nữa rồi. Là người học đạo chân chánh, đừng bao giờ xây dựng cho
mình một mẫu người như thế, chẳng ích lợi gì trong hiện tại cũng như tương lai,
về phương diện cá nhân cũng như trong các mối quan hệ xã hội khi mình không còn
là chính mình.
Tìm lại chính mình
Vì quá yếu đuối và bất lực với những tâm lý tiêu cực và
hạt giống không thiện lành, chúng ta thường có khuynh hướng tự vệ là nỗ lực che
chắn bản ngã và không dám sống thật với bản chất của chính mình. Ai cũng muốn
hình ảnh của mình lung linh trong mắt người khác nhưng không tác ý gia công
trau sửa từ nội tâm. Chúng ta có thói quen là đi sửa cái bóng của cây cong mà
không chịu sửa cái cây. Những mâu thuẫn nội tâm không có hồi kết này diễn ra ở
tất cả chúng ta, cả tôi và bạn, những người còn sống trong cuộc đời này vốn có
si mê ngu muội là tài sản chung! Khi nào còn bảo trì tài sản này, chúng ta còn tự
tạo mâu thuẫn, tự lừa dối và đánh mất mình.
Chỉ khi nào ta dám đối mặt với sự thật, đủ tỉnh táo và sáng
suốt để nhìn nhận chính xác và khách quan về bản thân mình mà không cần che
chắn, giấu giếm, sỉ diện gì cả, không “xi mạ” một lớp hào nhoáng long lanh ảo
nào cả, khi ấy ta mới có thể đặt viên đá đầu tiên làm nền tảng cho hành trình
tìm lại chính mình. Tất cả cuộc hành trình dài nhất, khó khăn nhất đều bắt đầu
từ bước chân đầu tiên. Có đi là có đến, xác định được phương hướng và bắt đầu
ngay từ nơi mình đang đứng với tất cả những gì mình đang có, dù đó là tham,
sân, si, tật đố ghét ganh, ích kỷ nhỏ nhen… là bước chân vững chãi đầu tiên
trên cuộc hành trình này vậy.
Để có thể đi đúng hướng và nuôi dưỡng tâm lành trong suốt hành
trình về với chính mình, cần phải chân thật, chánh niệm tỉnh giác, dám chấp
nhận mình như đang là để từ đó cải thiện nội tâm, chuyển hóa nội tâm và hoàn
thiện tự thân. Muốn vậy, ta cần noi theo những người thực hành sống đời thanh
tịnh, ưa thích đời sống trầm lặng, biết làm chủ cảm xúc, sống tự tại như con tê
giác một sừng trong rừng vắng mà không hề sợ sệt, khiếp đảm trước bất kỳ nguy
hiểm nào (Kinh số 35-36, chương I, Kinh Tập, Tiểu bộ kinh).
Người biết sống một mình thì sống giữa phố thị đông người hay nơi núi cao rừng
thẳm không có gì khác nhau: vững chãi, tự chủ, bình an và tự tại. Người như thế
mới có đủ khả năng kiến tạo hạnh phúc không lệ thuộc, hạnh phúc không “xi mạ”
bằng bất kỳ chất liệu nào, hạnh phúc được thể hiện chính mình, hạnh phúc của
chuyển hóa tích cực và hạnh phúc tối thượng của người không bị tham, sân, si
điều động và chi phối.