Có được một số thông tin từ vài người bạn có mặt tại xứ sở hoa anh đào trong lễ hội truyền thống Obon và những gì tìm hiểu được, tôi viết entry này để lưu lại làm tài liệu cho bản thân mình. Hiểu và biết thêm một tí về lễ hội văn hóa các nước cũng là điều thú vị. Nghĩ vậy, tôi chia sẻ với các bạn vài nét về một lễ hội văn hóa lớn của đất nước Phù Tang.
Ở Việt Nam và Trung Quốc, nhân ngày Rằm tháng Bảy, Phật tử tổ chức lễ hội Vu lan với ý nghĩa báo hiếu, một lễ hội lớn hội tụ sự giao thoa, tiếp biến và hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tôn giáo và truyền thống văn hóa. Tương tự như vậy, ở Nhật, Phật tử và dân chúng tổ chức lễ Obon (お盆) vào ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 dương lịch (ngày lễ chính là 15) hằng năm với ý nghĩa tương tự.
Chữ Obon xuất phát từ chữ Bon Odori (盆踊り ) nghĩa là ‘nhảy múa
Theo truyền thống, trong dịp lễ này, người ta thường tụng kinh, niệm Phật và nhảy múa để thể hiện tình cảm của mình trong dịp đón rước linh hồn những người thân đã mất về sum họp với gia đình. Người Nhật tin rằng linh hồn những người quá cố sẽ trở về đoàn tụ gia đình trong suốt tuần lễ Obon. Tất cả các gia đình đều treo lồng đèn ở cổng nhà để đón rước linh hồn người thân trở về. Họ cũng treo lồng đèn ở chùa và ở các nghĩa địa. Ngày cuối cùng của tuần lễ hội, tất cả mọi người đưa tiễn linh hồn người thân về núi để trở về với thế giới của người đã khuất - cõi Diêm phù không bị mê mờ.
Trong lễ hội Obon này, người Nhật thường dọn dẹp nhà cửa tươm tất để đón rước người thân từ bên kia thế giới trở về sum họp gia đình. Người ta thường thiết bàn thờ Phật (butsudan) trang nghiêm trong nhà. Bàn thờ được trang trí bằng hoa và lồng đèn. Củ quả được thiết cúng trang trọng, chư tăng được thỉnh về nhà tụng kinh cầu nguyện. Trong ngày 13, mọi nhà đều thắp lồng đèn trong nhà để chuẩn bị đón rước vong linh người thân về nhà. Người ta đến các ngôi mộ gia đình để rước thỉnh vong linh về nhà những ánh nến trong lồng đèn sẽ đưa lối rước vong hồn người mất trở về. Nghi thức này gọi là mukaebon.
Tối ngày 15, người Nhật có thói quen thả hoa đăng trên các dòng sông và ở các bãi biển là một cách khác để đưa người thân trở về lại thế giới bên kia. Mỗi chiếc lồng đèn giấy (Toro Nagashi) mang trong mình một ngọn đèn lung linh tỏa sáng chuyên chở theo bao lời nguyện cầu, mong ước, tâm tư tình cảm của người sống đối với người thân đã khuất. Người ta cũng thường đốt pháo hoa ở bãi biển. Tầm pháo vút lên trời đêm với muôn ánh màu tỏa sáng một vùng trời. Nhìn mặt sông lung linh những là đèn lồng với nhiều kiểu dáng, màu sắc và kích cỡ khác nhau, pháo hoa được bắn lên với nhiều hình thù với muôn sắc màu lấp lánh, đẹp không thể tả.
Một sự kiện quan trọng nhất khép lại lễ hội Obon là Gozan no Okuribi (五山送り火), một lễ hội đặc trưng ở khu vực Kyoto tổ chức vào ngày 16 tháng 8. Nơi cố đô, ngoài nhiều chùa, đền thờ thần đạo và các cảnh trí chứa đựng giá trị tâm linh phong phú của một hoàng thành xưa, Kyoto còn có năm ngọn núi lớn bao bọc xung quanh. Trên năm ngọn núi này, ở mỗi ngọn có viết một chữ Hán rất lớn nên còn gọi là Daimonji (大文字). Trong ngày lễ truyền thống này, người ta đốt lửa trên năm ngọn núi thiêng này với niềm tin rằng trong dịp lễ Obon, những người thân quá cố về sum họp gia đình và khi lễ Obon hoàn mãn, họ sẽ đưa tiễn những người thân đã mất của mình về núi để trở về với thế giới Diêm phù, cảnh giới của người đã mất. Lễ này được gọi là Okuribi (送り火) có nghĩa là đốt lửa đưa tiễn.
Công tác chuẩn bị cho lễ hội đốt lửa này được tiến hành chu đáo, khẩn trương và nghiêm cẩn để thể hiện tấm lòng chân thành, trân trọng của mình đối với tổ tiên ông bà. Hàng đống củi bó sẵn được di chuyển lên núi để rồi khi đến giờ khai hỏa, ở mỗi đài sắt sẵn có ấy, một bó củi được được mồi lửa và đặt lên để rồi trong giây lát, những ngọn lửa trên những đài này hình thành những chữ Hán và mô hình khổng lồ ấy có thể nhìn thấy từ rất xa. Tùy vào vị trí mình ở mà chúng ta có thể quan sát được chữ Hán hay hình tượng nào. Xung quanh các đài để đặt củi đốt lửa được phát cỏ, dọn dẹp sạch sẽ từ nhiều ngày trước đó và các lối đi cũng được phát quang để có thể di chuyển nhanh chóng trong quá trình đem củi mồi lửa và đặt lên đài. Mọi người được phân công mỗi người một việc để đảm bảo trong thời gian nhanh nhất, ngay sau giờ khai hỏa, tòa bộ các bó củi trên những đài đều rực lửa gần như cùng một lần. Sau 30 phút lửa cháy, những người này được giao nhiệm vụ xách nước dập tắt ngọn lửa mình đã đốt lên trước đó.
Bắt đầu từ 8 giờ tối ngày 16 tháng 8 (năm nay nhằm 14 tháng 7 âm lịch), những tụ lửa lớn bắt đầu được đốt lên theo trình từ thời gian và thắp sáng hình thể các chữ (ba chữ Hán lớn là hai chữ ‘đại’ và chữ ‘diệu pháp’) và hình tượng (hình chiếc thuyền và hình cổng đền thờ thần đạo) khổng lồ được khắc họa trên năm ngọn núi hùng vĩ uy nghi này. Chữ/hình tượng, vị trí, ý nghĩa và thời gian khai hỏa cụ thể như sau:
Daimonji (大文字), Chữ đại (大), trên núi Nyoigatake. Khai hỏa lúc 8 giờ tối.
Myō Hō ( 妙法): Chữ Diệu Pháp, trên núi Mantoro và núi Daikokuten. Khai hỏa lúc 8 giờ 10 phút tối.
Myō Hō ( 妙法): Chữ Diệu Pháp, trên núi Mantoro và núi Daikokuten. Khai hỏa lúc 8 giờ 10 phút tối.
Funegata (舟形): hình dáng chiếc thuyền, trên đỉnh Nishigamo Funayama . Khai hỏa vào lúc 8 giờ 15 phút tối. Đây là hình tượng chiếc thuyền chuyên chở linh hồn của những người quá cố trở về thế giới tây phương cực lạc sau khi đã sum họp gia đình trong dịp lễ Obon. Đúng 8 giờ 15 phút, khi tiếng chuông chùa Tây phương ( 西芳寺, Saihō-ji Saiho ji) ngân lên báo hiệu đến giờ khai hỏa, lửa được đốt lên. Khi lửa tàn, dân chúng cùng nhau quy tụ tại chùa nhảy múa theo một điệu nhạc Phật giáo gọi là Rokusai Nenbutsu.
Hidari Daimonji (左大文字), Hình chữ đại (bên trái) ở trên núi Okita Yama, khai hỏa vào lúc 8 giờ 15 phút tối. Chữ ‘đại’ này như thể từ trên trời nhìn xuống thành phố Kyoto. Gọi đây là 'chữ đại bên trái' vì nó nằm bên trái của chữ 'đại' ở Daimonji. Nếu nhìn từ hoàng cung, người xem sẽ thấy chữ ‘đại’ (bên trái) này nằm ngay chính giữa tầm nhìn.
Toriigata (鳥居形), hình tượng cổng thờ thần đạo, ở trên Mandara Yama. Khai hỏa lúc 8 giờ 20. Khi tất cả các nơi khác đã nổi lửa, các tụ lửa tạo nên hình tượng cổng đền torii mới được đồng loạt thắp sáng. Hình tượng cổng đền Toriigata do 108 đài để đốt lửa tạo thành, được cho là hình tượng đẹp nhất trong số năm hình tượng vừa nêu trong đêm lễ hội Okuribi trọng đại này.
Như vậy, lửa được thắp sáng đầu tiên là chữ đại (大), ở ngọn Daimonji-yama (大文字山) của Kyoto , trước tiên và tiếp theo là lửa lần lượt được thắp lên tại bốn ngọn núi còn lại theo một trình tự nhất định, mỗi nơi cách nhau từ 5 đến 10 phút. Đến 8 giờ 30, cả năm ngọn núi bao quanh cố đô Kyoto bừng sáng. Các tụ lửa này cháy trong thời gian 30 phút. Lúc này, những chữ Hán khổng lồ và những hình tượng sinh động lung linh, ánh lửa bập bùng rực cháy như thể các hình tượng này đang treo lơ lửng giữa nền trời cô tịch. Mọi người hướng thân và tâm về các ngọn núi này với một tâm niệm chí thành để bày tỏ lòng tri ân tổ tiên. Một không khí huyền nhiệm, thiêng liêng và ấm cúng bao trùm con người và vạn vật càng tôn thêm vẻ quý phái của thành phố cổ kính này. Một Kyoto vốn đẹp lại càng đẹp hơn trong đêm cuối của lễ hội này.
Nhà văn Nguyên Ngọc kể lại, một người bạn Philippine của ông nói rằng, lái xe rất quan trọng là hai bàn chân đạp, một chân ga và một chân thắng. Và quan trọng nhất chính là chân thắng. Khi nào thì người ta cần đến chân thắng, khi nào thì phải giữ rất chặt, rất chắc chân thắng? Không phải là khi dừng xe, hay khi chạy chậm, mà chính là khi tăng tốc và lại qua cua nữa. Văn hóa, theo tôi, chính là cái chân thắng ấy đấy, của xã hội, của lịch sử, của con người, của một đất nước, một dân tộc. Chứ không phải chân ga. Kinh tế là chân ga.
Tôi rất tâm đắc hình tượng 'chân ga' và 'chân thắng' trong lời nhận định trên và thiết nghĩ điều này đúng với mọi dân tộc, mọi đất nước. Nhật Bản, một cường quốc có nền kinh tế phát triển vào loại bậc nhất trên thế giới, là nơi chế tạo ra robot và ở nơi ấy, con người lắm lúc trở nên robot hóa trong những sinh hoạt hằng ngày. Ấy thế mà nhờ cái chân thắng văn hóa dân tộc lâu đời, một nền văn hóa thấm nhuần Phật giáo ăn sâu trong nếp nghĩ cách làm của mỗi con người trong cộng đồng mà người Nhật có được đời sống cân bằng giữa hiện đại và truyền thống, giữa vật chất và tâm linh. Lễ hội Obon là một trong những lễ hội văn hóa lớn của người Nhật, là dịp quý báu để con người tạm thời ngừng lại những công việc cơm áo gạo tiền và dành trọn vẹn thời gian và tâm lực cho người thân, cho lễ hội, cho văn hóa và tôn giáo để có thêm chất liệu nuôi dưỡng và làm mới đời sống tâm linh của mình. Kinh tế Nhật phát triển, nhưng không vì thế mà họ chỉ biết rú ga lao về phía trước càng nhanh càng tốt mà mỗi người dân xứ sở hoa anh đào này kìm chân thắng rất vững. Việc dành thời gian và tâm trí cho các lễ hội văn hóa là một điển hình.