Saturday, October 31, 2015

LỄ HỘI HALLOWEEN

Hôm nay 31 tháng 10, ngày hội Halloween diễn ra sôi động ở Mỹ và nhiều nước. Nhiều ngày trước, các gia đình đã đưa các em đi đến các ruộng bí ngô để chọn mua bí về vẽ mặt ma quỷ lên đó, rồi mua các bộ quần áo đủ kiểu cho ngày lễ hội này. Từ tối qua, hầu hết trẻ em và thiếu niên trong đêm Halloween hóa trang với đủ kiểu áo ma quỷ và mặt nạ hình ma quỷ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói “trick or treat” - Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi. Người lớn cũng hưởng ứng mặc áo ma quỷ đi chơi với các em. Ngày 31 tháng 10 này, có nhà mở tiệc hóa trang, nhảy múa, ăn uống, khách cũng thường mặc áo quần ma quỷ.
Nhân duyên lành, tôi được một người bạn văn, phật tử Thụy Khanh, gởi cho bài thơ Cô làm nhân dịp lễ hội này. Là người đang sống nơi có văn hóa lễ hội Halloween diễn ra hằng năm, Thụy Khanh có dịp chứng kiến không khí lễ hội; Cô có cái nhìn đậm chất Phật pháp và đượm tính nhân văn xuyên qua sự kiện này. Xin chia sẻ bài thơ của Thụy Khanh ở đây:
Lễ hội Ha Lô Quen
Ngày trẻ con biến hóa
Ma quỷ và thiên thần
Xách lồng đèn ngô bí.
Đi gõ cửa từng nhà
Xin chút ít bánh quà
“Trick or treat” chủ nhà?
Nhận quà, rồi bay xa
Chủ đón tiếp ân cần
Lòng từ không phân biệt
Ma quỷ hay thiên thần
Nguyện an lành tất cả...
Hình ảnh trẻ con làm “ma” làm “Thánh”
Thật đáng yêu, ô hay! Pháp vận hành.
Thiên đàng địa ngục,  ma vương thần thánh
Âu chỉ là ảo hóa, bởi lòng ta.
Lời Phật  dạy:"Tâm bình thế giới bình"
Không dừng, bước vượt ngoài dòng sinh tử[1]
Sống hồn nhiên trong giác tánh viên minh
Lặng nhìn pháp đến và đi như thị.



[1] Không bước tới, không dừng lại mà Như Lai thoát khỏi bộc lưu

Và đây là những dòng ghi lại cảm xúc của tôi trong ngày hội này:

MA GIẢ, MA THẬT...

Biểu tượng chính của Halloween là chiếc đèn lồng bí ngô khắc hình thù những khuôn mặt lên đó, đặt nến vào bên trong để thắp sáng của chàng Jack. Truyền thuyết kể rằng, Jack là một thiếu niên tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì, lại từng chơi đùa với ma quỷ. Do phạm nhiều tội lỗi cho nên khi chết, Jack không được lên thiên đàng, ngay cả xuống địa ngục cũng không thể. Do vậy, anh phải đi lang thang nhiều nơi tìm kiếm một chỗ trú chân. Hơi ấm duy nhất sưởi ấm cho anh trong giá lạnh là ngọn nến leo lét trong quả bí ngô. Thông qua hành động và cuộc đời của Jack, bài học cuộc sống mà những người trẻ tuổi cần rút ra là: Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt, phải có lòng thương yêu biết giúp đỡ kẻ khó khăn, không nên lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi. Hóa trang ma quỷ để nhắc mọi người nhớ mà tránh xa lối sống xấu ác.

Hóa trang trong lễ hội Halloween cũng như trong các phim, ma quỷ thường là được thể hiện là những bộ xương và những khuôn mặt kỳ dị rất đáng sợ. Hễ nhìn vào là sợ và ta sẽ tránh ngay. Thế nhưng, đây là ma hóa trang, ma giả, nó khác với “ma thật” đeo bám mỗi người chúng ta. Những con “ma thật” có diện mạo rất khác. “Ma thật” thường rất khéo ngụy trang, không chỉ choàng cái áo ma quỷ sơ sài để ta có thể phát hiện ra dễ dàng đâu. Này nhé, sáng rồi mà vẫn chưa muốn dậy, ngủ thêm, ngủ nướng thích lắm, nhất là sáng sớm, lành lạnh, mát mát thế thì nằm thêm tí nữa, có sao đâu: ma ngủ đang dụ khị và đang chiếm ưu thế rồi đó bạn!
Nhớ câu chuyện chú tiểu ở núi theo thầy về phố, dọc đường, gặp “cọp phố” sao mà dễ thương quá, không hề giống “cọp  núi” tí nào! Cọp núi làm chú tiểu sợ, tránh né, phòng chừng, vì thấy rõ nguy hiểm! Còn “cọp phố” dễ thương vậy mà sư phụ bảo “chớ có nhìn!” Len lén nhìn tí mà về núi rồi vẫn nhớ “cọp phố” không chịu được: ma ái dục đang rủ rê và tấn công chú tiểu một cách rất “ngọt ngào” mà vô cùng thâm độc!
Người này khen một tiếng “bạn giỏi thế!”, người khác thán phục “sao bạn hay vậy”… cứ mỗi một lời khen là tiếp một nấc thang cho bản ngã lên ngôi. Rồi sau đó, tất cả họ âm thầm rút chiếc thang ấy khi ta đang ở chót vót của tự mãn, kiêu  căng. Bây giờ, ta như quả bóng căng tròn dưới trời nắng! Ma kiêu căng đang ẩn náu trong người mình đó bạn. Được khen mà không thích à! Khi sống trong ảo giác và hoang hưởng của những lời khen, ta bị “hiệu ứng hào quang” làm lóa mắt, cứ nghĩ  mình là hoàn hảo, không cần nỗ lực, phấn đấu nữa, lại thêm thái độ coi thường mọi người. Đến lúc này thì ta chẳng làm nên tích sự gì, cũng không còn ai ngưỡng mộ hay ưa thích. Ma thật êm dịu, ngọt ngào như thế đó, nhưng nó cắt nhát nào là sâu và ngọt, đau  mà thấm thía lắm!
Không biết bao nhiêu loại ma “dễ thương” đang chung sống với mình: ma lười biếng, ma tham lam, ma sận hận, ma lừa dối… Nếu chánh niệm tỉnh giác và chân thật với chính mình, ta thấy rõ bản chất, âm mưu, hành hoạt của những con ma “dễ thương” này mà “đuổi” ra khỏi ngôi nhà (thân-tâm) của mình. Nếu không, ta cứ nhận chúng làm bạn, dễ dàng chấp nhận chúng và cho “thường trú” trong nhà của mình. Làm bạn với ma, ta cũng sẽ trở thành một con ma, sớm muộn chỉ là vấn đề thời gian!
Muốn làm thiên thần, không dung túng những con ma kia, dù nó khéo ngụy trang để có vẻ bề ngoài êm ái, dịu dàng, đẹp đẽ và đem lại cho ta cảm giác dễ chịu đến thế nào. Phải hiểu rằng: nó xạo đó thôi! Càng khéo ngụy trang, sự nguy hiểm càng nhiều. Đức Phật rất nhiều lần dạy rằng, các dục lạc ở thế gian vui ít, khổ nhiều, sự nguy hiểm còn nhiều hơn (Trung bộ kinh, kinh số 14:Tiểu kinh khổ uẩn; kinh số 22: Kinh Ví dụ con rắn). Thật là vô lý và thiếu khôn ngoan nếu dành cả cuộc đời này đầu tư cho việc nuôi dưỡng “những con ma” – điều chắn chắn sẽ đem lại khổ đau cho mình. Có ai thường xuyên tư duy đến điều này và biết cách “đuổi ma”, đây quả là một điều hạnh phúc vậy!
Trùng hợp, hôm nay ngày 19.9 al, theo tín ngưỡng dân gian nay đã "xâm thực" vào các chùa chiền, người ta gọi ngày này là "Vía Quan Âm", xin nối link đến một bài viết trước: Pháp tu Quan Thế Âm...