Tuesday, March 1, 2016

TÌM HIỂU VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO TRONG CHƠN LÝ

Dẫn nhập

Bát chánh đạo là một trong những giáo lý căn bản nhất của đạo Phật, do đó, tất cả các học giả và hành giả đều chú trọng về đề tài này là một điều tất nhiên. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng không ngoại lệ. Trong 60 bài giảng (cùng với 9 bài chuyên về Luật dành riêng cho giới xuất gia) của Ngài được kiết tập lại trong bộ Chơn Lý, Bát chánh đạo là một trong số những bài được coi là quan trọng nhất thể hiện quan điểm, đường hướng hành trì và tôn chỉ của hệ phái Khất sĩ. Bát chánh đạo trong Chơn Lý là một sự diễn đạt khác của tôn chỉ: Nối truyền Thích Ca chánh pháp – Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam của Tổ sư Minh Đăng Quang. Bài Bát chánh đạo này được nhiều vị trong hàng đệ tử học thuộc lòng, coi đây là kim chỉ nam trong cuộc sống thường nhật của mình. Cùng với một số bài khác trong Chơn Lý, bài Bát chánh đạo được đọc tụng thường xuyên trong các giờ học Chơn Lý tại các cơ sở tịnh xá.
Đã có một số bài viết về bài pháp này. Hòa thượng Giác Toàn đã có bài Những ý pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang trong Chơn Lý “Bát Chánh Đạo” trong đó, hòa thượng rút ra năm bài học từ bài Bát chánh đạo: Bát chánh đạo trong sự liên quan đến sự sống, với vạn vật thiên nhiên, với chức năng và phận sự của người xuất gia, với quan niệm sống và hành trì hằng ngày và với tám đạo, tám quả. Tuy nhiên, bài viết chỉ gom nội dung bài Bát chánh đạo trong Chơn Lý vào năm tụ trên cho dễ nắm bắt, còn phần giảng giải thêm không đáng kể. Thượng tọa Minh Thành có loạt bài nhiều kỳ (đã đến kỳ 7) với tựa đề Đọc Chơn Lý Bát chánh đạo. Sự phân tích, giải thích trong loạt bài này khá rộng, song vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ. Vì lẽ đó, sau khi đọc xong những bài này, người viết vẫn còn cảm hứng để viết về Bát chánh đạo trong Chơn Lý vì thấy nhiều khía cạnh vẫn chưa được triển khai đúng mức. Bài viết này là một nỗ lực để làm điều này nhằm bổ sung thêm vài ý tưởng về nội dung bài Bát chánh đạo trong Chơn Lý.

Giải thích các chi phần của Bát chánh đạo y cứ trên kinh điển

Đức Tổ sư dùng một phần bài pháp này để giải thích các chi phần của Bát chánh đạo hoàn toàn phù hợp với cách giải thích truyền thống vốn được trình bày trong hệ thống kinh điển nguyên thủy cũng như phát triển. Đức Tổ sư viết chánh kiến nghĩa là thấy rõ tứ thánh đế (tr. 70-71). Đây là cách giải thích nhất quán ở tất cả các tài liệu xưa nay viết về bát chánh đạo. Điều này đã được khẳng định rõ ràng trong kinh, tiêu biểu như trong Tương ưng bộ kinh (Tập V, chương XII, phẩm IV, kinh số 36: Sanh loại; kinh số 39: Cột trụ). Những tài liệu Phật học phổ biến xưa nay chủ yếu định nghĩa chánh kiến như vậy. Thế nhưng, những phương diện ít được nhắc đến trong các tài liệu Phật hoc xưa nay được đức Tổ dạy rằng, chánh kiến là thấy biết rõ nhơn và quả, thiện và ác (tr. 71). Điều này được đức Phật nhắc đến trong một số kinh như kinh Không gì chuyển hướng (Trung bộ kinh số 60), Đại kinh Vacchagotta (Trung bộ kinh số 73), kinh Esukari (Trung bộ kinh số 96). Nội dung này được đức Tổ sư nhấn mạnh ở đây vì nó rất thiết thực cho một hành giả trong quá trình hành trì chánh kiến trong thực tế cuộc sống: hiểu rõ sự vận hành khách quan của nhân quả để làm chủ trong tiến trình tạo nhân, biết rõ thiện ác để nuôi thiện đoạn ác.
Chánh tư duy được hiểu là suy nghĩ chân chánh là điều người học Phật nào cũng rõ. Cụ thể hơn, , trong Đại kinh Xóm ngựa (Trung bộ kinh số 39), đức Phật tuyên bố “với chánh tư duy, chúng ta thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh”. Hoặc ở một bài kinh khác, đức Phật dạy rõ “thế nào là chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại” (Kinh Phân biệt sự thật, Trung bộ kinh số 141). Như vậy, những gì đức Tổ sư dạy trong Chơn Lý hoàn toàn khế hợp với ý kinh này, rằng “chánh tư duy: là sự suy xét không đành làm loài vật phải bị hại. Suy xét không đành làm cho loài vật phải đau đớn. Suy xét đặng tránh khỏi ngũ dục, để tìm sự xuất gia giải thoát, tầm tòi các nghĩa lý để độ mình và độ người” (Chơn Lý, tr. 71). Lời giải thích cụ thể, rõ ràng bằng ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu, phù hợp với mọi căn cơ của hành giả giúp cho mọi người nắm bắt dễ dàng ý tưởng trong quá trình hành trì mà vẫn sát với ý kinh là một sự dụng công, dụng ngữ tuyệt vời của Tổ sư vậy.
Chánh ngữ (thực hành lời nói chơn chánh ở bốn phương diện), chánh nghiệp (từ bỏ sát sanh và phi phạm hạnh), chánh mạng (nuôi sống bằng chánh mạng, không làm 5 nghề được đề cập trong kinh (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm XIII, kinh số 177: người buôn bán), chánh tinh tấn (đoạn ác, nuôi thiện) trong Chơn Lý hoàn toàn y cứ trên cách định nghĩa truyền thống và thống nhất ở tất cả các kinh vốn rất phổ biến và quen thuộc với tất cả chúng ta nên không cần trình bày lại ở đây.
Chánh niệm được định nghĩa trong kinh là “quán thân trên thân, thọ trên các cảm thọ, tâm trên tâm, pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời” (Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương II, phẩm I, kinh số 7: Tật bệnh; tập V, chương I, phẩm I, kinh số 8: Phân tích). Điều này được đức Tổ sư diễn đạt tương tự “chánh niệm: là nhớ chắc các tướng trong thân là thể vô thường, khổ não, vô ngã. Cái thọ vui hay cái thọ khổ, những sự lành, những sự ác, các danh từ và sắc pháp trong thế gian đều là vô thường, khổ não, vô ngã, không tham sân si, dục vọng, luyến ái” (Chơn Lý, tr. 71). Rõ ràng chánh niệm là tu tập tứ niệm xứ để thấy rõ bản chất vô thường, khổ và vô ngã để từ bỏ tham, sân, si vậy. Sự diễn đạt trong Chơn Lý sát nghĩa với kinh điển nguyên thủy mà thật dễ hiểu, nhờ vậy  mọi người dễ nắm bắt ý pháp của đức Tổ sư làm cơ sở cho sự hành trì trong cuộc sống.
Chánh định là thành tựu bốn thiền dục giới được Tổ sư trình bày nhất quán với nội dung trong kinh điển, điển hình như trong kinh Thân hành niệm (Trung bộ kinh số 119), kinh Phân biệt về sự thật (Trung bộ kinh số 141) nên không cần nhắc lại.
Như vậy, vẫn trung thành và nhất quán với ý kinh trong việc giải thích các chi phần của Bát chánh đạo, đức Tổ sư giữ nguyên vẹn lời kinh với một số chi phần như chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn và chánh định vì những điều này quá rõ ràng, cụ thể và thích hợp với quá trình hành trì. Với những chi phần còn lại, đức Tổ sư vẫn tôn trọng giữ nguyên ý tưởng, khéo giải thích bằng ngôn ngữ dễ hiểu, thực tế liên hệ trực tiếp đến sự hành trì để tất cả chư tăng ni đệ tử có thể nắm bắt chính xác những điều cần thực hành trong cuộc sống của một người xuất gia tu học trong giáo pháp.

Bát chánh đạo – đi trọn một đời tu

Đức Tổ sư xác định, cuộc sống tu tập của một người xuất gia, từ khi bước chân vào cửa đạo là bắt đầu sống với Bát chánh đạo, là hướng đến con đường thánh, đi trên con đường thánh để thành tựu các quả thánh. Ngài cụ thể hóa con đường tu tập qua các giai đoạn tương ứng với con đường thánh tám chi phần này. Thực hành Bát chánh đạo là đi trọn con đường hành trì trong cuộc sống tu tập. Do vậy, ngoài việc giải thích y cứ hoàn toàn trên kinh điển như vừa trình bày, đức Tổ sư phác họa con đường ấy qua cách giải thích rất thực tế, mang tính ứng dụng cao, cụ thể như sau:
Chánh kiến: “thấy rõ lẽ thật đạo pháp, liền xuất gia giải thoát, lìa bỏ sự tà kiến vô minh lầm lạc của đời ác trược, bỏ khổ tìm vui” (Chơn Lý, tr. 69). Như vậy, phát tâm xuất gia, lìa bỏ ngôi nhà tội lỗi của thế gian, bước vào cửa đạo là có chánh kiến. Cách giải thích này hoàn toàn khế hợp với cách giải thích trong kinh điển và nhất quán với cách giải thích của chính đức Tổ sư ở trên, rằng chánh kiến là thấy rõ tứ đế, thấy nhân-quả, thiện-ác. Có thấy khổ và nguyên nhân của khổ trong cuộc sống thế tục, cuộc sống mà đức Phật thường mô tả trong kinh điển là “con đường đầy bụi trần” (khổ đế) do tham luyến cảnh đời (tập đế), hướng đến con đường “trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không”, mục đích giải thoát (diệt đế), nên chọn con đường xuất gia để dốc toàn sức lực, thời gian và tâm trí thực hành pháp giải thoát (đạo đế). Chính ý thức rõ nhân-quả, thiện-ác mới “bỏ khổ tìm vui”. Như vậy, đức Tổ sư xác định chặng đường đầu tiên của người xuất gia vào đạo là biểu hiện của sự thực hành chánh kiến.
Chánh tư duy: “chiêm nghiệm, sưu tầm chơn lý để được trí huệ, phải ở nơi chỗ vắng, núi, rừng, vườn một mình ít lâu” (Chơn Lý, tr. 69-70). Đức Tổ sư đã khéo hướng hướng dẫn người mới xuất gia nhập đạo vào con đường thực hành tâm linh, theo đó, sự chiêm nghiệm, tư duy, tìm hiểu chơn lý giải thoát để phát sinh trí tuệ là con đường tất yếu của mỗi hành giả. Để hỗ trợ cho mục đích tu học, một nơi thanh vắng, ít ồn náo, không bị nhiều duyên trần chi phối sẽ là môi trường lý tưởng nhất để thực hành. Đức Phật thường dạy chư đệ tử rằng sau khi khất thực về, tìm một khu rừng, gốc cây, nhà trống để hành thiền. Ở đây, đức Tổ sư chỉ lặp lại lời dạy trên theo một cách nói khác mà thôi. Người vừa mới rời môi trường sống của người cư sĩ nhiều phận sự với đời để nhập vào hàng ngũ xuất gia, cần chọn cho mình một môi trường cách ly nếp sống cũ, mới có thể xa dần khuynh hướng, thói quen, nếp sống bận rộn vốn được huân tập bấy lâu nay. Do đó, cần phải ở một nơi vắng vẻ trong một thời gian nhất định để có môi trường tốt nhất dần thích nghi với nếp sống đạo. Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu lầm chỗ này để rồi mới vào đạo không bao lâu mà không theo Thầy như luật định, tự ý tách rời tập thể ra riêng khi chưa thuần thục nếp sống đạo hành và chưa vững vàng pháp hành của người xuất gia phạm hạnh.
Chánh ngữ: “để nói pháp dắt dẫn dạy khuyên người, sau khi đã thấu lý đạo đắc quả, để cho được cái học tự nơi nghe, nơi suy nghĩ, nơi sự hành động, cùng nơi sự nói luận, giảng giải” (Chơn Lý, tr.70). Ở đây, cách hiểu truyền thống về chánh ngữ được nâng lên một tầm cao hơn và có tính ứng dụng thiết thực nhất cho một người xuất gia thời hiện đại. Chánh ngữ được đức Tổ sư xác lập rõ ràng, là dùng phương tiện lời nói để xiển dương giáo pháp, để chia sẻ kinh nghiệm tu tập, nói giảng, trao đổi, luận bàn giáo lý sau khi tự thân hạ thủ công phu và thấu đáo nghĩa lý của kinh điển và các pháp hành. Hành giả có được chánh ngữ là nhờ một thời gian trú nơi thanh vắng, chiêm nghiệm sưu tầm chơn lý và có được trí tuệ, chứ không phải để tạo nghiệp xấu ác, đem lại đau khổ cho người, quả báo khổ cho mình. Đây được coi như một trong những phận sự của người xuất gia, khi giai đoạn tự tu, tự độ được thực hành đến một mức độ nhất định, phải nghĩ đến bổn phận độ tha của người xuất gia. Đức Tổ sư cũng xác định rõ, nói pháp là một phương tiện để kết hợp việc học qua ba phương diện: “học tự nơi nghe” (văn), “nơi suy nghĩ” (tư) và “nơi sự hành động” (tu) với việc dạy thông qua “sự nói luận, giảng giải”. Đây là cách kết hợp giữa cho và nhận, học và dạy, tự độ và độ tha để công hạnh của người xuất gia dần viên mãn và hoàn thiện trong nếp sống trung đạo.
Chánh nghiệp: Trên cơ sở chánh nghiệp được hiểu là hành động chân chánh như trong kinh điển và hầu hết các tài liệu Phật học đề cập đến, đức Tổ sư giải thích cặn kẽ, thực tế pháp hành của người xuất gia theo hướng ứng dụng trong cuộc sống tu tập thanh bần đạm bạc. Ngài dành trọn phần này để mô tả đời sống du hành theo “Tứ y pháp” trung đạo – tôn chỉ hành đạo của đức Tổ sư và chư tăng ni khất sĩ. Trong số tám chi phần được giải thích ở đây, phần chánh nghiệp được chú trọng nhiều nhất khi Ngài dành đến 138 từ (hơn 38%) số từ để nói về nội dung phần này trong khi đó, 7 chi phần còn lại chỉ được gói gọn trong 223 từ. Điều này cũng phản ánh một sự thật rằng, đức Tổ sư rất coi trọng nếp sống du phương rày đây mai đó, khất thực nuôi thân, tối thì lều lá gốc cây, tiện đâu nghỉ đó, mặc y bá nạp che thân tạm, bệnh thì không tự tìm cầu, làm thuốc mà uống để giữ tâm không tham, không chấp, không cầu, không vướng mắc. Đây là nếp sống lý tưởng được chọn như một nét đặc trưng của chư tăng ni Khất sĩ. Đức Tổ sư xây dựng một cộng đồng xuất gia sống hòa hợp trong tinh thần vô trụ vô chấp với nỗ lực đưa hình ảnh của Phật tăng xưa tái hiện trong tăng đoàn Phật giáo Khất sĩ qua pháp hành độc đáo của đạo Phật mà đến giai đoạn này (những năm giữa thập niên năm mươi của thế kỷ trước) đã bị lãng quên đến mức xóa nhòa trong quá trình hội nhập vào nền văn hóa Việt. Với chủ trương hành trì nếp sống thanh tịnh đúng nghĩa, “đi khắp nơi học dạy trau tâm, lấy sự cứu độ người làm nghề nghiệp” (Chơn Lý, tr. 70), chủ trương hành trì “Tứ y pháp” là một trong những đóng góp tích cực của đạo Phật Khất sĩ vào công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà trong giai đoạn lắm nhiễu nhương và nhiều tệ nạn do cách sống tà nghiệp của nhiều người xuất gia  chuyên nghề cúng tụng, nặng về âm thinh, sắc tướng trong thời kỳ này. Thực hành “Tứ y pháp” thể hiện nét đặc trưng của đạo Phật khất sĩ Việt Nam, có sức cảm hóa nhanh chóng và thu hút đông đảo quần chúng biết quy ngưỡng về đạo Phật. Vì lẽ đó, đức Tổ sư chú trọng nhiều hơn vào chi phần chánh nghiệp là điều dễ hiểu.
Chánh mạng: “là không có cái sống cho mình, thân là của đạo, của chúng sanh, sống bằng tâm chơn như, thân có không, còn mất chẳng mến, chết trong sạch hơn sống nhơ bẩn” (Chơn Lý, tr. 70). Trên cơ sở nuôi mạng chân chánh, không làm năm nghề kém trong sạch như được đề cập trong Tăng chi bộ kinh, chương V, kinh số 177: Người buôn bán, đức Tổ sư nâng tiêu chuẩn của chánh mạng lên tầm cao hơn, có giá trị ứng dụng thực tế hơn khi khuyến khích các đệ tử sống nuôi mạng chân chánh đúng pháp của một người xuất gia. Đó là sống cho đạo, sống cho chúng sanh, sống vị tha chứ không vì lầm chấp cái thân giả tạm tội lỗi này mà mến tiếc, chìu chuộng, cung phụng nó bất chấp nhân quả, sống thấp hèn. Lời dạy này nhắc mỗi người xuất gia phải sống quên mình vì đạo, coi nhẹ bản thân mà phụng sự tha nhân. Người xuất gia cần hành trì pháp chánh mạng trọn đời như vậy.
Chánh tinh tấn: “là sự cố gắng kiên tâm, trì giới nhập định, và đi hành đạo giáo hóa khắp nơi”. Siêng năng ngăn ác, diệt ác, siêng năng gieo thiện, dưỡng thiện theo cách giải thích truyền thống của chánh tinh tấn xem ra còn quá bao quát và chung chung đối với phận sự và sự hành trì thường ngày của một người xuất gia giải thoát. Đức Tổ sư đã cụ thể hóa những điều cần làm trên cơ sở của bốn phương diện trên để sự thực hành của chư tăng ni được cụ thể hơn và nhờ đó, sự hành trì có hiệu quả hơn. Ngài dạy chánh tinh tấn là sự kiên tâm, dồn năng lượng để duy trì thực hành giới, tu tập thiền định và dùng trí tuệ đi giáo hóa chúng sanh. Nói cách khác, chánh tinh tấn là kiên định thực hành tam vô lậu học. Theo cách trình bày của đức Tổ sư, chánh tinh tấn còn được hiểu là thể hiện viên dung cả hai phương diện trí (tiến trình tu tập giới-định-tuệ) và bi (đi hành đạo giáo hóa khắp nơi). Mỗi chi phần của bát chánh đạo được đức Tổ sư triển khai một cách thiết thực nhất về phương diện hành trì cho cả cuộc đời người xuất gia được huân vào nếp sống hành trì hướng đến mục đích giải thoát.
Chánh niệm: “là niệm tưởng Phật, niệm tưởng Pháp, niệm tưởng Tăng, niệm tưởng chúng sanh khổ, để tìm phương tiện cứu độ” (Chơn Lý, tr. 70). Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng là những đề mục thiền quán quen thuộc để các hành giả thực hành trong cuộc sống nhằm chuyển hóa tham, sân, si, đạt đến sự an tịnh của tâm, khai mở trí tuệ, giác ngộ, giải thoát. Điều này được đức Phật nhắc nhiều lần trong các bài pháp và ghi lại trong kinh điển. “Niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” (Tăng chi bộ kinh, chương I, phẩm XVI, kinh số 1: Niệm Phật). Ở một bài kinh khác, tầm quan trọng của pháp tu đề mục này được ghi nhận rằng “ai tùy niệm Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tùy niệm vô thượng” (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm III, kinh số 30: Trên tất cả). Đức Tổ sư nhắc lại các đề mục này trong chánh niệm hoàn toàn khế hợp kinh điển.
Bên cạnh sự giải thích phổ biến có tính truyền thống, đức Tổ sư còn luận về chánh niệm y cứ trên một số ý kinh ít phổ biến khác từ lời Phật dạy. Bên cạnh pháp niệm Phật, niệm Pháp, niệm tăng để tăng trưởng giới, định, tuệ, hướng đến giải thoát là mục đích tối hậu của người xuất gia, đức Phật còn phân biệt có hai loại chánh niệm: chánh niệm thuộc về thế tục và chánh niệm xuất thế gian. Ngài giải thích, chánh niệm thuộc về thế tục là ghi nhớ, không quên lãng, luôn hướng đến đường lành (Kinh 785, Tạp A hàm quyển 28). Trên cơ sở này, lời đức Tổ sư dạy “niệm tưởng chúng sanh khổ, để tìm phương tiện cứu độ” (Chơn Lý, tr. 70) hoàn hoàn khế hợp với kinh điển vậy. Vẫn biết chánh niệm thuộc về thế tục chưa phải là cứu cánh, nhưng đây là nền tảng vững chắc để thực hành chánh niệm xuất thế gian. Đây là pháp tu thực tế, phù hợp với tất cả mọi người ở mọi trình độ nhận thức và học thức.
Chánh định: “là niết bàn chơn như, hay là sự nhập định, sau khi từ bi trí huệ đã đầy đủ. Cũng gọi hưu trí nín nghỉ, sau khi rồi xong hết việc, của cải có dư” (Chơn Lý, tr. 70). Đức Tổ sư mô tả chánh định là thành tựu bốn thiền dục giới theo cách hiểu trong kinh Nikāya đã được trình bày ở phần trên. Ở đây, Ngài nói đến trạng thái tâm vắng lặng, là không còn sự câu thúc của tham, sân, si, đầy đủ từ bi và trí tuệ. Đạt đến trạng thái này, hành giả có khả năng tịnh hóa nội tâm, vắng bặt mọi vọng niệm. Ý tưởng này được đức Tổ sư rút ra từ một số bài kinh. Trong kinh đức Phật dạy “tu tập chánh định, với cứu cánh là đoạn tận tham, với cứu cánh là đoạn tận sân, với cứu cánh là đoạn tận si. Tu tập chánh định, thể nhập vào bất tử, với mục đích là bất tử, với cứu cánh là bất tử. Tu tập chánh định, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn” (Tập V, chương I, phẩm VII, kinh số 161: Tầm cầu). Cùng với ý tưởng này, khi đức Phật nhập niết bàn, tôn giả Anuruddha nói bài kệ rằng “Chính tâm trú chánh định; Không tham ái tịch tịnh; Tu sĩ hướng diệt độ; Chính tâm tịnh bất động; Nhẫn chịu mọi cảm thọ; Như đèn sáng bị tắt; Tâm giải thoát hoàn toàn” (Kinh Đại bát niết bàn, số 16 Trường bộ kinh; Tương ưng bộ kinh, tập I, chương VI, phẩm II, kinh số 5: Đại bát Niết bàn). Cách giải thích của đức Tổ sư hoàn toàn khế hợp với kinh điển rằng chánh định là tâm giải thoát hoàn toàn, viên mãn cả hai phương diện từ bi và trí tuệ, chứng đạt niết bàn vậy. Kham nhẫn với các cảm thọ, kinh ví như “đèn sáng bị tắt”, còn đức Tổ sư thì gọi đó là “hưu trí, nín nghỉ”. Không tạo thêm các cảm thọ mới, kinh gọi là “tâm giải thoát hoàn toàn” thì đức Tổ sư cho đó là “rồi xong hết việc”. Với nội tâm kiên cố, nguồn năng lượng dồi dào kết tinh của bi trí viên dung giúp hành giả tiến sâu vào các tầng thiền tiếp theo, thì đó là  lúc “của cải có dư” vậy.
Với cách giải thích các chi phần của Bát chánh đạo vừa trình bày, đức Tổ sư vẫn y cứ trên kinh điển để giải thích các ý pháp một cách chính xác và nhất quán. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tu tập cho số đông chúng đệ tử với sự chênh lệch về căn cơ, trình độ nhận thức, Ngài đặt trọng tâm vào sự vận dụng bát chánh đạo để thực hành trong cuộc sống hằng ngày bằng ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu, dễ lãnh hội nhất ngay cả với người bình dân ít học. Chính vì chú trọng vào phương diện tu tập, thực hành trong nếp sống hằng ngày, Ngài ưu tiên hơn khi giải thích chi phần chánh nghiệp, với mục đích hướng dẫn pháp hành cho chư đệ tử tăng ni theo con đường truyền thống của Phật tăng xưa, thực hành nếp sống chân chánh, thanh cao, đạm bạc để ghi dấu một đạo Phật giải thoát đúng nghĩa trong lòng quần chúng. Xuyên suốt từ chi phần đầu tiên là chánh kiến, thấy rõ bản chất cuộc sống, thấy rõ thiện ác khổ vui, chọn con đường xuất gia cho đến chi phần cuối cùng là chánh định, hoàn thành xong việc cần làm, nghỉ ngơi trong an tịnh với sự viên mãn của từ bi và trí tuệ là trọn vẹn một đời tu tập vừa tự lợi, vừa lợi tha. Trên con đường ấy, then chốt vẫn là đi khắp nơi học dạy trau tâm, lấy sự cứu độ người làm nghề nghiệp” (Chơn Lý, tr. 70).

Trung đạo trong Bát chánh đạo

Nói đến bát chánh đạo là nói đến con đường trung đạo. Sở dĩ đức Phật gọi sự thực hành bát chánh đạo là con đường trung đạo bởi lẽ, do vô minh mà nhận thức lầm lạc, mới chọn lối sống cực đoan. Một cực đoan là hưởng thụ dục lạc, đắm nhiễm pháp trần, không đưa đến ly tham, giải thoát. Một cực đoan khác là ép xác khổ hạnh, đưa đến phiền não, khổ đau. Hai lối sống này đức Phật đều đã trải nghiệm và không có hiệu quả, lại không đưa đến giác ngộ giải thoát. Cuối cùng Ngài từ bỏ cả hai, chọn con đường trung đạo và thành tựu đạo quả, viên mãn hạnh nguyện độ sanh với con đường trung đạo này. Như vậy, nếu có chánh kiến – nhận thức đúng đắn thì đã biết chọn con đường đúng tránh hai cực đoan để không chuốc lấy khổ đau. Nếu có tư duy chân chánh, đã biết tư duy về con đường đúng tránh hai cực đoạn. Tương tự như vậy cho tất cả các chi phần còn lại trong bát chánh đạo thì hành giả đưa cuộc sống của mình vào quỹ đạo chân chánh từ nhận thức, tư duy, hành động cho đến mọi hành vi, cố gắng, nghĩ nhớ an định và phát triển trí tuệ đều chân chánh. Trên nền tảng thuần thục thân, miệng và ý trong nếp sống chân chánh biểu hiện ở tám chi phần của bát chánh đạo, hành giả có trí tuệ để biết rõ việc đúng-sai, hay-dở, thiện-ác, lợi-hại để định hướng cuộc sống. Nhờ vậy, vị ấy tránh được hai cực đoan vốn gây nhiều khổ đau cho mình và cho người. Chính vì lẽ đó, đức Phật rất nhiều lần tuyên bố bát chánh đạo là con đường trung đạo. Ý nghĩa này được đức Tổ sư nhắc lại tương tự như vậy trong Chơn Lý. Ngài nhấn mạnh “tất cả các pháp lành trong thế gian đều thuộc vào tám phần của bát chánh đạo, không thể nói viết cho cùng… bát chánh đạo gồm cả tam tàng Pháp bảo, tám muôn bốn ngàn Pháp môn, ba ngàn Pháp cái, mà chơn như (chánh định) là mục đích chỉ có một” (Chơn Lý, tr. 72).
Cùng với sự chỉ rõ con đường chánh qua tám chi phần như trong kinh điển truyền thống, thêm vào đó, khi giải thích mỗi chi phần như một phần hành trì thực tế, đức Tổ sư nhấn mạnh sự thực hành trung đạo trong cuộc sống hằng ngày với tám phương diện này. Với chánh kiến, Ngài nói “thấy biết chắc con đường trung đạo dẫn đến nơi diệt khổ” (Chơn Lý, tr. 71) để rồi xuất gia, sống đạm bạc, thực hành lời Phật dạy.  Chánh tư duy là vừa quán xét sự khổ muôn loài mà không làm tổn hại, vừa quán xét sự khổ của bản thân mà tránh khỏi ngũ dục (Chơn Lý, tr. 71), vừa tự tu vừa giúp người, lợi mình  lợi người, độ mình vừa độ người. Chánh ngữ là vừa học vừa dạy, vừa xin vừa cho, vừa thu thúc tu tập trang nghiêm tự thân vừa chia sẻ giáo pháp giải thoát thông qua ba phương diện nghe, suy nghĩ và hành động. Chánh nghiệp là thực hành tứ y pháp, xin đủ ăn để nuôi mạng, không nhịn đói cũng không tham lam tích trữ, không chấp có người có ta, vừa học vừa dạy trên đường du hóa, “lấy sự cứu độ người làm nghề nghiệp” (Chơn Lý, tr. 71).  Chánh mạng là nuôi mạng sống vì đạo, cho đạo, cho chúng sanh chứ không ích kỷ sống cho riêng mình. Ngài không bảo chúng ta phải khổ hạnh, ép xác, đì đọt thân này mà phải nuôi thân tạm để nương nơi thân mà “sống bằng tâm chơn như” (Chơn Lý, tr. 71).  Chánh tinh tấn là vừa trì giới, nhập định và đi hành đạo giáo hóa khắp nơi. Vừa tu cho mình vừa phụng sự chúng sanh, vừa phát triển trí tuệ trên nền tảng của giới và định, vừa thể hiện tâm từ bi đối với muôn loài. Chánh niệm là quán các pháp hữu vi đều chịu sự chi phối của vô thường, khổ và vô ngã nên tâm không dục vọng, luyến ái, không tham sân si và đây là cơ sở để mở ra con đường chân chánh của trung đạo. Chánh niệm là ngoài các đề mục niệm tưởng Phật pháp tăng, còn niệm chúng sanh khổ để tìm phương cứu độ. Đây là nếp sống trung đạo lợi mình lợi người. Chánh định đã đến đích của một đời người, viên mãn trí bi, tự lợi lợi tha, tâm sống trong niết bàn chơn như mà thân hành đạo giáo hóa khắp nơi. Đây là sự vẹn toàn của nếp sống trung đạo, nếp sống bát chánh đạo vậy.
Với cách giải thích rất cụ thể và rõ ràng, con đường trung đạo của bát chánh đạo không còn trong ý tưởng, trong suy nghĩ, trong lập luận nữa mà được thể hiện thực tế qua thân, khẩu và ý, qua công việc và sinh hoạt thường ngày của mỗi người đang thực hành theo lời Phật dạy. Bắt đầu bước vào con đường tu tập là khởi đầu cho hành trình thực hành bát chánh đạo. Ngài nói “xuất gia khất sĩ làm tăng, ở vào trong bát chánh đạo, kêu là nhập đạo” (Chơn Lý, tr. 76) Sống trong bát chánh đạo là sống với đầy đủ sự tỉnh giác chánh niệm và cân bằng giữa trí tuệ và từ bi, giữa thân và tâm, giữa xin và cho, giữa học và dạy, giữa giới luật và thiền định, giữa tự lợi và lợi tha một cách trọn vẹn.

Thay lời kết

Thực hành bát chánh đạo là đi trên con đường trung đạo chân chánh, đưa đến sự thành tựu giải thoát, giác ngộ, niết bàn. Đây là giáo lý nền tảng nhất trong hệ thống giáo lý của đạo Phật. Đức Phật từng tuyên bố, “xưa cũng như nay, chỉ nói lên sự khổ và con đường diệt khổ” (Kinh Ví dụ con rắn, Trung bộ kinh số 22). Con đường diệt khổ ấy thường được nhắc đến là bát chánh đạo. Như vậy, sứ mạng của đức Phật là đem lại bức thông điệp cứu khổ cho mọi người và bức thông điệp ấy được cụ thể hóa và đơn giản hóa qua việc thực hành bát chánh đạo. Có thể nói không quá rằng thực hành bát chánh đạo là đã trọn vẹn thực hành lời Phật dạy. Muốn dứt khổ giải thoát luân hồi là phải thực hành bát chánh đạo.
Không phải ngẫu nhiên đức Tổ sư Minh Đăng Quang chọn mô hình bát giác tượng trưng bát chánh đạo làm kiến trúc kiểu mẫu cho ngôi chánh điện ở tất cả các tịnh xá thuộc hệ phái Khất sĩ. Ngôi chánh điện là nơi quan trọng nhất của một đạo tràng, thường chiếm diện tích lớn nhất, ở vị trí trung tâm nhất, dễ thấy nhất và là nơi chư tăng ni và Phật tử sử dụng thường xuyên nhất trong các hoạt động tu tập của mình. Dù ở trong hay ở ngoài ngôi chánh điện, cấu trúc bát giác này luôn trong tầm mắt, thu hút sự chú ý của mọi người, và là trung tâm điểm đập vào thị giác có tác dụng lay động tâm thức, dù rằng chư tăng ni vẫn tiếp xúc với ngôi chánh điện mỗi ngày. Chính vì lẽ đó, kiến trúc bát giác đặc thù của ngôi chánh điện tượng trưng bát chánh đạo là một sự nhắc nhớ thường xuyên về sự ứng dụng bát chánh đạo vào trong đời sống tu tập của mỗi người con Phật theo phương pháp tự kỷ ám thị tích cực. Đây là cách tác động liên tục để một phản xạ có điều kiện trở thành phản xạ vô điều kiện. Khởi đầu là sự nhắc tâm, luôn chánh niệm tỉnh giác trong nhận thức, tư duy, sử dụng lời nói, hành động, phương tiện nuôi sống, trong quá trình sử dụng nguồn năng lượng nội tâm, trong sự nghĩ nhớ và an trú tâm vào thiền định theo con đường chân chánh mà đức Phật đã dạy. Dần dần, tất cả những điều này cần thuần thục như  một quán tính mà không cần dụng công nữa. Nói cách khác, với sự hiện diện của biểu tượng bát chánh đạo là ngôi chánh điện, người sử dụng kiến trúc có mô hình đặc thù này luôn có cơ hội nhắc mình trong mọi thời khắc, trong mọi sinh hoạt thường ngày nhằm đưa mình vào quỹ đạo sống trong giáo pháp bát chánh đạo một cách thuần thục và tự nhiên nhất có thể.