Saturday, March 26, 2016

HÀI LÒNG VỚI CUỘC SỐNG

Lời dạy thứ hai trong 108 lời dạy của ngài Dalai Lama là “Điều cốt yếu có thể mang lại hạnh phúc cho quý vị chính là biết hài lòng với những gì đang là chính mình trong những giây phút hiện tại. Sự toại nguyện bên trong nội tâm đó sẽ biến cải cảm quan của quý vị khi phóng nhìn vào vạn vật chung quanh, và nhất định quý vị sẽ tìm thấy sự an bình trong tâm thức.

Ít hài lòng về cuộc sống

Thường chúng ta ít khi hài lòng về mình và về cuộc sống của mình. Trước hết là không hài lòng với những gì mình đang có trong hiện tại. Lúc nào ta cũng thấy thiếu không cái này thì cái khác. Nếu phải đi làm suốt tuần ta than thiếu thời gian nghỉ ngơi. Nếu gặp dịp nghỉ các ngày lễ ngay trước ngày cuối tuần nối những ngày nghỉ lên đến 4 hoặc 5 ngày ta than ở nhà chán quá, thiếu chỗ đi! Ở phố ta chê ồn và ô nhiễm chỉ vì cảm thấy thiếu sự an tịnh, trong lành của miền quê, thế nhưng về quê ta chê buồn, chê vắng, chê thiếu tiện nghi, thiếu phương tiện giải trí, vì cảm giác thiếu hơi phố thị! Công việc làm ăn thuận lợi, ta than thiếu thời gian nghỉ ngơi và hưởng thụ. Công việc làm ăn bế tắc ta than thiếu tiền thiếu nợ. Cái cảm giác thiếu hụt và trống vắng như một phần của cuộc sống khiến ta chao đảo, bối rối và bất an. Hầu như lúc nào ta cũng là nạn nhân của chính mình mà bản thân ta không hề ý thức việc này.
Chưa dừng lại ở chỗ không hài lòng về những gì liên quan đến ta trong cuộc sống. Rồi ta không hài lòng về chính bản thân mình. Ta muốn trở thành một ai đó khác mình trong hiện tại. Ta không hài lòng về ngoại hình của mình, trí tuệ của mình, tánh tình của mình. Nếu có chiều cao khiêm tốn, ta thích mình là người cao ráo, nhưng người cao lại thích mình thấp hơn cho giống số đông. Ta muốn thông minh hơn, muốn giỏi giang hơn…
Chỉ muốn mình khác đi mà không có kế hoạch, định hướng nào cụ thể chỉ khiến ta thêm bất an, thiếu tự tin và yếu đuối mà thôi. Nếu có thái độ tích cực và có giải pháp hợp lý, muốn thay đổi mình theo chiều hướng tích cực, điều này hoàn toàn tốt và giúp chúng ta ngày càng hoàn thiện mình hơn. Đành rằng ta không nên tự mãn, vì tự mãn là tự đóng cánh cửa tiến bộ và vô hiệu hóa sự nỗ lực của bản thân. Thế nhưng, khi không hài lòng về mình, ta cần nhìn nhận khách quan, công tâm với chính mình để tìm ra phương hướng để cải thiện bản thân mới mong làm mới mình trong sự thanh thản của tâm hồn. Có những cái ta không thể thay đổi, ta tập chấp nhận trong tinh thần hoan hỷ. Nếu những gì trong khả năng thay đổi của mình, ta nên nỗ lực để tạo nên sự thay đổi tích cực. Có như vậy, cuộc sống của chúng ta mới có ý nghĩa và lợi ích.

Khi không hài lòng

Khi không hài lòng với hiện tại, ta đang hụt hẫng, mất thăng bằng và có cảm giác ngay dưới chân mình không phải là mặt đất bằng phẳng, vững chãi để có thể ôm giữ chân ta đứng vững, nâng đỡ bước chân ta tiếp tục bước về phía trước. Thay vào đó, nơi ta đứng trở nên chông chênh, gập ghềnh như thể có một lực đẩy khiến ta mất thăng bằng và có xu hướng nhào về phía trước. Đúng rồi, có một lực quán tính đã đẩy ta nhào về phía trước, vì ta quên đi hiện tại mà chỉ muốn bay vào tương lai. Đứng trên đất mà thật ra ta không chịu bước, mà chỉ muốn bay, chỉ tiếc rằng ta không có đôi cánh!
Không hài lòng với những gì trong cuộc sống vì tất cả những nguồn cung ứng từ cuộc sống là có hạn mà lòng mình muốn thì vô hạn. Xét cho cùng, là do cái mình MUỐN to hơn cái mình CÓ, và mọi bi kịch, chán nản, thất vọng, mất phương hướng từ đây mà ra. Không hài lòng với hiện tài ngầm chứa đựng tâm lý tham lam, thiếu thực tế, phản khoa học và tạo áp lực không đáng có, làm cho bản thân cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, chán chường, mất đi sinh khí và ý nghĩa sống, đồng thời tạo nên sự nặng nề, bất an không chỉ cho bản thân mình mà còn cho những người liên quan. Sự mất thăng bằng này xuất phát từ nội tâm. Một khi nội tâm bất an, nguồn năng lượng tiêu cực ấy chạy khắp châu thân, biểu hiện ra ở hành vi, lời nói và những suy nghĩ để người khác có thể nhìn thấy và cảm nhận được sự bất an, sự không hài lòng về cuộc sống của mình.

Sự hài lòng từ nội tâm

Một khi có sự hài lòng với chính bản thân mình và những gì mình đang có trong hiện tại, tâm lý hài lòng ấy chế tác một suối nguồn năng lượng tươi mát. Nguồn năng lượng này được chiết xuất từ tâm thăng bằng và tĩnh lặng, không bị sự chi phối của tham lam và bất an. Một khi nguồn tâm an tịnh, nguồn năng lượng tích cực này được lưu dẫn tưới nhuận khắp toàn thân, biểu hiện ở các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, và người ngoài có thể dễ dàng nhìn thấy và cảm nhận sự bình an này qua hành động, lời nói và suy nghĩ của mình. Do vậy, sự an tịnh cần phải từ nội tâm, từ trong suy nghĩ và hành động của mình.
Tâm là nguồn mạch nước ngầm hành hoạt suốt ngày đêm chỉ đạo mọi suy nghĩ, hành vi và lời  nói của con người. Tâm bình an, cả thế giới này theo đó mà bình an. Một khi tâm chế tác được hạnh phúc, nguồn hạnh phúc ấy sẽ tuôn trào tưới tẩm cả thế giới này. Một thế giới bình an nằm trong lòng bàn tay của mỗi một con người chung sống trong thế giới ấy. Hãy chung tay tạo dựng một thế giới bình an từ nguồn tâm an lành của mỗi chúng ta.

Làm chủ tâm mình

Vạn pháp đều do tâm biến hiện. Năng lực vô song của tâm được diễn tả qua hai câu kinh Pháp cú 1 và 2 rằng: “tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác” và từ đây, niết bàn lẫn địa ngục đều do tâm mà ra. Đúng vậy, ngoài ý tưởng, không có gì khác có thể tác động đến ta nhiều đến vậy. Một khi chúng ta nhận ra ý tưởng sinh khởi tùy duyên, tâm không còn năng lực để điều động chúng ta nữa. Thế nhưng, khi nào chúng ta còn mê muội chấp nhận các ý tưởng là thật có, thật quyền thì chúng sẽ tiếp tục gây khổ cho chúng ta một cách nhẫn tâm không hề thương tiếc, như chúng đã từng làm trong vô số kiếp sống trong quá khứ, như chúng đã từng làm trong chuỗi ngày ta còn mê muội. Muốn kiểm soát tâm, chúng ta cần phải thận trọng, thường xuyên quán sát tất cả những hành động về thân, miệng, ý của mình.