Tuesday, January 28, 2014

THIỆN, MỸ VÀ CHÂN (kỳ 1)

Tác giả: Bhikkhu Bodhi

Người dịch: Hằng Như
Mưu cầu hạnh phúc
Tất cả chúng sanh, từ trong bản chất, luôn tìm cách thoát khỏi khổ đau và mưu cầu hạnh phúc. Thế nhưng, mục đích này không dễ gì đạt được vì người mong ước hạnh phúc không có nghĩa là tự động biết cách đi tìm hạnh phúc. Nếu kiến thức về các phương thức đi tìm hạnh phúc tự động xuất hiện cùng với lòng mong cầu hạnh phúc, ai trong chúng ta cũng có khả năng tự mình đạt đến hạnh phúc hoàn thiện thì có lẽ không cần sự có mặt của Đức Phật trên cuộc đời này.

Chúng ta cần sự hướng dẫn của Đức Phật vì rằng, một cách tự nhiên, chúng ta mong ước tránh khổ và có được hạnh phúc nhưng chúng ta không có khái niệm rõ ràng về con đường có thể làm thỏa mãn những mong ước của mình. Như vậy căn bản của vấn đề là chúng ta cần có tri thức, có hiểu biết rõ ràng. Mặc dù chúng ta tự tin vào khả năng hiểu biết của mình, thật ra đầu óc chúng ta không thể là công cụ đáng tin cậy của tri thức, mà nó còn chịu sự bóp méo một cách tự nhiên làm ngăn cản chúng ta đạt được tri thức cần thiết. Sự bóp méo này cản trở hiểu biết của mình để rồi chúng ta không biết những gì cần phải tránh để vượt qua khổ đau và những gì chúng ta cần phải làm để có được hạnh phúc và bình an thật sự.


Sự thiếu hiểu biết rõ ràng này trong kinh Phật gọi là vô minh hay mê mờ (avijjaa). Vì vô minh, chúng ta trở thành nạn nhân của tham ái, của ham muốn thường trực, và như thế, theo thói quen, chúng ta đắm mình vào các hành vi với những niềm vui giả tạm, nhưng cuối cùng thì cũng đưa đến không hài lòng và khổ đau. Có những hành vi đưa đẩy chúng ta đến chỗ khó khăn, đau khổ và nhiều thử thách. Những hành động này, ta những tưởng sẽ đem lại hạnh phúc lâu dài. Thế nhưng, chúng xung đột với khuynh hướng tự nhiên của mình, bởi vì cần đến nỗ lực, tranh đấu và thay đổi từ bên trong, chúng ta mới không bị chúng lôi cuốn. Tóm lại, chúng ta vốn quen thể hiện hành vi theo những cách quen thuộc nhằm đạt được những niềm vui tạm bợ cho dù cuối cùng phải chuốc lấy khổ đau. Chúng ta cũng có xu hướng xa lánh những hành vi thiện và làm mới, mặc dù nếu hiểu chúng một cách sâu sắc, chúng ta biết rằng cuối cùng những hành vi này sẽ đem đến lợi ích cho mình.


Nhiều người đồng hóa hạnh phúc với đam mê dục lạc. Họ cho rằng hạnh phúc đến từ những cuộc chơi đắm mình trong dục lạc của hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngon và xúc chạm. Vì thế, họ đổ dồn năng lượng đề tìm kiếm những phương tiện thỏa mãn dục lạc. Một số người khác không quan tâm quá nhiều đến những thú vui do sự giàu sang đem lại mà họ đam mê chính sự giàu sang. Với những người này, chỉ cần giàu có là đủ. Họ đánh giá bản thân mình và người khác với thước đo là mức lương, số tiền có được trong ngân hàng và của cải đang nắm giữ. Họ dành thời gian để tìm cầu ngày càng nhiều hơn nữa, tích lũy nhiều của cải hơn nữa và càng lúc càng giàu hơn. Thỉnh thoảng, họ tạm dừng lại để hưởng thụ những niềm vui do sự giàu có đem lại.


Có người dành trọn thời gian mình oó để tìm cầu quyền lực. Họ muốn có địa vị cao để có thể thống trị người khác. Họ đồng hóa hạnh phúc với địa vị và quyền lực chính trị xã hội mà họ có được. Có người không quá coi trọng sự giàu sang và địa vị xã hội bằng sự an toàn cá nhân. Họ không có khuynh hướng leo lên chiếc thang địa vị xã hội mà an phận mình ở nấc thang thấp hơn: họ hài lòng với một vị trí khiêm tốn nhưng ổn định trong tầng lớp lao động trung lưu tương xứng với mức sống chung. Họ có thể sở hữu một ngôi nhà xinh xắn ở ngoại ô, chồng hoặc vợ đẹp và những đứa con ngoan theo học ở một ngôi trường tốt. Những thứ họ có trong cuộc sống dường như đẹp như một cuốn truyện tranh, nhưng thật ra họ vẫn thiếu một thứ, đó là: ý nghĩa tận cùng để tìm thấy chân giá trị của mình trong kiếp sống này.


Nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng cuộc sống những người đắm say vào tìm cầu mục đích thế gian, dù đó là dục lạc, sự sở hữu tài sản, giàu có, quyền lực hay sự an toàn, chúng ta sẽ thấy rằng thật ra trong tâm họ có rất ít niềm hạnh phúc và hài lòng thật sự. Hạnh phúc tránh xa họ vì họ nghĩ rằng hạnh phúc là đáp ứng theo tiếng gọi của tham ái. Họ không hiểu rằng bản thân tham ái là không thể thỏa mãn. Như vậy, ngay khi đạt được một điều gì đó mà mình ham muốn, thay vì hài lòng với điều đó thì người ta lại bị ám ảnh vì một ham muốn khác. Ham muốn này xúi giục con người tìm cầu dục lạc mới, giàu có hơn và địa vị quyền lực cao hơn. Như vậy, tìm cầu sự thành công ở đời đưa đẩy con người trong vòng lẩn quẩn, ham muốn đưa đến hài lòng và hài lòng đưa đến ham muốn khác.


Để thấy rằng điều này là đúng, chúng ta cần xem xét đời sống những người thuộc thành phần thượng lưu trong xã hội. Những người này hầu như có tất cả mọi thứ họ mong muốn: giàu có của cải, địa vị và quyền lực xã hội cao; tất cả những xa hoa mà chúng ta có thể mơ nghĩ đến, họ đều có đủ. Mặc dù những người này tạo nên sự ganh tỵ trong mắt người khác, chúng ta thấy họ không thật sự có được sự thanh thản trong tâm hồn. Nếu đến nhà họ, chúng ta thấy nhà to cửa lớn, phòng ốc dãy ngang dãy dọc, đồ nội thất sang trọng, trang trí đẹp đẽ. Họ có kẻ hầu người hạ, kẻ nấu ăn, người phục vụ, hưởng thụ thức ăn ngon và tận hưởng mọi thứ cao cấp khác. Thế nhưng nếu bạn bước vào nhà tắm và nhìn vào hộp thuốc gia đình, bạn sẽ thấy có thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc ngủ và thuốc kích thích, đủ các thuốc tác động tâm thần để giúp họ vượt qua những lo lắng, căng thẳng trong cuộc sống đời thường.


Những sự phản chiếu này thuyết phục chúng ta rằng hạnh phúc chân thật không thể có được từ những thành công ở đời hay sở hữu nhiều của cải vật chất, mà chỉ có được bằng chất lượng bên trong tâm trí mình: nghĩa là hạnh phúc không đo bằng những gì chúng ta có, mà những gì chúng ta là. Chân hạnh phúc chỉ có thể đến từ tâm an tịnh chứ không phải phụ thuộc chủ yếu vào các điều kiện vật chất. Tất nhiên, để sống hạnh phúc, chúng ta cũng cần đến sự an toàn về vật chất ở một mức độ nào đó. Con người ta bị đói khát và bệnh tật thúc bách và không thể dễ dàng tìm thấy hạnh phúc trong nghèo đói. Tuy nhiên, sự an toàn về vật chất chỉ là nền tảng, là điểm xuất phát để từ đó, tâm trí phát triển nhằm đem lại hạnh phúc và bình an thật sự.


Lời dạy Đức Phật, theo mô hình truyền thống, tập trung bàn về toàn bộ vòng luân hồi là khổ. Những lời dạy của Ngài chỉ cho chúng ta thấy rằng hạnh phúc tối thượng là hạnh phúc được tìm thấy khi ra khỏi ‘vòng quay’ này, bằng sự chứng ngộ chân lý tối thượng, Niết Bàn, đưa đến giải thoát khỏi vòng tái sanh. Tuy nhiên, Đức Phật cũng nói đến nhiều loại hạnh phúc có thể đạt được ngay bây giờ và ở đây, trong kiếp sống hiện tại này. Như vậy, tôi muốn xem xét hạnh phúc chân thật theo Phật pháp là gì mà không cần đem các yếu tố như nghiệp, tái sanh và Niết Bàn của mô hình truyền thống để diễn tả sự giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.


Tôi không có ý định cho rằng chúng ta nên đặt những lời dạy của Đức Phật sang một bên, vì những lời dạy này rất cần thiết để có sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về chánh pháp. Toàn bộ lộ trình đưa đến giải thoát, đã được Đức Phật trình bày một cách có hệ thống, đặt cơ sở trên nền tảng triết lý này. Nếu cố gắng từ bỏ hoặc hợp lý hóa những lời dạy này là làm cho những lời dạy ấy trở thành một phiên bản khác mất đi phần cốt lõi. Tuy nhiên, chính Đức Phật cũng dạy rằng, chúng ta nên kiểm chứng giáo lý dựa trên kinh nghiệm bản thân. Do vậy, tôi muốn bắt đầu với những gì chúng ta thấy rõ ràng ngay trước mắt, những điều chúng ta có thể thấy bằng kinh nghiệm cá nhân để tự mình thấy được ý nghĩa của hạnh phúc và sự an tịnh nội tâm. Xem những loại hạnh phúc có thể nhận thấy được như là nền tảng căn bản để từ đó chúng ta có niềm tin tưởng vào các phương diện khác của giáo pháp vốn tồn tại ngoài tầm nhận thức của con người.


Tiếp đó, tôi sẽ tìm hiểu khái niệm ‘hạnh phúc’, phân tích những thành tố của hạnh phúc và những gì cần làm để có được hạnh phúc. Để làm điều này, tôi sẽ dựa trên ba thành tố tạo nên sự tối thiện theo truyền thống triết học phương tây và làm sáng tỏ vấn đề là làm thế nào để các yếu tố này được thành tựu qua lời dạy của Đức Phật. Ba khái niệm này là: Chân, Thiện và Mỹ; nhưng tôi sẽ tìm hiểu ba yếu tố này theo một thứ tự khác hơn, đó là: Thiện, Mỹ và Chân.


Mỗi một khái niệm bao quát một phương diện về giá trị nhân sinh, đó là: đạo đức, thẩm mỹ và kiến thức. Thiện là đỉnh cao về phương diện đạo đức. Đây chính là nền tảng cho các hành động đúng và tâm thái bên trong thúc đẩy hành động đúng. Giá trị trong lãnh vực đạo đức được xác định trên nền tảng lý do thực tế. Để quyết định nên hành động thế nào trong một tình huống cụ thể nào đó trong cuộc sống, chúng ta y cứ vào một loại phản chiếu cụ thể nào đó như là một nguyên tắc để điều chỉnh hành vi của mình. Nói cách khác, để thực hiện yếu tố ‘Thiện’, với các tình huống đòi hỏi phải phản ứng, chúng ta phản ứng theo những cách có đạo đức.


Mỹ là giá trị cao nhất về mặt thẩm mỹ. Từ ‘thẩm mỹ’ thường được dùng để đánh giá các công trình nghệ thuật, nhưng ở đây, tôi dùng từ này với nghĩa rộng hơn để chỉ cho cái Đẹp trong những gì mình trải nghiệm. Nghệ thuật được coi là thuộc phương diện thẩm mỹ vì các công trình nghệ thuật vĩ đại làm cho chúng ta khởi lên ý niệm về sự cao thượng, một sự nhận thức về vẻ đẹp siêu thoát. Nhưng chúng ta cũng có nhận thức về cái Đẹp khi nhìn những cảnh đẹp thiên nhiên ngoạn mục, khi ngưỡng mộ những nhân cách lớn và phát triển tâm mình đến các trạng thái tâm cao thượng. Với hầu hết mọi người, khi suy ngẫm về nghệ thuật, tâm hồn có cảm xúc thăng hoa bay bổng mà trong đời sống thường nhật, họ không thể nào có được trạng thái này. Như vậy, đối với hầu hết tất cả chúng ta, nghệ thuật là phương tiện chủ yếu để đánh thức sự cảm nhận về một điều kỳ diệu và cao thượng. Nhưng chống đối cái Đẹp cũng có thể đưa đến sự dữ dội hơn, và với những tiềm năng lớn hơn để thành tựu tâm linh, bằng sự chuyển hóa tâm thức trực tiếp vào khả năng cảm nhận và thẩm mỹ.


Chân là mục tiêu tối thượng về phương diện tìm kiếm tri thức. Mục đích trên hết của khoa học là khám phá ra chân lý về thế giới. Mặc dù những khám phá khoa học có giá trị ứng dụng thực tế, khoa học không tin cậy hoàn toàn vào kỹ thuật. Kiến thức thuộc lý thuyết phần lớn tự bản thân nó được xem là tốt. ‘Khoa học thuần túy’ đòi hỏi sự hiểu biết toàn diện và chi tiết về thế giới, khơi dậy sự nhiệt tình và thúc đẩy nhiều nghiên cứu khoa học ngay cả khi những ứng dụng kỹ thuật chưa chắc đã thật có. Kiến thức có được nhờ phương pháp khoa học luôn đồng hành cùng chúng ta. Nó không thể tách rời các lãnh vực không hề có biểu hiện của sự hoàn thiện; nó liên tục chịu sự điều chỉnh và mở rộng. Dường như nó luôn luôn hoạt động trên bề mặt của các sự vật. Lòng khát khao lãnh hội kiến thức của chúng ta có thể thỏa mãn bằng một lãnh vực Chân có thể đem lại cho ta kiến thức hoàn hảo, một tri thức thâm nhập vào mức độ sâu thẳm nhất của thực tại.


Tóm lại, nhu cầu về chân hạnh phúc phải bao gồm ba đặc điểm: Hành động Thiện lành về phương diện đạo đức, hoặc ứng dụng những giá trị đạo đức vào trong cuộc sống thường ngày; suy ngẫm về cái Đẹp, trải nghiệm các cảm giác phấn chấn cho chúng ta ý niệm về sự cao thượng, thấu hiểu Sự thật, kiến thức cho ta sự hài lòng và hoàn thiện về đời sống tâm linh.



(Còn nữa)