Chương
2: NGHIỆP
QUẢ
Đạo đức và bệnh tật
Người có
trí cho rằng, sự băng hoại về đạo đức lan tràn ngày nay là nguyên nhân gây ra
nhiều loại bệnh lạ và mới (Sayadaw Tabyekan)
Sức khỏe,
trường thọ và sắc đẹp
Có một thanh niên đang trên đường tìm cầu chân lý tên
là Subha. Một hôm, nhận thấy sự khác biệt giữa bao con người, anh ta suy nghĩ
hoài không ra, trong lòng cứ hoài nghi, bèn tìm đến đức Phật, thỉnh Ngài giải
đáp vấn đề mà anh ta đang thắc mắc. Đức Phật trả lời như sau:
Nếu người nào có thói quen dùng đấm tay hay nắm đất
làm hại người khác, dùng dùi cui và gươm kiếm, người ấy phải nhận lãnh hậu quả
của việc sát hại của mình, khi sinh ra làm người, người ấy phải chịu nhiều bệnh tật.
Nếu người nào không có thói quen hại người khác, người
ấy nhận lãnh hậu quả của việc không sát hại của mình, khi sinh ra làm người,
người ấy có được sức khỏe dồi dào.
Nếu người nào hủy hoại cuộc sống, làm nghề thợ săn, với
bàn tay lấm máu, giết hại, làm bị thương, không có tâm từ ái đối với chúng sinh,
người ấy, với kết quả giết hại ấy, khi sinh ra làm người, sẽ bị yểu mạng.
Nếu người nào không hủy hoại cuộc sống, từ bỏ đao và
trượng, có lòng từ ái đối với tất cả chúng
sanh, người ấy, với kết quả của không sát hại, khi sanh làm người, sẽ được
trường thọ.
Nếu người nào phẫn nộ và bất an, cáu gắt với những lời
nói tầm thường, bộc lộ sự nóng giận, bực bội và oán hận, với kết quả của tâm
cáu kỉnh này, người ấy, khi sinh ra làm người, sẽ trở thành một người xấu.
Nếu người nào không phẫn nộ và bất an, không cáu gắt với
những lời nói tầm thường, không bộc lộ sự nóng giận, bực bội và oán hận, với kết
quả của tâm hòa ái nhã nhặn này, người ấy, khi sinh ra làm người, sẽ trở thành
một người xinh đẹp.
Cứu kiến,
được sống lâu
Thuở nọ, có một vị Sư già, nhờ công phu tu tập tinh
nghiêm cần mẫn, ông có được năng lực đặc biệt là có thể thấy biết những điều sắp
xảy ra trong tương lai. Vị Sư này có nuôi một chú tiểu nhỏ. Một hôm, nhìn mặt
chú tiểu, vị Sư này biết chú tiểu sẽ chết trong vòng bảy ngày tới. Buồn vì thấy
chú tiểu yểu mạng, Sư bảo chú nghỉ ngơi và về thăm cha mẹ. Sư nói “Con cứ ở
chơi với ba mẹ, không cần vội trở lại chùa đâu nhé.” Vị Sư nghĩ, tốt hơn để chú tiểu chết ở tại gia
đình mình.
Bảy ngày sau, vị Sư sửng sốt khi thấy chú tiểu khỏe mạnh
trở về núi. Lúc này, nhìn mặt chú tiểu, vị Sư biết chú tiểu này có thể sống thọ
đến già. Vị Sư bảo “hãy nói cho thầy nghe những gì xảy ra với con trong thời
gian con về thăm nhà.” Chú tiểu bắt đầu kể về cuộc hành trình xuống núi của
mình. Chú tiểu kể về những người dân làng chú gặp, những thị thành chú từng đi
qua, bao con sông chú lội và mấy ngọn núi chú trèo. Chú kể có một ngày chú đi đến
một dòng suối trong mùa nước lũ. Khi chú cố tìm cách vượt qua dòng nước chảy để
qua bờ bên kia, có một đàn kiến bị mắc nạn trên cái cồn cát do dòng nước chảy bồi
nên. Với tâm từ, chú tiểu cảm động xót thương cho loài vật nhỏ bé tội nghiệp
này, thế là chú lấy một cành cây bắc ngang qua dòng suối đến cồn cát mà đàn kiến
đang bị nạn. Khi đàn kiến bắt đầu bò lên cành cây, chú tiểu giữ cành cây cho chắc
để đảm bảo tất cả đàn kiến đều vào được bờ đất an toàn. Sau đó, chú tiếp tục cuộc
hành trình của mình. Vị Sư già nghe kể lại, trầm ngâm tự nói “Ta hiểu rồi. Đây là lý do làm cho chú tiểu kéo dài tuổi
thọ.”
Câu chuyện này cho thấy rằng, cùng với luật nhân quả,
tâm thiện lành có khả năng kéo dài mạng sống.
Vị tu
sĩ mù
Một lần, có vị tăng bị mù tên là Cakkhupala đến Tinh
xá Jetavana (Kỳ Viên) đảnh lễ đức Phật. Một đêm nọ, khi vị tăng ấy đang thiền
hành, tình cờ, giẫm phải mấy con trùng. Sáng hôm sau, chư tăng đến thăm vị tăng
mù, thấy xác côn trùng trên lối đi. Chúng tăng nghĩ không tốt về vị tăng và đến
trình đức Phật. Đức Phật hỏi chư tăng, có ai thấy vị tăng kia giết côn trùng
không? Chư tăng trả lời là không. Đức Phật nói “Cũng như các tôn giả không thấy
vị tăng ấy giết chết các côn trùng, vị tăng ấy không thấy các côn trùng kia. Vả
lại, vị tăng ấy đã chứng quả A-la-hán nên không có tâm giết hại nữa. Do đó, vị
tăng ấy không có tội.” Khi chư tăng thắc mắc tại sao Cakkupala bị mù, mặc dù đã
chứng A-la-hán, đức Phật khi ấy kể câu chuyện thế này: Trong quá khứ, Cakkupala
là một thầy thuốc trị bệnh. Một lần, ông cố ý làm cho một phụ nữ bị mù. Người
phụ nữ ấy, trước đó bị đau mắt và có hứa với vị thầy thuốc này rằng, nếu ông chữa
lành đôi mắt cho cô ấy, mẹ con cô ấy sẽ trở thành người giúp việc cho ông. Thế
nhưng, sau khi mắt được chữa trị, người phụ nữ ấy không muốn mình và các con trở
thành người đi ở đợ, cho nên nói dối với người thầy thuốc rằng bệnh không
thuyên giảm, mà còn tệ hơn, trong khi đó, mắt cô ấy đã bình phục hẳn. Để trả
thù, ông đưa cho cô ấy một loại thuốc mỡ, bảo tra vào mắt. Thế là người ấy làm
theo và trở nên mù. Với việc làm ác ý này, người thầy thuốc trở thành người mù
trong nhiều kiếp sau đó.
Người làm ác
thấy hiền.
Khi quả ác
chưa đến
Khi quả ác đến
rồi
Người ác mới
thấy ác. (Pháp cú 119)
Bệnh
phong cùi
Một dịp nọ, tôn giả Anurhuddha (A-nậu-lầu-đà) viếng
thăm thành Kapilavatthu (Xá-vệ). Tất cả bà con thân thích đều đến thăm Anurhuddha
tại tu viện, chỉ có người chị tên Rohini không có mặt. Hỏi ra, Anurhuddha mới
biết Rohini không đến vì nàng mắc phải căn bệnh phong. Anurhuddha nhắn Rohini đến
gặp ngài. Rohini quấn khăn kín mít vì không tự tin khi đến gặp tôn giả Anurhuddha.
Tôn giả hướng dẫn Rohini làm một số việc công đức và ngài cũng khuyên Rohini
bán bớt một số y phục và đồ trang sức rồi dùng số tiền đó xây cất phòng cốc
cúng dường chư tăng. Rohini đồng ý làm theo. Tôn giả Anurhuddha cũng khuyên bà
con thân thích giúp nàng trong quá trình xây cất phòng ốc. Tôn giả còn bảo
Rohini quét lau sàn nhà sạch sẽ, để sẵn các bình nước uống mỗi ngày trong suốt
quá trình thi công làm phòng. Rohini làm đúng theo sự hướng dẫn và nàng bắt đầu
thấy bớt bệnh.
Khi phòng chư tăng được xây xong, đức Phật và chư tăng
được cung thỉnh đến thọ trai. Sau khi thọ trai, đức Phật hỏi vị gia chủ xây
phòng và cúng dường trai tăng, Rohini lúc ấy không có mặt. Đức Phật yêu cầu nàng
đến và Rohini đến đảnh lễ đức Phật. Đức Phật hỏi Rohini rằng nàng có biết tại
sao nàng mắc phải căn bệnh đáng sợ như thế hay không, nàng trả lời là không biết.
Đức Phật nói rằng, sở dĩ nàng mắc phải căn bệnh đáng sợ này vì trong một kiếp
quá khứ, nàng đã làm một hành động xấu ác vì lòng sân hận. Theo lời giải thích
của đức Phật, một thời, Rohini là chánh hậu của vua xứ Varanasi (Ba-la-nại). Thấy
vua có lòng sủng ái với một kỹ nữ trong triều và như thế là hoàng hậu sanh tâm
ghen tức. Do đó, hoàng hậu muốn trừng phạt kỹ nữ kia. Rắp tâm như vậy, một hôm,
hoàng hậu sai mấy cận thần đem một thứ bột gây dị ứng, ngứa ngáy khó chịu rắc
lên trên giường và mền cô kỹ nữ ấy. Tiếp đó, họ gọi cô kỹ nữ ra, trêu đùa và hắt
bột gây dị ứng đó vào người cô ấy. Cảm giác khó chịu nhanh chóng lan khắp toàn
thân, gây đau đớn vô cùng. Không thể chịu nổi, cô kỹ nữ ấy chạy vào phòng trùm
mền lại. Cảm giác khó chịu và đau nhức lại tăng lên gấp bội. Với kết quả của
hành động ác đó, Rohini kiếp này bị bệnh phong cùi.
Sức mạnh
của nghiệp thiện
Ở phần trước, chúng ta đã thấy rằng, theo luật nhân quả,
năng lực của nghiệp thiện có thể kéo dài mạng sống của người tạo nghiệp thiện ấy.
Thế nhưng, liệu nghiệp thiện của người này có năng lực kéo dài mạng sống của
người khác có liên quan, chẳng hạn một thành viên trong gia đình, hay không?
Câu chuyện được kể trong bản sớ giải kinh Trung bộ làm cho vấn đề này được sáng
tỏ hơn. Một lần nọ, có một người phụ nữ bệnh nặng và cần ăn thịt một con thỏ để
khỏi bệnh. Đứa con trai hiếu thảo với mẹ, tìm khắp chợ mà không thể nào tìm ra
thịt thỏ cho mẹ chữa bệnh, đành đi tìm thỏ bắt lấy thịt. Chàng trai bắt được một
con thỏ nhưng rồi cảm thấy ghê sợ khi nghĩ đến phải giết con thỏ, mặc dù giết với
mục đích làm thuốc cho mẹ. Thế rồi cậu ta thả con thỏ ra và cầu nguyện cho mẹ
nhanh bình phục. Cùng với lời cầu nguyện, tâm lực và đức độ của chàng trai đã làm
cho người mẹ bình phục mà không cần ăn thịt thỏ. (MA.i,203; ND ghi chú) Câu
chuyện trên cho thấy rằng một người có thể giúp người bệnh bằng cách khơi dậy năng
lực tạo nghiệp thiện của người kia.
Thật vậy, không có gì ngạc nhiên khi năng lực của sự
thật tâm linh có thể tạo nên điều nhiệm mầu, chẳng hạn như có thể lành bệnh qua
việc tụng kinh Cầu an (Paritta). Năng lượng tích cực phát ra từ hành động thiện
lành hay tâm hướng đến việc thiện lành có thể hồi hướng đến người thân đang bệnh
để hỗ trợ người ấy nhanh lành bệnh. Tất nhiên, nếu người bệnh tự mình tham gia
vào các việc thiện lành thì kết quả đạt được còn nhiều hơn. Người ấy sẽ được hưởng
trực tiếp năng lực từ việc làm công đức của mình.
Với công đức tích lũy được từ việc biên tập cuốn sách
này, chúng tôi nguyện được sức khỏe và an lạc.
Chuyện vui:
Chồng: Để cho
vết loét trong miệng em nhanh lành, anh đề nghị em phát nguyện không la mắng mọi
người trong vòng một tuần.
Vợ: Được rồi.
Việc này em làm bao lâu cũng được, miễn là không gặp anh là em làm được à!
Bốn lợi ích của việc cúng dường thức ăn
(Tăng chi bộ
kinh)
·
Sống
lâu
·
sắc
đẹp
·
Sức
mạnh
·
Hạnh
phúc.
Bí quyết
làm đẹp của hoàng hậu Mallika (Mạt-lợi)
Một thời Đức Phật đang trú tại Tinh xá Jetavana (Kỳ
Viên) ở Savatthi (Xá-vệ), hoàng hậu Mallika (Mạt-lợi) đến đảnh lễ đức Phật,
chào Ngài rồi hỏi câu hỏi sau:
“Kính bạch Thế Tôn, nguyên nhân nào làm cho một người
phụ nữ xấu, nghèo và địa vị xã hội thấp? Nguyên nhân nào làm cho một người phụ
nữ xấu, mà giàu có, và địa vị xã hội cao? Nguyên nhân nào làm cho một người phụ
nữ đẹp, nghèo và địa vị xã hội thấp? Nguyên nhân nào làm cho người phụ nữ đẹp,
giàu có và có địa vị xã hội cao?
Đức Phật trả lời “Này Mallika, khi một người phụ nữ
dễ dàng nổi cơn thịnh nộ, hung dữ, giận hờn ngay cả những việc nhỏ nhặt không vừa
lòng cô ta; khi nóng giận như thế, cô ấy không phát tâm cúng dường vật thực cho
chư tăng và các bậc thánh nhân, sanh tâm đố kỵ quyền lợi danh vọng với người
khác; sau khi chết đi, người nữ ấy tái sanh làm người xấu, nghèo khó và có địa
vị xã hội thấp hèn.
Này Mallika, khi một người phụ nữ dễ dàng nổi cơn thịnh
nộ, hung dữ, giận hờn ngay cả những việc nhỏ nhặt không vừa lòng cô ta; thế
nhưng, cô ấy rộng rãi, phát tâm cúng dường vật thực cho chư tăng và các bậc
thánh nhân, không sanh tâm đố kỵ quyền lợi danh vọng với người khác; sau khi chết
đi, người nữ ấy tái sanh làm người xấu, giàu có và có địa vị xã hội cao.
“Này Mallika, khi một người phụ nữ không dễ dàng nổi
cơn thịnh nộ, hung dữ, giận hờn những việc nhỏ nhặt hay những việc lớn không vừa
lòng cô ta. Thế nhưng, cô ấy bủn xỉn, không phát tâm cúng dường vật thực cho
chư tăng và các bậc thánh nhân, sanh tâm đố kỵ quyền lợi danh vọng với người
khác; sau khi chết đi, người nữ ấy tái sanh làm người đẹp, nhưng nghèo khó và
có địa vị xã hội thấp.
Này Mallika, khi một người phụ nữ không dễ dàng nổi
cơn thịnh nộ, hung dữ, giận hờn những việc nhỏ nhặt hay những việc lớn không vừa
lòng cô ta. Cô ấy rộng rãi, phát tâm cúng dường vật thực cho chư tăng và các bậc
thánh nhân, không sanh tâm đố kỵ quyền lợi danh vọng với người khác; sau khi chết
đi, người nữ ấy tái sanh làm người xinh đẹp, giàu có và có địa vị xã hội cao.
“Này Mallika, do những lý do này mà có người đẹp, có kẻ
xấu, có người giàu có địa vị xã hội cao, cũng có người nghèo khó địa vị xã hội
thấp.”
Như vậy, hoàng hậu Mallika đã hiểu được nguyên nhân làm
cho người phụ nữ xấu, dung mạo xấu xa, khi nhìn vào thấy ghê tởm, cũng như hiểu
được nguyên nhân để trở thành người giàu và có địa vị cao trong xã hội.
Bạn muốn trở thành loại phụ nữ nào?