Monday, October 27, 2008

LỄ HỘI DIWALI

Giới thiệu


Deepavali, còn gọi là Diwali là một lễ hội chính ở Ấn Độ và là lễ hội quan trọng nhất với người theo đạo Hindu. Lễ hội Diwali được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng Kartika theo lịch Ấn Độ vốn tính theo quỹ đạo của mặt trăng (âm lịch), thường nhằm vào tháng 10 hoặc tháng 11. Năm 2008, lễ Diwali nhằm vào ngày 28 tháng 10 (mồng Một tháng 9 âm lịch) và lễ cầu nguyện chính được mọi gia đình tổ chức vào đêm trước đó.



Lễ hội Diwali, với người Hindu có ý nghĩa như lễ giáng sinh với người cơ đốc giáo. Người theo đạo Jain và đạo Sikh cũng tổ chức lễ hội này với ý nghĩa riêng của tôn giáo họ. Các lễ hội ở Ấn Độ đều gắn liền với các truyển thuyết và lễ hội Diwali cũng không là ngoại lệ. Ngày nay, tín đồ các tôn giáo Hindu, Jain và Sikh trên khắp toàn cầu coi đây là “lễ hội ánh sáng” với ý nghĩa đốt ánh sáng trí tuệ và thiện lành để xua tan bóng tối ngu muội và xấu ác nơi mỗi con người chúng ta.


Nguồn gốc
Lễ hội Diwali có nguồn gốc từ việc kết thúc vụ mùa thu hoạch trong năm. Lễ hội này đánh dấu thời điểm khép lại một năm trước khi bước vào mùa đông. Nông dân không ra đồng, người buôn bán không mở cửa tiệm trong suốt thời gian lễ hội diễn ra và sau lễ là bắt đầu một năm với mùa vụ mới và khởi điểm một năm cho công việc kinh doanh. Thần may mắn và hộ trì về tài lộc theo đạo Hindu là nữ thần Lakshmi được thờ kính trong ngày này như là biểu hiện của sự biết ơn chư vị thần linh. Vào ngày lễ chính, tượng nữ thần Lakshmi được tôn trí nơi thờ phượng và mọi người cầu nguyện vị thần này hộ trì cho họ được mọi điều hanh thông trong năm tới.
Ở nhiều vùng khác nhau trên đất nước Ấn Độ, lễ hội Diwali có ý nghĩa kỷ niệm lễ đón rước vua Rama của thành Ayadhya sau 14 năm lưu đày trên rừng trở về. Khi ấy, người ở thành Ayodhya (thủ phủ của kinh đô vua Rama) chào đón quốc vương của họ bằng cách đốt đèn thành dãy trên các lối đi. Dãy ánh sáng là ‘avali’ và đèn là ‘deepa’ nên lễ hội này có tên là ‘Deepavali’. Từ này, sau một thời gian, biến thành từ ‘Diwali’ trong tiếng Hindi. Từ gốc trong các ngôn ngữ khác ở miền Nam Ấn không có sự thay đổi, do đó, họ vẫn giữ nguyên từ ‘Deepavali’ để gọi tên lễ hội này. Về sử tích thì có một chút khác nhau giữa miền Bắc và miền Nam. Người miền Nam tổ chức lễ hội này để ghi dấu ngày thần Krishna đánh bại quỷ thần Narakasura.

Người theo đạo Jain tổ chức Diwali để ghi dấu ngày vị giáo chủ Mahavira nhập Niết Bàn vào ngày 15 tháng 10 năm 527 trước dương lịch. Người theo đạo Sikh tổ chức lễ hội này với một lý do khác. Vào ngày này, vị đạo sư thứ 6 của tôn giáo này, đạo sư Hargobind vượt ngục thành công cùng với 52 vị vua đạo Hindu (tù chính trị). Sau khi được tự do, vị đạo sư này đến ngôi đền Darbar Sahib (đền vàng) ở thành phố linh thiêng Amritsar. Ở đó, các tín đồ đạo Sikh và dân làng vui mừng chào đón vị đạo sư này trở về bình yên. Trong niềm hân hoan ấy, mọi người đốt đèn để tiếp rước. Ở Ấn Độ, ngày nay, Diwali trở thành lễ hội quốc gia, mọi người, không luận là tôn giáo nào, vui mừng tổ chức lễ hội ánh sáng này.
Ý nghĩa tâm linh

Trong khi lễ Diwali được biết đến là “lễ hội ánh sáng”, ý nghĩa tâm linh quan trọng nhất là mong cầu một năm may mắn và thịnh vượng đến với mọi người và mọi nhà.

 Triết lý căn bản của đạo Hindu là ngoài thân thể vật lý, con người có cái tâm thuần tịnh, không giới hạn, trường tồn gọi là ‘tiểu ngã’ (Atman). Như thể chúng ta tổ chức sinh nhật cho cơ thể vật lý, Diwali là lễ hội cho tâm linh, để khơi dậy ánh sáng bên trong, ánh sáng có công năng tỏa sáng và chiếu soi mọi tăm tối (loại trừ những chướng ngại và xua đuổi vô minh), đánh thức con người trở về với bản tánh của mình, thuần tịnh, không giới hạn, bao trùm hết thảy và siêu việt. Khi tiểu ngã được nhận thức rõ ràng, tiểu ngã này hòa nhập vào tình thương yêu rộng lớn và nhận thức được tất cả là một thể nhất như (Brahman). Điều này đem lại cho họ một niềm vui lớn trong nội tâm.

Chuẩn bị tổ chức lễ hội



Suốt một tuần trước Diwali, chợ quán bắt đầu mang không khí lễ hội, tấp nập người mua kẻ bán để chuẩn bị lễ hội. Tất cả các mặt hàng đều được bày bán rất nhiều và giảm giá đáng kể. Trẻ con, cả người lớn đều mua quần áo mới trong dịp lễ này. Trẻ con thích nhất là mua pháo và đốt ngay sau khi gia đình làm lễ cầu nguyện xong. Chung nho nhỏ bằng đất nung gọi là diya, tim bấc và dầu bày bán nơi làm nên ý nghĩa của ngày lễ ‘ánh sáng’ này. Bên cạnh đó, bánh ngọt các loại cùng trái cây là những món không thể thiếu để bày cúng trong ngày lễ trọng đại này. Nhà cửa được quét vôi mới, dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất từ trong ra ngoài để đón rước thần linh. Cách người ta chuẩn bị lễ hội chu đáo như những ngày lễ Tết cổ truyền ở các làng quê Việt Nam. Nhiều phụ nữ khéo tay trang trí trong nhà và thềm cửa những hoa văn đủ màu sắc gọi là rangoli (tạo hoa văn trên nền nhà bằng bột nhuộm nhiều màu khác nhau). Thương gia nhân dịp này tặng quà đối tác và khách hàng như là một nghi lễ không thể thiếu trong làm ăn.




Thờ cúng nữ thần Lakshmi


Diwali đánh dấu cuối mùa thu hoạch của một năm ở hầu hết các nơi trên lãnh thổ Ấn Độ. Người nông dân bày tỏ lòng biết ơn đến các thần linh về những gì người ta thu hoạch được trong năm và cầu mong cho mùa màng bội thu vào năm tới. Nữ thần Lakshmi tượng trưng cho sự may mắn, giàu có thịnh vượng và sự hộ trì của nữ thần này sẽ đem lại nhiều vận may cho năm tới.


Ngày nay, trong lễ hội Diwali, bên cạnh thờ cúng thần Lakshmi, người ta cũng thờ cúng thần Ganesha (thần đầu voi) tượng trưng cho trí tuệ và giàu sang.


Lễ hội

Sau nhiều ngày chuẩn bị, ngày chính của lễ hội Diwali đến vào ngày đầu tháng Kartika trong sự nô nức, vui mừng và bận rộn của tất cả mọi người. Ngay tối trước (đêm cuối cùng của tháng Ashwina), không khí trong nhà bao trùm một màu linh thiêng và huyền bí. Xung quanh nhà, những chung bằng đất nung chứa dầu và tim bấc sắp thành từng dãy quanh nhà, được đốt lên sáng rực khắp nơi từ lúc trời vừa kịp tối. Khoảng sau 8 giờ, tất cả mọi thành viên trong gia đình chí tâm chí thành làm lễ cầu nguyện chung. Ánh sáng lung linh của vô vàn ngọn lửa nhỏ trong màn đêm cô tịch càng tạo nên vẻ linh thiêng và huyền bí trong khói nhang quyện tỏa và lời cầu nguyện may mắn vang lên ở mỗi nhà.




Sau lễ cầu nguyện, các loại bánh ngọt và trái cây đã cúng được soạn vào trong các khay và phủ lên trên một chiếc khăn màu trắng rồi vài thành viên trong gia đình chia nhau bưng đến từng nhà hàng xóm để tặng quà và trao nhau những lời chúc mừng và cầu nguyện. Ngoài đường, nhiều người tới lui, qua lại gặp nhau chào hỏi trông thật vui và ấm cúng, nhất là ở các miền quê. Họ đến nhà nhau, trao quà, chúc mừng, lưu lại đôi phút để dùng chén trà hay ăn tí bánh ngọt rồi đi về để tiếp tục đến các nhà đến nhà hàng xóm khác. Trong lễ hội này, trẻ con tung tăng quần áo mới, thưởng thức thức ăn ngon và nhất là em nào cũng có pháo trong tay, nôn nóng đợi cho gia đình làm lễ cầu nguyện xong là đốt ngay. Dù những câu chuyện nằm đằng sau lễ hội Diwali khác nhau tùy theo từng vùng và các cộng đồng khác nhau ở Ấn Độ, ý nghĩa của nó không thay đổi - thể hiện sự vui mừng khi đốt lên những ngọn đèn soi sáng nội tâm mỗi người và mong cầu nhiều may mắn thành công trong cuộc sống.