Tết
Nguyên đán là thời điểm chuyển giao của năm cũ sau khi hoàn thành một chu kỳ thời
gian bốn mùa để bước sang năm mới. Đây là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời
nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất trên khắp đất nước. Với tất cả mọi người
ở mọi lứa tuổi, mọi giai tầng xã hội, từ thành thị đến thôn quê, từ miền Bắc đến
miền Nam đất Việt, Tết là thời điểm vô cùng đặc biệt, quan trọng và thiêng
liêng. Đây là lễ hội thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người
Việt, thể hiện sự giao hoà giữa con người và con người cũng như giữa con người
và thiên nhiên. Bên cạnh những giá trị nhân văn, đạo đức và thẩm mỹ trong lễ hội
truyền thống này, dưới cái nhìn Phật pháp, Tết còn là cột mốc để nuôi dưỡng tâm
linh trong pháp lành và điều này góp phần làm cho lễ hội truyền thống này càng
thêm nhiều giá trị.
1.
Tết: mốc thời gian nhắc về giao hòa giữa con
người và thiên nhiên
Theo
nguyên nghĩa, “Nguyên đán” là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên trong tháng đầu
tiên của năm mới và tiết giao thời ấy là thời khắc đặc biệt nhất, gọi là “giao
thừa”. Thời khắc giao thừa là thời điểm được chờ đợi nhất, có ý nghĩa thiêng
liêng nhất đối với tất cả chúng ta. Đó là điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới,
là sự kết nối giữa một chu kỳ vận hành của đất trời với một chu kỳ mới, trong
đó vạn vật cỏ cây tiếp tục trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Đây là thời điểm
nhắc mỗi người chúng ta về sự gắn kết, gần gũi giữa con người và thiên nhiên. Chúng
ta có thể dễ dàng nhận biết nắng nhạt của cuối năm cũ khác với nắng vàng mới mẻ
trải nhẹ lên vạn vật của năm mới, làn gió đông hiu hắt của những ngày trước 30
Tết khác hẳn làn gió mới của ngày mồng một Tết. Sự chuyển mình khá rõ rệt trong
một khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi giữa cái cũ và cái mới trong dịp Tết Nguyên
đán cho chúng ta cảm nhận hòa vào sự sống động của đất trời; từ đó, cảm thấy mình
thật sự gắn bó, gần gũi và thân tình với thiên nhiên.
Khi
cảm nhận được sự giao hòa tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên thông qua thời
khắc giao thừa, ai trong chúng ta cũng phải có bổn phận hiểu rằng thiên nhiên
không phải chỉ để phục vụ con người, không phải là đối tượng để con người khai
thác mà đó là bà mẹ vĩ đại nhất đang nuôi dưỡng cuộc sống con người. Với thái độ
sống như vậy, thay vì khai thác đến triệt để, vắt cạn nguồn sống mà thiên nhiên
ưu đãi dành cho, chúng ta cần thể hiện thái độ ứng xử thân thiện với thiên
nhiên. Thời khắc đặc biệt nhất trong năm này là một tiếng chuông ngân lên nhắc
nhở mỗi người chúng ta tiết kiệm hơn, ý thức hơn khi sử dụng các nguồn từ thiên
nhiên để phục vụ cho cuộc sống con người. Góp phần bảo vệ môi trường sống, thân
thiện với thiên nhiên là đem lại lợi ích thiết thực cho chính mình, đồng thời
còn thể hiện tấm lòng của mình đối với các thế hệ tương lai vậy.
Tết
là cái mốc thời gian đặc biệt nhất nhắc chúng ta ý thức nhiều hơn về mối giao
hòa thiêng liêng giữa con người và đất trời, chứ sự thật thì mối giao hòa này
luôn tồn tại trong cuộc sống. Do đó, dưới lăng kính của người thực hành pháp, mỗi
người tự nhắc mình luôn trân trọng và bảo vệ bà mẹ thiên nhiên trong mọi sinh
hoạt của bản thân để góp phần xây dựng một cuộc sống xanh sạch thân thiện với
môi trường. Đây là cách sống tích cực đem lại lợi ích cho mình và cho người
đúng theo tinh thần đức Phật dạy.
2.
Tết: mốc thời gian để nhắc về vô thường
Vạn
vật đang vận hành theo quy luật của nó và thay đổi không ngừng trong từng
sát-na sống. Sự vận hành của vũ trụ là khép kín và không có điểm bắt đầu. Bốn
mùa xuân, hạ, thu, đông của đất trời lần lượt tiễn, đón nhau đi mãi. Không có
mùa nào là bắt đầu trong vòng chu chuyển này. Nếu có chăng, con người tạm quy ước
chọn một điểm nào đó như một cái mốc để định hình những sự kiện, những hoạt động
của con người một cách tương đối trong cuộc sống. Với người Việt chúng ta, mùa
xuân được chọn làm mùa đầu tiên trong năm và cái Tết được coi là cột mốc thời
gian để tính thời điểm bắt đầu.
Theo
truyền thống, người Việt chúng ta tính tuổi vào ngày Tết nguyên đán. Ai sinh
ngày nào tháng nào không quan trọng, hễ đến mồng một Tết là là sinh nhật chung của
tất cả mọi người! Ai cũng thêm một tuổi, vì thế những ngày đầu năm, câu nói mở
miệng khi gặp nhau là chúc nhau thêm một tuổi mới với những điều tốt lành nhất.
Do vậy, Tết gắn liền với khái niệm về thời gian. Trong khi trẻ con thì đếm ngược
từng ngày chờ mong Tết đến để được xúng xính đồ mới, được vui chơi và được tiền
lì-xì từ ông bà cha mẹ thì người lớn tuổi bắt đầu trầm ngâm thấy mình “già rồi”
mỗi độ xuân về. Mỗi cái Tết là một dấu ấn đánh động tâm chúng ta một cách hiệu
quả nhất về vô thường để mỗi người biết trân quý những gì đang có trong hiện tại.
Chúng ta vẫn thường lấy cái Tết làm chuẩn về thời gian để ghi nhớ và cân đo các
sự kiện, hoạt động trong năm. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết: “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi.
Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần”. Đây là lời nhắc nhở chúng ta
những điều cần làm với hai đấng sinh thành của mình trước quy luật vô thường của
cuộc sống mà thời điểm được lấy làm chuẩn là Tết. Khi nói về hiện trạng sức khỏe
của mình, chúng ta chợt nhận ra “năm ngoái tôi còn khỏe hơn năm nay” và ranh giới
giữa hai năm đó là Tết.
Nếu
vô thường cứ âm thầm trôi theo thời gian như dòng sông lặng lẽ, người chưa giác
ngộ như chúng ta khó lòng ý thức được sự chi phối của vô thường trong đời sống
của mình. May thay, với sự nhắc nhở của vô thường vào dịp đặc biệt nhất trong
năm là Tết như một cột mốc nổi cộm lên, tâm mê ngủ của chúng ta được đánh thức.
Nhờ đó, chúng ta ý thức được quỹ thời gian sống của mình đang rút ngắn dần theo
năm tháng để có thể chủ động sắp xếp cuộc sống mình tốt hơn. Một khi ý thức được
quy luật vô thường của vạn vật, chúng ta biết cách làm cho cuộc đời mình ý
nghĩa và đây là công đức lớn nhất của đời người ( (Tăng Chi bộ kinh, chương IX, phẩm
số 2, kinh số 20: Velāma). Chỉ khi nào nhận thức sâu sắc
về quy luật vô thường, chúng ta mới có thể đặt mình vào quỹ đạo tu học nghiêm
túc và coi đây là nhiệm vụ cấp thiết nhất của kiếp sống con người.
Tết
là thời khắc cho vạn vật thay áo mới, là sự khởi đầu cho những
hương sắc mới mẻ, cây trái đâm chồi nảy lộc, ấn tượng nhất là sự nở rộ của hoa
mai và hoa đào – hai loài hoa đặc trưng cho Tết truyền thống dân tộc. Từ những
cành mai trụi lá trong những ngày cuối năm, nay lộc biếc nụ vàng rung rinh
trong nắng xuân chỉ sau vài ngày đổi tiết là biểu hiện sống động của vô thường.
Từ những cành đào khẳng khiu trong giá rét, nay trĩu cành với những nụ hồng
chúm chím cùng lộc non vươn mình trong tiết xuân ấm áp. Trong cái lụi tàn của
những chiếc lá cũ già nua đã rời cành, thân đã ủ trong mình sức sống mãnh liệt
để trong một thời gian ngắn, đơm ra những nụ hoa tinh khôi đầy sức sống. Trong
cái sanh diệt không ngừng của vạn vật, có cái bất sanh bất diệt, để mầm sống vẫn
tiếp nối trong không gian vô cùng, thời gian vô tận. Nhận ra cái không sanh
diệt nơi vạn vật đang sanh diệt và nơi chính mình là thấy được bản chất của các
pháp: trong hiện tượng sanh diệt hợp tan có cái kiên cố không biến hoại với thời
gian. Chính cái tiết giao thừa của Tết là cột mốc rõ nét nhất để chúng ta nhận
ra điều này. Thiền sư Mãn Giác đã từng viết:
Chớ bảo Xuân
tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân
trước một cành mai.
Cùng
trong tâm thế này, Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông đã nhận diện được cái thường
trong vô thường thông qua diện mạo của mùa xuân. Khi chưa hiểu rõ bản chất của
các pháp, tâm Ngài thăng trầm, vui khi Xuân đến rồi buồn lúc Xuân đi. Khi nhận
thức rõ đằng sau cái thay đổi có cái chơn như bất diệt, Ngài tự tại bình thản dệt
thành những vần thơ:
Thuở bé chưa từng biết sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.
Chúa xuân
nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường
Thiền ngắm cánh hồng (Xuân vãn – HT. Thanh Từ dịch).
Với
sự quán sát sâu sắc định luật vô thường thông qua sự chuyển biến rõ nét nhất của
vạn vật trong dịp đầu xuân, người thực hành pháp lấy đây làm điểm nhấn để luôn
nhắc mình về tính chất vô thường của tất cả pháp hữu vi, trong đó có thân và
tâm mình để luôn tinh tấn trên con đường tu tập vậy. Cứ huân tập sự quán chiếu
vô thường mỗi ngày như thể ngày nào cũng là ngày Tết, lợi ích sẽ càng nhiều
hơn.
3.
Tết: mốc thời gian để kết nối tình thân
Tết
còn là dịp vô cùng đặc biệt trong năm để sum họp, đoàn tụ, kết nối tình thân trong
gia đình, họ hàng, xóm giềng cùng bà con xa gần. Đây là dịp người thân quan tâm
nhau nhiều hơn, sống trọn vẹn nghĩa tình với người thân, hàng xóm và cộng đồng
của mình. Tết là dịp mà hầu như tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quy tụ
đông đủ để kết nối yêu thương và nuôi dưỡng tình cảm gia đình. Dù đi tha phương
làm ăn suốt cả năm, thì đến những ngày này, dù đường sá xa xôi, tàu xe phức tạp
cỡ nào cũng tìm mọi cách để trở về quê sum họp dưới mái ấm gia đình cùng người
thân trong ba ngày Tết để được ngồi bên nhau dưới mái nhà xưa với bao kỷ niệm
thời ấu thơ.
Một
trong những truyền thống đẹp trong ngày Tết là tục chúc Tết ông bà, cha mẹ, những
người thân trong gia đình và hàng xóm láng giềng với những lời chúc cầu tốt đẹp
nhất. Ngay cả những người cùng chung sống trong một gia đình, ra vào gặp mặt, ấy
thế mà ngày mồng một Tết cũng quần áo tề chỉnh đến trước ông bà, cha mẹ trịnh
trọng chúc Tết theo đúng nghi thức và thứ bậc từ trên xuống dưới. Bà con láng
giềng dù có gặp nhau mỗi ngày thì vào dịp đầu năm, vẫn áo quần tươm tất đến nhà
từng người thăm viếng, nói lời tốt đẹp với nhau, chúc tụng nhau năm mới nhiều sức
khỏe, bình an và hạnh phúc…Những nghi thức này đã thành nét đẹp văn hóa trong
ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Tết
còn là dịp để mọi người tha thứ lỗi lầm cho nhau trong tinh thần bao dung và
thông cảm, là cơ hội để hòa giải những bất đồng. Nếu những ai có mâu thuẫn, hiềm
khích với nhau trong cuộc sống mà chưa thể hóa giải thì tất cả đều được xí xóa
khi “năm hết, Tết đến”. Ai ai cũng tự
cho mình cơ hội để vui vẻ, hiền lành và bao dung khi sống trong tinh thần “giận đến chết đến Tết cũng thôi”. Tất cả
những gì không vui, không đẹp đều được gởi lại cho năm cũ mang đi và giao thừa
là thời khắc thiêng liêng để làm sạch, làm mới mối quan hệ trong yêu thương và
hoan hỷ.
Mọi
người làm những việc này không phải như một thủ tục theo kiểu “xưa bày, nay làm” mà là một thiện chí kết
nối yêu thương và bao dung tha thứ đúng với tâm thành của mình thì những việc
làm này mới trọn vẹn ý nghĩa. Dưới lăng kinh Phật pháp, đây là dịp tốt để mỗi
người tái nạp năng lượng yêu thương, tập nuôi dưỡng tâm từ ái, bao dung đối với
tất cả mọi người. Thông qua việc làm thiết thực này, tâm thiện lành được nuôi lớn
và cảm giác bình an, thanh thản sẽ đến với người thực hành.
Tết
như là cột mốc quan trọng để nhắc tâm mình ý thức hơn việc nuôi dưỡng tâm từ bi,
nhưng đây không phải là dịp duy nhất để chúng ta thực tập điều này. Để có được
lợi ích lâu dài hơn, chúng ta có thể mở rộng sự thực hành này trong cuộc sống đời
thường: mở lòng để gắn kết và yêu thương, quan tâm và chia sẻ, cảm thông và tha
thứ. Ngày nào chúng ta cũng trải lòng ra mà sống như thể đó là ngày Tết thì
thân tâm mình sẽ được thấm nhuần trong bình an và hành phúc. Do đó, tất cả những
tâm lý thiện lành này cần được nuôi lớn luôn luôn trong từng sát-na sống để thiết
lập một cuộc sống thật nhiều lợi ích và ý nghĩa.
4.
Tết: mốc thời gian để thể hiện lòng tri ân
Tinh
thần sum họp, đoàn tụ những thành viên trong gia đình trong dịp Tết còn mở rộng
ra đến cả người đã mất như là một biểu hiện của lòng tri ân. Đây là sự gắn kết
không ranh giới giữa người sống và người đã mất. Tục lệ cúng “Rước ông bà” về
dón Tết cùng con cháu vào ngày 30 Tết mang ý nghĩa này. Bàn thờ gia tiên phải
được quét dọn sạch sẽ, mâm ngũ quả trang nghiêm đã được dâng cúng trước lễ “Rước
ông bà”. Sau khi “Rước ông bà” về nhà, các gia đình thắp hương mời hương linh
ông bà tổ tiên và những người thân đã qua đời về chứng tấm lòng thành và vui Tết
cùng con cháu. Thế rồi trong ba ngày Tết, nhà nhà đều kính cẩn dâng cơm và nhiều
món ngon với tâm tưởng niệm và tri ân ông bà và những người đã mất. Từ đây cho
đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng ấm
áp của gia đình khiến con người trở nên gắn bó với những người thân của mình
hơn bao giờ hết. Sau ba ngày rước ông bà về sum họp với gia đình, mọi người sắm
một mâm cơm cúng bàn thờ gia tiên và tất cả con cháu phải tề tựu đông đủ để tiễn
đưa ông bà trở về cảnh cũ, rồi quây quần bên nhau dùng cơm trong bữa cúng “Đưa
ông bà”.
Tinh
thần tri ân của người Việt trong dịp Tết còn được thể hiện qua truyền thống “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết
thầy” mà sự thực hành vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay. Suốt một năm tất
bật mưu sinh, bôn ba xuôi ngược, dù đi làm ăn xa hay ở tại quê nhà, mọi người đều
bận rộn với công việc của mình. Chỉ có Tết là dịp duy nhất trong năm con người
cho phép mình được thảnh thơi, rảnh rang trong suốt nhiều ngày. Đây là dịp tốt
nhất để thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” vốn trở thành nếp sống cao đẹp
của người Việt. Theo thông lệ, sáng ngày mồng một Tết, vợ chồng con cái anh em
ruột thịt đã ở riêng hoặc đi làm ăn xa nay trở về nhân dịp Tết sẽ về nhà Nội để
lễ bàn thờ gia tiên, nói lời chúc tụng sức khoẻ và những điều tốt lành đến với
cha mẹ và ông bà. Đáp lại, ông bà cha mẹ chúc Tết con cháu kèm theo những đồng
tiền mới tượng trưng để trong bao lì xì đỏ gọi là lộc dành cho các cháu nhỏ để
con cháu lấy may. Tất cả những nghi thức này đều được thực hiện trong không khí
vừa trang trọng, kính cẩn vừa ấm áp thân tình, thông qua đó chuyển tải lòng biết
ơn của con cháu dành cho ông bà cha mẹ. Sau khi chúc Tết thăm hỏi, tất cả quây
quần bên nhau cùng dùng bữa ăn chung trong tình thân gia đình. Mồng hai Tết là
ngày mọi người đến nhà ông bà cha mẹ bên ngoại để chúc Tết. Nghi thức chung
cũng tương tự như bên nội. Con cháu chúc tụng ông bà cha mẹ và ông bà cha mẹ mừng
tuổi con cháu, sau đó cùng nhau dùng cơm trong tình thương yêu và gắn kết.
Tất
cả những thành viên trong gia đình gồm đông đủ con cháu nhiều thế hệ tề tựu về
chung một mái ấm gia đình, thực hiện nghi thức chúc Tết và cùng nhau ăn chung
trong ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người, đặc
biệt là tuổi thơ, về hạnh phúc gia đình đầm ấm, sum vầy có trên có dưới, thương
yêu và viên mãn. Biểu hiện đẹp ngày Tết đã trở thành nếp sống văn hóa của người
Việt, thể hiện sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ hai bên nội ngoại – cái
gốc sinh thành và giáo dưỡng mình nên người.
Mồng
ba Tết là ngày người Việt thường dành riêng để đi thăm viếng thầy cô giáo. Trong
tinh thần tôn sư trọng đạo, mọi người đi thăm tất cả thầy cô giáo mình đã từng
học qua. Thầy ở đây không giới hạn ở phạm vi dạy chữ, mà khái niệm “người thầy”
được mở rộng nghĩa, bao gồm cả những người dạy nghề, dạy các môn nghệ thuật như
đàn, hát, võ… Truyền thống coi trọng vai trò của người thầy, với suy nghĩ “không thầy đố mày làm nên” đã ăn sâu
trong nhận thức của người Việt. Do đó, bên cạnh việc thể hiện sự tri ân sâu sắc
công dưỡng dục đối với cha mẹ, ai cũng trân trọng dành cho các thầy cô sự biết
ơn chân thành về công lao dạy dỗ, khai tâm mở trí cho mình để thành người hiểu
biết, có nghề nghiệp sinh nhai và định vị cuộc đời mình trong nhân quần xã hội.
Với
người Phật tử và người không theo đạo mà chúng ta thường nghe họ tự nhận là “đạo thờ ông bà”, Tết còn là dịp để mọi
người về chùa lễ Phật, tưởng niệm chư hương linh của người thân được thờ tại cửu
huyền và thăm viếng chư tăng ni. Chùa là nơi an lành nhất trong tâm tưởng mọi
người, thường được chọn làm nơi thăm viếng đầu tiên trong dịp đầu Xuân, trước
khi về chúc Tết ông bà cha mẹ bên nội, với mong ước mọi sự tốt đẹp đến với bản
thân và gia đình trong năm mới. Do đó, ngay sau giao thừa, tất cả các chùa đều
nhộn nhịp cảnh người ra vào lạy Phật. Đây là biểu hiện tri ân đối với người thầy
tâm linh đã dìu dắt người Phật tử đi trên con đường sáng để thiết lập cuộc sống
bình an và hạnh phúc.
Thói
quen viếng thăm các bậc sinh thành dưỡng dục và những người thầy đã cho chúng
ta nghề nghiệp cũng như con đường sống an vui hạnh phúc ở đời là thể hiện lòng
tri ân hướng về cội nguồn huyết thống cũng như cội nguồn tâm linh trong dịp Tết.
Với người thực hành Pháp, tất cả những giá trị tinh thần và tâm linh cao đẹp này
cần được thực hành thường xuyên để được lợi ích nhiều hơn cho tự thân và tha
nhân. Thể hiện tinh thần tri ân trong dịp Tết là cách để nhắc nhở, hâm nóng và
nuôi lớn tinh thần tri ân trong tâm chúng ta để rồi tinh thần này được tiếp tục
thể hiện trong suốt cuộc sống của mình trong suốt một năm.
5.
Tết: mốc thời gian để nhìn lại và hướng tới
Tết
cũng là cột mốc đánh dấu năm cũ đã qua, một năm mới bắt đầu và bản lề cho sự
chuyển giao thời gian này là thời khắc giao thừa. Theo truyền thống, đến ngày
23 tháng chạp thì mọi công việc đồng áng, buôn bán cũng tạm dừng nghỉ để khép lại
một năm. Ngày xưa, các cơ quan hành chánh các cấp huyện, tỉnh, trấn, xứ và triều
đình đều đóng cửa nghỉ việc từ ngày này, sau khi làm lễ “hạp ấn” (niêm phong mọi
con dấu, ấn triện...). Ngày nay, lễ Tất
niên ở các tổ chức kinh doanh được tổ chức với ý nghĩa tương tự. Đây là dịp để
mọi hoạt động suốt một năm tạm dừng lại. Mọi người tổng kết, nhìn lại, đánh giá
sự thành công cũng như những tồn đọng trong công việc làm ăn, nhằm rút kinh
nghiệm và lên kế hoạch cho hoạt động của năm sau với hy vọng nhiều điều tốt
lành hơn.
Với
cá nhân cũng vậy, Tết là dịp để mỗi người tự đánh giá lại những thành tựu cá
nhân, những được mất của cả một năm về tất cả mọi phương diện trong cuộc sống,
như công việc làm ăn, các mối quan hệ xã hội, tình trạng sức khỏe… Với người biết
thực hành lời Phật dạy, Tết còn là dịp để soi lại chính mình, nhìn lại sự tiến bộ
của bản thân trên con đường tu tập để điều chỉnh sự tu học cho hợp lý hơn, với
nhiều quyết tâm hơn trong năm tới.
Tết
không chỉ là thời gian tạm dừng nghỉ để nhìn lại những gì gặt hái được sau một
năm nỗ lực trong cuộc sống, mà đây còn là dịp để làm mới mọi thứ, hòa chung
trong sự đổi thay mới mẻ tinh khôi của vũ trụ đất trời. Có những việc có thể
làm trong thời gian trước đó, nhưng tâm lý chung, mọi người vẫn để lại và đợi đến
gần Tết mới làm, nhất là việc thay mới những vật dụng và đồ nội thất cho nhà cửa
khang trang, mới mẻ. Hầu như cả xã hội, nhất là các ngành dịch vụ, đều rộn lên
từ vài tháng trước để chuẩn bị mọi thứ mới mẻ chuẩn bị đón Tết. Càng về những
ngày cuối năm, không khí Tết càng rộn ràng hơn. Rõ nét nhất là không khí chuẩn
bị nhộn nhịp khẩn trương từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, sắp
xếp nội thất, chuẩn bị bánh trái, đón tiếp người thân ở xa trở về. Tất cả đều mới
mẻ, tinh tươm như thể đây là dịp duy nhất để làm những việc này.
Với
người thực hành pháp, việc làm mới nhà cửa và các vật dụng trong nhà gợi nhắc mỗi
người nên quay về làm mới thân tâm trên con đường tu học. Làm mới là pháp môn
thực hành cụ thể và thiết thực nhất để chuyển hóa tâm, từ bỏ những thói quen xấu,
thay vào đó là những thói quen tốt để tiến bộ hơn trên con đường tu học. Làm mới
là thực tập nhìn lại chính mình trong mối liên hệ với người thân để hóa giải buồn
giận, hiểu lầm đã tạo ra trong suốt một năm. Làm mới là thực tập nhìn lại chặng
đường một năm thực hành pháp, để kịp thời điều chỉnh phương pháp tu học cho hiệu
quả hơn. Mục đích của việc làm mới thân tâm là để tinh tấn nhiều hơn, tâm định tĩnh
hơn, phát triển tuệ giác nhiều hơn, nhằm đem an vui hạnh phúc về cho tâm mình.
Như
vậy, Tết là cái mốc thời gian quan trọng nhất đánh dấu cho sự đánh giá cái đã
qua, mở ra cơ hội cho những mới mẻ trong thái độ, nhận thức và hành động của
con người. Đây là dịp đặc biệt trong một năm nhắc tâm chúng ta điều chỉnh mình
cho hợp lý và làm mới thân tâm trên con đường hoàn thiện nhân cách. Thế nhưng,
để sự tu tập tiến bộ và lợi ích nhiều hơn, mỗi cá nhân cần thực tập làm mới thường
xuyên mỗi tuần, mỗi tháng để kịp thời điều chỉnh, sách tấn tự thân để cuộc sống
thêm ý nghĩa.
6.
Tết: mốc thời gian nhắc nuôi tâm hoan hỷ
Ngày
mồng một Tết thường được cho là ngày vía đức Phật Di Lặc, một vị Phật tương lai,
biểu tượng cho sự hoan hỷ và an lành. Khi nhắc đến Ngài, chúng ta đều nhớ đến
hình ảnh một ông Phật thân tướng mập mạp, bụng to, ngồi phạch ngực và miệng cười
toe toét bên cạnh mấy đứa bé đang vui đùa.
Người
Trung Hoa tin rằng đức Phật Di Lặc đã hóa thân thị hiện trong hình tướng một vị
hòa thượng được gọi là Bố Ðại vào khoảng thế kỷ thứ X. Ngài có hình tướng mập mạp,
vui vẻ, luôn đeo một bao vải lớn trên lưng và hay chơi với trẻ con. Ngài đi khắp
nơi, lúc nào cũng thân thiện trong cười hoan hỷ. Ai cho gì, Ngài nhận, rồi đem
phân phát cho trẻ con. Ngài luôn đem đến niềm vui cho mọi người, đồng thời, ai
làm gì Ngài cũng không phiền giận. Nhiều câu chuyện ly kỳ được kể về vị hòa thượng
này. Đến khi ngài thị tịch đã để lại một bài kệ, tự nhận mình là Di Lặc. Vì vậy,
tượng đức Phật Di Lặc nhiều người thờ ngày nay đều mô phỏng theo hình ảnh của
hòa thượng Bố Đại, với vẻ mặt tươi cười mặc dù có sáu đứa trẻ leo lên nghịch
phá trên thân mình. Về phương diện tu tập, hình ảnh sáu đứa trẻ tượng trưng cho
sáu tên giặc chuyên gây phiền não khi sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần. Đức Phật
Di Lặc đã làm chủ được tâm mình, không để sáu căn chạy theo sáu trần, khi
tiếp xúc không nhiễm, không dính, không mắc nên Ngài an nhiên, tự tại và luôn nở
nụ cười hoan hỷ.
Chính
vì lẽ đó, ngày Tết thường được gắn với hình ảnh vị Phật Di Lặc, chúc nhau “đón
xuân Di Lặc” là mong ước sự hoan hỷ, bình an và hạnh phúc đến với mọi người. Đây
cũng là ước nguyện của những người con Phật, nguyện cầu và mong ước ngày đầu Xuân
an vui, hạnh phúc để mở đầu cho suốt một năm an vui, hạnh phúc. Tuy nhiên, lời
ước nguyện ở đây cần được coi là sự khởi đầu của một tâm niệm lành để lấy đó
làm điểm khởi đầu làm chất xúc tác cho sự nỗ lực tu tập theo hạnh hoan hỷ, tha
thứ và bao dung như Ngài để chuyển hóa tự thân. Nói cách khác, chúc nhau “một
mùa xuân Di Lặc” là hướng về đức Phật Di Lặc như một hình mẫu lý tưởng để nhắc
nhau cùng thực hành pháp “Tứ vô lượng tâm” từ, bi, hỷ và xả, khi sáu căn tiếp
xúc sáu trần thì không nhiễm, không dính mắc để được an lành và hạnh phúc.
Hoan
hỷ và bao dung là hạnh tu cần thiết cho tất cả ở mọi lúc, mọi nơi, đâu phải đợi
đến Tết mới chúc nhau, mới ước nguyện và thực hành? Vì lẽ đó, ai trong chúng ta
mỗi ngày đều cần lời cầu chúc ước mong “mùa xuân Di Lặc” như một sự nhắc tâm tu
tập các pháp này để tự tại khi sáu căn tiếp xúc sáu trần mới mong có được nụ cười
hoan hỷ và bao dung trong mọi hoàn cảnh sống.
Thay lời kết
Tết
là mốc thời điểm quan trọng nhất trong năm đánh dấu sự chuyển giao từ mùa đông
úa tàn năm này sang mùa xuân vui tươi của năm mới. Đây là khoảng thời gian
thiêng liêng nhất của một năm để mọi người ở khắp nơi trở về quê cha đất tổ sum
họp cùng người thân trong gia đình. Đây là mốc thời gian để con người giao hòa
với thiên nhiên, để con người cảm nhận sâu sắc hơn định luật vô thường đang chi
phối vạn vật qua sự biến chuyển nhanh chóng của vạn vật. Tết là thời gian để những
người thân tìm về bên nhau, cùng thắt chặt mối dây tình người sau bao tháng
ngày bôn ba kẻ ngược người xuôi. Đây còn là thời gian để con người thể hiện truyền
thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” đối
với các đấng sanh thành, cũng như những người thầy đã tạo duyên để chúng ta có
nghề nghiệp, kỹ năng và nhân cách sống như ngày hôm nay. Tết còn là thời điểm để
cá nhân và cộng đồng cùng nhìn lại tất cả những hoạt động trong một năm qua, định
hướng cho một năm tới với nhiều triển vọng hơn. Những ngày đầu năm là thời điểm
thích hợp nhất để chúc nhau một mùa Xuân hoan hỷ và ngập tràn hạnh phúc.
Ngần
ấy giá trị cũng quá ý nghĩa đối với ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên,
với người thực hành pháp, Tết còn có giá trị nhiều hơn nữa khi người thực hành coi
đây là cột mốc thời gian đặc biệt làm lay động tâm thức để mỗi người tự đưa
mình vào quỹ đạo sống thiện lành. Tất cả những điều tốt đẹp cần được hành trì
như những pháp tu mới có được lợi ích lâu dài cho bản thân mình. Với cái nhìn từ
phương diện tu tập, không chỉ trong những ngày nghỉ Tết, mà khi cuộc sống bắt đầu
một chu trình mới của một năm sau những ngày nghỉ Tết, mọi người trở về với
công việc thường nhật của mình, mang theo những hình ảnh ngày Tết để nhắc tâm
luôn luôn an trú trong các pháp lành. Có như vậy, mỗi ngày trôi qua, cuộc sống
tròn đầy ý nghĩa và ngày nào cũng là ngày Tết đối với người lấy việc thực hành Phật
pháp làm nếp sống cho mình vậy.