Giữ lời hứa là cách làm tăng giá
trị bản thân, tăng uy tín trong cộng đồng, tăng niềm tin yêu và thiện cảm của mọi
người dành cho bạn mà không có tiền bạc hay thứ gì khác có thể đổi được.Giữ lời
hứa nghĩa là bạn đang đem lại niềm vui cho người khác một cách thiết thực đến
không ngờ.
Khi bạn hứa với ai là sẽ làm một điều
gì đó cho họ, có nghĩa là bạn ở vị trí của người thi ân, bạn đang nuôi dưỡng
trong tâm một điều thiện và tự thấy phải có bổn phận thực hiện điều này. Với
người tử tế, lời hứa mang theo sự nhắc nhở thường trực trong tâm, là động cơ
thúc đẩy bạn thực hiện lời hứa. Lời hứa là “tem bảo chứng” về giá trị con người
và khi lời hứa được thực hiện là lúc mọi người có dịp kiểm chứng nhân cách của
người hứa. Giữ lời hứa là cách làm tăng giá trị bản thân, tăng uy tín trong
cộng đồng, tăng niềm tin yêu và thiện cảm của mọi người dành cho bạn mà không
có tiền bạc hay thứ gì khác có thể đổi được. Giữ lời hứa nghĩa là bạn đang đem
lại niềm vui cho người khác một cách thiết thực đến không ngờ.
Về phía người thọ ân, khi nhận lời hứa
là lúc họ thắp lên trong lòng ngọn lửa của niềm tin và hy vọng. Người ấy sẽ tin
rằng trên đời này hãy còn nhiều người tốt, tin rằng khi mình sa cơ lỡ vận, vẫn
có người xót thương, an ủi, cảm thông để lấy đó là động lực đứng lên và xây lại
những gì vừa đổ nát. Người ấy hy vọng, chờ mong những điều tốt đẹp sẽ đến với
mình như một sự hỗ trợ đúng lúc. Người ấy hy vọng với sự hỗ trợ, chia sẻ và
đồng cảm này, họ có thể vượt qua và đi tiếp với những bước chân vững chãi hơn.
Khi lời hứa được thực hiện là lúc họ vỡ òa trong niềm vui, ngập tràn hạnh phúc
và lúc này, năng lượng tích cực được kích hoạt trở lại, làm đòn bẩy hướng về
một tương lai tươi sáng hơn.
Nếu vì lý do gì đó mà bạn không giữ lời
hứa, bạn đã làm tổn thương cho cả tâm mình và tâm người được hứa, đồng thời
hình ảnh của bạn sẽ phần nào xấu đi trong mắt mọi người. Do vậy, là người tử
tế, liệu việc gì không làm được thì bạn đừng hứa. Nếu đã hứa mà vì một lý do
khách quan ngoài tầm kiểm soát của mình, dù đã hết sức cố gắng, bạn vẫn không
hoặc chưa thể thực hiện được, nên chân tình bộc bạch với đối tác để “gia hạn
lời hứa” hoặc “hủy lời hứa” trong sự hoan hỷ, cảm thông của người kia, để rồi
họ tự biết “gia hạn” hoặc “rút lại” sự chờ mong với sự kiên nhẫn hơn thay vì
khắc khoải và căng thẳng. Đừng để đối tượng được hứa mong ngóng, đợi chờ và
mừng hụt rồi tụt dốc cảm xúc.
Tuy nhiên, trong một số tình huống, lời
hứa không còn là sự ban phát mà bạn phải hứa và buộc phải thực hiện lời cam kết
đó. Ví dụ khi vay nợ người khác, bạn buộc phải hứa khi nào trả. Người thất hứa
có thể hứa hẹn đủ điều cho được phần mình lúc đó, về sau lại không có nghĩa vụ
thực hiện lời hứa. Những người này đã dùng lời hứa như một sự toan tính rất
tinh vi để lừa đảo niềm tin của người khác. (Phổ biến và cụ thể nhất là mượn
tiền và hứa sẽ hoàn trả tại một thời điểm nào đó). Lời hứa là món “thế chấp” để
bạn có thể vay mượn sự giúp đỡ và hơn thế nữa là vay mượn niềm tin tưởng, tình
cảm yêu thương và sự chân tình của người giúp đỡ bạn. Không như món thế chấp
vật chất có hình tướng khác, chính người đi mượn giữ món “thế chấp” vô hình vô
tướng ấy, nhưng nếu họ không giữ được thì những thứ họ vay mượn kia, từ vật
chất đến tình cảm yêu thương, niềm tin tưởng của người chung quanh không còn
dành cho họ nữa, vì họ không còn xứng đáng.
Những kẻ “lừa đảo niềm tin” người thân
quen khi mở lời nhờ vả, vay mượn với những lời hứa suông mà không có dự định
trả là người đang mang trong tâm một vết thương kín. Khi đến kỳ hẹn mà người ấy
không thực hiện những gì đã hứa hoặc trì hoãn đến tận cùng ngưỡng chịu đựng của
người thi ân mới chịu thực hiện là lúc vết thương kín kia đã mở miệng loét lở
thành vết thương hở. Trong trường hợp này, họ dùng lời hứa như một cái phao kịp
thời cứu họ tranh thủ được sự giúp đỡ của người nhẹ dạ. Thế nhưng, người “lừa
đảo niềm tin” cố tình quên đi những sự giúp đỡ này và nghiễm nhiên coi những gì
được giúp như thể tự dưng từ trên trời rơi xuống. Đây là lúc họ phô bày những
cái tệ dở, bất nhẫn, vô trách nhiệm, vô ơn và vô liêm sỉ với người chung quanh.
Đây là lúc tình cảm, tâm thương yêu giúp đỡ mà các ân nhân dành cho họ vơi cạn
đến tận đáy.
Tâm người ngay thẳng và đơn giản cũng
dễ bị lừa bằng những lời hứa ngọt ngào theo mây theo gió, vì chúng ta thường có
tâm lý đem tâm mình đo tâm người đối diện. Tâm mình ngay thẳng, nghĩ người khác
cũng vậy. Tâm mình đơn giản, làm sao có thể lường tới những ngóc ngách chứa đầy
âm mưu, xảo quyệt và tăm tối của người đời? Thế nhưng, một bài học đắt giá mà
chúng ta cần học chung: không phải ai cũng đáng tin tưởng. Nên nhớ, niềm tin là
cái một khi mất đi để lại nhiều mất mát, đau thương nên phải cẩn thận trước khi
trao gởi nó cho ai. Câu “chọn mặt gởi
vàng” tuy cũ kỹ, nhưng vẫn chưa có câu nào hay hơn và đúng hơn để có thể
thay thế.
Một lời hứa là tất cả, nhất là khi bạn
phải có nghĩa vụ thực hiện lời hứa liên quan đến nợ nần. Một khi nuốt lời hứa
thì vạn lời xin lỗi cũng trở thành vô nghĩa, vì lời xin lỗi như miếng băng cá
nhân dùng để cầm máu, nó hoàn toàn không có tác dụng chữa lành, nên vết thương
lòng không thể lên da non đâu bạn.
Nếu
bạn quy đồng giá trị, nhân cách, lòng tự trọng của bản thân mình với lời hứa
thì bằng mọi giá, bạn thấy mình phải có bổn phận thực hiện mà không cần ai nhắc
nhở. Người không tử tế thì không có đủ nội lực để đưa ra một lời hứa nghiêm túc
và càng không đủ lực để thực hiện lời hứa ấy. Thực hiện lời hứa với tâm hoan
hỷ, với lòng ngập tràn hạnh phúc là một trong những dấu hiệu của người tử tế
vậy.