Wednesday, October 17, 2018

NÓI TRONG CHÁNH NIỆM


Lời nói là phương tiện truyền thông đặc trưng nhất ở loài người. Đây là tặng phẩm đặc biệt cuộc đời dành riêng cho con người. Sử dụng lời nói hiệu quả là cách bạn biết trân quý món quà vô giá chỉ có ở con người để xứng đáng phẩm hạnh của một chúng sanh cao quý nhất giữa những loài hai chân.
Những bậc hiền triết xưa, những người có tài năng, trí tuệ và tâm lành, thường khuyên dạy chúng ta, trước khi nói, cần phải suy nghĩ thật kỹ những gì mình sắp nói. Cụ thể, suy nghĩ ở các phương diện sau:

(1)                 Điều mình sắp nói có đúng không?
(2)                 Điều ấy có đem lại lợi ích cho người nghe không?
(3)                 Có truyền cảm hứng tích cực cho người nghe không?
(4)                 Có cần thiết cho người nghe không?
(5)                 Bạn có tử tế khi nói ra điều này không?
Hãy để lời nói của bạn đi qua năm cánh cửa “kiểm soát” này cho đảm bảo độ an toàn trước khi đi ra khỏi miệng. Nếu bạn trả lời “có” với tất cả năm tiêu chí này, bạn quyết định nói điều ấy, bằng không, đừng thốt ra những lời thiếu suy nghĩ để rồi phải ân hận về sau.
Lấy tiêu chí thứ ba: “điều bạn sắp nói có truyền cảm hứng tích cực cho người nghe không?” làm ví dụ điển hình. Đây là điều bạn cần thận trọng, nhất là khi bạn đang trong tâm trạng không tốt. Nếu chọn nói ra điều gì đó như là một cách giải tỏa nỗi lòng, bạn đã mắc sai lầm lớn. Khi tâm trạng nặng nề, không vui và không ổn định, bạn thấy đời u ám lắm, làm sao có cảm hứng tích cực để nuôi dưỡng tâm mình và truyền cảm hứng ấy cho người khác? Trong buồn phiền, bạn thường bất mãn, bạn không làm chủ được lời nói, không kiểm soát được lời mình phát ra. Như một hệ quả tất yếu, những gì bạn nói ra đều bị nhuộm màu phiền não và tẩm mùi tiêu cực. Một tâm lý thường thấy là trong lúc buồn phiền, khi năng lượng tiêu cực chất ngất, người ta chỉ muốn nói ra như là cách xả stress cho vơi nỗi lòng. Điều này thật tai hại cho cả người nói lẫn người nghe.
Tâm trạng là nhất thời, rồi sẽ thay đổi, còn lời nói một khi thốt ra rồi không thu hồi lại được. Do đó, đừng pha trộn tâm trạng không tốt vào lời nói của mình. Bạn có nhiều cơ hội để thay đổi tâm trạng, nhưng bạn sẽ không bao giờ có dịp để lấy lại lời đã nói ra. Lời chưa nói ra, nó là của bạn, bạn có đầy đủ tư cách để làm chủ nó. Lời đã nói ra, cả thiên hạ cùng “xài” theo cách của mỗi người, nhưng hậu quả thì tìm đường về với bạn theo kiểu “lá rụng về cội”. Tại sao bạn lại chọn làm người thiệt thòi đến mức oan ức như vậy?
Những lúc không chánh niệm tỉnh giác để làm chủ tâm mình, bạn nên giữ im lặng, lắng nghe lòng mình và độc thoại với chính mình thì tốt hơn. Khi đang giận mà nói, chắc chắn lời nói ấy làm tổn thương người khác rất nhiều. Lời nói thiếu suy nghĩ chỉ trong một phút có thể gây nên vết thương lòng dai dẳng, trải qua nhiều tháng thậm chí nhiều năm vẫn chưa "kéo da non". Tất cả các mối quan hệ, xây thì kỳ công chứ phá trong chốc lát, rồi cần cả quãng đời còn lại để xây lại chưa chắc đã được như xưa; mà phần lớn các mối quan hệ con người tan vỡ ít nhiều xuất phát từ lời nói.
Khi buồn trong lòng, ngay cả tâm sự với người mà bạn tin tưởng nhất cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường được. Cuộc sống vốn đã quá nhọc nhằn, bạn không cần tạo thêm mối lo lắng, căng thẳng và bất an choán ngự tâm mình với những lời nói thiếu kiểm soát. Đến lúc bị ai đó lôi ra đôi chối, mắng nhiếc sỉ vả, bạn cay đắng hiểu ra tai hại của lời nói thiếu chánh niệm thì đã muộn lắm rồi.
Nếu bạn nghĩ rằng hễ bức xúc thì cứ nói ra và coi đó là cách để giải tỏa dòng cảm xúc tiêu cực đang chảy trong tâm mình là một chọn lựa thiếu sáng suốt. Bạn tưởng chừng đó là giải pháp cho vấn đề nhưng bạn đã sai khi chọn con đường "họa vô đơn chí". Cảm xúc bức bách có thể tạm thời vơi đi khi bạn chọn người để tâm sự, nhưng cái gốc phiền não vẫn còn sâu trong tâm và nó có khả năng tái tạo năng lượng tiêu cực để làm đầy tâm bạn ngay sau đó. Chỉ khi nào bạn chọn cách phóng thích những tâm lý tiêu cực thông qua con đường quán chiếu và buông xả, chúng sẽ ra đi theo lối an toàn nhất.
Các tiêu chí còn lại cần được quán chiếu sâu sắc theo cách tương tự để quyết định có nên nói hay không điều bạn đang muốn chia sẻ với người khác. Đừng nói chỉ vì “để trong bụng” không yên. Đừng nói chỉ vì quá ngây ngô “nghe sao, nói vậy” mà không hề suy nghĩ. Đừng nói chỉ vì “không thể làm thinh nên tìm gì đó cho có cái để nói”. Đừng nói chỉ vì “tôi không nghĩ gì và hoàn toàn vô tư”.  Hãy thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói. Đây là lúc sự chánh niệm đang an trú trong tâm để làm phần việc của nó: thẩm định năm phương diện trên trước khi mở lời để về phần mình thì không tạo thêm nghiệp xấu, lại không làm tổn thương ai để chịu tiếng bất nhân, bất nghĩa.
Nên nhớ rằng, lời chưa nói, như kem đánh răng còn nằm trong tuýp; lời nói ra rồi như kem đã nặn ra khỏi vỏ tuýp. Nếu một sáng nào đó, khi lấy kem đánh răng, do thiếu chánh niệm mà bạn nặn hơi mạnh tay và kem ra khỏi tuýp nhiều hơn một lần xài, thì không có cách gì bỏ vào lại trong tuýp được. Hãy cẩn thận với lời nói. Người ta vẫn thường nói “im lặng là vàng”, thì khi nào những lời bạn sắp nói quý hơn cả vàng thì mới nên nói. Để thẩm định giá trị của lời nói ấy là “kim cương”, “ngọc trai”, bạn nên dựa trên năm tiêu chí vừa nêu trên vậy.
 Giữ miệng như giữ bình” là câu người xưa hay nhắc. Một câu có ý nghĩa tương tự ai trong chúng ta cũng biết là “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Những câu nhắc thế này chưa bao giờ mất đi giá trị của chúng. Lưỡi không có xương, nhưng nó rất mạnh, mạnh đến mức nó có thể phá nát con tim, làm tiêu tan cả cơ đồ sự nghiệp của một cá nhân hoặc của tập thể. Do đó, phải thật chánh niệm với những gì bạn sắp nói và chịu trách nhiệm với những gì bạn đã nói ra.