Friday, August 31, 2018

NHỮNG THỨ KHÔNG THỂ CHE


Như voi chiến ra trận, bằng mọi giá, phải giữ chiếc vòi, vì đó là sinh mạng của nó. Cũng như vậy, người tử tế phải biết giữ lời nói của mình, tôn trọng sự thật, và điều này cần trở thành một phần trong nhân cách của bạn. Đây là yếu tố tạo nên niềm tin tưởng, sự yêu quý và nể trọng của người chung quanh dành cho bạn. Đặc tính của chân thật là tự nó có khả năng tỏa sáng ở mọi lúc mọi nơi, nên không thể che là vậy.
Đức Phật dạy, trên đời có ba thứ không thể che giấu lâu dài, đó là: mặt trời, mặt trăng và sự thật (Tăng chi bộ kinh, Chương III, phẩm XIII, kinh số 129: Che giấu).
Mặt trời, có khối lượng lớn gấp hàng ngàn lần khối lượng trái đất, là một lò lửa khổng lồ, cách trái đất mấy trăm triệu cây số, làm sao có thể che được? Mặt trăng tuy có kích thước và khối lượng nhỏ hơn trái đất (khoảng 2% khối lượng trái đất), cũng đã lớn lắm rồi, lại cách rất xa trái đất chúng ta đang sống thì làm sao chúng ta có thể che được? Do vậy, những ai chủ quan qua mặt người khác, làm như thể không ai biết chuyện ấy, trong khi mọi việc cứ bày ra rành rành đó, thì người ta hay mỉa mai rằng “đừng lấy tay che mặt trời” là vậy.

Sự thật quá rõ ràng rằng không ai có thể che mặt trời và mặt trăng. Đây là hai hình ảnh sống động được đức Phật giới thiệu để nhấn mạnh đến yếu tố thứ ba không thể che giấu, đó là sự thật. Đức Phật dạy điều này trên phương diện giáo dục để nhắc nhở chúng ta không nên che giấu sự thật, vì trước sau gì, tự thân nó cũng lên tiếng. Ngài dùng hình ảnh vô cùng đặc biệt và duy nhất, rất ấn tượng là mặt trời và mặt trăng để so sánh, giúp chúng ta khắc sâu hơn, cảnh tỉnh hơn mà tự nhắc mình phải sống chân thành hơn.
Không ai có thể che giấu sự thật trong một thời gian dài. Bí mật đến đâu, rồi cũng có ngày cái lõi của sự thật được phơi bày trọn vẹn dưới ánh sáng. Abraham Licoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, phát biểu ý này rằng “Bạn có thể lừa một số người suốt đời, và lừa tất cả mọi người vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, bạn không thể lừa dối tất cả mọi người trong mọi lúc”. Đây là cách diễn đạt khác của ý tưởng “sự thật không thể che giấu” vậy.
Nếu không muốn sự thật tồi tệ bị phơi bày, tốt nhất bạn đừng làm những điều tồi tệ. Một khi đã lỡ làm, đừng lấp liếm quanh co che giấu, như một vết thương cần phải đưa ra để tìm phương cách chữa trị cho lành. Trong quá trình xử lý vết thương, đau đớn là điều cần thiết. Cũng vậy, chấp nhận những lỗi lầm là đau đớn vì nó chạm đến cái chấp ngã của mình, nhưng điều này là cần thiết nếu bạn muốn tiến bộ và trưởng thành. “Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” là câu mọi người thường dùng để nhắc nhau hãy tôn trọng sự thật và tôn trọng mọi người chung quanh.
Trong giao tiếp xã hội, nói không chân thật là điều mà hầu hết chúng ta đều mắc phải. Đức Phật khuyên chúng ta nên nói lời chân thật để không phải tạo sự căng thẳng, bất an không cần thiết cho chính mình. Nếu bạn nói sai sự thật, bạn phải tưởng tượng, hình dung, hư cấu các tình tiết không có trong thực tế và căng não ra ghi nhớ các chi tiết này để đối phó với đời. Sau khi nói lời không đúng sự thật, bạn bắt đầu đưa đi một người bạn tốt là “thanh thản” để rước một người khách không mời là “lo lắng” vào ngôi nhà tâm của mình. Bạn lo lắng khi sự thật bị phơi bày, bạn sẽ bẽ bàng trước mọi người ra sao. Thậm chí, nói dối còn đưa đến nhiều tác hại hơn nữa mà bạn không lường hết được. Đức Phật từng dạy rằng “người biết mà nói dối thì không có ác nào là không dám làm” (Trung bộ kinh số 61: Kinh Giáo giới La-hầu-la).
Ví như voi chiến xung trận, bằng mọi giá, nó phải giữ chiếc vòi, vì đó là sinh mạng của nó. Cũng như vậy, bạn cần phải biết giữ lời nói của mình, tôn trọng sự thật, vì đó là nhân cách của bạn, là yếu tố tạo nên niềm tin tưởng, sự yêu quý và nể trọng của người chung quanh dành cho bạn.
Chân thành, can đảm và bản lĩnh là “đồng minh” của cùng một đội có tên gọi “tâm sở thiện”. Chỉ những người can đảm và bản  lĩnh mới dám sống chân thật, nói lời chân thật. Đây là những phẩm chất cần thiết để làm người có nhân cách tốt trong xã hội vậy. Chúng ta hãy lấy câu "chân thật là thượng sách" để tự nhắc mình trong mọi lúc, mọi nơi. Đặc tính của chân thật là tự nó có khả năng tỏa sáng, nên không thể che là vậy.