Saturday, September 8, 2018

SỐNG TỬ TẾ

Sự tử tế chẳng bao giờ mất cả và đó là vẻ đẹp bất tử của cuộc sống này. Nó luôn hiện diện ở mỗi con người. Khi không hiện, nghĩa là nó ẩn; nếu không ở hình thức này thì nó tiềm tàng ở hình thức khác. Sự tử tế nằm sâu kín nhất trong sự cảm thông, tha thứ, yêu thương và che chở.
Trong Luận Ngữ có chép rằng, khi Trọng Cung hỏi Khổng Tử thế nào là nhân, Khổng Tử đáp: “điều gì mình không muốn [người khác làm cho mình], đừng làm cho người (kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Là người tử tế, cần thể hiện lòng nhân theo nguyên tắc trên. Điều này cũng có thể ngầm hiểu rằng, “điều mình muốn người khác làm cho mình, thì mình cũng nên làm cho người khác.” (Kỷ sở dục, khả thi ư nhân). Muốn  nhận sự tử tế từ người khác thì bản thân mình trước hết cần sống tử tế.
Nguyên tắc thì ai cũng biết rành, hiểu rõ, mà ứng dụng trong cuộc sống thật xa vời. Ai cũng biết tử tế là một phẩm chất tốt, nhưng người sống tử tế thường chịu nhiều thiệt thòi và đây là lý do mà người sống tử tế trong xã hội ngày càng hiếm hoi hơn.

Khi liên tiếp gặp nhiều người không tử tế, niềm tin của bạn vào những điều tốt đẹp bị xói mòn và bạc màu. Bạn nghi ngờ rằng: “đời này chẳng còn ai tử tế cả, người tốt tuyệt chủng hết rồi sao!” Cái cảm giác chùng lòng khi nghĩ cuộc đời này thật phũ phàng và cay đắng, khi gặp ai đó quay lưng, bạn bè bội tín, người mình từng hết lòng tin tưởng phản bội… nó mới nặng nề, chơi vơi, hụt hẫng làm sao! Niềm tin vào con người và cuộc sống tả tơi từng mảnh vụn.
Chúng ta có thể dễ dàng hiểu rằng, khi con người quá chuộng bề nổi thì những giá trị nhân bản chìm dần xuống đáy. Khi sự đãi bôi và làm hài lòng nhau theo kiểu “bằng mặt chưa chắc bằng lòng” lên ngôi, ai cũng hiểu họ thiếu chân thật trong đối xử với nhau và biết chắc những gì họ đang nhận cũng mang tính xã giao mà thôi. Thế nhưng họ chấp nhận và ngầm hiểu với nhau như thế. Điều này có nghĩa sống tử tế đúng nghĩa trở nên hiếm dần, hiếm đến mức báo động và nó dần trở thành một thứ xa xỉ trong xã hội. Khi sự giao đãi, lợi dụng nhau đang lớn dần lên trong đời sống xã hội thì sự tử tế ít dần đi. Chỉ những người biết nuôi dưỡng tâm lành của mình, có bản lĩnh sống mới dám chọn lựa cách sống tử tế.
 Khi sự không tử tế lan tràn, liệu bạn có nên chán nản, mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống không? Một buổi sáng thức dậy, đôi khi bạn sẽ tự hỏi mình, ngày hôm nay sẽ có mấy người cười xã giao mà không chút thật lòng với bạn? Bao nhiêu người sẽ mời bạn đi ăn ở một nhà hàng sang trọng chỉ để nhờ vả bạn một điều gì đó? Nhiều người gặp gỡ bạn, miệng thì nói chỉ mong nuôi dưỡng tình thân không toan tính nhưng thực tế thì đang ngấm ngầm mưu lợi riêng tư? Gần như những sự không tử tế luôn bủa vây lấy bạn và thế giới này tạo nên một màn sương nghi ngờ và ai cũng có lý do để dè chừng nhau.
Dù là như vậy, cũng không nên mang cặp kính đen để nhìn khắp thế gian. Với cách khái quát hóa thiếu cơ sở khoa học khi nhìn ai cũng có nguy cơ, bạn chịu nhiều thiệt thòi khi tự mình làm cho bản thân bị “mù màu”: thấy ai cũng xấu ác, nhìn đâu cũng đáng nghi ngờ. Đêm có đen thì hãy ngẩng nhìn lên, trên bầu trời cao và xa kia, vẫn có muôn vì sao lấp lánh đó mà. Bạn có thể gặp nhiều người đối xử tệ với mình, nhưng số người đó chưa đủ để đại diện cho tất cả. Cuộc đời còn nhiều mảng màu khác, chỉ vì bạn chưa đủ duyên lành để gặp người tử tế đó thôi. Đừng vội quy kết, bạn cứ tư duy tích cực và tin tưởng vào cuộc sống. Ít ra cũng còn những người thân yêu luôn bên cạnh, chia sẻ, đồng cảm, thấu cảm với bạn mà. Chắc chắn họ là những người tử tế.
Thực ra, sự tử tế chẳng bao giờ mất cả và đó là vẻ đẹp bất tử của cuộc sống này. Nó luôn hiện diện ở mỗi con người. Khi không hiện, nghĩa là nó ẩn; nếu không ở hình thức này thì nó tiềm tàng ở hình thức khác. Nó nằm sâu kín như mạch nước ngầm tưới tẩm tâm bạn thông qua sự cảm thông, tha thứ, yêu thương và che chở. Nếu bạn từng chứng kiến những con người độc ác nhất vẫn thể hiện các cung bậc tình cảm này, có thể chỉ một lần trong đời, bạn đủ hiểu sự tử tế vẫn còn hiện diện nơi những con người ấy, dù nhỏ nhoi và yếu ớt. Do đó, hãy vững tin rằng: ai cũng có thể sống tử tế. Nếu biết cách nuôi dưỡng, chăm sóc mầm sống tử tế trong tâm, bạn sẽ có nguồn năng lượng tử tế tuôn chảy từ trong nhận thức ra biểu hiện bên ngoài, góp phần làm đẹp nhân cách của bạn và truyền cảm hứng sống tử tế đến người khác.
Trước khi qua đời, tác gia người Anh Aldous Huxley (1894-1963) đã hồi tưởng lại cuộc đời và nghiệm ra một điều rằng: “hãy tử tế với nhau hơn nữa” (let us be kinder to one another). Có một câu nói rất hay của Abraham Joshua Heschel được nhiều người nhắc lại là: “Ngày xưa còn trẻ, tôi thường khâm phục những người thông minh; giờ khi lớn khôn hơn, tôi ngưỡng mộ những người tử tế. (When I was young, I used to admire intelligent people; as I grow older, I admire kind people). Nhiều người cho rằng, cuộc sống ý nghĩa là phải làm được những điều lớn lao, nhưng thật ra, điều quan trọng và lớn lao nhất đối với một cuộc sống chính là sự tử tế. Ca sĩ Khánh Ly có lần kể lại, lời đầu tiên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói với cô là “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và lời nói sau cùng của ông với nữ ca sĩ là “hãy sống tử tế với nhau” và cô luôn nhớ và sống đúng như vậy.
Người tử tế trên đời này còn nhiều lắm. Nếu bạn chưa gặp được người tử tế, bạn hãy làm một người tử tế đi! Với cách này, ta gặp ngay được người tử tế, chính là mình đây, đâu cần tìm kiếm đâu cho xa xôi. Nguyên tắc sống và tư duy tích cực để có hạnh phúc cho mình là: muốn có bạn tốt, bản thân mình phải là người bạn tốt; muốn gặp người tử tế, bản thân mình phải là người tử tế trước tiên.