Monday, January 15, 2018

ƠN ĐỜI, ƠN NGƯỜI…

Có lần chúng tôi đến thăm một ngôi nhà mới theo lời mời của gia chủ. Nhà mới, mọi thứ tiện nghi, khang trang. Chủ nhà dắt khách đi từng phòng, giới thiệu chức năng của mỗi nơi cùng cách bố trí đồ nội thất trong nhà. Sau khi giới thiệu xong một phòng, chủ mời khách sang phòng kế tiếp. Người chủ nhà đưa khách rời phòng mà không hề tắt đèn và quạt. Thế là một sư cô nhắc “tắt đèn quạt chú ơi” thì chủ nhà bảo “kệ đi sư cô, để cho sáng mát tí có sao. Không hết bao nhiêu điện đâu”. Tôi chợt nghĩ ra, đây không phải là người đầu tiên và là càng không phải người cuối cùng suy nghĩ theo hướng này. Đâu phải chúng ta có đủ tiền trả hóa đơn điện là chúng ta có quyền xài điện phung phí sao?

Tiết kiệm có nghĩa là không phung phí, chứ không phải bần tiện ky bo. Đèn quạt nơi nào không sử dụng, chúng ta tắt đi để tiết kiệm điện, góp phần bảo vệ môi trường, để dành phần nào nguồn tài nguyên cho thế hệ con cháu chúng ta sử dụng, chứ không phải vắt đến cạn kiệt thiên nhiên để đáp ứng tâm ích kỷ, tham lam của mình. Ở đời, ai có sản phẩm gì thì mong bán càng nhiều sản phẩm ấy càng tốt để thu về nhiều lợi nhuận. Ấy vậy mà trên hóa đơn điện, chúng ta thấy câu “Tiết kiệm điện là góp phần xây dựng đất nước”. Thế đủ biết tiết kiệm điện là quốc sách, không phải vấn đề cá nhân.
Theo quan điểm đạo Phật, chúng ta cần biết ơn con người và cuộc đời vì chúng ta đã nhận quá nhiều, và tiết kiệm là một trong những cách thực tế nhất thể hiện sự trân trọng của mình đối với cuộc sống. Chắc có lắm người cho rằng, “tôi có tiền tôi mua mọi thứ cần thiết cho cuộc sống của mình, thì tôi có quyền xài, nào tôi có lấy không của ai, việc gì tôi phải tiết kiệm, sao lại phải biết ơn ai khác”. Nói như vậy, bạn đã tự đánh mất phẩm chất tuyệt vời của con người, đó là ý thức được mối liên hệ duyên sinh giữa con người và con người, giữa con người và vạn vật để có thể sống trong tâm niệm biết ơn và đền ơn!

Đến với cuộc đời này, ta mang nặng ân tình nhiều người, từ cha mẹ, ông bà tổ tiên huyết thống đến cả những người không quen đã góp mặt trong dây chuyền duyên sinh để ta có cuộc sống hiện tại. Ta sống đây là nhờ ơn của bao người, dù ta có ghi nhận điều này hay chối bỏ, nhưng sự thật là như vậy. Do vậy, ta cần phải có bổn phận và trách nhiệm với cuộc sống này để trả ơn những gì ta đang thọ hưởng. Trả ơn có nhiều phương diện và nhiều cấp độ tùy vào nhận thức và vị trí bạn là ai, đang đứng ở đâu trong cuộc đời này.
Ở cấp độ thấp nhất là ta phải tự biết lo cho bản thân mình để đừng trở thành gánh nặng cho ai. Ta biết tự định hướng cuộc sống mình để đừng làm phiền đến ai khi chưa thật sự cần thiết. Nếu ta không đóng góp được gì cho lợi ích chung của nhiều người thì ít ra cũng đừng để người khác phải lo cho mình. Làm được như thế, ta đã phần nào đền ơn cuộc đời này với sự có mặt của mình.
Để có thể làm được những điều tưởng chừng bình thường và đơn giản này, ta cần phải khắc sâu và thực hành thường xuyên một nguyên tắc căn bản trong cuộc sống để chúng trở thành một phần trong nếp sống thường ngày như cơm ăn, nước uống, khí thở thiết thân với mình: nếu không thể giúp người, tối thiểu cũng đừng có hại ai. Nếu không thể nói lời hay cùng người, giá chót cũng đừng nói những lời đau lòng người khác. Nếu không thể cho ai cái gì, thì cũng đừng lấy đi những gì không thuộc về mình. Nếu không thể nuôi ai, cũng tự nỗ lực để tự nuôi bản thân mình!
Khi làm những điều trên, bạn chỉ mới có thể chạm đến mức “tốt thụ động” mà thôi. Thụ động vì tất cả những gì bạn làm, chỉ là dừng ở mức độ “không, đừng”. Ở mức cao hơn, chúng ta cần tự thấy mình phải có bổn phận đóng góp tích cực hơn cho cuộc đời để thể hiện sự cảm ơn đối với những gì chúng ta có được. Để xứng đáng với những gì bạn đã nhận, bạn cần khởi tâm “cho đi” thông qua những việc làm tốt đẹp, lợi ích cho người không một ý niệm tính toán, so đo. Đây là cách bạn có thể chung sống nhẹ nhàng với tất cả mọi người trong cộng đồng mình đang sống.
Đối với một người nào đó bạn giúp đỡ, dù đó là tiền bạc, vật chất, thời gian, sức khỏe, lời khuyên hay sự chia sẻ, có thể bạn là người thi ân đối với cá nhân ấy. Thế nhưng, đối với cuộc sống vô vàn mối duyên khởi trùng trùng điệp điệp nối kết bạn với mọi người trong suốt chiều dài cuộc sống qua bao năm tháng cuộc đời, bạn luôn là người thọ ơn. Hiểu như vậy để chúng ta thấy bổn phận của mình là phải giúp người, làm điều tốt để dần trả ơn cuộc đời này.
Một phương diện khác nữa là chúng ta phải biết tiết kiệm trong sinh hoạt của bản thân và gia đình mình. Người dân ở những nước giàu có nhất trên thế giới đều là những người rất tiết kiệm trong cuộc sống. Còn chúng ta, sau một cuộc lễ, còn lại trên bàn là rất nhiều chai nước suối đóng chai còn lở dở, người Nhật không có thói quen này. Khi khách rời bàn tiệc, đồ ăn thừa mứa trên bàn ăn là một ví dụ khác của sự phung phí. Người Việt chúng ta phung phí thức ăn đến mức coi đó là việc bình thường, không những thế, còn nâng lên thành một nét đặc thù trong văn hóa ăn uống. Ăn là phải chừa lại một chút mới đúng phép ăn uống lịch sự. Trong khi đó, ở các nước phương Tây, ăn hết những gì thuộc phần của mình (thường là họ ăn theo cách tự chọn) mới là lịch sự! Người xuất gia trân trọng thức ăn vì đó là kết quả của công phu lao tác và cực nhọc từ nhiều người mà có. Khi ăn, người xuất gia chia nhau ăn món nào ăn cho hết, nếu không thể ăn hết, sớt lấy một phần đủ ăn, để không phải bỏ thừa. Ăn cơm cháo, phải tráng sạch bát bằng nước để không phí tí thức ăn nào còn dính bát là vậy.
Trong khi chúng ta có quá nhiều thức ăn đến mức khái niệm “tiết kiệm” trong ăn uống không tồn tại trong đầu, thì ở một số nước Châu Phi, đồng loại của chúng ta vẫn đang đói! Khi mở vòi nước chảy liên tục khi lấy nước rửa mặt, chúng ta đã phung phí cả chục lít nước sạch chảy “vô tội vạ” thành nước thải, thì ở nhiều vùng ngay trên dải đất hình chữ S này, vẫn còn thiếu nước trầm trọng. Khi thản nhiên mở đèn quạt ở những nơi không sử dụng, chúng ta đã góp phần đáng kể để đưa bão lũ nhấn chìm bao người dân trong địa bàn có những nhà máy thủy điện mà mười mấy cơn bão mỗi năm để lại hậu quả vô cùng đau thương vẫn chưa đủ để đánh động tâm chúng ta hay sao? Điều bạn cần thấy ra ở đây là nếu sử dụng phung phí, bạn đã tước đoạt đi phần sử dụng của người khác. Một người tử tế sẽ ý thức được mỗi con người là một mắc xích trong xã hội chằng chịt các mối quan hệ, không bao giờ nghĩ rằng bạn có tiền để mua mọi thứ đồ dùng và mọi thứ dịch vụ và bạn có quyền phung phí.
Ơn đời, ơn người bạn thọ lãnh cả cuộc sống này, thì hãy sống sao cho thật xứng đáng với vị trí một con người giữa đất trời mà không hổ thẹn vậy.