1.
THẤU CẢM LÀ GÌ?
Thấu cảm không chỉ là thông cảm hoặc đồng cảm, mặc dù
có sự liên quan giữa các trạng thái tâm lý này. Tiếng Việt ta có nhiều từ “thấu”
rất hay như thấu hiểu, thấu đáo, đau hay lạnh thấu xương thấu tủy. Thấu có
nghĩa là xuyên suốt, toàn diện, thấm nhuần, hòa lẫn, hòa nhập, giao thoa trọn vẹn.
Vậy thấu cảm là sau khi cảm nhận, hiểu biết thấu đáo, hiểu tận ngọn nguồn, có sự
thông cảm và đồng cảm khi chủ thể thâm nhập sâu hơn và hòa nhập vào tâm người đối
diện như thể làm một.
Thấu cảm chứa đựng một chuỗi các trạng thái tâm lý thể
hiện sự cảm nhận và hiểu biết sâu sắc của mình về người khác, có biểu hiện
thương yêu chia sẻ với người khác như thế ta đang ở vào tình huống ấy và phải
giải quyết vấn đề mà người kia đang gặp phải. Từ đó, người thấu cảm mở rộng tâm
cảm thông, thương yêu, bao dung thông qua các biểu hiện như an ủi, chăm sóc người
khác và có thiện chí giúp họ giải quyết vấn đề. Khi có những tình cảm trải nghiệm
trùng hợp với cảm xúc người khác, hiểu sâu sắc những gì người ấy suy nghĩ hay cảm
nhận, lý giải được cách họ phản ứng, chúng ta sẵn lòng chấp nhận và trợ duyên họ
nhiều nhất trong khả năng có thể.
Thấu cảm vượt lên cả thông cảm ở sự đặt để vị trí giữa
TA và NGƯỜI. Ở đó, thông cảm là có thể hiểu được tâm tư tình cảm, cách phản ứng
của người kia, nhưng vẫn còn phân biệt rõ ràng vị trí giữa TA và NGƯỜI, còn thấu
cảm thật sự không còn tâm phân biệt TA – NGƯỜI nữa và vấn đề, khó khăn của người
kia đã trở thành vấn đề chung mà chúng ta tình nguyện tham gia để cùng giải quyết.
2.
ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÓ TÂM THẤU
CẢM
Mặc dù về căn bản, thấu cảm có mặt trong mỗi con người từ khi ta còn bé,
nhưng nó sẽ không “lớn” thêm nếu chúng ta không biết nuôi dưỡng. Chúng ta cần
phát triển khả năng thấu cảm của bản thân để tập dần thành một thói quen sống biết
chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ người khác. Thấu cảm là khả năng chúng ta nhập
vai người khác nhằm hiểu được cảm xúc và quan điểm của họ để rồi sử dụng khả
năng thấu hiểu và cảm thông đó để định hướng hành động phù hợp cho người đối diện.
Khả năng này được nuôi dưỡng và phát triển tốt nơi một người có những đặc tính
sau:
a.
Tâm bình thản:
Đối tượng cần được hiểu và cảm thông
là người đang có những vấn đề khó giải quyết. Chúng ta cần phải có trách nhiệm
giúp người ấy xử lý vấn đề một cách hiệu quả nhất. Chỉ khi nào tâm bình thản, chúng
ta mới nhìn rõ, nhìn bao quát, thấy sáng suốt và hành đồng hợp lý. Ví như một hồ
nước trong thì có thể thấy tất cả những gì trong hồ, còn hồ nước đục thì không
thấy được gì cả. Trong lúc đối tượng cần giúp đang trong tâm trạng bấn loạn, mất
bình tĩnh, chúng ta cần bình tĩnh mới có thể tạo niềm tin cho người ấy, đủ bao
dung để cảm thông, đủ sáng suốt để soi thấu vấn đề và tìm giải pháp hợp lý. Thấu
cảm chỉ có thể được thiết lập nơi tâm bình thản, định tĩnh mà thôi.
b.
Có khả năng đặt mình
vào vị trí của người đối diện
Để có thể hiểu
thấu về hoàn cảnh, diễn biến tâm lý, cách phản ứng của người đối diện, chúng ta
có thể tạm rời vị trí của mình và thử mang đôi giày của người đối diện, vấn đề
sẽ được nhìn ở góc độ khác.
Thấu cảm đòi
hỏi phải có khả năng đặt mình vào vị trí người khác để hiểu rõ nguồn cơn, ngọn
ngành để có thể nhìn thế giới từ quan điểm
của người khác là một trong những yếu tố trung tâm của sự thấu cảm. Từ cái hiểu
sâu sắc đó mới có cách ứng xử đúng đắn, phù hợp với lòng yêu thương thật sự xuất
phát từ đáy con tim. Đối với người bán hàng thì thấu cảm là đặt mình vào vị trí
người tiêu dùng để hiểu sau khi bỏ ra một khoản tiền như vậy, họ xứng đáng được
sử dụng chất lượng sản phẩm, mẫu mã, hình thức thế nào. Ai biết nghĩ như vậy sẽ
có cái tâm thương người sử dụng và lấy chất lượng sản phẩm làm chuẩn mực chứ
không phải chỉ biết lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Người thầy thuốc biết đặt
mình vào vị trí của bệnh nhân sẽ cảm thông sâu sắc với người bệnh để có thể thương
bệnh nhân hơn, để có sự hợp tác tốt hơn và hiệu quả hơn trong điều trị.
c.
Có lòng yêu thương rộng
lớn
Người có lòng thương yêu, bao dung đối
với người chỉ muốn hiểu và cảm thông chứ không trách móc thì mới có thể phát
triển khả năng thấu cảm. Một người ích kỷ thì không thể bước ra khỏi cái vòng
thương chính bản thân mình, không quan tâm đến ai làm gì, chỉ biết đến mình,
không được như ý mình muốn thì phàn nàn, trách móc mà thôi. Người có tâm hồn cằn
cỗi như vậy thì không thể nhìn vấn đề từ vị trí của người khác, nên không thể
thấu cảm được. Một khi có lòng thương yêu và sáng suốt dành cho người khác, chúng
ta biết mở lòng ra để mời người khác bước vào tâm mình, chúng ta sẽ cảm thấy an
lạc và hạnh phúc nhiều hơn. Những tâm lý tiêu cực như không hài lòng, bực bội,
trách hờn đều chạy trốn, như những sinh vật yếm khí không thể tồn tại dưới ánh
sáng chói chang của mặt trời trí tuệ và yêu thương.
d.
Ứng xử đúng đắn, phù hợp
Theo nguyên tắc “Hãy đối xử với người
khác theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn” thì cuộc sống trở nên nhẹ nhàng
vô cùng. Đây là điều kiện cần thiết và là công đoạn cuối cùng của quá
trình thấu cảm. Hiểu thấu, cảm thông để rồi chúng ta cần làm gì đó giúp người
kia thì khả năng thấu cảm của chúng ta mới được ứng dụng thực tế. Do đó, khi đã
đặt mình vào vị trí người đối diện, hiểu thấu vấn đề, chúng ta là người ngoài
đang đóng vai để xử lý tình huống nên sẽ sáng suốt hơn, bình thản hơn để có thể
giúp người kia có giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề của họ. Người có nếp sống chừng
mực, không bốc đồng, không thái quá bất cập, biết cân nhắc kỹ càng là người dễ
dàng nuôi dưỡng tâm thấu cảm.
3.
DIỆU DỤNG CỦA THẤU CẢM
Quả không sai khi nói rằng thấu cảm là cơ sở, đồng thời cũng chính
là nền tảng để người ta không ngừng làm giàu vốn sống và hoàn thiện nhân cách bản
thân mình hơn. Người thấu cảm mỗi khi chia sẻ và trải lòng với người khác là một
cơ hội để trở thành người tốt hơn. Thấu cảm là món quà tuyệt vời dành cho mỗi
con người chúng ta và đồng hành cùng chúng ta trong cuộc đời này. Điều đáng nói
ở đây là khi thấu cảm càng được sử dụng, khả năng này càng nhạy bén và tinh tế,
chúng ta càng nhận được những diệu dụng do thấu cảm đem lại.
a.
Thấu cảm để sống thiện
lành
Khi thấu cảm trọn vẹn giữa ta và người diễn ra, ta hoàn
toàn có thể cảm nhận thay, nghĩ thay, hiểu thay tâm trạng của người khác. Trên
cơ sở này, người thấu cảm nỗi khiếp sợ và khổ đau của một chúng sanh trước cái
chết sẽ không giết hại sinh mạng. Tương tự như vậy, nếu thấu cảm sự bất an, đau
khổ và nhiều hệ lụy liên quan từ việc mất mát tài sản mà chủ nhân nó phải làm
việc vất vả lắm mới có được, người ấy không trộm cắp. Người thấu cảm được nỗi
khổ đau của người bị người bạn đời của mình phụ tình, bị lừa dối, không chung
thủy sẽ không bao giờ phá vỡ hạnh phúc hôn nhân của người khác. Người nào thấu
cảm được nỗi bất an và phiền toái do hậu quả của lời nói không chân thật, lời
nói thêu dệt, lời nói đâm thọc và lời nói thô ẩn chứa ác ý gây ra sẽ không bao
giờ sử dụng lời nói như một thứ vũ khí lợi hại để làm tổn thương người khác.
Người nào thấu cảm được hậu quả tệ hại do một người say rượu gây ra sẽ có cách
giữ mình ra khỏi sự cám dỗ của rượu bia để không phải làm khổ bản thân và khổ
người thân của mình.
Tâm lý thấu cảm được hình thành qua nhiều tình huống
trong cuộc sống, có khi chính bản thân mình là nạn nhân thì tâm lý thấu cảm
càng sâu sắc hơn. Trên cơ sở thấu hiểu tâm trạng của người khác, của sinh vật
khác, ta có động cơ và mục đích để chọn đời sống đạo đức thanh cao, tối thiểu
là dựa trên năm nguyên tắc đạo đức dành cho người tại gia mà đức Phật đã chế định.
b.
Thấu cảm để thương yêu
rộng lớn hơn
Khi có lòng yêu thương rộng lớn ở mức độ căn bản mới
có thể phát triển khả năng thấu cảm, đồng thời thấu cảm trở lại nuôi dưỡng lòng
thương yêu rộng lớn này. Đây là hai phương diện không thể tách rời nhau của một
con người có hiểu và thương. Khi thấu cảm, tâm chúng ta có tình thương yêu không
phân biệt, không mang tính trao đổi, không núp bóng dưới cái ngã vị kỷ nào. Khi
có tâm thấu cảm, chúng ta có thể thương cả những người tham lam. Ta hiểu rằng, họ
đang bị tâm tham sách nhiễu, điều động, họ đau khổ như chính bản thân ta vậy. Cảm
nhận như vậy, tâm thấu cảm giúp chúng ta hóa giải mọi phân biệt bỉ thử, đố kỵ hẹp
hòi mà những gì còn lại là tình thương yêu dành cho tất cả những ai bị tâm tham
chi phối, trong đó có bản thân mình, và có cả người trực tiếp hoặc gián tiếp
làm mình bị tổn thương.
Người thấu cảm có đủ tâm bao dung để tha thứ cho người
như thể tha thứ cho chính mình vì họ hiểu rằng, ai trong chúng ta, không lúc
này thì lúc khác, đều mắc phải lỗi lầm. Ta chấp nhận lỗi lầm là một phần của cuộc
sống để từ đó, tự hoàn thiện hơn thì người khác cũng vậy. Chấp nhận điều này,
việc tha thứ cho nhau là điều không phải quá khó vậy. Đây là biểu hiện của tình
thương thuần túy, chân thật, thương người như thể thương chính bản thân mình.
c.
Thấu cảm để dần tập sống
vô ngã vị tha
Thấu cảm là thành công trong việc hòa nhập hoàn toàn
khi đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện, vượt lên cả hiểu, thương, thông
cảm và đồng cảm mà là sự hòa nhập dung thông giữa cái “ta” và “người”. Khi Đức
Phật dạy tất cả chúng ta đều có những nỗi khổ niềm đau giống nhau khi mang thân
người. Do Ngài thấu hiểu được nỗi khổ niềm đau này là chung, không của riêng
ai, giữa Ngài và người khác không còn biên giới nữa, Ngài có sự thấu cảm sâu sắc
với tất cả mọi người. Trong thấu cảm, có sự tương giao sâu sắc, giao thoa hòa
nhập hoàn toàn, không thấy sự khác nhau giữa chủ thể và đối tượng nữa. Khi tâm
đã cảm được nỗi khổ niềm đau của người khác một cách thấu đáo, ta chỉ thấy khổ
đau là điều cần phải chấm dứt, không phân biệt là ta khổ hay người khổ. Nỗi khổ
niềm đau của người cũng chính là nỗi khổ niềm đau của mình. Khi khổ được chuyển
hóa rồi, niềm an lạc có mặt, thì niềm vui của người cũng trở thành niềm vui của
mình.
Khi một người nào đó thể hiện sự thấu cảm của mình, đối
tượng cảm nhận được sự quan tâm và thấu hiểu của người ấy, mối quan hệ trở nên
gần gũi, thân thiết hơn, cõi lòng cảm thấy ấm áp hơn khi có người hiểu và thay
mình nói hộ nỗi lòng. Ranh giới ta-người xóa nhòa và tinh thần vô ngã hoàn toàn
được thiết lập trong xã hội. Bấy giờ, thay vì để tâm phân biệt, hơn thua, chấp
người chấp ta, chúng ta hiểu rõ sự vận hành của tâm mình và thấu hiểu tâm người
thông qua kinh nghiệm bản thân để góp phần chuyển hóa cuộc sống ngày càng tươi
đẹp thêm.
d.
Thấu cảm để con người xích
lại gần nhau hơn
Con người bình thường có thể thấu cảm ở một mức độ nào
đó với nhiều người, nhưng thấu cảm trọn vẹn, sâu sắc thì chỉ có thể với một vài
đối tượng mà thôi. Kinh nghiệm thấu cảm trọn vẹn chỉ có được với một số người
trong những mối quan hệ đặc biệt. Trong gần gũi, thân thiết, thấu cảm được thiết
lập, và rồi chính thấu cảm nuôi dưỡng mối quan hệ ấy ngày càng gắn kết nhiều
hơn. Khi mình cảm nhận được sự thấu cảm từ người khác, nghĩa là mình được hiểu,
được thương, rõ ràng là chúng ta cảm thấy an toàn để chia sẻ những suy nghĩ và
cảm xúc cá nhân sâu sắc với đối tác của mình và tin rằng họ thực sự quan tâm những
điều chúng ta nói, trăn trở những nỗi khổ niềm đau của chúng ta như chính của bản
thân họ. Ta có thể cảm thấy hạnh phúc, ấm áp và thân mật trong mối quan hệ ấy
và thấy con người càng gần gũi nhau hơn.
Hầu hết, những người đạt đến độ thấu cảm cao có thể hiểu
được vấn đề người kia muốn nói dù chưa mở lời, hoặc hiểu được cách phản ứng của
đối tượng trong những tình huống cụ thể nào đó. Những người thấu cảm tốt đối tượng
có thể dùng từ ngữ trùng nhau khi phát biểu về một nội dung nào đó hay nhận định
về một sự việc, đánh giá một vấn đề nào đó. Thấu cảm là sự hòa nhịp đến mức
hoàn hảo của con tim và trí óc giữa hai hay nhiều người và là sự cộng hưởng
tinh tế về cả hai phương diện khối óc và con tim., nhờ đó thấu cảm có thể gắn kết
giữa con người và con người trong xã hội lại với nhau.
4.
TU TẬP ĐỂ CÓ THẤU CẢM
Kỹ năng thấu cảm cần được huân tập từng bước để dần
thuần thục, cụ thể qua ba giai đoạn trong quá trình thấu cảm: đầu tiên, chúng
ta cảm nhận; sau đó, cảm nhận và hiểu; cuối cùng, cảm nhận, hiểu và bắt buộc phải
hành động dựa trên sự hiểu biết của mình. Quá trình thấu cảm được có thể khái
quát thành các bước sau:
a.
Quan tâm đến người khác
Quan tâm đến người khác không phải là
tò mò, cứ bám theo để biết những việc cá nhân, riêng tư của người khác, mà để
tâm muốn biết nhiều hơn, có thông tin đầy đủ hơn về con người chung quanh, để
hiểu cuộc sống và quan điểm sống của họ, làm nền tảng để phát triển khả năng thấu
cảm. Chúng ta chỉ có thể làm tốt những điều chúng ta thích và kỹ năng thấu cảm
cũng vậy. Đầu tiên, chúng ta phải biết quan tâm đến người chung quanh, những nỗi
khổ niềm đau họ đang gánh chịu và có thiện chí chia sẻ, giúp đỡ. Người vô cảm với
nỗi khổ niềm đau của người khác, chỉ biết bản thân, không cần quan tâm đến ai,
chỉ bo bo phần mình sẽ có quan niệm “thóc đâu mà đãi gà rừng” thì không thể nào
có thể phát triển khả năng thấu cảm. với người vô cảm, quan tâm người khác là
chuyện bao đồng, tào lao không đáng làm.
b.
Phá đi những định kiến
và tìm ra điểm chung
Cứ khư khư suy nghĩ, nhận thức và
quan điểm của mình thì không thể nào chấp nhận và dung nạp quan điểm của người
khác. Khi biết quan tâm đến người khác, chúng ta học được một điều thú vị là
cùng một vấn đề, những người khác nhau sẽ có cách nhìn khác nhau. Chấp nhận sự
khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong nhận thức và cách sống của mỗi người
là yếu tố cần thiết để huân tập khả năng thấu cảm. Khi tìm được những điểm
chung trong muôn vàn điểm riêng, chúng ta mới có cơ sở để khả năng phát triển
tâm thấu cảm. Khi đứng trên nền của những điểm chung ấy, chúng ta mới có thể
nhìn theo cách người khác nhìn, hiểu theo cách người khác hiểu và nhờ đó, khả
năng thấu cảm dần được phát triển mỗi lúc một nhiều hơn. Khi phá vỡ định kiến,
chúng ta có sự tự do để phán đoán vấn đề khách quan và công tâm hơn.
c.
Tập cảm nhận và trải
nghiệm cuộc sống của người khác
Chỉ hiểu trên lý thuyết suông không
giúp cho chúng ta có khả năng thấu cảm mà phải thông qua con đường thực hành. Muốn
có tâm thấu cảm, muốn chia sẻ, giúp đỡ ai, chúng ta phải có sự cảm nhận và trải
nghiệm cuộc sống của chính người đó, cảm nhận những cảm xúc của người khác như
thể chúng là của mình - sợ hãi khi họ sợ hãi, hạnh phúc khi họ hạnh phúc .
Đây là một trong các nghệ thuật gọi là “đồng sự” mà đức Phật dạy chúng ta cần sử
dụng để tiếp cận và hiểu rõ đối tượng mình muốn tương tác và giúp đỡ. Sự trải
nghiệm thực tế cho chúng ta nhiều kinh nghiệm để làm tốt hơn phần việc của
mình: thấu cảm, chia sẻ và giúp đỡ. Cùng có mặt và đồng hành như một người bạn
thân, chúng ta mới có thể đặt mình vào vị trí của người kia để hiểu được, mỗi
khi chạm mặt với những khó khăn, thử thách của cuộc sống, người ấy suy nghĩ thế
nào, phản ứng ra sao. Từ chỗ thấu hiểu tận
ngọn nguồn vấn đề, chúng ta có thể chia sẻ hết lòng với người đối diện như thể
mình đang đối mặt với những gì họ đang đương đầu.
d.
Lắng nghe bằng cả tấm
lòng
Trong lúc đồng hành cùng người khác, chúng ta có những
trải nghiệm sống động khi trực tiếp quan sát cuộc sống quanh ta. Để có thể hiểu
thấu và đồng cảm, chúng ta phải chịu khó lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ của người
khác bằng tâm chứ không phải bằng tai. Kỹ năng lắng nghe vô cùng quan trọng.
Đây là kỹ năng để chúng ta nhận rõ điều gì đang xảy ra, những cảm xúc, những
nhu cầu, những trải nghiệm trong thời khắc tiếp cận đối tượng để hiểu họ nhiều
nhất có thể. Mở lòng trong khi quan sát và cảm nhận về đối tượng tạo nên sợi
dây liên kết thông thoáng, hai chiều trong truyền thông cảm xúc để đôi bên
không còn khoảng cách để sự cảm nhận trọn vẹn nhất. Khi biết lắng nghe bằng
tâm, chúng ta có thể thấu hiểu cảm xúc, động cơ, bản chất bên trong của
con người để có thể xem xét và phân tích bản chất đó nhằm giải quyết vấn đề hiệu
quả nhất.
e.
Phát triển trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng là trung tâm trong
năng lực suy luận của con người. Sau khi
lắng nghe bằng tâm để hiểu tất cả mọi ngõ ngách của đối tượng ở mức nhiều nhất
trong khả năng có thể, đây là lúc chúng ta thử mang đôi giày của người khác để hình
dung, tưởng tượng khi đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện, với hiểu biết
và nhận thức như người kia đang có, với suy nghĩ đó, hành động đó… để có sự thấu
cảm tốt nhất. Người nào có trí tưởng tượng phong phú, sẽ dễ dàng nhập vai người
khác và hóa thân thành người kia để tiếp cận vấn đề như thể đây là việc của
chính mình để có hướng giải quyết tốt nhất. Người giàu óc tưởng tượng có khả
năng vẽ ra nhiều tuyến đường khác nhau, liên tục lắp ráp những sự kiện thực tế
vào để tìm ra phương án tốt nhất chứ không theo một lối mòn lập luận. Đây là cơ
sở để khả năng thấu cảm hoạt dụng đem lại lợi ích cho người trong cuộc.
f.
Hành động thực tế
Giai đoạn cuối cùng và thiết thực nhất của quá trình
nuôi lớn kinh nghiệm thấu cảm là hành động thực tế của chúng ta. Mục đích của
thấu cảm không chỉ dừng lại chỗ hiểu và cảm thông, mà điều cần thiết nhất là
giúp người đối diện xử lý tình huống, giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Người
cần được hiểu và cảm thông là người đang gặp tình huống khó giải quyết, đang rối
trí. Tưởng tượng mình đang trong cảnh huống ấy, thử đặt mình vào vị trí của người
đó là để hiểu cho trọn, cảm cho thông, dùng tâm và trí của mình để hỗ trợ, giúp
đỡ người trong cuộc giải quyết vấn đề. Do đó, trên cơ sở thấu cảm, chúng ta cần
giải thích, an ủi, khích lệ, định hướng, tìm giải pháp tốt nhất… là những hành
động thực tế chúng ta cần thể hiện khả năng thấu cảm của mình. Carl
Rogers, một nhà tâm lý học người Mỹ, trong cuốn sách Client-centred
Therapy (1951) cho rằng những nhà tâm lý trị liệu đã sử dụng khả
năng thấu cảm để “sống với cuộc sống của người khác” khi tiếp cận đối tượng cần
tư vấn.
5.
THAY LỜI KẾT
Sự thấu cảm là một kinh nghiệm của trái tim thông thái
và trí não biết yêu thương. Nó là dòng chảy của sự sống. Nó chính là sự sống mà
mỗi người có trí tuệ sáng suốt và trái tim nhân hậu luôn nuôi dưỡng dọc theo
hành trình cuộc sống để làm cho cuộc đời thêm hương sắc và ý nghĩa khi biết cảm
thông, chia sẻ và hỗ trợ người khác đang trong những tình huống khó khăn. Để có
được sự thấu cảm trọn vẹn với ai đó, ta cần phải chân thành tự đáy lòng, thương
yêu đối tượng ấy thật sự, thấu hiểu tận ngọn nguồn những gì đang tác động đến người
khác và những diễn biến tâm lý đang diễn ra trong ý thức và tiềm thức người đó.
Cuộc sống quá ngắn ngủi. Vậy hãy yêu
thương cuộc đời mình, yêu thương người, thấu cảm cùng mọi người để có được hạnh
phúc và luôn mỉm cười với những hành động tích cực từ bản thân:
Trước khi nói, hãy lắng
nghe.
Trước khi viết, hãy suy
nghĩ.
Trước khi làm tổn
thương, hãy cảm nhận.
Trước khi ghét bỏ, hãy
yêu thương.
Trước khi bỏ cuộc, hãy
cố sức.
Trước khi từ giã cõi
đời này, hãy sống một cuộc đời đáng sống!