Hãy
sống năng động, hành động tích cực, làm lợi ích cho bản thân mình và cho người
khác. Bằng mọi giá, phải sống có ích, thì bạn mới phần nào đền ơn cuộc đời này.
Một người hạnh phúc không phải luôn có những hoàn cảnh tốt mà là người luôn có
thái độ tốt trong mọi hoàn cảnh với cách sống năng động và dấn thân.
Có một người nọ cảm thấy mệt mỏi khi làm việc dưới sự chỉ
đạo của người sếp bảo thủ, gia trưởng, coi nhân viên như người giúp việc. Ấm ức
trong lòng mà không thể nói được, bạn ấy gồng mình chịu đựng. Từ một người năng
nổ, nhiệt tình, bạn ấy dần biến thành một người thụ động, ù lỳ và chán nán. Hơn
một lần bạn ấy có ý định chuyển chỗ làm, nhưng ngại phải bắt đầu từ vạch xuất
phát khi chuyển chỗ làm mới, nên vẫn cứ phải gắng gượng cho qua ngày.
Ai cũng hiểu một cuộc sống năng động sẽ làm tăng thêm chất
lượng sống và nhiều giá trị đóng góp hơn cho cuộc đời. Tuy nhiên, khi những
tính từ tốt đẹp kia trở thành món xa xỉ đối với những người lãnh đạo và cộng sự
thì nhuệ khí, sự nhiệt thành và tận tâm của bạn bị khô cạn. Từ đó, có thể bạn
mất niềm tin vào con người và cuộc sống, thậm chí mất tự tin vào chính mình,
trở nên thụ động và không còn muốn dấn thân để được đóng góp sức mình cho cộng
đồng.
Rất nhiều người trong chúng ta đã hoặc đang rơi vào hoàn
cảnh trên, và tôi cũng đã từng. Thế nhưng, nhớ lại thời điểm ấy, chỉ trong thời
gian rất ngắn, tôi kịp nhận ra: không việc gì mình phải có tâm thái như vậy.
Sao lại phải hành hạ mình một cách ngu xuẩn như thế chứ? Tại sao phải lệ thuộc
vào cảm xúc của người khác để có bình an và hạnh phúc?
Trong mọi tình huống ở mọi lúc, mọi nơi, hãy nhớ lời dạy vô
cùng chí lý của đức Dalai Lama: “đừng để
thái độ và cách cư xử của người khác phá hủy sự bình yên trong tâm bạn”. Để
làm được việc này, bạn đừng bao giờ nghĩ rằng những thiệt thòi, bất lợi về phần
mình là do người khác quyết định. Nếu do người ngoài, thì đó cũng chỉ là một
trong những nguyên nhân thứ yếu mà thôi. Chỉ khi nào bạn cho phép, những yếu tố
bên ngoài mới có thể chạm đến sự bình an nội tại của mình.
Trong trường hợp không như ý tại chỗ làm vừa đề cập ở trên,
có hai lựa chọn cho bạn. Nếu còn có thể chấp nhận làm việc dưới sự quản lý của
người sếp như vậy, bạn cứ chu toàn phần việc thuộc về mình và tìm nguồn vui
trong công việc và trong các mối quan hệ xã hội khác. Cuộc sống có nhiều ngăn và
quan hệ giữa bạn và sếp nơi làm việc chỉ là một ngăn thôi. Nếu ngăn này không
đem lại cho bạn niềm vui và thoải mái, cứ đầu tư vào những ngăn khác trong cuộc
sống. Chọn lựa thứ hai, nếu không thể chấp nhận làm việc trong điều kiện như
vậy, bạn hãy mạnh dạn ra đi. Chọn cách nào, đi hay ở, là quyền chọn lựa của
bạn, nhưng nên nhớ, một khi đã chọn, thì hãy chịu trách nhiệm về quyết định của
mình, không quy kết đổ lỗi. Dám nhận trách nhiệm của mình, dù kết quả thế nào
đi nữa, là dấu hiệu của người trưởng thành.
Cứ bản lĩnh bắt đầu cho một hành trình mới hơn là phải gồng
mình chịu đựng chuỗi ngày dai dẳng. Khi bạn có năng lực, có chuyên môn vững
vàng, sống hài hòa với mọi người, có tinh thần trách nhiệm thì ở bất cứ công ty
nào, với bất kỳ vị trí nào, bạn không phải lo lắng và bất an. Con chim khi đậu
trên cành cây, gió thổi làm oằn cành nhưng chim chẳng hề sợ vì nó biết nó còn
có đôi cánh.
Nếu đã làm tròn vai phần mình mà không tìm được sự đồng điệu
ở nhóm này, bạn biết mình không phải là mảnh ghép phù hợp của tập thể đó. Sẽ có
một nơi khuyết đang chờ bạn điền vào và đó là nơi bạn thuộc về. Nếu quá bi quan
đến mức bạn có cảm giác không ai tin dùng mình thì đây là lúc tốt nhất để chính
bạn phải tự tin mình nhiều hơn bằng cách tự đứng lên. Bạn sống làm sao để những
người kia phải chấp nhận họ đã nhìn nhận sai về bạn để rồi thay đổi cách nhìn
về một con người.
Hãy sống năng động, hành động tích cực, làm lợi ích cho bản
thân mình và cho người khác. Bằng mọi giá, phải sống có ích, thì bạn mới phần
nào đền ơn cuộc đời này. Bạn nên nhớ rằng khi nào còn đi hai chân trên đất, còn
hít thở khí trời để sống, còn biết đói, biết lạnh, còn cần một nơi để nghỉ ngơi
sau ngày dài lao động... và còn cần nhiều thứ nữa là bạn còn mang ơn nặng của
nhiều người trong cuộc sống này. Hãy tìm mọi cơ hội để sống có ích cho đỡ hổ
thẹn với những gì mình đang nhận. Tối thiểu thì mỗi sáng thức dậy, bạn cũng có
cái ăn, cái mặc và chỗ trú thân là có lý do để cảm ơn cuộc đời, để thấy mình
cần sống năng động trong tinh thần đóng góp.
Một chiếc xe cứ cất kỹ trong nhà thì không bám bụi nhưng nó
không chạy được cây số nào để thực hiện chức năng vận hành từ nơi này đến nơi
khác. Cứ ngồi đó nhìn đời bằng cái nhìn tiêu cực, than thở, lắc đầu ngán ngại
đủ thứ chỉ làm cho mình thêm mệt mỏi, tiêu phí năng lượng và thời gian vô ích.
Dấn thân thì ngại gặp nhiều điều không như ý, cuối cùng bạn chỉ muốn thu mình
trong tổ kén do mình tự dệt nên thì uổng phí một đời. Hãy năng động hơn để cảm
nhận rõ ràng lý do tồn tại của bản thân mình trên cuộc đời này.
Khi tự thân vận động tốt thì những tâm lý tiêu cực như chán
nản, mất niềm tin, ngán ngại và những đồng minh của chúng sẽ trốn biệt, nhường
chỗ cho những tâm lý tích cực có mặt để tạo nên hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc
sống. Bạn hãy tin một điều là cánh cửa này đóng nhiều cánh cửa khác mở ra, có
khi còn tốt hơn cánh cửa trước.
Chúng ta có thể kiến tạo hạnh phúc cho mình bằng cách sống
năng động, vì chỉ có năng động tích cực mới tương ưng với cuộc sống đang chuyển
động và đổi mới trong từng đơn vị nhỏ nhất của thời gian.
Hạnh phúc là một trạng thái chủ quan do mỗi người tự chọn
cho mình, hơn là từ hoàn cảnh bên ngoài đem lại. Một người hạnh phúc không phải
luôn có những hoàn cảnh tốt mà là người luôn có thái độ tốt trong mọi hoàn cảnh
với cách sống năng động và dấn thân vậy.