Tuesday, October 2, 2018

CHUYỂN HÓA HẬN THÙ


Ở đâu có hận thù, ở đó chỉ có hủy diệt và mất mát. Ở đâu có yêu thương, ở đó có sức sống và lợi lạc. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn với gam màu hồng của tư duy tích cực khi con người có thể chuyển hóa hận thù thành bao dung, thông cảm, chuyển hóa hiểu lầm thành thấu hiểu, yêu thương.
Hôm nay, lướt tin buổi sáng, vào facebook nhà báo Thu Uyên, người phụ trách chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL), tôi đọc được câu chuyện về hai người con lưu lạc từ nhỏ, một người ở miền Nam và một người ở Thái Bình, đến khi tìm được mẹ thì những người con này không muốn nhận mẹ.
Trường hợp người con lưu lạc ở miền Nam: người mẹ già, ốm yếu tội nghiệp đã đăng ký với chương trình tìm con. Sau thời gian dài với nhiều nỗ lực đầy tâm huyết của những người làm chương trình,  người con lưu lạc đã được tìm ra. Đến lúc này, người con không muốn nhận mẹ, vì trong lòng người ấy còn hận mẹ với lý do “hồi nhỏ mẹ cho tôi đi để lấy 5 phân vàng”. Thế rồi, người mẹ ấy vừa mới mất khi chưa kịp gặp mặt con.

Người mất thì cũng đã mất, người còn thì phải tiếp tục sống. Người sáng suốt biết chọn cách sống ý nghĩa là lợi ích, sống thay cả phần người thân đã ra đi. Tiếc là những ai còn ôm ấp nhiều hận thù không thể sống theo cách này. Tôi biết chắc người con này đang sống với những tháng ngày rất ân hận vì hành động của mình. Tiếc rằng anh ta không còn cơ hội để gặp ân nhân lớn nhất của đời mình nữa rồi!
Trường hợp người con lưu lạc ở Thái Bình: người đăng ký tìm mẹ ruột là mẹ nuôi. Chuỗi ngày vất vả của những người làm chương trình NCHCCCL được đền bù khi họ tìm được mẹ cho người con mà do hoàn cảnh đói nghèo xưa, đã phải để con mình lớn lên ở nhà người xa lạ từ thuở nhỏ. Giống trường hợp trên, người này không muốn nhận mẹ. Người con này có lẽ may mắn hơn người con ở trường hợp trên vì cô Thu Uyên hứa sẽ tìm mọi cách để thuyết phục, để người con này không bỏ lỡ cơ hội lớn của đời mình: được gặp lại đấng sanh thành. Mong tâm lành của nhà báo Thu Uyên và những người làm chương trình có thể thực hiện được điều này, dù chương trình không có nhiệm vụ thuyết phục những người không hợp tác, mà chỉ làm công việc tìm kiếm và nối kết những người lạc nhau cùng tha thiết muốn tìm về với nhau.
Trước đây, tôi từng nghe một số người tâm sự câu chuyện gia đình có tính chất tương tự khi giữa cha mẹ và con cái, sợi dây truyền thông thiêng liêng bị tắc nghẽn, vì lý do này hay lý do khác. Hoàn cảnh nào nghe xong, tôi cũng nghẹn lòng, thổn thức, thương cho cả đôi bên mà lắm khi có khuyên họ cũng khó có thể mở lòng cho nhau cơ hội để giải tỏa nỗi lòng.
Với những người con bị cha mẹ bỏ rơi, khi nhận ra nơi mình sống không phải là gia đình huyết thống, thường nuôi dưỡng tâm lý tiêu cực là hận cha mẹ mình. Vì nỗi khổ niềm đau này quá lớn, nên những đứa con lưu lạc đã từ chối cơ hội quý báu của đời người: được gặp lại cha mẹ sau bao năm xa cách.
Tôi có thể hiểu được tại sao họ làm vậy, nhưng không tán thành mà xin thẳng thắn nói rằng, xử sự như thế là họ đã sai rồi. Nên nhớ, cha mẹ không phải là người duy nhất có thể quyết định được sự có mặt của bạn trên cuộc đời này. Cứ hỏi những người hiếm muộn và vô sinh từng chạy chữa cùng nơi khắp chốn, xuôi Nam ngược Bắc, tìm đủ thầy đủ thuốc mong có mụn con, được mấy người có kết quả như mong đợi? Vậy đủ biết, để một sanh linh hình thành và ra đời, không chỉ do ý muốn chủ quan của cha mẹ là đủ. Vậy đừng đòi hỏi nhiều hơn ở cha mẹ nữa.
Đức Phật dạy, yếu tố căn bản nhất để quyết định sự hình thành một sanh linh là thức tái sanh – ý chí tồn tại của sanh linh ấy. Thức tái sanh chủ động chọn nơi gá thân tùy vào nhân duyên, nghiệp lực tương ưng giữa sanh linh ấy và người làm cha mẹ đời này. Bạn nên tin duyên và nghiệp của tự thân mỗi người để không quy kết trách nhiệm hoàn toàn cho cha mẹ.
Nói vậy để bạn thông suốt một điều: mẹ không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự có mặt của mình trên cuộc đời, thì thân phận mình ra sao, đâu chỉ trách nhiệm của mỗi một mình mẹ nên bạn đừng vội trách mẹ mình. Đó là chưa kể hoàn cảnh gia đình, xã hội… mỗi thời mỗi khác, mà bạn chẳng bao giờ hiểu hết được. Trở lại hai trường hợp trên, rất có thể lúc ấy, cho con đi là cách tốt nhất mà người mẹ phải khó khăn lắm, thậm chí đau đến đứt ruột, mới có thể quyết định được.
Tại sao chúng ta lại ngăn bức tường thành của hận thù để rồi tự đánh mất cơ hội giải tỏa tâm lý bế tắc, tiêu cực trong lòng mình và cả trong lòng mẹ mình nữa? Tại sao chúng ta không cho nhau cơ hội để được gặp, được chia sẻ, được bổ khuyết thông tin, được hiểu nhau và được yêu thương bù đắp cho nhau? Ở đâu có hận thù, ở đó chỉ có hủy diệt và mất mát. Ở đâu có yêu thương, ở đó có sức sống và lợi lạc. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn với gam màu hồng của tư duy tích cực khi con người có thể chuyển hóa hận thù thành bao dung, thông cảm, chuyển hóa hiểu lầm thành thấu hiểu, yêu thương.
Trong mọi trường hợp, hận cha mẹ là hoàn toàn sai. Bạn ôm lòng hận vì bạn đòi hỏi quá nhiều từ cha mẹ vì những gì bạn muốn không được đáp ứng như ý. Chỉ việc mang nặng đẻ đau để cho bạn cuộc sống, bạn trả ơn cha mẹ cả đời còn không đủ. Đức Phật dạy:“Có hai người, Ta nói không thể trả ơn được. Hai người đó là ai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù cho cha mẹ có vãi tiểu tiện đại tiện trên lưng, như vậy, người con cũng chưa thể trả ơn cha mẹ” (Tăng chi bộ kinh, chương 2: Hai pháp; phẩm 4: Tâm thăng bằng, phần 1.11).
Sau khi được sinh ra, cuộc sống bạn như thế nào là những chương tiếp theo của cuốn sách cuộc đời do duyên nghiệp kết thành. Nếu hiểu theo giáo lý nhân-quả của đạo Phật, bạn sẽ cảm thấy nhẹ lòng và chấp nhận những gì mình đang có, chuyển hóa cuộc sống theo hướng tích cực và thiện lành, thay vì cứ cố chấp hận thù.
Nếu bạn không hiểu giáo lý đạo Phật để có thể có cái nhìn xuyên suốt nhân-nghiệp-quả thì vẫn còn lý do khác để bạn hóa giải sân hận. Nếu bạn trách móc mẹ vì đã cho bạn đi khi còn nhỏ (lấy hai trường hợp vừa nêu làm ví dụ) mà ôm lòng hận mẹ suốt nhiều chục năm qua, thì trong ngần ấy thời gian, bạn có được thanh thản, hạnh phúc không? Cứ cho rằng mẹ bạn lỗi lầm và không đáng tha thứ, thì ít ra bản thân bạn có lầm lỗi gì (theo cách nghĩ của bạn) mà phải đày đọa tinh thần mình trong nhiều chục năm như vậy? Đừng để sân hận đóng băng thành một khối chai cứng trong lòng, để rồi đến một lúc nào đó, khi cha mẹ không còn nữa, bạn chắc chắn sẽ ân hận, và tâm lý này còn nặng nề hơn cả tâm lý hận mẹ trước đó.