Tuesday, April 24, 2018

YÊU THƯƠNG LÀ THIỆN CHÍ


Yêu thương ai cũng có nhưng yêu thương đúng cách không phải là điều dễ dàng. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng, thương yêu là phải thân cận đối tượng mình có cảm xúc yêu thương. Sự thật không hẳn như vậy.
Thương yêu một ai đó đúng nghĩa là thể hiện thiện chí, tâm lành với người đó, chứ không nhất thiết ở gần. Đức Phật dạy chúng ta tập thương tất cả mọi đối tượng, ngay cả người không ưa mình, thậm chí ghét mình nữa. Với người không ưa mình, thân cận họ là một nguồn khổ đau hơn là an lạc; do vậy, thương yêu những người này là tránh xa khỏi tầm ngắm của họ. Thậm chí nếu bạn có thể bao dung, bỏ qua, không giận dai mà người kia còn ôm hiềm hận, sự nỗ lực gần gũi, thái độ thân thiện để xóa bỏ ranh giới sân hận lúc này dễ bị hiểu lầm là “đạo đức giả”.
Cũng có người khi thấy bạn muốn thể hiện lòng yêu thương, liền nhanh chóng lợi dụng lòng tốt ấy. Với những người này, thương yêu là không yếu lòng trước những kịch bản thảm thiết mà họ rất khéo dàn dựng để lợi dụng bạn. Với người lười biếng, yêu thương là làm thế nào đánh động tâm thức họ để họ chịu đi làm, dù bị ghét cũng được.
Và rồi có rất nhiều loài động vật ngoài kia có thể cảm thấy sợ hãi với cách thể hiện tình thương bộc lộ ra bên ngoài của con người. Đối với chim trời cá nước, thương yêu chúng là tôn trọng môi trường sống tự nhiên của chúng, đừng bắt giữ, giam nhốt chúng trong lồng trong chậu để thỏa mãn đam mê của mình. Trong những trường hợp này, thiện chí được thể hiện từ một khoảng cách xa cần thiết, rằng bạn tự hứa với lòng mình không bao giờ làm hại những con người và những chúng sanh kia, trải rộng tâm thương yêu của mình bao phủ họ, mà không cần thân thiện, gần gũi hay chiếm hữu. 
Điều quan trọng là bạn cần biết thể hiện thiện chí thế nào cho phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, từng tình huống cụ thể. Nên nhớ, yêu thương là thiện chí, chứ không phải cứ một bề thân thiện, vỗ về, gần gũi và quan tâm mới là yêu thương!