Thursday, September 28, 2017

NGƯỜI CỐ CHẤP

Một cách ngẫu nhiên đến thú vị trong cuộc sống là có khi chúng ta đang đi tìm cái này, mà lại gặp một thứ khác! Có khi dự định ra phố mua một món đồ này, tình cờ thấy một món đồ khác vô cùng ưng ý, mà lại cần nữa, ta mua ngay! Tôi cũng đang có trải nghiệm vui vui như thế, khi đi lục tìm trong các bài kinh vài dẫn chứng về một đề tài đang viết lở dở thì tình cờ đọc được mấy câu kinh đức Phật dạy về tánh cố chấp, thấy khá lý thú và cũng “hợp thuốc” với căn bệnh của nhiều người (trong đó có mình)! Thế là vẫn “ngâm” tiếp đề tài đang viết, chuyển sang viết về người có tánh cố chấp. Bài viết nhỏ này được hình thành một cách tình cờ như vậy!

Người cố chấp: như tằm kéo kén buộc mình trong tơ…

Một hình tượng gần gũi giúp chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng về người cố chấp là những con tằm kéo kén để rồi tự ràng buộc mình vào trong tổ kén bịt bùng và chật chội ấy, người cố chấp cũng như thế. Đức Phật từng tuyên bố rằng, người nào có thể bỏ bớt “cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả” thì sở tri kiến sẽ được đoạn giảm dần (Kinh đoạn giảm, Trung bộ kinh số 8) và dĩ nhiên, đau khổ cũng theo đó giảm dần. Khi làm như vậy, người ấy sẽ tự mình nới lỏng sợi dây ràng buộc để nhẹ nhàng hơn, bớt căng thẳng và ngột ngạt hơn. Trong bài kinh này, đức Phật cũng nhấn mạnh rằng “con người tự mình bị rơi vào bùn lầy thì không thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy”, một người cố chấp tư kiến, tự ràng buộc mình, không tự giải thoát thì không thể nào giúp người khác từ bỏ cố chấp tư kiến được. Nói cách khác, người cố chấp thì không thể khuyên người khác đừng có cố chấp! Đây là sự thật hiển nhiên vì một khi không tự giúp mình thì không thể giúp ai! Và thực tế hơn, ta không thể nào cho đi những gì mình không có!  

Chấp không, chấp có… bất hòa!

Tiểu kinh sư tử hống (Trung bộ kinh số 11), đức Phật nói rằng, người cố chấp vào pháp có, sẽ bị chướng ngại với các pháp không và người cố chấp vào pháp không, sẽ bị chướng ngại với các pháp có. Nói một cách khác, người cố chấp không thể nào hiểu và chấp nhận những gì khác với suy nghĩ, nhận thức và niềm tin của mình! Một khi nhận thức và suy nghĩ của chúng ta bị đóng khung như một tảng băng đông cứng thì chúng ta sẽ không thấy được điều gì khác, dù có tốt đẹp, sinh động đang diễn ra ngoài kia. Bằng trải nghiệm tự thân, ai cũng có thể cảm nhận điều này không mấy khó khăn. Đây là đầu mối của tất cả sự bất hòa, căng thẳng giữa mình và người trong bất cứ một tập thể nào, dù ở phạm vi nhỏ nhất chỉ có hai con người! Một người cố chấp vào một điều, một khái niệm nào đó thì cho đó mới là sự thật, ngoài ra đều không đúng! Một người khác cố chấp vào “không có điều đó” hoặc không có cùng cách hiểu về một “khái niệm” thì người chủ trương “có” cho cái có là đúng, trong khi đó, người có quan điểm “không” sẽ không đồng thuận và cho cái “không” là đúng. Nếu người nào ý thức được điều này và sống “bỏ tánh ý của mình và sống theo tánh ý của người khác” sẽ có đời sống cộng đồng hòa hợp như nước với sữa (Kinh Tăng chi bộ kinh, Tập III, kinh số 122: Tranh chấp; tập V, kinh số 54: Thời gian để tinh cần; kinh số 78: sự sợ hãi trong tương lai). Ngược lại, với tánh cố chấp, mỗi người là một ốc đảo lạnh lẽo, dù ở gần nhau vẫn không thể nào sưởi ấm cho nhau, ngược lại, còn tạo chướng ngại cho nhau, khiến cuộc sống trở nên vô cùng mệt mỏi, căng thẳng và nặng nề.

Người cố chấp mắc bệnh bảo thủ!

kinh Tư lượng (Trung bộ kinh số 15), đức Phật dạy rằng nhiều người phẫn nộ, lại cố chấp sự phẫn nộ của mình, trở thành người khó nói. Khi những người thiện tri thức nhắc nhở, khuyên người ấy không nên trở thành “người khó nói” thì người ấy “tránh né vấn đề với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, để lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn của mình” (Kinh tư lượng, Trung bộ kinh số 15) và đức Phật kết luận ở bài kinh này rằng, người như thế đó, dù nhiệt tâm, nhiệt tình thì những người sống chung, sống gần vẫn không ưa thích và cảm thấy không thoải mái. Người cố chấp rất bảo thủ và cứ kiên trì ôm lấy kiến chấp của mình, không dễ hành xả. Chính vì vậy đức Phật dạy: là đệ tử Phật, cần phải phát tâm như sau: “Ta sẽ không chấp trước thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả”.
Nếu người cố chấp không ưa ai một điểm gì, thì trong mắt họ, người ấy sẽ mãi như thế, không bao giờ thay đổi! Người cố chấp không cho mình cơ hội để phá vỡ tường thành chấp pháp và chấp ngã, đồng thời không cho ai cơ hội “làm mới”! Họ là người tự vẽ vòng “kim cô” để giam hãm sự tự do của chính mình: tự do nhận thức, tự do chấp nhận và tiếp nhận những quan điểm khác với mình. Họ chỉ khư khư bảo thủ tự làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai mà không tự biết.

Người cố chấp dễ mắc bệnh “thần tượng”!

Người có tánh cố chấp muốn áp đặt suy nghĩ, khuôn khổ mà người ấy tự đặt ra cho những người mà họ thương yêu, quý mến. Nếu những người thân yêu làm những việc trái ngược với suy nghĩ và ý thích của mình, họ không chịu được! Họ không thể chấp nhận được một sự thật rằng mỗi người là một tiểu thế giới và là duy nhất đặc thù, không ai giống ai, nên mong ai đó sống theo “khuôn” mình đúc sẵn là một việc làm không thể! Một khi cố công làm việc này mà không thỏa mãn, hơn ai hết, người cố chấp chịu thiệt thòi và đau khổ trước tiên! Do đó, đừng nâng ai lên mức “thần tượng” vì đã “đúc tượng” thì trước sau gì tượng cũng đổ! Khi mình “thần tượng” một ai đó, cái tâm lý “thương ai thương cả đường đi” nó đeo bám! Cho đến một lúc nào đó, khi vỡ lẽ ra những gì ta tưởng đã hiểu hết về người kia cũng chỉ là một phần theo kiểu “những mảnh ghép không hoàn hảo” mà thôi.
Thường thì có hai cách lựa chọn cho người “lỡ” được ai đó thần tượng: một là sống thật với chính cuộc đời vốn có của mình để tinh thần thoải mái, mặc cho ai kia đúc tượng và tượng tự sụp đổ! Hai là gồng mình tạo một lớp bọc kỹ lưỡng để “giữ hình tượng” trong lòng những người cố chấp mong được yên thân! Với tôi, tôi chọn cách sống thật cho mình, vì cuộc đời mình là của mình, không phải của người nào khác, miễn ta không làm tổn thương đến tâm lành của mình, không làm hại ai, không sống xấu, sống tệ với ai, không chọn con đường đi xuống trên tiến trình nhân-quả là đủ rồi!
“Thần tượng” là hình ảnh, mà đã là hình ảnh thì không phải sự thật sống động đang tuôn chảy mà là “cái bóng” của sự thật ở một khoảnh khắc nhất định nào đó trên dòng chảy sinh động và vô thường của vạn pháp! Người được “chộp ảnh” và “bị” nâng lên thành “thần tượng’ cũng căng thẳng và bất an lắm, vì hơn ai hết, họ nhận ra được khoảng cách giữa “tưởng” và “thật”, giữa hình ảnh lung linh và sự thật của bản thân mình! Để được lòng thiên hạ, họ tìm đủ mọi cách nhằm bảo vệ, giữ gìn hình ảnh của mình cho lung linh trong mắt người khác, dù phải đánh đổi bằng giá rất đắt. Còn sống thật, sống thẳng thì “cái được” là tâm mình nhẹ nhàng, còn “cái mất” đến từ sự không che đậy, không xi mạ, không màu mè, không lấy lòng mà cứ như mẹ nhà thơ Phùng Quán dạy ông “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chìu; cũng không nói yêu thành ghét; Dù ai cầm dao dọa giết; Cũng không nói ghét thành yêu” (Phùng Quán – Lời Mẹ dặn).
Sống là chọn lựa và đánh đổi: đổi gì lấy gì, mất gì để được gì là quyền và chính là “nghiệp” – hành động có tác ý – của mỗi người vậy!

Người cố chấp nặng về tâm tham

Một người cố chấp có thể nhận ra mình cố chấp, có thể đồng ý khi “bị quy vào” nhóm người bảo thủ, nhưng tuyệt nhiên họ khó chấp nhận mình là người nặng về tâm tham! Chính bản thân người cố chấp không bao giờ nghĩ rằng cố chấp là tham! Họ biết xả tài vật để cúng dường, bố thí không toan tính mà! Ấy vậy mà trong kinh Ví dụ con rắn (Trung bộ kinh số 22) thì đức Phật nói người cố chấp là người còn nặng về tâm tham. Chúng ta có thể quên đi rằng tâm tham hiện hành trong nhiều phương diện, không thể diệt trừ một cách đơn giản qua việc bố thí tài vật. Với người cố chấp, họ khư khư chấp vào cái hiểu biết, nhận thức của mình, không chịu nhìn khác hơn, thì đó là do động cơ tham chấp (tham vào ý kiến, quan điểm riêng của mình) điều động và chi phối.
Ở bài kinh Trường trảo (Trung bộ kinh số 74), đức Phật dạy rất chí lý rằng, người cố chấp hễ thích cái gì, thì cho cái đó là sự thật, ngoài ra là hư vọng, hễ thích ai thì cho chỉ có người đó là đúng, những người khác đều sai! Người cố chấp như thế sẽ gặp sự đối nghịch từ hai nhóm người có ý kiến khác: nhóm thứ nhất hoàn toàn không thích những gì người cố chấp thích, không ưa những người mà kẻ cố chấp ưa (vì không thích, không ưa nên họ không thể chấp nhận chỉ điều đó là sự thật, chỉ người kia mới đúng); nhóm người thứ hai chỉ thích một phần, chứ không phải tất cả, toàn bộ những gì người cố chấp thích (họ sẽ chấp nhận một phần sự thật, một vài phương diện nơi một con người nào đó là tốt, chứ không phải cái gì nơi người kia cũng tốt!).  Mà một khi “có đối nghịch thời có tranh luận; khi nào có tranh luận thời có chống đối; khi nào có chống đối thời có bực mình”. Như vậy, người cố chấp tự tạo nên sự đối nghịch, tranh luận, chống đối và bực mình; do đó đức Phật dạy, người đệ tử Phật nên từ bỏ cố chấp để tiến bộ trên con đường tu tập.

Cố chấp – chỉ có mất mà không được gì

Chúng ta không khỏi giật mình khi đức Phật nói rằng, với “người cố chấp khó thuyết phục, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng Bậc Đạo sư, không cung kính, không tôn trọng Pháp, không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng, không viên mãn sự học tập” (Kinh Trường trảo, Trung bộ kinh số 74). Người có tánh cố chấp không lường được tai hại thế này! Thế nhưng, bình tâm suy nghĩ một chút, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận lời dạy trên của đức Phật. Người cố chấp thì cứ khư khư ôm giữ cách nhận thức, cách hiểu của mình, vì cho đó là đúng, sẽ không tôn trọng và không chấp nhận quan điểm của người khác. Do đó, họ sẽ không thể viên mãn sự học tập từ Ba ngôi báu. Là người học Phật thì không có gì trên đời này quý Ba ngôi báu! Chỉ vì không lường được sự thiệt thòi của tánh cố chấp mà chưa nỗ lực chuyển hóa đó thôi. Nay nhờ lời dạy này của đức Phật mà chúng ta tự xét mình kỹ hơn, kịp thời chuyển hóa tâm mình trước khi tự đóng khung mình trong vòng cố chấp đầy vô lý và nhiều khổ đau!
Tai hại, nguy hiểm của sự cố chấp được đức Phật dạy  nhiều lần trong một số bài kinh. Ở kinh Sáu thanh tịnh (Trung bộ kinh số 112), đức Phật một lần nữa khẳng định người cố chấp bị ràng buộc, người không cố chấp mới có thể giải thoát. Đức Phật thẳng thắn chỉ ra rằng người còn cố chấp thì không thể nào chứng quả A-la-hán (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm VIII, kinh số 76: A-la-hán quả). Ngài xác quyết, người không chấp thủ được nhiều người ưa thích, gần gũi và thăm viếng khi có dịp (Tăng chi bộ kinh, chương VII, phẩm VI, kinh số 54: Siha). Điều này có thể được hiểu thêm rằng, người chấp thủ bị nhiều người không ưa thích, không gần gũi và viếng thăm, và đây là một bất hạnh lớn.
Hiểu được lời Phật dạy và khuyến cáo, chúng ta nên dần tháo gỡ những sợi dây cố chấp và bảo thủ đang tự ràng buộc lấy mình vào trong hệ lụy khổ đau do chính mình tạo nên.

Thay lời kết: Cần trí tuệ để phá “tảng băng” cố chấp

Là người học Phật, câu “duy tuệ thị nghiệp” ai cũng nằm lòng. David Loy phát biểu ý này bằng cách nói khác, rằng “Mục đích của đạo Phật là sử dụng trí tuệ để chuyển hóa cá nhân và xã hội” (The goal of the Buddhist path is wisdom in service of personal and social transformation). Câu nói của David Loy không mới, thế nhưng không phải người Phật tử nào cũng có thể nhận thức và sống đúng theo phương châm này.
Nghiệp y cứ trên vô minh đã được huân sâu dày từ nhiều đời nhiều kiếp, đâu dễ dàng chuyển hóa! Cụ thể với vấn đề chuyển hóa tánh cố chấp chẳng hạn; cố chấp thuộc về kiến thủ, là một trong sáu món căn bản phiền não, gốc rễ sâu dày, đừng mong bứng một lần là lên ngay! Điều cần thiết là chúng ta phải lấy trí tuệ soi rọi vào tâm mình, với mỗi một việc, trước khi làm, đang khi làm và sau khi làm, xét một cách công tâm và khách quan, liệu chúng ta có phải là người cố chấp với những quan điểm mình khư khư ôm giữ, những thành kiến, những tưởng tượng, mong muốn hay kỳ vọng của mình về một sự việc nào đó, cá nhân nào đó… bằng cái nhìn một chiều, phiến diện và giới hạn của mình hay không.
Nếu có (mà chắc chắn là có!) thì nên nhắc mình, với những giới hạn nhất định của con người nói chung và giới hạn cụ thể của bản thân mình, ta như một người mù sờ voi mà thôi! Nếu cứng nhắc, khó góp ý, chúng ta nhận đủ những thiệt thòi, bất hạnh, đau khổ đã được đức Phật nói đến mà bài viết này đã điểm qua. Ánh sáng của trí tuệ sẽ giúp chúng ta mở tầm nhìn, mở tâm bao dung và làm cho tâm nhu nhuyến hơn, linh hoạt hơn trong cách nhìn, cách nghĩ, cách làm và cách sống. Một câu cần nhớ và để sống thanh thản là: Ai mở lòng chấp nhận rằng cuộc đời là những mảnh ghép đa màu, người ấy có bình an và hạnh phúc!
Chúng ta xứng đáng để được sống hạnh phúc mà mình có khả năng tự chế tác chứ! Sao lại không bắt đầu bằng việc dùng trí tuệ, kiên trì phá tảng băng cố chấp của chính mình?!