Saturday, October 21, 2017

XÉT ÍT THƯƠNG NHIỀU


Chúng ta đang sống trong cuộc đời là nơi chưa hoàn hảo và sẽ không bao giờ hoàn hảo! Đây là một sự thật, dù có “duy ý chí”, gồng lên cỡ nào cũng không thể phủ nhận sự thật này. Chất liệu chính yếu tạo nên cuộc đời này là con người, và lẽ dĩ nhiên, hầu hết họ đều chưa hoàn hảo. Do vậy, đừng nhìn những cái khuyết, thiếu, kém, dở và những thứ mình cho là chưa được của người khác để phiền lòng và trách móc.
Tâm lý lấy mình làm trung tâm là một thói quen của tất cả, ta thấy mình xứng đáng được nhiều hơn những gì ta đang có, về mọi phương diện. Đây là lý do từ nhỏ mình đã biết trách móc sớm hơn nhiều cái biết khác! Còn nhỏ thì trách mẹ sao gọi con dậy sớm. Lên lớp thì thầy cô cho bài nhiều, bắt học nhiều. Lớn tí nữa học nhiều môn nhiều người dạy thì trách thầy A dạy khó hiểu, cô B nghiêm quá. Ra trường đi làm trách việc nhiều lương ít, về nhà thì so sánh chồng/vợ mình với người hàng xóm với tâm bực bội cau có… Xâu chuỗi những trách móc, giận hờn lại, đó là chuỗi ngày không hạnh phúc, đã lấy đi một phần lớn quỹ thời gian cuộc sống của bạn! Vô lý quá đúng không? Bạn trách người khác, đồng nghĩa với việc bạn tự thấy mình tốt hơn, đáng để được đối xử tử tế hơn. Ấy vậy mà ở đây, chính bạn là người đối xử quá tệ với bản thân mình! Bạn đày đọa mình trong căng thẳng, buồn bực, ghen tỵ, trách móc… thì đời còn gì vui? Bạn đáng được hưởng nhiều hơn vậy mới phải!

Vấn đề nằm ở cách nghĩ, nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi người. Trong cái thân này thôi, cả thế giới sanh khởi! Trong cái thân này thôi, hạnh phúc hay khổ đau có mặt! Một cách nhìn nhận vấn đề rất khoa học là hãy chấp nhận sự chưa hoàn thiện ở tất cả những con người trong đời này, trong đó có bản thân mình, cũng như những gì liên quan đến cuộc sống của mình, để cố gắng tốt hơn mỗi ngày, bổ khuyết cho nhau. Steve Jobs cùng các cộng sự đã chọn quả táo khuyết làm logo cho Apple cũng không ngoài ý tưởng này! Có thể bạn đang sở hữu một chiếc iphone, ipad với hình ảnh này nhưng chưa bao giờ đọc được thông điệp mà người tạo ra nó muốn chuyển tải: tất cả còn chưa hoàn thiện và chúng ta phải góp phần dần hoàn thiện ở mức tốt nhất có thể.
Nếu chúng ta cứ phiền trách những người khác vì những lỗi không đáng, ta là người chuốc lấy khổ đau, đầu tiên và nhiều hơn. Ai không làm vừa lòng mình, ta “nghỉ chơi” ngay thì chỉ sau một thời gian ngắn, ta sẽ không còn thấy ai đáng để mình duy trì mối quan hệ cả! Lúc ấy, bạn sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn, vì nhu cầu xã hội, nhu cầu giao tiếp của bạn vẫn còn đó! Để mình không đi vào ngõ cụt, chúng ta cần thay đổi cách nhìn: nếu đường này dẫn vào ngõ cụt, chắc chắn đi ngược lại ngả đối diện sẽ có đường ra! Lối mở cho tất cả chúng ta: đừng xét nét, đòi hỏi, mong muốn ở người khác nhiều quá. Hãy xét ít lại và thương nhiều hơn, cuộc sống sẽ chuyển tone màu sáng ngay và hạnh phúc lại ngập lòng. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận hạnh phúc, tự nó giản đơn lắm, ở ngay trong ta và quanh ta, ở ngay nơi những con người gần gũi nhất của mình chứ không đâu xa!
Một bức tường được xây bởi 1000 viên gạch mà có 2 viên gạch lệch ở hàng dưới cùng (vì chưa kinh nghiệm lúc đầu), người có cách nhìn tích cực sẽ thấy bức tường đẹp khi nhìn 998 viên gạch kia, người xét nét sẽ chê bức tường vì 2 viên gạch lệch!
Hãy làm người hào phóng đi bạn! Có khi mọi người cũng đang chịu đựng mình mà ta không biết đó thôi!
Chúc các bạn luôn là người xét ít, thương nhiều!