Tuesday, January 17, 2017

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 10)

Chương 3: Chế độ ăn lành mạnh

Đừng ăn quá no!
Một hôm, vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) của xứ Kosala (Kiều-tát-la) đến phàn nàn với Đức Phật rằng ông thường cảm thấy buồn ngủ, khó chịu sau khi ăn cơm xong. Nghe vậy, đức Phật khuyên nhà vua tiết độ và ăn vừa phải trong các món ăn. Sau khi làm theo lời khuyên của đức Phật, nhà vua cảm thấy thoải mái, dễ chịu, sảng khoái, mạnh khỏe và an lạc.

Đừng ăn quá no. Nếu ăn no, thân thể khó chịu, thiếu năng lượng và sức sống, dễ bị béo phì và nhiều chứng bệnh liên quan như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, gút, cơ thể không hấp thu, phiền muộn vì thiếu tự tin. Chúng ta nên nhớ lời dặn ngắn này trước khi ăn:
“Tôi thọ nhận món thức ăn này với lòng biết ơn và xem xét cẩn thận, tôi ăn đây không phải để làm đẹp hay để thỏa lòng vui thích, mà chỉ để duy trì thân thể này như là một phương tiện để tìm cầu chân lý.”

Tầm quan trọng của việc ăn kiêng trong tôn giáo

H.T. Sri. Dhammananda-
Nhiều người trên thế giới phải đối mặt với việc chết yểu chỉ vì  ăn quá nhiều.
Trong Phật giáo, ăn kiêng được coi như là một trong những phương pháp thực hành tự tiết chế. Đức Phật khuyên chư tăng không nên ăn thức ăn cứng sau giờ ăn trưa. Chư Phật tử tại gia trong những ngày thọ Bát quan trai giới vào các ngày trăng tròn cũng giữ giới này, không ăn thức ăn cứng sau giờ ăn trưa.
Thỉnh thoảng có những lời phê bình về cách ăn uống này, cho đây là cách thực hành tôn giáo kỳ quặc. Thật ra, những cách thực hành như vậy không phải là kỳ quặc mà là có cơ sở nhận thức trên nền tảng đạo đức và tâm lý.
Theo Phật giáo, ăn kiêng là giai đoạn đầu tiên của sự tự kỷ luật để rồi đạt đến sự tự chủ. Trong mỗi tôn giáo, cách ăn kiêng cũng khác nhau. Bằng cách ăn kiêng hay hy sinh một bữa ăn trong một ngày hay ở một giai đoạn nào đó, chúng ta có thể đóng góp phần ăn này giúp cho người đói hay những người thậm chí không có lấy được một bữa ăn đàng hoàng trong một ngày.
Leo Tolstoy viết rằng “một người ăn quá nhiều sẽ không thể nào chống lại cơn lười biếng, trong khi đó, một người tham ăn và nhàn rỗi sẽ không biết đủ trong dục lạc. Do đó, theo như những lời dạy về đạo đức, nỗ lực tự tiết chế bắt đầu bằng sự tranh đấu với tính tham ăn. Khởi đầu bằng việc ăn kiêng là điều kiện đầu tiên để có cuộc sống tốt là biết tự tiết chế”.
Các nhà hiền triết ở nhiều quốc gia thực hành tự tiết chế bắt đầu bằng một hệ thống tự điều chỉnh ăn kiêng và kết quả là các vị này phát triển tâm linh cao đến mức không thể tưởng tượng được. Một câu chuyện trong Phật giáo kể rằng, một người tu khổ hạnh, bị đánh đập tàn nhẫn theo lệnh một ông vua ngông cuồng, thế mà nhà tu khổ hạnh ấy không một mảy may giận hờn. Những người thực hành tôn giáo ấy đã phát triển năng lực tâm linh thông qua sự kềm chế các tham đắm dục lạc mà người phàm chúng ta thường khao khát.

Cách ăn khôn ngoan

-Ajahn Brahmavamso-
Tôi có một số người bạn thích đi ăn tiệm. Nhiều buổi tối, họ rủ nhau đến các nhà hàng vô cùng đắt đỏ. Ở đó, họ chi ra một khoản tiền không nhỏ cho các món ăn ngon. Thế nhưng, họ lại bỏ phí đi kinh nghiệm của mình, không thèm để ý gì đến mùi vị thức ăn mà tập trung vào các câu chuyện trao đổi với bạn bè.
Ai có thể nói chuyện trong buổi hòa nhạc khi một dàn nhạc lớn đang biểu diễn? Những lúc ấy, người nói nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến người khác đang thưởng thức tiếng nhạc hay, nên nếu ai nói chuyện, sẽ bị mời ra ngoài. Ngay cả khi xem phim, chúng ta không muốn bị làm phiền. Vậy tại sao người ta nói chuyện phiếm khi đi ăn tiệm?
Nếu đó là một nhà hàng xoàng, chúng ta có thể lấy câu chuyện để lấp đi bữa ăn nhạt nhẽo. Thế nhưng nếu thức ăn ngon và đắt tiền, hãy bảo bạn mình ăn trong im lặng. Đây là cách ăn khôn ngoan đáng đồng tiền mình bỏ ra. Thế nhưng ngay cả khi ăn trong im lặng, chúng ta cũng không biết tiết kiệm từng sát na. Thay vào đó, khi đang nhai một miếng thức ăn, ta lại chú ý đến hành động khác là nhìn vào trong đĩa thức ăn để chọn miếng ăn tiếp để rồi đưa nĩa đến vị trí đó.
Có khi cả hai hay ba miếng đầy trước mặt chúng ta: Đã có một miếng đang trong miệng, một  miếng chờ ở trong nĩa và một miếng đang nằm đợi ngoài đĩa, trong khi đó, tâm mình đang tính tới  miếng thứ ba để sẽ đưa chiếc nĩa tới. Để thưởng thức mùi vị món ăn mình đang dùng và biết cảm nhận cuộc sống một cách trọn vẹn, chúng ta nên thường xuyên ăn trong im lặng, trong từng khoảnh khắc. Với cách ăn như thế, chúng ta mới xứng đáng đồng tiền bỏ ra để thưởng thức ở một khách sạn 5 sao có tên gọi là “cuộc đời”.
Chúc các bạn có được bữa ăn ngon miệng!

 Ăn trong tỉnh thức

Đây là một thử nghiệm nhỏ nhằm minh họa cho sự quan trọng của tỉnh thức trong lúc ăn. Đầu tiên, cầm hai trái nho khô trong tay. Lấy trái nho thứ nhất bỏ vào miệng, nhai và nuốt thật nhanh. Bây giờ, lấy trái nho khô thứ hai, dùng các ngón tay cầm nó một cách chậm rãi. Hãy nhìn trái nho cẩn thận, sắc thái, màu sắc và các nếp gấp nhăn nheo. Hãy cảm nhận các ngón tay ấn chạm vào trái nho và ngửi mùi nho. Nhắm mắt lại rồi bắt đầu từ từ đưa trái nho vào miệng, chậm rãi nhai. Trong khi nhai, hình dung bạn là người xa lạ đến trái đất và lần đầu tiên biết đến món này. Giống như một nhà khoa học nhìn qua kính hiển vi điện tử, bạn hãy lấy ý thức trọn vẹn để soi từng cảm nhận trong khi nhai. Hãy cảm nhận nước bọt tiết ra, cấu trúc và phần tử nhỏ nhất của cảm thọ trên mặt lưỡi trước khi nuốt từng tí từng tí qua cổ họng. Cuối cùng, thở một hơi dài. Hai kinh nghiệm này khác nhau thế nào? Chắc chắn bạn sẽ thấy là với cách ăn thứ hai, bạn sẽ cảm nhận vị nho khô ngon hơn. Đây là cách một Phật tử nên ăn, với tỉnh thức. Ăn cách này, chúng ta sẽ thưởng thức đầy đủ những gì mình đang ăn, từ miếng thức ăn đầu tiên đến miếng cuối cùng. Thức ăn trở nên ngon hơn và chúng ta dễ dàng có cảm giác hài lòng và mãn nguyện. Điều này giúp chúng ta không ăn quá no và không phải thường xuyên kiếm tìm nhiều món ăn mới lạ. Hơn nữa, đây là cách tốt nhất để hệ tiêu hóa làm việc và cải thiện.
Khi ăn no, 15 phút sau bộ não mới nhận biết là dạ dày đã đầy! Do đó, hãy ăn chậm và ăn trong tỉnh thức.

Thức ăn cho thân và cho tâm

Các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh rất nhiều về tầm quan trọng của thức ăn phù hợp và dinh dưỡng để duy trì thân thể khỏe mạnh và tráng kiện. Đức Phật có quan điểm toàn diện hơn về thức ăn và dinh dưỡng. Theo Ngài, có thức ăn cho thân và cũng cần có thức ăn cho tâm nữa. Điều này đơn giản nhưng thường hay bị lãng quên. Để có thân thể khỏe mạnh, ta cần thức ăn tốt cho sức khỏe. Đây là vấn đề dễ hiểu. Tương tự như vậy, để cho tâm mạnh khỏe, chúng ta cũng cần thức ăn lành mạnh cho tâm, đó là những tư tưởng thiện lành và tích cực. Do đó, mỗi khi ăn, chúng ta nên nhớ nhẩm lại  ‘thực đơn’ sau đây của Đức Phật:
“Khi tôi cảm thấy cơ thể vật lý của mình cần thức ăn, tôi sẽ không quên hay chậm trễ trong nỗ lực cung cấp “pháp thực” cho tâm.”
Điều này nuôi lớn tâm trí và tiếp tục nhắc tôi thực hành tư duy chân chánh về tâm từ, rộng lượng và xả ly. Tiện đây, tôi cũng đề nghị bạn nên đọc cuốn sách tuyệt vời của Hòa Thượng Srri Dhammananda có tựa đề “Thức ăn cho tâm”. Mong các bạn thích món ăn ngon miệng này!
Căn bệnh phổ biến nhất mà tất cả chúng ta đều mắc phải là đói! Đói thức ăn cho thân và đói thức ăn cho tâm.

Thực đơn hạnh phúc theo Phật giáo

Don Brown, người hướng dẫn tâm linh
Trung tâm Phật giáo Tây Tạng Kadampa
Những giáo lý căn bản của Phật giáo tựu trung vào Bốn chân lý tối thượng, hoặc có thể gọi đó là  bốn chân lý được các bậc tu tập chứng ngộ thấy biết.
Đó là:
1) Chân lý về khổ: Chừng nào chúng ta còn kẹt trong thế giới phù hư của mình thì không có điều gì trên cuộc đời này làm cho chúng ta toại nguyện cả.
2) Chân lý về nguyên nhân của khổ: Nguyên nhân chủ yếu tạo nên khổ đau là mê mờ và nhận thức sai lầm về thực tại. Nhận thức rõ về thực tại tuyệt đối (thấy chân lý tồn tại bên ngoài ảnh chiếu của tự ngã) sẽ không tạo điều kiện cho các mê mờ như sân hận và dính mắc sanh khởi để phải tạo nghiệp tiêu cực (luật nhân quả không hề sai khác).
3) Chân lý về sự đoạn tận khổ đau: Bởi vì khổ có nguyên nhân đã được xác định nên khổ cũng có thể chấm dứt bằng cách chấm dứt nguyên nhân gây khổ.
4) Chân lý về con đường đưa đến đoạn tận khổ đau: Có ba con đường căn bản đưa đến giải thoát giác ngộ: Giải thoát khổ và nguyên nhân của khổ (quyết tâm thoát khổ), phát bồ đề tâm (dùng tâm vị tha bao dung để làm người khác tỉnh ngộ đem lại lợi ích cho người) và trí tuệ nhận ra bản chất “không” (chân lý tuyệt đối). Tương tự như vậy, để chữa trị bất kỳ một căn bệnh nào, đầu tiên chúng ta phải nhận thức được là mình đang có vấn đề (chân lý thứ nhất), rồi bước tiếp theo là tìm ra nguyên nhân của vấn đề ấy (chân lý thứ hai). Đến khi biết căn bệnh có thể được chữa trị (chân lý thứ ba) thì chúng ta tìm kiếm thuốc thích hợp để sử dụng (chân lý thứ tư).
Món chay đặc biệt
Đức Phật dạy rằng chúng ta nên nhận ra và xem cái khổ trên thế gian này như là nỗi khổ của chính mình. Mặc dù theo bản năng tự nhiên, chúng ta có cảm giác rằng mình độc lập với thế giới xung quanh, thế nhưng, thật ra, chúng ta phụ thuộc lẫn nhau. Điều này gợi ra những thành phần quan trọng trong “thực đơn” hạnh phúc của người học Phật. Đó là phát tâm trọn đời hướng đến giác ngộ toàn triệt nhằm có được niềm vui, tâm từ ái và trí tuệ, chỉ vì lợi ích lớn nhất là cứu khổ cho muôn loài. Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy yêu thương người khác.
Hai truyền thống Phật giáo Hinayana (cá nhân) và Mahayana (đại đồng) đều có mục đích tương tự nhau, tuy động cơ có khác nhau. Trong pháp hành của Hinayana, động cơ chính là hướng đến sự tự giải thoát qua quá trình tự tu chứng. Pháp hành của Mahayana, ngược lại, nhấn mạnh đến sự tương duyên và động cơ để thành tựu giác ngộ giải thoát là giúp tự thân cũng như giúp người khác. Phật giáo Ấn-Tạng và Thiền Zen là hai trường phái thuộc truyền thống Mahayana.
Đối với người biết suy nghĩ, ý niệm về tương duyên hay phụ thuộc lẫn nhau giữa thân và tâm, giữa con người với động vật, cây cỏ cũng như môi trường là điều rất tự nhiên. Người nào không nhận ra được sự thật này, chỉ chuốc thêm khổ mà thôi. Hãy xem, ví dụ như khi chúng ta ăn thịt, khi chúng ta sử dụng một sản phẩm gì đó do bóc lột sức lao động trẻ em mà có, khi chúng ta nổi cơn thịnh nộ vì tâm sân hận sẽ gây nên ảnh hưởng dây chuyền, là chúng ta đã thừa nhận sức mạnh của sự tương quan tương duyên rồi đó. Chúng ta dù ăn chay cũng không hẳn là hoàn toàn vô tội (côn trùng và các động vật nhỏ có thể bị chết trong quá trình chúng ta thu hoạch mùa màng), nhưng đó là cách tốt nhất để thực tập bất bạo động và sống hòa hợp với thực tại. Đức Phật không quá khắt khe về vấn đề ăn chay vì chư đệ tử tăng ni của Ngài đi khất thực, cho nên việc kén chọn khi nhận thức ăn cúng dường là không thể được.
Tương tự như vậy, các nước Phật giáo như Tây Tạng, nơi có độ cao trung bình là 13,000 feet (tương đương 3962 mét) so với mặt nước biển, thì chỉ có khoai tây và lúa mạch là trồng được. Một người có thể chết đói hay ít ra cũng bị suy dinh dưỡng nếu thiếu nguồn thức ăn động vật. Tuy nhiên, Ngài Dalai Lama khuyến khích Phật tử các nơi khác cố gắng ăn chay.
Chúng ta cũng cần kiêng cử những món ăn độc hại cho tinh thần, làm cho sân giận, tham lam, tự cao và ích kỷ tăng trưởng, vì những thứ này làm cho bản thân mình và xã hội bị ngộ độc. Các món ăn tinh thần thông thường ở Mỹ thường có chất độc hại có thể gây nên khủng hoảng xã hội, như chạy theo chủ nghĩa vật chất lầm lạc, chủ nghĩa tiêu thụ thiếu sáng suốt, bạo hành vô cớ mà ta thường thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như ngoài đời thực, mẫu người không thực tế hoặc có vấn đề, thiếu lý tưởng, vv và vv. Cha mẹ cần cung cấp thức ăn tâm linh cho con. Với nhiều người trẻ, khi thầy cô giáo và cha mẹ có đời sống tâm linh cằn cỗi, sử dụng ma túy và các cách tự hủy hoại bản thân mình thì hành vi chạy trốn dường như là giải pháp.
Câu trả lời về hạnh phúc và hòa hợp của người học Phật không phụ thuộc vào sự hoàn thiện của ‘thế giới bên ngoài’. Nếu trái đất bị gai phủ kín, cách dễ dàng nhất để giữ đôi chân của mình là mua một đôi giày thật tốt chứ không phải đem thảm trùm khắp hành tinh này. Cách bảo vệ mình và người tốt nhất là dành cho nhau tấm lòng tốt, bao dung và tâm từ bi để chan hòa tình thương yêu cho mọi người cũng như cho bản thân mình. Những hành động chúng ta làm xuất phát từ tâm thương yêu như vậy sẽ tự nhiên trở thành hành động đạo đức và hòa hợp.
Trong những năm gần đây, Phật giáo được số đông ở các nước phương Tây đón nhận có lẽ vì Phật giáo phù hợp với cách suy nghĩ có tính khoa học. (Đức Phật không muốn mọi người tin những gì Ngài nói mà không dùng kinh nghiệm cá nhân của mình để kiểm chứng). Phật giáo cũng có một cơ sở tâm lý vững chắc xây dựng trên phương pháp thực nghiệm (mà thiền định là một phương pháp chủ yếu) và làm cho tinh thần và tâm linh sung mãn mà không hề có tín điều dị đoan hay độc quyền chân lý. Phật giáo thuần túy là một lời mời gọi: hãy thử nghiệm và xem xét những gì diễn ra trong tâm mình, xem nó có ảnh hưởng thế nào trong đời sống hằng ngày của chính mình. Hơn 2500 năm qua, Phật giáo trở thành một bộ phận quan trọng trong văn hóa Châu Á. Truyền thống này đang sống động và phát triển đến ngày nay với nhiều bậc thầy thành tựu trong tu tập đang ở rất gần với chúng ta.