Wednesday, December 13, 2017

GIỚI THÂN HUỆ MẠNG THẦY CHO…

Trong nhà đạo, chúng ta thường dùng câu ‘Thầy là người cho chúng ta giới thân huệ mạng để tỏ lòng biết ơn của người đệ tử khi bày tỏ lòng mình đối với Thầy. Thế nhưng, đây không chỉ là những lời hoa mỹ được dùng trong các bài tác bạch, trong các sự kiện liên quan đến người Thầy của mình, mà hơn thế nữa, đây có phương châm sống, con đường sống và mục đích sống của mỗi một người đệ tử vậy.
“Giới thân” là dùng các nguyên tắc đạo đức để kết thành thân. Điều này có nghĩa là nhờ học hỏi Thầy qua gương sống động của bản thân Thầy (thân giáo), lời Thầy chỉ dạy (khẩu giáo) và tâm ý Thầy luôn mong mỏi người đệ tử thấm nhuần trong nếp sống đạo đức (ý giáo) mà người đệ tử ấy có giới tướng trang nghiêm, giới hạnh thanh tịnh.
“Huệ mạng” nghĩa là lấy trí tuệ làm đời sống của chính mình. Nói cách khác, mọi suy nghĩ, hành động và lời nói đều được vận hành dưới sự soi sáng của lý trí, của tuệ giác. Đó là nghệ thuật sống an lạc và hạnh phúc. Muốn làm được điều này, người đệ tử cần nghe nhiều, biết rộng, ý thức mạnh mẽ, huân tập dần dần để trí tuệ trở thành đời sống của chính mình. Tất cả những điều này có được là nhờ sự dạy dỗ, bảo ban, giám sát và hướng dẫn của Thầy vậy.
Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là đã cảm nhận đầy đủ được ơn sâu nặng giáo dưỡng của Thầy, người đã nuôi chúng ta lớn lên bằng chất liệu của chánh pháp. Thầy là người cho đệ tử:
Mặc thì áo giới ấm êm,
Ăn thì sữa pháp, cơm thiền nuôi thân” (NT. Huỳnh Liên).
Mỗi ngày thân và tâm người đệ tử được ướp đẫm hương vị bình an của đời sống đạo đức, của thiện lành, của yêu thương để rồi nguồn tâm an tịnh, trí tuệ tỏa sáng cho đệ tử theo đó hành động, nói năng và suy nghĩ sáng suốt, đem lại lợi ích cho mình và cho người.

Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là khẳng định rằng thân mình được kết tinh bằng giới và cuộc sống của mình là hiện thân của trí tuệ. Nói một cách khác, dưới sự dẫn dắt của thầy, người đệ tử luôn thể hiện đạo phong, oai nghi tế hạnh, cách ăn nói, hành xử và suy nghĩ hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc đạo đức và cách sống, và cách xử  lý mọi vấn đề của mình luôn hợp lý, khế hợp lời Phật dạy, sáng suốt, đem lại hiệu quả tích cực trong cuộc sống.
Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là luôn đặt mình dưới sự dìu dắt, nâng đỡ, định hướng của Thầy, chúng ta đang trên con đường hình thành giới thân huệ mạng ấy, với một lòng tin tưởng tuyệt đối vào người thầy tâm linh của mình. Như đức Tổ sư Minh Đăng Quang viết trong bài Chơn Lý “Hột giống”, tâm đang được thuần thục trong pháp thiện được ví như hột đã tượng hình trong vỏ trái, nhưng hột đó còn non, còn mềm thì chúng ta phải nương vào thầy để tự nuôi dưỡng hột cho đến lúc già, chắc, không hư hoại với thời gian.
Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là ý thức được vai trò kế thừa, nhiệm vụ lớn lao thầy trao lại cho mình là mỗi người tự làm ngôi chùa di động chuyên chở đầy giới và tuệ, để tự thân an lạc và hạnh phúc, đồng thời và góp phần đem lại bình an và hạnh phúc cho người . Người đệ tử như vậy đã thừa kế thầy mình đúng theo tinh thần đức Phật dạy rằng “là đệ tử chân chánh, hãy thừa tự giáo pháp, không thừa tự tài vật” (Trung bộ kinh, kinh số 3: Thừa tự pháp). Gia tài Thầy để lại không phải là ngôi chùa vật chất mà nhiều người mê mờ tham đắm tranh nhau để làm chủ, mà đó là ngôi chùa tâm linh được xây bằng giới, định và tuệ. Đây là điều mong mỏi nhất của một người thầy ở những người đệ tử mà thầy đã vắt tim vắt óc, đem hết sức lực, thời gian và năng lượng để nuôi dưỡng trong suốt cuộc đời mình vậy!
Thầy già như chuối chín cây… Thầy là ngọn đèn đã dần hao gầy sau một thời gian dài thắp sáng soi đường cho đệ tử. Để thầy được thanh thản, an ủi tuổi già phần nào, hãy ướp tẩm thân tâm mình trong từng giây từng phút với giới và tuệ cho dần viên mãn, trọn vẹn “giới thân, huệ mạng”. Đệ tử làm được điều này thì các bậc thầy yên tâm khi “tre già” thì đã có “măng mọc” và lớp măng này mạnh khỏe, đủ sức để thay tre!
Một đời sống chánh niệm tỉnh giác, thuần thục giới để xâu kết đạo đức thiện lành thành thân, định hướng cuộc sống và xử lý mọi tình huống bằng tuệ là món quà quý giá nhất của người đệ tử trân trọng dâng lên cúng dường người thầy đã trọn đời cống hiến cho đạo pháp và đào tạo nên những người đệ tử là chúng ta vậy!