Đức Phật nói gì về ăn thịt?
Ajahn
Brahmavamso
Ngay
từ lúc đạo Phật được hình thành hơn 2500 năm về trước, các Tăng Ni vẫn sống nhờ
vào khất thực. Trước kia và hiện giờ cũng vậy, họ không được phép trồng tỉa để
lấy lương thực, không được tích lũy thực phẩm, cũng như không được tự nấu nướng
thức ăn. Thay vào đó, mỗi buổi sáng họ dùng bữa bằng bất kỳ thứ gì các Phật Tử
tự nguyện dâng cúng. Cho dù thức ăn có giàu năng lượng hay kém phẩm chất, khoái
khẩu hay khó ăn, tất cả đều được họ chấp nhận với lòng tri ân và được xem như
là dược phẩm để duy trì sự sống. Ðức Phật đã đặt ra nhiều giới luật ngăn cấm
chư Tăng không được đòi hỏi thức ăn mà họ ưa thích. Kết quả là chư Tăng chỉ nhận
các loại thực phẩm giống hệt như thức ăn người dân thường hay sử dụng - và
thông thường thì các thực phẩm đó có thịt cá.
Một
lần nọ, có một vị tướng giàu có và đầy uy thế tên là Siha (nghĩa là ‘Sư tử’) đến
thăm đức Phật. Tướng quân Siha trước kia là đồ đệ hết lòng ủng hộ các tu sĩ Kỳ-na
giáo; nhưng ông rất cảm động và cảm kích trong một lần nghe đức Phật giảng pháp,
nên ngay trong buổi nghe pháp đó, vị tướng này đã xin quy y Tam Bảo (nghĩa là
trở thành Phật tử). Sau đó, tướng quân Siha thỉnh đức Phật cùng với một số rất
đông chư Tăng đến nhà của ông trong thành phố để cúng dường bữa ăn vào buổi
sáng hôm sau. Ðể sửa soạn cho bữa cúng dường đó, tướng quân Siha ra lệnh người hầu
đi mua một số thịt ở chợ để phục vụ cho dịp đặc biệt này. Khi các vị tu sĩ Kỳ-na
giáo nghe biết được sự quy y Phật Pháp của người bảo trợ cũ của họ và ông ta
đang sửa soạn một bữa cơm cúng dường đức Phật cùng chư Tăng, họ trở nên bực tức
và nói rằng:
“Từ
nay sẽ có nhiều vị đạo sĩ Ni-kiền tử (tu sĩ Kỳ-na giáo) vẫy tay, than phiền từ
đường xe ngựa này đến đường xe ngựa khác, từ khắp ngả rẽ này sang ngả rẽ khác
trong thành phố, rằng: Ngày hôm nay tướng quân Siha đã giết một con vật béo, để
dọn một bữa tiệc thết đãi ẩn sĩ Cồ-đàm (đức Phật). Ẩn sĩ Cồ-đàm đã cố ý ăn thịt
từ con vật mà ông ta biết đã được giết để thết đãi ông ta cùng chư tăng tháp
tùng; và việc giết vật này được thực hiện chỉ vì ông ta mà thôi.”[1]
Thật
ra, tướng quân Siha đã phân biệt rất hợp với đạo đức, giữa một bên là thịt mua
tại chợ đã được giết mổ sẵn để bán và bên kia là mua một con vật còn sống và ra
lệnh giết. Sự phân biệt này không mấy rõ ràng đối với một số người Âu Mỹ, nhưng
đã được ghi chép rất nhiều lần trong những bài giảng của đức Phật. Thế rồi, để
xác định rõ thái độ về việc ăn thịt cho chư Tăng, đức Phật dạy:
“Này
chư Tỳ-kheo, Ta cho phép các vị dùng thịt cá trong ba trường hợp sau đây: thịt
này phải chưa được các vị nhìn thấy, các vị chưa được nghe biết, hoặc giả chư vị
không có gì phải nghi ngờ là con vật đó đã được giết chỉ nhằm mục đích thiết
đãi cho chư vị. Nhưng các vị không được cố tình sử dụng thứ thịt đã được giết
chỉ vì dành cho các vị sử dụng mà thôi.”[2]
Có
nhiều đoạn trong Kinh điển Phật giáo cho thấy đức Phật và chư Tăng đệ tử Ngài được
cúng dường thịt và Ngài cũng như chư đệ tử đều thọ nhận. Một trong những đoạn
kinh nầy được viết trong phần mở đầu câu chuyện liên quan đến một giới luật
hoàn toàn không liên quan gì đến thịt (Ni-tát-kỳ Ba-dật đề, Xả đọa pháp, 5) và nội
dung của đoạn này cho thấy thịt nói ở đây hoàn toàn chỉ là ngẫu nhiên đối với đề
tài chính, điều này làm tăng thêm tính xác thực khách quan của đoạn văn:
- Ni
sư Uppalavanna là một trong hai vị nữ đại đệ tử của đức Phật. Uppalavanna thọ
giới tỳ-kheo-ni khi còn trẻ và sớm đắc quả giác ngộ. Là một vị A-la-hán, Ni sư Uppalavanna
còn có nhiều thần lực đến độ chính đức Phật đã tuyên bố Ni sư Uppalavanna là
người lỗi lạc nhất trong số tất cả các vị nữ đệ tử về phương diện này. Một lần
kia, trong khi Ni sư Uppalavanna đang ngồi tham thiền một mình vào buổi trưa tại
khu vườn ‘Người Mù’, trong một cánh rừng hẻo lánh bên ngoài thành Savatthi (Xá-vệ),
có một vài tên cướp đi ngang qua. Mấy tên cướp vừa mới đánh cắp một con bò, giết
con vật này và rồi mang một ít thịt chạy trốn. Vừa nhìn thấy một vị ni sư tham
thiền điềm tĩnh và nghiêm trang, tên cướp cầm đầu đã nhanh nhẹn bỏ một ít thịt
bò trong một cái bọc được chằm bằng lá cây và để lại cho ni sư. Ni sư
Uppalavanna nhặt miếng thịt bò lên và quyết định dâng cúng cho đức Phật. Ngay
sáng sớm hôm sau, sau khi đã nấu thức ăn với thịt đó, bà cất mình lên không
trung và bay tới nơi đức Phật đang ngụ, tại Veluvana (Trúc Lâm) bên ngoài thành
Rajagaha (Vương-xá), và như thế Ni sư đã bay một quãng đường trên 200 ki lô mét.
Mặc dù không nghe nói đến việc đức Phật có thực sự dùng món thịt đó hay không,
nhưng rõ ràng là một ni sư đã chứng quả A-la-hán và có nhiều thần lực ắt hẳn ni
sư đã biết thức ăn nào đức Phật dùng được.
Tuy
nhiên cũng có một số thịt đặc biệt cấm và chư tăng không được sử dụng. Đó là:
thịt người - vì những lý do đã quá rõ ràng; thịt voi và thịt ngựa vì trong thời
kỳ đó, hai con vật này được coi là thú vật của nhà vua; thịt chó - vì dân chúng
thường coi chó là con vật ghê tởm; thịt rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu -
vì người ta tin rằng ai ăn thịt những loài thú rừng nguy hiểm này sẽ toát ra một
mùi đặc biệt có thể khiến cho các con vật đồng loại tấn công người đó để trả
thù.
Vào
cuối cuộc đời đức Phật, người vốn là em họ của ngài tên là Devadatta (Đề-bà-đạt-đa)
có ý định chiếm quyền lãnh đạo Tăng đoàn. Ðể có được sự hậu thuẫn của nhiều người,
Devadatta đã cố tỏ ra nghiêm khắc hơn cả đức Phật và muốn chứng minh rằng đức
Phật có phần dễ duôi. Devadatta đề nghị với đức Phật là tất cả các vị Tăng Ni đều
phải ‘ăn rau đậu’ (‘ăn chay trường’). Ðức Phật đã từ chối và một lần nữa Ngài
nhắc lại một giới luật mà Ngài đã thiết lập nhiều năm về trước, quy định tất cả
các Tăng Ni có thể ăn thịt hay cá, khi nào biết rõ thịt con vật đó không bị cấm
sử dụng và khi họ không có lý do gì để nghi ngờ rằng con vật đó được giết đặc
biệt dành để chiêu đãi họ (Tam tịnh nhục).
Hồi
đó, Luật đã đề cập rõ ràng đến vấn đề này. Các vị Tăng Ni có thể ăn thịt. Ngay
cả đức Phật cũng đã dùng thịt. Tiếc thay, một số người Tây phương ngày nay thường
xem trường hợp các vị Tăng Ni ăn thịt như là sự buông lung thọ hưởng. Thực tế,
chính tôi đã từng ‘ăn chay trường’ cả ba năm trước khi trở thành một tu sĩ.
Trong năm đầu trong thời gian tôi tu học tại vùng Ðông Bắc Thái Lan, tôi đã phải
cố gắng đối diện với nhiều bữa ăn chỉ có cơm nếp với ếch luộc (ăn toàn bộ cả thịt
lẫn xương), hoặc với ốc sên dai như cao su, hoặc kiến càng nấu với cà-ri, hoặc
châu chấu chiên dòn - ước gì tôi có thể bỏ tất cả để trở lại làm người ‘ăn chay’!
Nhân ngày Lễ Giáng Sinh đầu tiên tại miền Ðông Bắc Thái Lan, có một người Mỹ đến
thăm tu viện khoảng độ một tuần trước ngày 25 tháng 12. Thật khó có thể tin nổi,
ông ta có một trại nuôi gà tây, và ông ta liền nhận ra chúng tôi đang phải sống
trong hoàn cảnh khổ sở như thế. Ông hứa sẽ đem đến cho chúng tôi một con gà tây
để ăn trong dịp Giáng Sinh. Ông ta bảo sẽ chọn một con gà tây thật to đặc biệt
dành cho chúng tôi... và lòng tôi chùng lại. Chúng tôi không thể nhận thịt gà
tây đó khi biết đích xác con vật bị giết lấy thịt đặc biệt để cho chư tăng chúng
tôi dùng. Chúng tôi từ chối không nhận món quà đó. Thế là tôi đành phải quay về
với thức ăn của cư dân trong làng - lại cơm nếp với ếch luộc.
Các
vị tăng ni không được lựa chọn gì cho bữa ăn của mình và điều này làm cho việc ‘ăn
chay trường’ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta có thể khuyến khích việc ăn rau đậu, và nếu như những vị cư sĩ hộ Pháp đem
đến cúng dường chư Tăng toàn là thực phẩm rau đậu và không có thịt, thì trong
trường hợp đó, các vị sư cũng không phàn nàn. Mong rằng quý vị hiểu cho điều nầy,
và hãy đối xử tử tế với các loài thú vật.
Ăn chay - một phương cách ăn lành mạnh
Ăn
chay là một thói quen ăn uống phổ biến gần gũi với tinh thần từ bi của Phật
giáo. Mặc dù không bắt buộc trong cách hành trì theo Phật giáo, ăn chay luôn được
khuyến khích vì ăn chay đem lại nhiều lợi ích, kể cả việc hỗ trợ sức khỏe tốt. Nghiên
cứu khoa học đã đưa ra kết quả thuyết phục rằng những người ăn chay có nguy cơ
bị các chứng bệnh như tim, đột quỵ, ung thư, cao huyết áp và tiểu đường thường
thấp hơn so với người ăn mặn. Về mặt tình cảm, ăn chay giảm đi tội lỗi lấy khổ
đau và mạng sống của chúng sanh để duy trì mạng sống của mình. Cũng có thể nói
rằng ăn thịt làm tăng thêm tính khí nóng nảy sân hận. Sở dĩ như vậy vì năng lượng
tiêu cực sân hận trong con vật khi sắp bị giết sẽ chuyển vào trong thịt và khi
ăn thịt, năng lượng sân hận ấy sẽ vào cơ thể người ăn. Luật bảo tồn năng lượng
cũng nói rằng năng lượng không tự sinh ra mà cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển
hóa. Do đó, sân hận là một năng lượng tiêu cực được chuyển vào cơ thể con người
qua con đường tiếp thu thịt vào cơ thể rồi làm cho tính khí con người trở nên
nóng nảy sân hận. Nhìn một cách toàn diện, giảm ăn thịt là tập quản lý cơn giận
của mình.
Để
có nhiều thông tin hơn về ăn chay, đặc biệt là về phương diện dinh dưỡng, ví dụ,
liệu tôi có nên lo lắng về thiếu chất đạm, vi-ta-min B12, can-xi và sắt trong
chế độ ăn chay không (câu trả lời là ‘không’), liệu trẻ sơ sinh và trẻ em có
nên trở thành người ăn chay trường không (câu trả lời là ‘nên’), xin vui lòng
ghé thăm trang mạng của ‘Hiệp hội ăn
chay quốc tế’ ở địa chỉ sau: http://www.ivu.org
Phải
thừa nhận rằng chế độ ăn chay trường là quà tặng dành cho chúng ta về phương diện
sức khỏe thân thể, tinh thần và tâm linh. Có khi nào bạn khuyên một thành viên
trong gia đình được chẩn đoán bị bệnh gì đó, như đột quỵ chẳng hạn, cần chuyển
từ chế độ ăn mặn sang ăn chay không? Bác sĩ đã chẩn đoán mẹ tôi bị ung thư vú
và được chữa trị. Từ đó, mẹ tôi tình nguyện trở thành người ăn chay (tuy không
ăn chay trường) vì lý do sức khỏe. Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu một người muốn
trở thành người ăn chay trường, bằng cách này hay cách khác, là khi họ thấy được
nhiều lợi ích trong chế độ ăn này. Thế nhưng, nếu một người, đặc biệt là người
bệnh, ái ngại khi nghĩ đến việc chuyển sang ăn chay trường (hầu hết bệnh nhân của
tôi đều thuộc nhóm người này), chúng ta nên trải tâm từ để tìm giải pháp khác
cho họ.
Tùy
vào phương tiện, văn hóa và niềm tin cá nhân, thuyết phục một người điều chỉnh
chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng và thích hợp là điều dễ dàng hơn nhiều; ví
dụ nên ăn thức ăn hàm lượng chất béo, đường và muối thấp, nhiều trái cây, rau
xanh, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên. Duy trì được chế độ ăn uống
như vậy là tốt lắm rồi và rõ ràng là tốt hơn không ăn gì cả, vì không ăn gì cả
thì hệ thống miễn dịch dần dần suy giảm. Tôi từng thấy nhiều bệnh nhân ung thư
vẫn duy trì chế độ ăn mặn, nhưng kiêng cử hơn, có khả năng chống chỏi với bệnh
tốt hơn so với những người ăn không kiêng cử. Về phương diện tâm linh, cứ để họ
tự nguyện chọn chế độ ăn như vậy sẽ giúp bệnh nhân tránh được tâm lý sợ hãi và
tội lỗi. Chúng ta nên tránh kiểu nói với họ rằng, “Bạn bị ung thư là do mình ăn
nhiều thịt. Nếu tiếp tục ăn thịt, bạn lại tạo nghiệp không tốt và bệnh ung thư
có nhiều nguy cơ tái phát hơn!” Nói với bệnh nhân như vậy là thiếu tâm từ và dễ
dàng đưa họ đến tâm trạng trầm uất. Nói như vậy, thay vì cố gắng giúp họ, chúng
ta càng hại họ thêm.
Về
cá nhân mình, tôi dần dần chuyển sang chế độ ăn chay trường trong khả năng có thể. Trong khi làm như vậy, tôi không quên nhắc nhở mình lời Pháp về việc ăn
chay trường trên quan điểm nghiệp báo mà tôi đã được nghe:
Những gì đi ra từ miệng (lời nói chân
chính) quan trọng hơn những gì đi vô miệng (thức ăn).
Ăn
đúng nơi đúng lúc
Ajahn
Brahmavamso
Với
một người sống đời phạm hạnh (tăng ni), thức ăn cần được coi như thuốc chữa bệnh
chứ không phải để thỏa thích thọ hưởng. Theo tinh thần trung đạo, chúng ta cần
một lượng thức ăn vừa đủ để nuôi cơ thể khỏe mạnh mà thôi. Trong kinh Kitagiri,
thuộc Trung bộ kinh, chúng ta thấy có đoạn sau:
“Một
thời Đức Phật du hành đến vùng Kasi cùng với tăng chúng tỳ kheo đông . Ngài gọi
các vị ấy và dạy rằng: “Này các tỳ kheo, Ta không ăn ban đêm. Do không ăn ban
đêm, này các tỳ kheo, Ta cảm thấy mạnh khỏe, không bệnh, nhẹ nhàng, có sức lực
và sống an lành. Này các tỳ kheo, hãy đến đây, các vị cũng không nên ăn ban
đêm. Này các tỳ kheo, nếu không ăn ban đêm, các vị cũng sẽ cảm thấy mạnh khỏe, không
bệnh, nhẹ nhàng, có sức lực và sống an lành.”
Theo đó, ăn trong khoảng thời gian từ
sáng sớm đến trưa trở thành truyền thống của người xuất gia Phật giáo, nhưng để
thích nghi, ban đầu cũng cần sự tiết chế. Trong kinh Ví dụ con chim cáy (Latukikopama)
trong kinh Trung bộ, tôn giả Udayin nói với đức Phật thế này:
Bạch Thế Tôn, trước đây, chúng con
thường ăn ban đêm, buổi sáng và buổi chiều. Bạch Thế Tôn, thời ấy, Thế Tôn gọi
các vị tỳ kheo và bảo: “Này các tỳ kheo,
hãy từ bỏ ăn phi thời vào buổi chiều.” Bạch Thế Tôn, do vậy con cảm thấy buồn,
nghĩ rằng: “Những món ăn rất ngon mà các thí chủ thuần thành cúng dường cho
chúng ta vào buổi chiều, và bảo ta không được phép nhận lãnh.”
Thế rồi, chúng con thường chỉ ăn buổi
sáng và ban đêm. Lúc ấy, Thế Tôn gọi các vị tỳ kheo và bảo: “Này các tỳ kheo, hãy từ bỏ ăn ban đêm.”
Bạch Thế Tôn, do vậy con cảm thấy buồn bã, nghĩ rằng: “Thế Tôn bảo chúng ta từ bỏ những món ăn ngon ở cả hai thời, và Ngài bảo
không được phép nhận lãnh.”
Thế
nhưng tôn giả Udayin, người mà ai cũng biết là hơi mập, chẳng bao lâu, không
còn phiền muộn nữa và nhận ra những lợi ích trong việc ăn uống có tiết chế. Hơn
nữa, tôn giả cũng nhận thấy rằng tu sĩ chỉ dùng thức ăn chủ yếu do khất thực,
mà đi ra đường khất thực ban đêm có nhiều điều bất tiện. Bài kinh này nói tiếp:
Lúc
trước, bạch Thế Tôn, các vị tỳ kheo thường đi khất thực trong đêm đen tối tăm, có
khi họ bước nhầm vào giếng nước đầu làng, có khi rơi vào vũng nước dơ, đi nhầm
vào hàng rào gai, đi nhầm vào chỗ con bò đang ngủ, gặp những người đàn ông trẻ,
gặp những người phụ nữ mời mọc một cách bất chánh. Thuở trước, bạch Thế Tôn,
con đi khất thực trong đêm đen tối tăm. Một người đàn bà đang rửa chén bát, thấy
con trong khi trời chớp, liền hoảng sợ và hét lên: “Ôi kinh khủng quá, có con quỷ đứng sau tôi!” Bạch Thế Tôn, khi nghe
nói vậy, con nói với người phụ nữ ấy: “Này
chị, tôi không phải là quỷ đâu. Ðây là tỳ kheo đang đứng khất thực.” “Nếu cha của thầy chết rồi, Nếu mẹ của thầy
chết rồi, thì tốt hơn thầy lấy con dao bén của người đồ tể cắt bụng của mình cho
rồi, chứ đừng vì cái ăn mà đi khất thực trong đêm hôm tăm tối thế này.”
Một
vị tăng hay ni ăn ngoài giờ ăn quy định, từ sáng đến trưa, phạm giới ‘ưng đối
trị’ (còn gọi Ba-dật-đề: Pacittiya). Một người phạm giới ‘ưng đối trị’ muốn
thanh tịnh trở lại, cần đến một vị tăng hay một vị ni để thành thật kể lại lỗi
của mình. Sự ghi nhận đơn giản này nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức
nhiệm vụ và nhận được sự khuyến khích để người phạm tội cẩn thận hơn trong những
lỗi nhỏ nhặt ở tương lai. Như vậy, những điều luật này không y cứ trên hình phạt
mà chỉ có yêu cầu người phạm luật cần tỉnh giác hơn và tiết chế hơn để không mắc
phải lỗi tương tự như thế nữa.
Mặc dù không được phép dùng thức ăn cứng sau giờ trưa, nhưng
các loại thức ăn mềm và nhẹ có thể dùng trong buổi chiều và tối, nhất là đối với
người bệnh. Nước ép trái cây và nước rau cải ép được phép dùng vào buổi chiều,
đặc biệt khi tăng ni cảm thấy khát. Có năm món được coi như ‘thuốc’ theo truyền
thống Ấn Độ là bơ sữa (ghee), dầu, bơ, mật và đường được phép dùng vào buổi chiều
như món thuốc bổ vì tăng ni cũng phải làm việc vất vả, mà trời thì lạnh hoặc
khi tăng ni không nhận đủ lượng thức ăn khất thực được trong buổi sáng. Tăng ni
bị bệnh cũng được phép dùng nước luộc thịt hay đậu vào buổi chiều. Các thức uống
như trà, nước lá thuốc nam, gừng, cô-ca và cà phê cũng được phép dùng tùy theo
nhu cầu của tăng ni. Tuy nhiên, vấn đề dùng sữa có gây ra tranh cãi. Một số chư
tăng cho là có thể dùng sữa trong buổi chiều, một số khác nói không thể được. Với
bất cứ món gì được phép ăn hay không được phép ăn, một vị tăng hay ni mẫu mực
luôn phải nhớ đến lý do mình ăn hoặc không ăn. Đoạn kệ sau đây của đức Phật dạy
cần được quán chiếu mỗi khi đưa thức ăn vào nuôi sống thân thể và bài quán niệm
này được một chư tăng tụng trước bữa ăn tại tu viện Bodhinyana:
“Hãy quán sát một cách sáng suốt những gì
chúng ta dùng trong bát thức ăn này, không phải để vui đùa, không phải để ham
thích, không phải để cho thân thể mập mạp và cũng không phải để làm đẹp. Ta ăn
chỉ vì để duy trì và nuôi sống thân thể này để nó hỗ trợ cuộc sống tu tập phạm
hạnh với suy nghĩ rằng, “nhờ thức ăn mà tôi giảm được cảm giác đói nhưng không
vì thế mà ăn quá nhiều, để có thể tiếp tục sống không tội lỗi và thoải mái.”
(còn
nữa)