Monday, December 25, 2017

TÌM CHỖ ĐỂ CẢM ƠN CHO ĐÚNG!

Ngày xưa, đức Phật dạy, chỗ lý tưởng nhất cho chư tăng ni ở là một nơi không quá xa khu dân cư đến mức cư sĩ Phật tử khó khăn mới tới được, cũng không nên ở quá gần nơi dân ở để đủ yên tĩnh mà tu học. Ở xứ mình, ban đầu, chùa chiền cũng được xây dựng theo tiêu chí này. Thế nhưng, khi “người sinh mà đất không sinh” đã khiến cho mọi chùa chiền dần gần nơi sinh sống của người dân hơn. Vì lẽ đó, chùa tôi đang ở, nơi thành phố đông dân nhất nước này, thì ở phòng cuối cùng dãy lầu cửa hướng ra mặt sau, thì lại là nơi gần dân nhất.
Âm thanh từ những sinh hoạt của bà con khu phố hai bên con hẻm và âm thanh rao hàng từ các xe bán hàng dạo dọc con hẻm cứ dội vào phòng. Tôi cũng đã dần quen với thứ âm thành này và không quan tâm đến, coi như đây là một thứ tạp âm như nhạc nền. Thế nhưng, thỉnh thoảng âm thanh với âm lượng lớn bất thường, cũng làm tôi phải bận tâm một tí.
Mới sáng nay, tôi nghe hai người hàng xóm gây lộn nhau, một người nói lớn tiếng: “Tôi cảm ơn cô, nhờ cô mà tôi tu được hạnh nhẫn nhục”… Sau đó, tôi không để ý nghe họ nói gì nữa, vì câu nói này nó choán lấy suy nghĩ trong đầu tôi …
Người nói câu ấy chắc là một Phật tử. Tất nhiên trong tình huống này, bạn nhẫn nhịn được là tốt, là tu. Thế nhưng, khởi tâm cảm ơn người chửi mình, liệu có ổn không? Nếu bạn đi vào một vạt cỏ may và bông cỏ ghim vào đầy hai ống quần, bạn ngồi đó kiên trì gỡ ra từng bông cỏ có đầu nhọn như kim may vào quần áo bạn một cho đến cái cuối cùng, liệu bạn có nên cảm ơn đám cỏ kia không? Nếu ở trong một tập thể mà bạn bị đì đọt vì lợi ích nhóm, vì bị ganh tỵ thì bạn phải nỗ lực và kiên nhẫn nhiều hơn. Thế nhưng, bạn phải có nghĩa vụ biết ơn những người không công tâm, công bằng và có ác ý với bạn sao?

Rõ ràng bạn học được tính kiên nhẫn khi làm sạch những bông cỏ may đan vào quần áo, hoặc học được tính nhẫn nhịn, bao dung khi tiếp xúc với người hàng xóm không biết điều, hay làm việc với người không công tâm. Thế nhưng, bạn không cần, và không nên có ý niệm biết ơn cỏ dại hay người hàng xóm kia hoặc người cộng sự nọ. Xét cho cùng, họ không hề có tấm lòng tử tế giúp bạn, tại sao bạn phải có nghĩa vụ biết ơn họ?
Khi khởi tâm biết ơn cũng là lúc trong lòng bạn đang rất trân trọng những gì bạn nhận được. Nếu biết ơn người hàng xóm quá quắt đang chửi mình, vậy chửi mắng người khác là hay, là đáng trân trọng và người đem đến điều ấy cho bạn cần được coi như người thi ân sao?
Trong những tình huống như vậy, bạn nên khởi tâm biết ơn cha mẹ: người cho bạn thân-tâm này để bạn có thể tiếp thu kiến thức và trải nghiệm cuộc sống. Bạn nên khởi tâm biết ơn các bậc thầy lành, bạn tốt đã chỉ cho bạn những kỹ năng để có thể sống bình thản trước giông bão cuộc đời. Bạn nên khởi tâm cảm ơn những người đã thành công nhờ nhẫn nhục và kiên trì mà bạn biết và coi đây là những bậc ân nhân đã cho bạn niềm tin và động lực để thực hành những hạnh quý này. Nói chung, bạn chỉ nên biết ơn những người đã góp phần đem lại sự lợi lạc trong tâm mình. Những người này đã nỗ lực tận tình giúp đỡ bạn, và với những gì họ làm cho bạn, họ đã dạy bạn nhiều bài học quý giá về sự kiên trì, lòng bao dung và cảm thông. Khi khởi tâm biết ơn những đối tượng này, cũng là lúc bạn biết trân trọng những gì họ dành cho bạn và mỗi lần như thế, các hạnh lành này được khắc sâu hơn trong tâm trí.
Do vậy, phải tìm đúng “địa chỉ” để biết ơn thì bạn mới là người biết tri ân đúng nghĩa và để có thêm nhiều lợi ích cho bản thân mình trong cuộc sống!