Tha thứ: nói thì dễ, ai ở trong cuộc
mới thấy làm được là cực khó!
Tha thứ cho một ai đó cũng có nghĩa
là bạn không phải đưa vào tâm những hiềm hận vốn không ở trong tâm mình từ trước.
Để các “tế bào lạ” như sân hận xâm nhập vào tâm thì chúng sẽ gây nên u độc cho
tâm, khó mà chữa trị cho lành.
Tha thứ, nghĩa là bạn độ lượng, khoan
dung với lỗi lầm của người khác. Sau khi bị người khác làm tổn thương, việc cần
thiết là cấp cứu cầm máu, chăm sóc vết thương của chính mình, hơn là cứ để vết
thương đau đớn không hề can thiệp đến, mà cứ dõi theo người đã từng làm mình tổn
thương, xem họ làm gì, sống như thế nào, lại tiếp tục làm tổn thương người khác
nữa ra sao… Đức Phật từng dạy, người bị một người khác dùng cung bắn bị thương.
Việc cần kíp là nhanh chóng rút mũi tên ra khỏi và chữa trị vết thương của
chính mình. Nếu cứ theo tìm hiểu về người bắn cung, về mũi tên mà không lo rút
mũi tên ra và chữa trị vết thương thì đó là người không khôn ngoan (Tiểu kinh
Malunkya, Trung bộ kinh số 63). Giải pháp thứ nhất là cách hành xử của người biết
tha thứ. Sẽ là người thiếu khôn ngoan nếu bạn chọn cách hành xử thứ hai. Hãy dùng
thuốc tha thứ để sát trùng vết thương, để hỗ trợ cho cơ thể tạo kháng thể làm
lành vết thương và có thể tăng khả năng đề kháng đối với những vi khuẩn rập
rình chờ xâm nhập.
Khi chưa hoặc không thể tha thứ, tâm
bạn trĩu nặng như đeo đá! Bạn hận, bạn thù, bạn ghét người đã từng làm mình tổn
thương, cũng có nghĩa bạn cứ phải mang theo bóng hình của người đó trong tâm.
Thương ai thì mang bóng hình người đó trong mọi lúc mọi nơi đã đành, ghét ai
thì cũng è cổ ra mà mang hình bóng người đó cả khi thức lẫn khi ngủ! Cái gì
cũng mang vác như vậy, tâm rất nặng nề. Do đó, rất có thể người gây ra tổn
thương cho bạn khó khó có thể tha thứ được, họ không xứng đáng để được tha thứ,
thì bạn vẫn cứ phải tha thứ cho tâm mình khỏe nhẹ, thanh thản khi đặt gánh nặng
hận thù, giận hờn, trách móc xuống!
Vì lợi ích của bản thân, vì sự công bằng
cho chính mình, đừng để bản thân bạn chịu thiệt thòi một cách vô lý, thì hãy tha
thứ! Tha thứ là món quà bạn tự trao cho bản thân mình và cho người vụng về đã
làm tổn thương bạn. Khi tha thứ, giận hờn, đau đớn… rơi lại sau lưng, bạn sống
trong hiện tại với tâm thảnh thơi, nhẹ nhàng.
Nếu bạn thấy những điều vừa chia sẻ
là đúng và logic, thì mỗi khi bị tổn thương, bạn hãy dùng cách quán chiếu như
trên để soi vào tâm mình, dùng lý trí và chánh niệm tác động vào nhận thức,
thái độ sống để có thể mở rộng lòng ra mà tha thứ. Tâm có khả năng mở rộng và
uyển chuyển để được an toàn và bảo vệ với những tác nhân không tốt bên ngoài, đức
Phật gọi là tâm “nhu nhuyến, dễ sử dụng”. Ai có khả năng làm cho tâm mình thuần
thục như vậy, sẽ làm chủ được tâm và điều khiển theo ý muốn của mình để chế tác
hạnh phúc, an lạc nhiều hơn trong cuộc sống.
Vì sự thanh thản của tâm, hãy tha thứ!
Vì đó là chìa khóa để mở cửa
cho đau khổ ra đi, hãy tha thứ!
Vì đó là nguồn lợi ích và an lạc cho
chính mình, hãy tha thứ!
Vì đó là món quà tặng quý giá cho
mình và cho người, hãy tha thứ!
Vì đó là nơi bạn dừng lại không tạo
thêm oán cừu với người khác, hãy tha thứ!
Vì đó là nơi bạn biết dừng lại để quán
chiếu và sám hối những lỗi lầm xưa, hãy tha thứ!
Vì đó là dịp để bạn lùi lại một tí mà
nhìn dòng nhân quả đang vận hành, hãy tha thứ!
Vì đó là cơ hội để bạn mở rộng lòng
yêu thương, hãy tha thứ!
Vì đó là việc làm được người thiện
lành đã làm và thường tán thán, hãy tha thứ!