Saturday, November 29, 2008

Xin lỗi quê hương! (đọc báo)


Bài này của Thu Nguyệt rất hay, rất 'quê hương', xin về đây cất dành để nhắc nhớ mình trong những lúc 'quên quê hương'.


Hình như lâu rồi, ta sống ngất ngưỡng trong vị thế của một người… tầm cỡ! Ta “yêu tổ quốc yêu đồng bào” rất đường bệ nhiệt tình. Ta vi vu khắp chốn giang hồ, “tứ hải giai huynh đệ”, xem trái đất là ngôi nhà chung, lấy nhân loại làm mục tiêu phục vụ… (!) Và ta… hiên ngang quên mình có một nơi chôn nhau cắt rún, quên mình có một gia đình nhỏ xíu xìu xiu! Do vậy, khi có bạn gọi rủ về xứ mình “du lịch sinh thái”, ta đẩy đưa từ chối: “Thôi, đi chỗ khác mới hơn đi, về quê mình hoài, cũ quá!”. Nói xong bỗng thấy có điều gì không phải. Chạnh lòng. Vậy là leo lên xe bạn, đi “du lịch sinh thái” về quê!

Quê mình đang cuối mùa nước nổi, sát mép con đường nhỏ đi vô Gáo Giồng một bên là ruộng một bên là sông, bên nào nước cũng mênh mông bát ngát! Những vạt rau tràng nhảy bông trên mặt nước trắng tít tắp. Những mảnh ruộng này khi nước chuẩn bị rút, phải trẩy hết rau tràng, dọn đất để sạ lúa. Lá xanh bông trắng ấy rồi sẽ lùa chất thành ụ như đống rơm. Hạt vùi trong đất chờ đến mùa nước nổi năm sau lại thủng thẳng vạch đất, nương sóng ngoi lên, xoè lá trổ bông lắc lư trên mặt nước. Chơn chất lặng thầm chờ đợi, mỗi năm đều vậy, rau tràng đâu biết ngán, đâu có nhàm chán, quên nhớ như mình.

Con đường nhỏ cố gắng rộng hết mức mà nó có thể. Nhìn con đường mà liên tưởng đến bàn tay của má Bảy má Năm, vét từ cái túi áo bà ba sờn mỏng bạc phếch mấy đồng tiền ky cỏm cho con quảy túi ra tỉnh học. Nông thôn nghèo, làm một con đường cho xe bốn bánh chạy qua được, tính cũng mỏi tay. Ta đã từng vi vu qua những con đường cỏ cây lạ lẫm, thích thú xuýt xoa khen con đường xứ người ta, còn con đường thân quen xanh phủ bóng tràm này, đẹp ngoại hạng luôn vậy mà ta quên trớt! Thật ấm ức cho quê hương!

Đứng trên trạm quan sát, nhìn xuống cả một vùng rừng tràm xanh mát bao la, trên đọt đậu đầy những đàn chim cò ríu rít, thấy quê mình sao mà thương! Quê mình, nơi mà những con hạc quý hiếm đẹp lộng lẫy kiêu sa, từ ngàn vạn dặm xa xôi cũng ráng bay về đây nhảy múa, vậy mà mình thì bay đi rồi còn biếng lười về xứ! Chợt nhớ mấy câu thơ trong bài Tự nguyện của nhà thơ xứ Bắc xa lắc Bế Kiến Quốc: Mối tình thứ nhất cùng Nam bộ/ Yêu hết mình luôn, sống hết mình/ Bông sen đang hẹn mùa sen nở/ Ôi xứ quê này… Xứ của anh!...


Mắc cỡ chưa! Xứ của mình mà người ta yêu đến mức coi như xứ của người ta, còn mình? Ờ… chắc là mình mắc đi yêu xứ của người… xứ khác! Đời ngộ thiệt!


Bước chân xuống xuồng, may mà dẫu giày dép xênh xang, bước chân ta vẫn chưa quên nếp cũ, chân vẫn vững vàng trong sóng nước lắc lư. Lại nhớ có lần đi chơi ở công viên, ta dễ dàng chơi những trò đi trên dây như làm xiếc. Bạn bè trầm trồ thán phục, ta hãnh diện cười: “Ăn nhằm gì, hồi nhỏ tớ đội lúa qua cầu khỉ, trời tối mưa dầm, chân dính sình trơn, vậy mà chưa bao giờ để rớt xuống sông một hột lúa!”. Ừ, có lẽ nhờ đó, mà bước chân ta giờ bám đường đời cũng đỡ chông chênh. Vậy mà đôi lúc ta quên…


Nhìn mấy em thôn nữ áo bà ba nón lá, bơi xuồng đưa đón khách tham quan. Cái quai nón của em lụa là, rộng gấp chục lần cái quai nón cứng đơ bằng vỏ cây bố của ta xưa. Chụp hình, muốn thấy mặt, phải bảo em kéo cái quai nón ấy ra. Chụp xong, ta dịu dàng nhắc em kéo quai nón lại. Kệ người đời thiếu cảm thông, em cứ sắm cái quai nón cho thiệt rộng, tự che lấy má hồng. Người thích nhìn đôi má đẹp, nhưng thiên hạ chẳng bận tâm đôi má ấy cần phải được giữ gìn. Đời thiếu bao dung thì ta tự bao dung lấy. Cũng như quê, cứ đẹp bền bỉ lặng thầm dù kẻ xa quê có nhớ hay không.


Khoả tay trong nước, dòng nước này sẽ chẳng bao giờ ta có thể khoả tay trong nó lần thứ hai. Nó sẽ trôi về đâu? Sẽ ngấm trong đất nào? Sẽ vào cây cỏ nào hay mặn xanh trong biển lớn? Ta không thể biết. Cũng như, ta không thể biết mình sẽ thế nào trong những lần trở lại quê sau. Ờ mà băn khoăn dòng nước kia sẽ về đâu làm gì, về đâu thì dòng nước ấy cũng đã góp mặt cho đời. Cũng như ta, dẫu có vi vút nơi nào, vẫn mãi là đứa con của đất quê Đồng Tháp. Điều đó, dẫu ta có cố tình nhớ hay quên, vẫn không hề thay đổi.


Quê vẫn đó, bao dung như đất. Ta phiêu bạt khắp trời, lâu lâu lại chạy về, sà vào lòng cỏ cây sông nước và thủ thỉ nói lời xin lỗi quê hương. Cây cỏ mãi hiền hoà, sông nước luôn rộng mở. Xin lỗi là để tự nhắc mình. Chỉ vậy.


Chỉ vậy thôi.


Thu Nguyệt