Friday, November 28, 2008

Dịch/phiên âm danh từ riêng

Đọc tin, thấy Tổng thống Ấn Độ hiện đang ở Hà Nội và sáng nay (28/11/2008), Bà đến lễ Phật tại chùa Trấn Quốc. Phóng viên (phattuvietnam.net) đưa tin gọi tên Bà tổng thống Pratibha Devisingh Patil là Pra-típ-ha Đê-vi-xinh Pa-tin.

Tôi hết hiểu luôn! May mà biết tên Bà, nếu không thì có nước mà…bí!

Đến nay, tôi thấy cách dịch và phiên âm danh từ riêng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt gây thêm rắc rối, hiểu lầm hoặc thật khó hiểu. Việc phiên âm như thế không biết có một luật lệ chung nào không, tôi chưa được biết và chưa được học. Tôi thấy trong vài cuốn sách tâm lý trong nước (sách dịch cũng như sách viết), tác/dịch giả gọi Pavlov là ‘Páp Lốp’, Piaget là ‘Piagiê’ hoặc ‘Pi-a-Giê’, Vygotsky là ‘Vưgotxki’ hoặc Vư-gốt-xki’… thật rối rắm và nhức đầu.

Tôi nhớ lúc trước, các địa danh trên bản đồ thế giới cũng được phiên âm tương tự (không biết bây giờ có còn phiên âm như vậy nữa không), nên rất khó cho người học. Đây chỉ là một vài ví dụ về cách phiên âm nước ngoài.

Một rắc rối nữa đối với các danh từ riêng của một số nước có dùng chữ Hán. Với tiếng Trung Quốc, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, không có vấn đề gì khi dùng âm Hán-Việt để gọi tên địa danh. Khi nói Guangdong, tiếng Việt gọi là ‘Quảng Đông’, Guangzhou là ‘Quảng Châu và Shichuan là ‘Tứ Xuyên’ thì ai cũng hiểu. Có lẽ sự giao thoa và tiếp biến văn hóa đã không làm cản trở trong cách dùng âm Hán-Việt như thế.

Thế nhưng, với tiếng Nhật, thì vấn đề lại khác. Người Nhật dùng tiếng Hán, nhưng không phải chữ Hán nào trong tiếng Nhật cũng có nghĩa như tiếng Hoa mà người Nhật cũng không đọc theo kiểu phiên âm như người Việt đọc tiếng Hán. Có khi cùng một chữ Hán, người Nhật đọc nhiều âm khác nhau. Trong khi chữ Hán là đơn âm, tiếng Nhật không nhất thiết như vậy. Một chữ Hán tất nhiên là đơn âm theo tiếng Hoa hoặc tiếng Việt (đọc theo âm Hán-Việt), nhưng có thể đa âm tiết trong tiếng Nhật. Đặc biệt, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, nếu dùng âm Hán-Việt để phiên âm danh từ riêng tiếng Nhật thì thật là... không giống ai cả. Thật ra, chỉ có một số từ rất ít, khi phiên âm, vẫn có thế hiểu được như Kinh Đô, Đông Kinh, còn hầu hết các danh từ riêng khác, phiên âm trở nên quá xa lạ với hầu hết chúng ta.

Tôi đơn cử vài trường hợp sau đây để thấy khi gọi tên địa danh ở Nhật, dùng phiên âm Hán-Việt thật tức cười và khó hiểu. Hai thành phố Hiroshima và Nagasaki là hai thành phố đi vào lịch sử với trận ném bom nguyên tử trong thế chiến thứ hai. Hầu như trong chúng ta, không ai không biết sự kiện này cùng tên hai thành phố nói trên. Nếu gọi Hiroshima là ‘Quảng Đảo’, còn Nagasaki là ‘Trường Khi’ thì chẳng ai hiểu gì cả. Gọi Kyoto vẫn quen tai hơn là ‘Kinh Đô’ và nhiều người biết đến Tokyo hơn là ‘Đông Kinh’. Nói Osaka, ai cũng biết, còn gọi theo âm Hán-Việt là ‘Đại Phản’ thì chịu thua. Nói Kobe thì ai mà không hiểu, còn nói ‘Thần Hộ’ thì đố mấy ai biết. Nói phi trường/sân bay quốc tế Narita thì ai cũng hiểu là một trong hai sân bay quốc tế ở Nhật, chứ nói ‘sân bay quốc tế Thành Điền’ thì không thể hiểu được…

Có lẽ cần có một luật nào đó để dịch/phiên âm tiếng nước ngoài, nhưng theo thiển ý của tôi, giữ nguyên danh từ riêng là tốt nhất.