Tôi chỉ viết vào nhật ký ảo này mỗi khi có cảm xúc và thời gian và coi đây là một hình thức giải trí của mình. Tất cả những con chữ ở đây đều do ngẫu hứng: thích lúc nào viết lúc ấy; muốn viết gì/dịch gì, thì cứ gõ phím. Có khi cả 2 tuần tôi không viết chữ nào ở đây cả. Thế nhưng, dạo gần đây, tôi muốn ít nhất, mỗi tuần post lên đây vài chữ. Từ đó, tôi thêm mục “mỗi tuần một từ” trong blog của mình. Lẽ ra là “đầu tuần một từ” nhưng tôi không có thời gian nhiều cho blog, e không viết được chữ nào trong ngày đầu tuần cả, nên đổi là “mỗi tuần” cho phù hợp hơn. Mặc dù vậy, trong điều kiện có thể, tôi vẫn muốn viết vài chữ trong mục này vào ngày thứ hai, ngày đầu tuần và suốt tuần ấy, tôi dành nhiều thời gian chiêm nghiệm về khái niệm này kỹ hơn suốt những ngày còn lại trong tuần theo cách này hay cách khác theo kiểu của tôi. Từ đó, tôi thấy có nhiều điều hay hay trong cuộc sống.
Hôm nay, viết cho tuần này, tôi viết về chữ… ‘khóc’. Khi còn khỏ, tôi hiểu khái niệm ‘khóc’ là hành động kêu gào và chảy nước mắt. Tiếng khóc là âm thanh đầu đời của đứa trẻ mới lọt lòng khi tiếp xúc trực tiếp lần đầu tiên với môi trường sống (nếu chưa kịp sử dụng vì còn 'loay hoay' với môi trường sống mới lạ, các cô nữ hộ sinh sẽ có cách giúp các bé sơ sinh í...). Rồi từ đó đến khi biết nói, ngay cả khi đã biết nói nhưng chưa đủ từ vựng để diễn tả ý tưởng, trẻ em khóc là một loại ngôn ngữ. Là con người, khả năng giao tiếp và nhu cầu giao tiếp hình thành từ trong bụng mẹ và ngôn ngữ - hiểu theo nghĩa phương tiện truyền thông – là không thể thiếu. Như vậy, với trẻ, khóc là bản năng, khả năng và khóc là một nhu cầu. Khi chưa biết nói, mỗi khi cần đáp ứng nhu cầu gì, trẻ đều thể hiện bằng tiếng khóc. Từ những tháng đầu đời, chỉ có người mẹ mới có thể hiểu nhiều nhất loại ngôn ngữ này. Đói sữa: khóc; buồn ngủ: khóc; khó chịu trong người: khóc; vắng mẹ: khóc; thấy người lạ: khóc…vô vàn cung bậc và âm lượng khác nhau của tiếng khóc như là phản ứng tâm lý của trẻ với môi trường bên ngoài.
Hồi nhỏ, tiếng khóc sao mà ngây thơ đến thế; tiếng gào la cũng trong veo trong một thế giới phẳng lì: cái gì bất như ý là thể hiện ngay lập tức bằng tiếng khóc và được đệm bằng gào la. Không giấu giếm che chắn, không diễn tuồng ‘làm ra vẻ’ gì cả, cứ thế, trẻ con cứ ‘thẳng ruột ngựa’ bộc bạch cảm xúc của mình. Sau đó, dù nhu cầu mình được đáp ứng hay không, khóc thoải mái, khóc đến khi không muốn khóc nữa sẽ tự nín và chạy đi chơi tiếp! Khóc ở trẻ thơ đơn giản vậy đó. Đó chỉ là những dịp để…rửa mắt cho thông tuyến lệ.
Lớn lên một tí, tôi hiểu thêm ‘khóc’ không chỉ biếu hiện bằng hành động cụ thể là kêu gào và chảy nước mắt mà khóc được thể hiện tinh tế hơn và lắm khi không có hành động kêu gào, lại càng không ‘thấy’ nước mắt chảy. Người lớn khóc trong hoàn cảnh tâm trạng khác nhau với những thăng trầm cuộc sống. Họ khóc theo kiểu của người lớn, khó hiểu lắm lắm. Buồn khóc là lẽ dĩ nhiên rồi; vui cũng khóc. Các cung bậc và cách biểu hiện của hành động khóc ở nhiều người và ngay cả một người trong nhiều tình huống khác nhau cũng muôn vàn sai biệt. Họ có thể khóc lớn, khóc thầm, khóc chảy nước mắt hay khóc không thể chảy nước mắt, rồi ngay cả hiện tượng nước mắt chảy ngược vào trong…
Thường thì ở người lớn, khi nào cảm xúc dâng tràn và không thể giữ được tư thái tự nhiên, họ khóc. Người hay giải tỏa tâm lý bức xúc bằng tiếng khóc tin rằng tiếng khóc giúp họ lấy lại trạng thái tâm lý cân bằng hơn, ví dụ phóng thích năng lượng phấn khích khi quá vui, giải tỏa tâm lý nặng nề, ưu tư khi buồn đau và coi đó như một phương pháp chuyển hóa tâm lý tiêu cực. Khi quá đau buồn mà không muốn người khác biết, họ khóc thầm cho nước mắt chảy vào trong. Khi muốn người khác biết họ khóc tuy cảm xúc chưa đủ để dâng trào đến mức tuôn lệ thì họ ráng…khóc và gào la với âm lượng lớn. Có khi gào la nhiều mà không thấy nước mắt dù tuyến lệ không bị nghẽn hoặc những giọt nước mắt giả tạo như diễn viên sân khấu thì đó là ‘nước mắt cá sấu’. Thế đấy, cái khóc của người lớn trong ‘thế giới người lớn’ không ngây thơ như ở trẻ mà phức tạp vô cùng. Người lớn ý thức rất rõ vị trí của mình trong cộng đồng, trong các mối quan hệ và những chuẩn mực trong cuộc sống để rồi tùy theo đó là thể hiện mình sao cho được người khác chấp nhận. Do vậy, người lớn rất khéo ‘biểu diễn’ mình, ngay cả khi khóc.
Như vậy, người lớn khóc không phải thuần túy là để biểu lộ cảm xúc hay phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với các tác động bên ngoài mà họ phải dùng một năng lượng để kềm chế trong lúc này nhưng lại khuyếch đại vào lúc khác. Họ biết khoan, biết nhặt, biết trầm, biết bổng để lưu lại hình ảnh đẹp nhất có thể trong mắt mọi người. Chỉ khi nào họ ở một mình, người lớn mới dám sống thật với chính mình và biểu lộ cảm xúc không qua màn lọc nào. Nếu chịu khó quan sát người lớn khóc, chúng ta sẽ thấy nhiều điều… rất ngộ và hiểu thêm cuộc sống này!