Monday, November 3, 2008

Giả dối

Như entry trước tôi đã đề cập, thiếu chân thật là một biểu hiện tâm lý xuất hiện ở mọi con người bình thường, kể cả những người được cho là ‘chân thật’. Cái gọi là ‘chân thật’ ở đời chỉ mang tính tương đối mà thôi. Thiếu chân thật có thể được hiểu qua nhiều khía cạnh, trong nhiều tình huống khác nhau trong các mối quan hệ phức tạp của cuộc sống mà hơn ai hết, mỗi người tự biết mình chân thật với bản thân mình và người đến mức độ nào. Không ai hiểu động cơ trong mỗi hành động của mình bằng chính bản thân mình cả. Ai cũng có thể hiểu lầm mình, chỉ có mình không lầm mình, trừ phi cố tình tự đánh lừa mà thôi.


Ai cũng không muốn lưu ảnh lại trong mắt người khác một hình ảnh xấu cả, thậm chí không ít người không hài lòng với hình ảnh thực của chính mình, ngược lại, họ muốn người khác đánh giá họ tốt hơn những gì họ đang có. Một bức vẽ chân dung được cho là đẹp khi hình bức ảnh trông trẻ hơn người thường chứ không phải giống người thường! Thật ngộ nghĩnh! Một cô gái có sắc đẹp bình thường vẫn thích nghe khen là “cô đẹp lắm” hơn là nghe sự thật, sắc đẹp của cô chỉ vào khoảng ‘thường thường bậc trung’ thôi. Một người mặc chiếc áo mới, chẳng ra làm sao cả, tây không ra tây, tàu cũng chẳng phải tàu, hỏi bạn bè “thấy chiếc áo thế nào?”, vẫn thích nghe trả lời “ồ, đẹp lắm!” Nhiều người thích được khen là trẻ hơn tuổi, thậm chí có người vui đến mấy ngày khi nghe một người lâu ngày gặp lại khen “trông chị trẻ hơn hai năm trước.” Trời đất ạ, trái với quy luật thế mà cũng tin và vui với lời nói láo đến ngô nghê như vậy. Chính vì cái tâm lý thích khen ghét chê này mà con người trong giao tiếp, cố làm vừa lòng nhau, cố đánh mất mình để được nhiều người chấp nhận và được khen là rộng rãi, hào hoa, sống tâm lý, sống khéo, cư xử hay và lịch thiệp. Chính bản thân họ cũng quên bén rằng càng láo phét, càng được khen! Và cứ thế, nói láo trở thành phương châm sống để tự ngã được bao bọc trong nhung lụa của tâng bốc, khen hão, chấp nhận nhau trên nguyên tắc “bằng mặt không bằng lòng.”

Dường như trong cuộc sống tương đối, con người có xu hướng chấp nhận và khuyến khích nhau nói dối theo kiểu ‘không hại ai’ theo kiểu ‘white lie’. Người ta cứ nghĩ đơn giản, không đáng khen cũng khen một tiếng cho người ta vui, thì cả làng đều vui, có chết…con muỗi nào đâu! Thế nhưng, nghiêm túc mà nhìn nhận vấn đề, nói dối, không thể nào không có tác hại được. Đã là ‘dối’ thì chỉ có ‘dark’ chứ làm gì có ‘white’? Về người nhận lời khen hão, người ấy sẽ không biết đâu là sự thật trong khi, sự thật là cái mà người chân chánh nào cũng đi tìm và muốn biết. Về phía người khen, nói khác sự thật chỉ để làm vừa lòng người khác chẳng có ích gì cả mà còn có tác hại là tập cho mình một thói quen nói láo. Khi đã hình thành thói quen này rồi, người ấy sẽ sẵn sàng nói láo không ngượng miệng trong nhiều trường hợp khác, lắm khi phương hại khôn lường đến người, nhất là việc nói láo đó đem chút ít lợi trước mắt cho bản thân họ. Biết mà nói láo, theo Đức Phật, là con người khủng khiếp, không có tội ác nào trên thế gian này họ không dám ra tay. Đó là chưa kể ngay sau khi mở lời khen hão người kia mặc cái áo đẹp, trong bụng họ, rất có thể, lại khởi lên một ý niệm ngược lại “xấu hoắc mà cũng hỏi.” Đó là chưa tính đến đi ‘buôn dưa lê’ bàn tán ra vào với người khác. Từ chỗ nói không đúng sự thật ấy mà dễ dàng tạo thêm bao nghiệp xấu ác mà không hề hay biết.

Chính vì sống trong cái tương đối của xã hội, các hiện tượng ‘bằng mặt không bằng lòng’ và ‘khen trước mặt chê sau lưng’ mà chúng ta cần phải biết mình hơn. Phải đủ tỉnh táo và khôn ngoan để thu nhận và xử lý thông tin với những lời có cánh và cả với những lời ‘trụi cánh’ nếu chẳng may mình làm tổn thương đến cảm xúc người ta! Mình hiểu biết mình hơn ai hết nếu mình không tự đánh lừa cảm xúc. Nếu người đối diện không thích nghe sự thật, nếu có thể, chúng ta nên tìm cách trả lời khác hơn là khen hão lấy lòng. Ví dụ, để trả lời câu “thấy em mặc chiếc áo này đẹp không?” nếu không thấy đẹp, mình có thể trả lời “khái niệm đẹp xấu tùy vào từng người mà, thích thì tự tin mà mặc vậy” sẽ không góp phần tạo nghiệp cho mình. Có thể người nghe không được vui bằng nghe một lời khen, nhưng những ai khôn ngoan và sáng suốt đều hiểu rằng, lời có cánh thì trước sau gì cũng trụi cánh mà thôi và chân thật sẽ có giá trị 'bất hư' vậy!