Friday, November 14, 2008

Khi không làm chủ được mình

Khi không làm chủ được mình, người ta sống theo phản ứng bản năng hơn là sự điều khiển của ý thức qua việc quản lý tâm ý và hành vi. Thường thì khi ấy, mình dễ vi phạm những quy tắc mà bình thường, mình lập ra và nghiêm túc thực hiện. Luật lệ, xét cho cùng, là phạm vi mình tự xác định để mình thể hiện đầy đủ nhân vị làm ‘người’; vượt qua ngưỡng ấy, mình tự chuốc họa vào thân. Ví như người đi đường, một khi không làm chủ được mình, thay vì đi bên trái cho đúng luật khi tham gia giao thông bằng mọi phương tiện đường bộ, họ chạy qua bên phải và thế là họ va quẹt vào người đi ngược chiều và gây tai nạn, rước tai họa khổ đau cho mình và cho người.


Khi không làm chủ được mình, người ta đang quờ quạng trong tối tăm và như thế, đem cả thân và tâm giao cho bản năng sai khiến rồi hành động, nói năng thiếu sự kiểm soát của ý thức và khi tỉnh táo trở lại thì mọi chuyện e đã quá muộn màng.

Khi không làm chủ được mình cũng là lúc mình không còn là mình nữa và tội nghiệp cho cái ‘tôi’ này lắm vì chính nó cũng không còn nhận ra mặt mũi lem luốc của mình nữa! Zô! Zô! Zô! cứ thế mà lao tới. Như chiếc xe đang lao đến bờ vực thẳm mà không lường nổi bao hiểm nguy đang chực chờ phía trước.

Khi không làm chủ được mình, mình bị cảm xúc vốn không có mắt dẫn dắt đi đâu tùy tập quán nghiệp mà lý trí đã bị bịt mắt bằng dải băng đen sì, đành bất lực đâm đầu vào bụi rậm đầy gai nhọn thay vì đi trên con đường thênh thang rộng lớn nằm kề một bên. Đến khi gai đâm tứ bề mới biết là đau!

Khi không làm chủ được mình, con người trở nên cô đơn, trống vắng và thường có xu hướng tìm nguồn vui từ các cuộc chơi tầm thường hay các thú vui vô bổ bên ngoài và chỉ khi nào ‘ông chủ’ trở về với thân, ta mới thấy mình ngu ơi là ngu, ngu đến độ không thể nào ngu hơn được nữa!

Khi không làm chủ được mình, con người ta trở nên liều lĩnh và bất cần, ngạo đời và khinh bạc tất cả. Họ có những biểu hiện như ta đây là người hùng và mạnh mẽ, nhưng họ nào biết, hơn bao giờ hết, họ yếu đuối vô cùng và dễ dàng sa ngã nếu chẳng may rơi vào những cám dỗ mà bình thường, không cần cố gắng họ cũng có thể vượt qua dễ dàng.

Khi không làm chủ được mình, con người ta trở nên thiếu bao dung hơn, ngay cả với chính bản thân mình, thậm chí có khi độc ác vì họ nghĩ, "đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng", họ không nhận được lòng bao dung từ cuộc đời và con người. Họ tự hủy hoại mình bằng cách này hay cách khác và làm tổn thương những người thân. Trong hoảng loạn, họ mất niềm tin vào bản thân, con người và cuộc sống. Tương lai với họ không ý nghĩa gì, chỉ là một bầu trời xám xịt và họ thấy cuộc đời đối với họ quá bất công và tàn nhẫn. Những lúc như thế, con người không bao giờ tin và nghĩ rằng, cánh cửa này khép lại, nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra và cuộc sống vẫn độ lượng với những người có ý chí và nghị lực.

Khi không làm chủ được mình, con người ta mất thăng bằng. Dù hai chân bước đi trên đất, tâm vẫn cứ chao đảo, bất an và căng thẳng. Trí thông minh và sự giỏi giang thường ngày không giúp được gì cả. Lầm lũi, cô đơn, hoang mang và mỏi mệt, con người sống trong bế tắc và khổ đau.

Khi không làm chủ được mình, con người ta chẳng bao giờ nhận ra rằng, dù chuyện gì xảy ra và tác động đến mình như thế nào, cảm xúc (phản ứng của tâm đối với các tác động) dù có cường độ mạnh mẽ đến đâu, đó cũng chỉ là cảm xúc nhất thời. Trong dao động, ta không đủ tỉnh táo để hiểu rằng, cần bình tâm mới tìm được giải pháp tối ưu trong những lúc ngặt nghèo nhất. Nói gì thì nói, một khi đã rơi vào ‘vùng mù’ thì đành buông xuôi cho nghiệp lực! Ngay cả tiếng ‘kêu cứu’ cũng không làm được. Khi ấy, con người ta đang 'sốt cao', mê, mơ và mờ.

Khi không làm chủ được mình,...