Tuesday, November 11, 2008

Án tử hình

Tác giả: H.T. Nhất Hạnh
Dịch tiếng Việt: Hằng Như
Hỏi: Thưa Thầy, Thầy nghĩ sao về án tử hình? Giả sử có một người giết mười (10) đứa trẻ. Tại sao có thể tha mạng cho người ấy được chứ?

Trả lời: Mười (10) sinh mạng mất rồi, bây giờ bạn muốn mất thêm một mạng người nữa, thế là bạn muốn mười một (11) người chết. Một người đã giết mười đứa trẻ là một người bệnh hoạn. Tất nhiên chúng ta cần nhốt anh ta lại để những người khác không bị anh ta giết hại nữa, nhưng đó là một người bệnh, vậy chúng ta nên tìm cách giúp anh ta. Giết anh ta đi sẽ không giúp được gì cho bản thân người ấy, mà chúng ta cũng chẳng lợi ích gì. Dù anh ta có chết đi, còn có nhiều người như anh ta trong xã hội. Khi nhìn kỹ người ấy, chúng ta sẽ thấy có điều gì đó chưa ổn trong xã hội mình đang sống. Xã hội chúng ta đã tạo ra những con người như vậy. Thế rồi nhìn sâu và kỹ vào anh ta, với cái nhìn tương duyên, chúng ta thấy những yếu tố khác nơi con người ấy. Đó là làm thế nào để hiểu biết đúng đắn về con người mình và bạn thấy rằng mình cần làm điều gì đó để giúp anh ta mà không phải là trừng phạt. Tất nhiên là bạn cần nhốt anh ta ở một nơi nào đó vì sự an toàn của những đứa trẻ khác, nhưng nhốt anh ta không phải là việc duy nhất bạn có thể làm. Trừng phạt cũng không phải là cách duy nhất, chúng ta có thể làm nhiều điều tốt đẹp hơn để giúp anh ta.

Gần đây nhiều sách Phật giáo về thực hành thiền định, những tạp chí Phật giáo và cả các bài pháp thoại đã được đưa vào nhà tù, và nhiều người âm thầm theo đó mà thực tập. Những người này cảm thấy nhẹ nhàng hơn và họ sống thanh thản hơn trong nhà tù. Bản thân tôi nhận được rất nhiều thư của tù nhân và nhiều người trong số họ là tù nhân ở Bắc Mỹ đã từng đọc sách tôi viết. Có một anh tù nhân viết rằng “Thưa thầy, khi con đứng trên cầu thang và nhìn xuống, con thấy các bạn tù chạy xuống chạy lên và con có thể nhìn thấy những nỗi khổ niềm đau của họ. Con mong mỏi họ có thể thực hành như con đang thực hành, đi lên xuống cầu thang trong chánh niệm, theo từng hơi thở. Khi con thực tập như vậy, con cảm nhận được sự bình an trong con và con có thể thấy rất rõ những khổ đau trong những người bạn tù.” Người ấy đã có thể chế tác được và nuôi lớn tâm từ bi ở bên trong. Bạn biết đó, một khi chúng ta có lòng từ bi trong tâm, chúng ta không phải chịu nhiều khổ đau. Khi nào tâm từ bi còn trong tâm mình, chúng ta không thể nào là người phải chịu đựng nhiều khổ đau nhất.

Có một người tù khác nhận được bản sao cuốn “Sống an lạc” (Being Peace), sau đó, anh ta nhận được bản gốc cuốn sách này, thế là anh ta có hai cuốn. Anh ta đã bỏ hút thuốc, mặc dù còn giữ một ít thuốc lá. Một hôm, người bạn tù ở phòng giam bên cạnh đập tường ầm ầm xin thuốc. Mặc dù không còn hút thuốc nữa, anh muốn biếu số thuốc còn giữ cho người bạn tù. Anh xé trang đầu tiên cuốn sách “Sống an lạc”, để một ít thuốc vào mặt kia rồi gói lại, lén gởi cho bạn tù với hy vọng người kia sẽ sống an lạc. Bản thân anh ta thích sự an lạc và anh bắt đầu thực tập thiền trong phòng giam. Mỗi lần, anh chỉ gói một ít thuốc thôi và lần lượt sử dụng trang số 2, trang số 3. Anh ta ở trong khu tử tội. Cuối cùng, bằng cách này, anh đã chuyển toàn bộ số trang sách bản sao đến người bạn tù ấy. Một điều thật kỳ diệu, người bạn tù kia cũng bắt đầu thực tập trong phòng giam và trở nên trầm tĩnh. Trước kia, người bạn tù này thường đập phá, la hét và chửi rủa. Thế nhưng cuối cùng anh ta dịu xuống, điềm tĩnh và sau đó, người này được trả tự do. Để cám ơn người bạn tù của mình, anh ta đi ngang qua trước phòng giam, hai người nhìn nhau và cùng nhau đọc một câu trong cuốn sách đó và cả hai đều cảm nhận điều này từ trong tâm. Người tù ở trong khu tử tội ấy đã viết một cuốn sách về việc hành trì của anh ta trong phòng giam và cuốn sách ấy được một nhà xuất bản bên ngoài phát hành.

Như vậy, rõ ràng là hình phạt không phải là điều duy nhất chúng ta có thể làm. Còn rất nhiều điều khác chúng ta có khả năng làm để giúp người khác. Chuyển hóa và xoa dịu khổ đau có thể thực hiện được trong những tình huống khó khăn như thế này. Một người tù nữa viết thư cho tôi nói “thưa Thầy, con lấy làm ngạc nhiên khi ở trong nhà tù mà con vẫn còn nhân tính và điều này giúp con không trở thành một người điên. Có được điều này là nhờ con thực tập. Một điều hy vọng duy nhất của con là đến ngày con được trả tự do, người nào gặp con, nhìn mặt con đều thốt lên rằng “sống trong nhà tù cam khổ như thế, không tưởng tượng nổi bằng cách nào anh được như thế này” thì thật là một điều kỳ diệu và đây chính là phần thưởng lớn nhất mà con nhận được.” Anh ta kể rằng anh không tưởng tượng nổi điều kiện sống trong nhà tù thế nào, anh ta chịu đựng khổ đau ra sao. Thế nhưng anh ta cố gắng xoay xở để có thể sống được và giữ được nhân tính của mình mặc dù có nhiều thử thách khó khăn.

Ở ngoài chúng ta chịu đựng khổ đau ít hơn và nếu có một chút thời gian, tất nhiên chúng ta có thể làm điều gì đó để giúp người ở trong tù. Do đó, nếu giết chết người kia, chứng tỏ sự yếu kém của chúng ta. Chúng ta đầu hàng. Chúng ta không biết mình cần làm gì nữa, thế là chúng ta chịu thua. Đây là tiếng than khóc trong thất vọng khi chúng ta phải giết họ. Tôi hy vọng rằng, chúng ta có thể thực tập cách nhìn sâu để tìm ra nhiều cách khác tốt hơn là phải duy trì án tử hình. Câu trả lời của tôi cho vấn đề này là không chỉ chúng ta có thể giải hòa giữa công lý và lòng từ bi mà chúng ta còn có thể chứng minh rằng công lý thật sự phải chứa đựng lòng từ bi và sự hiểu biết.

http://www.katinkahesselink.net/tibet/thich-capital-punish.html