Saturday, November 8, 2008

Jarvis - quy y và trở thành Phật tử trong tù


Hằng Như dịch từ trang:

Jarvis Jay Masters, một người da đen, sinh năm 1962 tại Long Beach, California, trong gia đình có 7 anh chị em. Bà Cynthia, mẹ của Jarvis là người nghiện ma túy nên cả bảy người con của bà bị phân chia để sống trong các nhà tình thương của chương trình an sinh xã hội chính phủ. Cha của Jarvis bỏ nhà đi khi Jarvis mới vừa lên 5 và sau đó cũng thành người nghiện. Từ bé, khi chưa đầy 5 tuổi, Jarvis chứng kiến những bạo hành và lộn xộn mà sau này, Jarvis viết trong các tác phẩm của mình như "Tôi và các chị em" (Me and My Sisters) và "Các vết sẹo" (Scars) trong tập "Tìm tự do: viết trong khu tử tội" (Finding Freedom: Writings from Death Row.) Từ đó, Jarvis, ngoài thời gian ngắn sống với người cô, đã phải sống từ nhà tình thương này sang nhà tình thương khác, xa cách anh chị em. Nhiều năm, Jarvis sống với vợ chồng một gia đình nọ mà cậu bé rất yêu thương. Thế nhưng, khi hai vợ chồng này già quá, cậu lại phải ra đi, lúc ấy mới 9 tuổi. Thế là Jarvis tiếp tục cuộc sống ở các nhà tình thương.


Hoàn cảnh đầy bất hạnh bi đát của gia đình và những cám dỗ tiêu cực ngoài xã hội đã đẩy Jarvis, dù chỉ mới 12 tuổi, đã nhiều lần vào tù ra khám. Khi đến tuổi 17, Jarvis là một thanh niên hung tợn, dữ dằn. Dù chưa tự tay giết chết ai nhưng Jarvis đã từng nhiều lần dùng súng để uy hiếp và đánh cướp các nhà hàng và cửa tiệm. Năm 1981, Jarvis, lúc bấy giờ 19 tuổi, lại vào nhà tù San Quentin ở California, sau khi bị kết án trộm cướp có vũ khí. Trong nhà tù anh lại tiếp tục gây án.

Năm 1985, Trung sĩ quản lý trại tù Hal Dean Burchfield bị đâm chết trên tầng hai của nhà tù San Quentin. Ba tù nhân bị bắt và bị xử về tội giết người. Andre Johnson bị xử về tội trực tiếp giết người, Lawrence Woodard bị xử về tội ra lệnh giết và Javis Masters bị kết án với tội danh là cung cấp vũ khí, đó là thanh sắt đã mài nhọn được dùng để đâm Trung Sĩ Hal Dean Burchfield. Trong thời gian án mạng xảy ra, Jarvis đang bị giam trên tầng thứ tư của nhà giam. Cả ba tù nhân đều có thể bị kết án tử hình. Kết quả vụ án, Lawrence Woodard và Andre Johnson bị kết án chung thân không được giảm án nhưng Jarvis, dù không có mặt, lại bị kết án tử hình vì một quá khứ đầy những tiền án tiền sự của anh từ những ngày còn bé cho đến năm 19 tuổi.

Jarvis Master bị chuyển sang khu dành cho tù nhân chờ thọ án tử hình từ 1990. Từ đó, các luật sư của anh đã tiến hành thủ tục kháng án. Tháng 2 năm 2007, Pháp Viện tối cao California chấp nhận xét đơn thỉnh nguyện của nhóm luật sư biện hộ cho Jarvis. Ngày 11 tháng tư năm 2008 mới đây, Pháp Viện tối cao California đã ra lệnh tiến hành thủ tục điều trần về bằng chứng của vụ án Trung Sĩ Burchfield. Những người ủng hộ Jarvis tin rằng anh ta sau 17 năm trong khu tử tội, cuối cùng sẽ được trắng án hay ít nhất giảm án, tuy nhiên quyết định vẫn thuộc về pháp viện tối cao, và cho đến nay các buổi điều trần vẫn chưa đem lại kết quả chính thức nào.

Trong tù, Jarvis tìm hiểu về tôn giáo và cảm thấy đạo Phật đã đem lại cho anh sự an lạc mà từ lúc sinh ra đến giờ anh chưa từng có được. Năm 1989, Jarvis phát nguyện trở thành một Phật tử theo truyền thống Tây Tạng khi có duyên gặp Lama Chagdud Tulku ngay tại nhà tù. Lama Chagdud Tulku là một đại sư Tây Tạng nổi tiếng tại Tây Phương, được công nhận là vị lama tái sanh lần thứ 14 của Lama Chagdud. Lama Chagdud Tulku hoằng pháp khắp các nước Tây phương, từ châu Âu sang châu Mỹ cho đến khi ngài viên tịch vào năm 2002.

Cùng với việc trở thành Phật Tử, Jarvis cũng trở thành một nhà văn và anh viết về những biến cố trong cuộc đời mình. Trong lúc xã hội dạy anh “trộm cướp có vũ khí ”, “tham gia băng đảng”, tinh thần Phật giáo đã khơi dậy trong anh tấm lòng bao dung, thương xót, tình yêu trong con người vốn thiện lành của anh. Câu chuyện “Joe Bob lắng nghe” ( Joe Bob Listens) được nhiều người biết đến khi đăng tải trên tạp chí 'Turning Wheel', số mùa Thu 1995. Trong tác phẩm “Tìm Tự Do” (Finding Freedoom), Jarvis kể lại những khoảng đời bất hạnh và khốn khó trong thuở thiếu thời đầy thương đau của mình. Jarvis ngày nay không còn là một thanh niên giận giữ như thuở anh mới bước vào nhà tù San Quentin 27 năm trước nhưng là tác giả được nhiều người yêu mến, kính trọng, và như một Phật tử, anh dâng hiến khả năng của mình để xiển dương tinh thần bất bạo động trong nhà tù.