(Hằng Như dịch; đoạn này trích từ chương I:“Ước mong hạnh phúc” trong cuốn “An Open Heart: Practicing Compassion in Everyday Life” (Một trái tim rộng mở: Thực hành tâm từ trong cuộc sống hàng ngày) của Ngài Dalai Lama, Nicholas Vreeland biên tập.)
Tôi hy vọng rằng độc giả, khi đọc cuốn sách nhỏ này, sẽ có một hiểu biết căn bản về đạo Phật và vài phương pháp chính yếu để người thực hành có thể phát triển tâm từ và trí tuệ trong cuộc sống. Những phương pháp trình bày trong cuốn sách này được rút ra từ ba tạng kinh điển Phật giáo. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh ngay từ đầu rằng, một người không nhất thiết phải là Phật tử mới thực hành những phương pháp thiền này. Thiền định đơn thuần là một quá trình nhờ đó chúng ta có thể làm chủ được tâm mình và chuyển hóa tâm ngày càng đức hạnh hơn. Thiền định có thể coi như một phương pháp nhờ đó mà mình loại bỏ sức mạnh những thói quen tư tưởng cũ và phát triển những thói quen tư tưởng mới. Các phương pháp, tự nó không đưa đến giác ngộ hay tâm từ và mở rộng trái tim. Tất cả tùy thuộc vào bạn, vào nỗ lực và động cơ của mình trong quá trình thực hành tâm linh.
Mục đích của thực hành tâm linh là thỏa mãn được ước mong hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều mong muốn có hạnh phúc và tránh khổ đau và tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có quyền thỏa mãn được ước mong này.
Khi chúng ta nhìn về hạnh phúc mình mong cầu và khổ đau mình muốn tránh, rõ ràng là chúng ta trải qua những cảm xúc vui buồn và đó là kết quả của kinh nghiệm giác quan như mùi, vị, cảm giác xúc chạm, âm thanh và hình sắc. Tuy nhiên, có một mức độ thể nghiệm khác, đó chính là thể nghiệm tâm linh để nhận thức được hạnh phúc chân thật.
Nếu chúng ta so sánh an lạc của thân và an lạc của tâm, chúng ta sẽ thấy sự vui buồn của tâm có sức mạnh hơn nhiều. Ví dụ khi ta đang ở một môi trường thật dễ chịu, nếu chúng ta có điều gì buồn bã trong lòng hay có vấn đề gì đó làm mình đặc biệt lo nghĩ trong tâm thì hầu như chúng ta không để ý gì đến cảnh vật xung quanh cả. Ngược lại, nếu chúng ta có được an lạc nội tâm, chúng ta dễ dàng vượt qua những thử thách và chướng ngại trong cuộc sống. Điều này cho thấy rằng khổ vui trong tư tưởng và cảm xúc mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì mình cảm nhận đối với thân thể.
Như chúng ta đã phân tích về sự thể nghiệm tinh thần, chúng ta có cảm nhận rằng cảm xúc mạnh mẽ trong mình (như tham, sân và hận) dường như không thể đem lại cho mình niềm an lạc lâu dài và bền chắc. Thỏa mãn ham muốn có thể cho ta cảm giác hài lòng tạm thời, thế nhưng niềm vui khi chúng ta có được ngôi nhà mới hay chiếc xe hơi mới chẳng hạn, thật ra rất ngắn ngủi chóng vánh.
Khi chúng ta sa đà vào trong ham muốn, những ham muốn ấy sẽ tăng theo cấp số nhân cả về cường độ lẫn số lượng. Chúng ta đòi hỏi nhiều và ít toại nguyện và cảm thấy khó khăn hơn để có thể thỏa mãn nhu cầu của mình. Theo quan điểm Phật giáo, tham lam và sân hận làm tâm trí chúng ta khốn đốn đơn giản là nó khiến cho ta cảm thấy bất an. Sự bất an khởi lên từ tâm thức không thoải mái sẽ đưa đến sự biểu hiện của những cảm xúc tham lam và sân hận ấy. Một tâm thái không ổn định có thể gây nên sự nguy hại cho thân thể.
Những cảm xúc này do đâu mà có? Theo thế giới quan Phật giáo, chúng có nguồn gốc từ trong tập quán nghiệp trong quá khứ. Những cảm xúc chúng ta thể hiện trong đời này thật ra đã theo chúng ta từ nhiều kiếp sống mỗi khi chúng ta kinh qua và mê đắm vào các cảm xúc như thế trong quá khứ. Nếu chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng chúng, chúng sẽ lớn mạnh hơn, hoạt động mạnh hơn và gây ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn. Sự thực hành tâm linh, thật ra, là một quá trình điều phục những cảm xúc này và vô hiệu hóa sức mạnh của chúng. Để đạt được an lạc tối thượng, những cảm xúc này cần phải được đoạn trừ hoàn toàn.
Chúng ta cũng có một mạng lưới bao gồm cách thức phản ứng của tâm được chăm sóc kỹ lưỡng, hình thành qua phương tiện lý luận hay kết quả tác động của văn hóa. Đạo đức, luật lệ và những niềm tin tôn giáo là những ví dụ cho thấy hành vi của mình bị các yếu tố bên ngoài quy định. Lúc đầu, những cảm xúc tích cực để giúp chúng ta chuyển hóa và thăng hoa chưa được mạnh mẽ, nhưng chúng ta có thể phát triển những cảm xúc này bằng cách thường xuyên quán sát, thể nghiệm sự hỷ lạc và hài lòng nội tâm, và như vậy sẽ có sức mạnh nhiều hơn là cứ sống buông xuôi theo cảm xúc thuần bản năng.