Ngày thứ năm
Chúng tôi đang thực tập tỉnh thức hoàn toàn về trải nghiệm
các cảm thọ, tư tưởng, hoạt động của tâm và các trạng thái khác. Mỗi lần thực tập
được bắt đầu với sự tập trung vào hơi thở rồi chuyển đến một trạng thái rộng mở
hơn, thoáng đạt hơn và có tính khám phá hơn của tỉnh thức, có cảm giác như có
gì đó ‘đang hiện ra.’ Cái gì nảy sinh cứ tự nảy sinh. Chúng tôi được hướng dẫn
là thực tập như vậy giúp cho một số người ghi nhận rằng một ý tưởng, một cảm thọ
hay một trạng thái tâm (mà không sa đà trong đó) tưởng chừng như hiện ra từ một
cái lỗ chuột chui nào đó trên tường. Một số người khác thì thấy tưởng chừng như
ý tưởng hiện ra trên màn hình máy thu hình có thể mở hoặc tắt được.
Với tôi thì cách ấy chẳng hợp tí nào. Thay vào đó, sự tỉnh
thức của tôi trong giây phút hiện tại khởi lên như một thế giới riêng trong
quan sát của tôi. Ý tưởng, cảm xúc và hình ảnh trôi bềnh bồng như áng mây trên
thế giới ấy, và tôi có thể thấy và đặt tên chúng (là ‘ý tưởng,’ là ‘cảm thọ,’
hay là ‘hình ảnh’) rồi để chúng tự trôi đi ra khỏi thế giới của phút giây hiện
tại. Thỉnh thoảng có một ý tưởng khởi lên mà tôi không ý thức rằng nó đã khởi
lên và ngay lập tức, tôi ‘lạc vào trong ý tưởng.’ Giữa tôi và ý tưởng không có
sự tách biệt. Lúc đó, tôi không chỉ lạc trong đó mà tôi chính là ý tưởng. Trong
những giây phút này, tôi không còn ở trong thế giới ấy nữa, mà được kết tụ lại
trên những áng mây.
Khi tôi có thể ghi nhận được rằng mình không ý thức rõ về
hơi thở, điều cốt yếu ở đây là không bực bội hay nản lòng, cũng không cảm thấy
thất bại, mà đơn giản là chỉ ghi nhận kinh nghiệm ấy. Điều này cũng giúp tôi nhớ
lại lời của các vị thầy hướng dẫn rằng, bất kể là một người đã thực tập thiền tỉnh
thức lâu mấy chục năm, hiện tượng ‘lạc vào trong ý tưởng’ là một kinh nghiệm
thường xuyên diễn ra. Điều này chứng tỏ hoạt động của tâm thức là vậy. Tuy
nhiên, duy trì được tâm tỉnh thức giúp chúng ta thấy từng ý tưởng chỉ khởi lên
rồi trôi đi. Như vậy ý tưởng mất đi khả năng lôi kéo và cuốn trôi chúng ta.
Chúng tôi cũng thực tập phương pháp thiền truyền thống để
phát triển ‘tâm từ.’ Thiền tâm từ là một phần căn bản của thiền tỉnh thức và là
cách làm cho chúng ta thấm nhuần cái nhìn tích cực đối với tất cả chúng sanh,
bao gồm bản thân mình, và cả thế giới nói chung. Một chuỗi các cụm từ được lặp
đi lặp lại, bắt đầu là tập trung vào bản thân mình. Những lời này trùng với những
gì Sharon Salzberg[1]
dạy, là “mong tôi được bình an và tránh
khỏi những điều nguy hiểm. Mong tôi được an lạc, có tâm tĩnh lặng và hoan hỷ.
Mong tôi được sức khỏe và cơ thể đủ năng lực để sống. Mong tôi được an lạc nhờ
vào sự khỏe mạnh.” Khi hình dung hình ảnh của mình trong tâm, chúng ta có
thể thực tập sâu hơn. Khi nghĩ đến những câu này, ý thức của tâm về thân có thể
tập trung ở vùng tim, phần ngay dưới ngực khi hơi thở đi vào, đi ra. Bắt đầu thực
tập tâm từ với chính bản thân mình là điều quan trọng, bởi vì chúng ta không
thương mình được thì làm sao có thể trải lòng ra với những người khác?
Sau khi tập trung tâm vào bản thân mình, chúng ta tập
trung tâm hướng đến người khác. Chúng ta cầu mong sự an ổn, hạnh phúc, sức khỏe
dồi dào và an lạc trước hết đến với một ân nhân nào đó của mình (người đã giúp
đỡ mình để mình có thể phát triển trong cuộc sống), rồi đến người bạn nào đó, rồi
tiếp đến là với người không thân không sơ. Thường thì hình ảnh của đối tượng phải
ở trong tâm mình khi cầu mong những điều tốt đẹp đến với họ. Bước thực tập kế
tiếp khó hơn, chúng ta mong cầu những phước lành này đến với một người ‘khó ưa’
trong đời mình, người mà quan hệ với mình chẳng tốt đẹp gì. Và bước thực tập kế
tiếp lại càng khó hơn, đó là chúng ta phải tha thứ và xin được tha thứ lỗi lầm.
“Tôi xin bạn hãy tha thứ những lỗi lầm mà
tôi đã làm hay nói, đã làm bạn tổn thương hay làm bạn khổ đau.” Rồi cũng những
lời này, đến lượt mình tha thứ cho người đó.
Tôi chọn một người bạn mà tôi đã từng duy trì mối quan hệ
trong một thời gian lâu dài nhưng do một sự hiểu lầm, mối quan hệ ấy đã chấm dứt
và gần đây thì đã trở thành thù. Tôi hình dung ra khuôn mặt anh ta, thấy những
khúc mắc đã đưa chúng tôi đến sự đổ vỡ và mong nhận được sự tha thứ từ anh ấy về
những gì đã xảy ra giữa tôi và anh ấy. Ðiều này thật khó, vì anh ta không có
thiện chí bước một bước nữa để hàn gắn mối quan hệ. Nhưng cách thực tập này,
bao gồm cả việc tôi tha thứ cho anh ta về những gì đã xảy ra, đã giúp tôi cảm thấy
vấn đề đã được giải tỏa.
Bản thân tôi tự thấy có sự thay đổi sâu sắc, nhưng nhiều
người khác trong nhóm, trong buổi pháp thoại tối, đã nói rằng họ cảm thấy khó
có thể tha thứ cho người đã từng làm tổn thương họ. Với một số người khác, thực
tập tâm từ trở nên không thoải mái, thậm chí có một số người không tham dự thời
khóa thực tập có hướng dẫn về đề tài này. Rốt cuộc có một số người nói rằng họ
thấy khó có thể tha thứ cho một người đã đối xử không phải với họ và không chịu
xin lỗi với những sai trái đã làm.
Ngày thứ sáu
Tôi có cảm nhận như hiện bây giờ, có ba dòng ý thức được
nhận thức rất rõ ràng đang lưu chảy trong dòng sông tâm thức của tôi. Một dòng
là cảm thọ trực tiếp. Những cảm thọ về thân hay cảm thọ về tri giác hiển thị
nguyên vẹn, thuần túy. Khi tôi đi, tôi cảm nhận được sức đè trên gót chân, sự
di chuyển trọng lượng cơ thể xuống xương bánh chè, sự phân phối trọng lượng
không đồng đều ở các ngón chân, sự di động của mông khi chân kia chuyển chậm để
giữ trọng lực cân bằng và thân hướng về phía trước một tí, gót chân tiếp theo
chạm đất, ngón của bàn chân kia thả lỏng và cảm thấy nhẹ hẫng. Tôi không quan
sát điều này trên phương diện nhận thức. Tôi đang cảm nhận điều này, khi đang
thật sự diễn ra, tôi cảm thấy rằng không có ngôn ngữ nào có thể mô tả được cảm
thọ này, không có khái niệm để phân tích và xâu kết lại. Chúng thuần túy là cảm
giác – hình ảnh và âm thanh, âm thanh réo rắt bên trong, căng thẳng, và sức ép.
Tôi cũng hoàn toàn nhận rõ được dòng ý thức thứ hai – dòng khái niệm trong ý tưởng
khi đi. Tôi dường như nghe rõ ý tưởng ‘đang đi’ – bằng lời mà không phải nghe
hoàn toàn từ trong tâm. Nhưng bây giờ còn có dòng ý thức thứ ba mà tôi gọi là
‘người quan sát’ – đó là cảm giác tôi đang quan sát chính mình từ một khoảng
xa, bên ngoài đầu tôi, lướt trôi trong thiền đường, phía trên đầu tôi, trên các
ngọn cây và trên con đường tôi đang bước.
Mỗi dòng ý thức – cảm thọ, khái niệm, người quan sát – dường
như tồn tại đồng thời trong thế giới của giây phút hiện tại. Tôi ghi nhận tất cả,
kể cả quá trình quan sát người quan sát. Thật tức cười! Vào một thời điểm nào
đó, tôi cảm thấy như thể tâm mình lạc mất khi cảm nhận về thực tại vỡ vụn, tách
rời từng mảnh trước cái nhìn thấu tâm của mình. Hoặc tôi tự hỏi, ủa, tôi thật sự
đang tìm gì đây? Từng bước, từng bước như thế, tôi quan sát tâm mình. Tôi cảm
nhận từng bước đi. Tôi quán chiếu cảm thọ của mình và cảm nhận cả sự quán chiếu
ấy.
Hầu như suốt trong một tuần, tôi chưa hề nói chuyện với
ai ngoại trừ trao đổi vắn tắt trong chốc lát với các vị thầy hướng dẫn. Không
giao tiếp, không trò chuyện, không trao đổi gì với nhau. Tôi sống giữa bao người,
nhưng tôi rất xa họ, thế mà gần gũi. Tôi đã hoàn thành công việc được giao là
lau chùi nhà vệ sinh gần thiền đường mỗi ngày. Lúc đầu tôi rất ngại làm việc
này, nhưng sau đó không hiểu sao tôi lại thích, thậm chí còn thấy công việc này
cũng hấp dẫn nữa. Tôi cảm nhận được sự giao tiếp giữa mình với giẻ lau sàn, với
việc chùi cọ nhà vệ sinh, rửa bồn rửa mặt. Sau vài hôm, tôi đã đoán và nhận ra
cùng một phản ứng đối với nước lau nhà, bọt xà phòng và giẻ lau. Tôi cảm thấy
thoải mái khi biết rằng ở đâu đó trong việc này, vẫn có điều có thể đoán biết
được. Tôi lau chùi, bụi bặm biến mất. Thật là ảo thuật. Nhưng trong cái thế giới
thoáng rộng của phút giây hiện tại, tôi không thể biết được điều gì sẽ xảy ra.
Cảm thấy cần một điểm trụ tâm nào đó trong khi thực tập
thiền đi, tôi đã tìm một phương pháp trụ tâm cho quá trình thực tập này. Tôi biết
chúng ta đã từng được hướng dẫn để tự nhắc mình
biết nói “bây giờ thì không” hoặc “không, cám ơn” với một ý tưởng lý thú
và không bị nó cuốn trôi. Thế mà tôi chẳng tránh được. Hoặc có thể tôi đang
giúp mình. Tôi thả từng bước, từng bước chân trần nhẹ lướt trên nền sàn gỗ của
phòng thực tập thiền đi. Từng bước, từng bước một. Tôi nghĩ: Cảm thọ. Được.
Quan sát. Tốt. Khái niệm. Hay. Mỗi một dòng ý thức đều cho tôi cảm giác hiểu biết
giây phút hiện tại, một cách hiểu biết rất ngược, không cần ngôn từ, không cần
khái niệm, không cần cảm thọ. Sự hiểu biết này là mạch nước ngầm trong lòng thế
giới của giây phút hiện tại, một sự hiểu biết (Knowing) không có hình tướng: K.
Làm thế nào để tôi có thể nhớ được khả năng nhận biết thú vị này? Rồi tôi nghĩ
đến ‘S.O.C.K’ (‘B-Í-T T-Ấ-T’). Một chiếc
bít tất (SOCK) bao quanh lòng bàn chân tôi, và bít tất bao quanh cái hồn của tỉnh
thức, từng bước, từng bước chân, từng sát na, từng sát na một.
Ở trên tôi đã mô tả ba dòng ý thức trong một giai đoạn hỏi-và-đáp
và tự hỏi tâm của mình có bị tán lạc hay không. Khi chức năng người quan sát trở
nên quá năng động, tôi bảo, nó dường như phá vỡ mất kinh nghiệm cảm giác trực
tiếp, giống như các ý tưởng khái niệm đã từng phá vỡ. Tôi thắc mắc có nên loại
bỏ chức năng người quan sát hay không?
Người hướng dẫn đáp là ‘không’. Nói vậy cũng như không. Tôi có thể thực
tập như vậy. Thực tế, tôi có thể thả tâm như vậy. Và tất nhiên, trong thời thực
tập thiền đi tiếp theo, một kiểu trụ tâm khác lại khởi lên: ý thức trên ABCDE:
A Balance of Concept and Direct Experience (cân bằng giữa khái niệm và kinh
nghiệm trực tiếp). Đúng là bán cầu não trái của tôi chẳng chịu dừng!
Ngày thứ bảy
Đây là ngày chúng tôi ‘hết im lặng.’ Có một cuộc thảo luận
nghiêm túc trong vòng ba tiếng đồng hồ, sau đó là một bữa ăn tối trong đó mọi
người được tha hồ nói chuyện, trao đổi, mà tôi nghĩ sẽ không ai trong chúng tôi
còn ý thức được mùi vị thức ăn là gì. Rồi đến một thời ngồi thiền yên lặng vào
buổi tối trước khi đi ngủ để rồi sáng hôm sau, chúng tôi có thời ngồi thiền và
thảo luận cuối cùng. Lúc đầu chúng tôi gặp nhau từng đôi và tôi say sưa mô tả lại
kinh nghiệm của mình. Tôi kể với một người
bạn về các kiểu trụ tâm, và với anh, thì anh thích nhất là cụm từ YODA: You Observe and Decouple Automaticity
(bạn quán sát và tách sự tự động ra). Kiểu trụ tâm này mô tả vai trò của quán
chiếu trong việc đánh thức chúng ta về với
tỉnh thức: sự quán sát phá vỡ tình trạng bị dắt lôi một cách tự động. Ý tưởng về
“bít tất của Yoda” (Yoda’s socks) làm chúng tôi bật cười. Sự tỉnh thức có thể
liên quan đến nhiều hiện tượng hơn chứ không chỉ cảm nhận – nó có thể bao gồm
khả năng ý thức về tỉnh thức, khả năng quán sát kinh nghiệm. Khi quán sát,
chúng ta có thể chuyển hóa nhu cầu chia sẻ một cách tự nhiên của mình, và những
chướng ngại ngăn cản chúng ta tiếp xúc với kinh nghiệm trực tiếp do tình cảm và
thói quen tạo ra cũng dần dần bớt đi. Quán sát giống như chiếc chìa khóa, mở được
những cánh cửa cho cảm thọ trực tiếp: chúng ta quán sát và ghi nhận thế giới ý
niệm của tâm, và tự giải phóng mình để đi vào thế giới hiện tại ngay bây giờ một
cách trọn vẹn hơn.
Khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện lại sau thời gian yên lặng,
một hiện tượng lạ dường như xảy ra mà sau này tôi được biết là thông thường,
không riêng gì với các nhà khoa học. Đó là, một khi chúng ta được phép nói sau
một thời gian cô độc, yên lặng, tất sẽ có một cảnh điên rồ, ồn náo như không
khí hội hè. Nhưng sau đó, khi chúng tôi trở lại yên lặng, tôi cảm thấy thoải
mái một cách ngạc nhiên, và một cảm giác rộng mở, thoáng đãng của tâm lại trở về.
Tôi có thể cảm nhận sự trong sáng của tỉnh thức khi tôi hiểu ra tôi không cần
phải nói chuyện với ai cả. Khi không giao tiếp, tâm tôi được tự do và trở nên
thoáng rộng trở lại, tiếp xúc được với chính nó. Có một loại sáng suốt phát
sinh từ trong yên lặng.
Mãi đến đêm đó, tôi mới gọi điện về nhà lần đầu tiên
trong suốt một tuần, tôi vui khi nói chuyện với vợ và các con. Mặc dù mọi việc ở
nhà đều ổn cả, tâm tôi không ngừng suy nghĩ về cuộc nói chuyện, về các kế hoạch,
về giọng nói và về những việc cần phải làm. Lần đầu tiên trong suốt một tuần
qua, tôi thức giấc nhiều lần và cảm thấy khó ngủ, chỉ để suy nghĩ về những điều
nảy sinh trong tâm sau một tuần tỉnh thức. Sự lôi kéo của cuộc sống đời thường
làm cho tôi nhận ra rằng tôi chưa từng ý thức được tâm tôi đã an tịnh đến mức
nào.
Tôi đã uống nước trà nóng suốt một tuần mà không có vấn đề
gì. Sau khi gọi điện về nhà, tôi đã ra khỏi sự tỉnh thức và trở về với cuộc sống
đời thường quay cuồng, hối hả và rộn ràng, lưỡi tôi rát bỏng. Tôi đang nghĩ về
một cái gì đó khác hơn là tỉnh thức về trà khi tôi đang uống trà. Vì không tỉnh
thức, tôi đã gặp rắc rối, tôi bị bỏng lưỡi.
Suốt trong buổi thảo luận khoa học về các ý tưởng và kinh
nghiệm trong đêm cuối cùng của tuần thực tập thiền, đầu óc tôi không còn hưng
phấn nữa. Điều làm tôi giật mình là các cuộc trao đổi chuyện trò dường như toàn
mang tính khái niệm, và tôi không thể đưa tâm mình trở lại theo cách này được.
Tôi thích sự yên lặng trở lại vào đêm hôm cuối cùng đó. Dù vậy, trên đường đến
phi trường với hai người bạn vào sáng hôm sau, tôi cảm thấy chúng tôi vẫn có thể
có những trải nghiệm sâu sắc, chậm rãi không gián đoạn. Tôi cảm thấy hài lòng
khi cố gắng gói ghém kinh nghiệm một tuần vào trong ngôn từ và chia sẻ với
nhau. Tôi nói rằng tôi cảm thấy như thể một phần của tâm tôi, phần mà đã thường
xuyên giao tiếp với người khác, vào khoảng giữa tuần đến cuối tuần, đã chuyển sự
tập trung vào một người có mặt duy nhất: bản thân tôi. Khi tôi mô tả kinh nghiệm
của mình, tôi cảm thấy họ cũng cùng hòa với tôi trong kinh nghiệm ấy giống như
những gì tôi cảm nhận về sự hòa điệu với chính bản thân mình trong suốt tuần
qua. Cái đầu khoa học của tôi tưởng tượng đây là chiếc gương nơ-ron cho phép
chúng ta cộng hưởng với người khác. Sự cộng hưởng bên trong bản thân mình và đồng
điệu với người khác làm cho sự hài lòng càng sâu sắc hơn.
Bây giờ, đã nhiều tháng qua, tôi vẫn cảm thấy mình đang
cùng xuôi dòng với bốn dòng ý thức – cảm thọ, quan sát, khái niệm và nhận biết
– dường như sự ý thức này đã mang lại cho tôi trải nghiệm của giây phút hiện tại.
Tôi có cảm nhận rằng, có được một tuần thực tập yên lặng, đối với tôi, là một
món quà mà nhờ đó tôi biết được chính mình theo một cách mới. Đối với một
chuyên gia trị liệu, cũng như đối với bất cứ ai thực tập phản chiếu không ngừng,
sống một mình với tâm của riêng tôi trong thời gian đó, đã mang lại cho tôi một
cảm nhận mới về chính mình và cảm nhận đó vẫn còn lưu lại trong tôi cho đến
ngày nay.
Tôi đã thay đổi như thế nào? Một cách là, dòng cảm thọ trực
tiếp dường như mạnh hơn và ít bị tổn thương bởi dòng tư duy khái niệm khu biệt
của tâm thức và cũng ít bị tác động bởi dòng ý thức quan sát. Những cách nhận
biết hiện tại khác nhau này không chỉ mang lại sự đình chỉ tạm thời, mà nhiều
hơn thế nữa – tôi cảm nhận một sự hòa điệu mới từ khi tham dự khóa tu. Tôi
không còn nhốt mình vào bất kỳ một phán xét nào, cho rằng cách này tốt hơn cách
kia. Cái gì cũng có vai trò riêng của nó trong thế giới muôn trùng này.
Trong lãnh vực chuyên môn của mình, tôi thấy rằng dạy tỉnh
thức mở ra một chiều hướng mới cho bệnh nhân của mình. Tôi cảm nhận có một khu
nối kết trung tâm trong tâm mình đã trở nên rộng mở hơn và nuôi dưỡng sự hiện hữu
giữa chúng tôi trong giây phút hiện tại. Thật khó mô tả, nhưng có thể cảm nhận
được và cách thể hiện tốt nhất là hãy chia sẻ: Hiện hữu là như thế này đây. Bất
cứ điều gì ở đây, chúng ta, bạn, tôi, quyến thuộc, bạn bè, bệnh nhân, sinh viên
– đều có thể cùng nhau nuôi dưỡng sự trải nghiệm trọn vẹn ngay lúc này trên các
ngọn sóng của dòng sông ý thức. Không gian này có thể được chia sẻ. Một bánh xe
tỉnh thức có thể trở thành kinh nghiệm chung, kinh nghiệm của nhóm, vốn chứa đầy
sợ hãi, và lầm tưởng về sự tồn tại riêng biệt của mình sẽ lộ dạng: đó chỉ là sự
tạo tác của tâm, là sự sáng chế của tâm thần.
Bằng
cách nào đó tôi cảm nhận được một con đường rộng mở để tiếp xúc với cái ta
trong tôi nhờ một tuần thực tập yên lặng. Ngay dưới lớp vỏ bên ngoài mỗi người
mỗi khác, sự hiện hữu căn bản này có mặt trong tất cả chúng ta. Có lẽ sự đơn giản
trong quá trình hòa điệu với hơi thở, với chính mình cho phép chúng ta tiếp xúc
với cái ta ở tầng sâu hơn và đó là nền tảng chung mà chúng ta có thể chia sẻ
khi đem tỉnh thức đến với nhau. Nơi ấy, sẽ có một con đường hướng về sự an lành
chung cho cộng đồng thế giới, từ mỗi tâm thức, từ mỗi phút giây mầu nhiệm, vì
lòng thương yêu vốn cần thiết cho các mối quan hệ của chúng ta cũng giống như
hơi thở cần thiết cho sự sống vậy.
[1] Sharon
Salzberg là nữ cư sĩ
người Mỹ, chuyên giảng dạy và hướng dẫn các khóa thiền theo truyền thống Phật
giáo, đặc biệt là thiền Minh sát (Vipassanā) và thiền Tâm từ (Mettā). Bà cũng là người sáng lập Hội
Thiền Quán (Insight Meditation Society) ở
ở Barre, tiểu
bang Massachusetts, Mỹ.