Con người sinh ra đã có lòng thương yêu
Ngài Dalai Lama nói rằng lòng
thương yêu là một bản chất sẵn có trong mỗi người khi mới sinh ra. Giáo sư tâm
lý học Dacher Keltner
cũng đưa ra kết luận này từ 10 năm trước rằng “lòng thương yêu là một phần
trong bản chất con người và sinh vật sống”. Chúng ta là con người, hẳn có tâm
lành đó, mà tâm lành vốn có này lại được nuôi dưỡng từ thuở mới lọt lòng qua
tình thương của mẹ dành cho con, qua cách người lớn dành cho các em bé trên khắp
hành tinh này.
Mặc dù có nhiều
tranh cãi trong một thời gian dài, nhưng các nhà nghiên cứu càng ngày càng đưa
ra nhiều chứng cứ cho thấy rằng khi vừa sinh ra, lòng thương yêu là một bản chất
đã sẵn có nơi con người và động vật. Chính lòng thương yêu là yếu tố giúp cho sự
sinh tồn của nòi giống. Điều này giúp chúng ta tự tin hơn về bản chất thiện
lành này VỐN CÓ nơi mỗi con người để mình tin bản thân mình và tin những điều tốt
đẹp trong xã hội người mình đang sống. Tuy nhiên, lòng thương yêu ở con người
như một bản chất, thật ra chỉ ở dạng khuynh hướng hành động, ở dạng tiềm năng
chứ chưa phải là một khả năng. Cũng như thân xác này và bao đặc tính thiện lành
khác, lòng thương yêu, muốn lớn, cần phải được dưỡng nuôi đúng cách chứ không
thể chủ quan và ảo tưởng rằng, cứ bỏ vật vạ ra đó, nó tự lớn và ta nghiễm nhiên
trở thành một người chứa đầy tình thương yêu và có thể hào phóng cho bất cứ ai.
Ta cũng cần ý thức rằng,
không chỉ lòng thương yêu và những đặc tính thiện lành sẵn có nơi con người lúc
mới sinh, mà nhiều đặc tính xấu ác cũng đồng thời có mặt từ lúc con người mới
chào đời, thậm chí nó còn khỏe hơn, lớn nhanh hơn nữa nếu gặp môi trường thuận lợi.
Trong kinh điển nhà Phật, các hạt giống xấu ác như tham lam, sân hận, ganh tỵ,
đố kỵ, nghi ngờ… được ví như cỏ dại, nếu không ý thức điều này, những mầm non yếu
ớt của tình thương yêu, thông cảm, chia sẻ… sẽ còi cọc và sớm chết yểu. Ta có
thể kiểm chứng điều này qua những gì mình trải nghiệm trong cuộc sống của ta và
quanh ta. Để có động cơ
và định hướng cho việc phát triển tâm từ, chúng ta nên nhắc mình về những lợi
ích của việc thực hành tâm từ.
Tâm từ đem lại hạnh phúc cho chúng ta
Chỉ những người có trải nghiệm của
riêng mình khi yêu thương người khác chân thật tự đáy lòng mới cảm nhận được
tình thương yêu không vị kỷ cho đi nghĩa là nhận lại, chứ không hề mất đi. Cái
ta nhận lại trước hết là sự an lòng, sự thỏa mãn và thấy mình xứng đáng với danh
vị một con người khi trải lòng thương
yêu đến tha nhân đồng loại. Khi cảm nhận điều này, ta kích hoạt vùng “trung tâm
khoái cảm” nơi não bộ hoạt động. Các vùng “trung tâm khoái cảm” chỉ hoạt động
khi nào ta có cảm giác vui sướng, lâng lâng, ví dụ như khi gặp lại một người ta
thích, ta thương sau một thời gian xa vắng, khi có tiền, khi được ăn món khoái
khẩu… Nhà thần kinh học Jordan Grafman đã nghiên cứu sự hoạt động
của các vùng “trung tâm khoái cảm” đưa ra kết luận rằng, ngay cả khi ta vui
mừng khi chứng kiến người khác hạnh phúc với tâm hoan hỷ, “trung tâm khoái cảm”
của ta trong não bộ cũng được kích hoạt như chính bản thân mình đang có niềm
vui ấy. Ví dụ khi thấy một người giàu có phát cơm từ thiện miễn phí cho người
cơ nhỡ, ta cảm thấy vui; vui vì người giàu biết nghĩ đến người bất hạnh hơn
mình mà chia sẻ, vui vì thấy người nghèo được phần lợi ích. Khi ấy, “trung tâm
khoái cảm” của chúng ta hứng phấn và hoạt động, lòng ta hân hoan và sự vui mừng
này được thể hiện ra bên ngoài bằng nét mặt, ánh mắt, nụ cười tùy hỷ. Như vậy
là ta đang cho lòng thương yêu rộng lớn rồi đó.
Thêm vào đó, trong nghiên cứu, các
chuyên gia như Michael Norton, giáo sư trường đại học Harvard cũng đưa ra kết luận rằng, khi ta đem
tiền cho người khác không vì động cơ đen tối nào, thì người cho ấy cảm thấy an
lạc hơn là đem số tiền ấy xài cho bản thân mình. Trong nghiên cứu của mình,
giáo sư Michael Norton chia các cá thể
tham gia nghiên cứu ra làm hai nhóm và giao cho mỗi người một số tiền bằng
nhau. Một nhóm thì có quyền sử dụng hết số tiền ấy cho bản thân mình, trong khi
đó, nhóm thứ hai dùng số tiền có được mua sắm đồ cho người khác. Kết quả thu
được, nhóm mua đồ tặng người khác an lạc hơn rất nhiều so với nhóm tiêu xài
tiền ấy cho cá nhân mình. Các nhà nghiên cứu khác như Myers
Ryan và Deci tiến hành nghiên cứu năm 2000 cũng đưa ra kết quả tương tự,
rằng những hạnh phúc có được từ việc mua sắm, ăn uống, làm ra tiền là những
hạnh phúc nhỏ, không đưa đến sự thỏa mãn lâu dài, chẳng bao lâu đưa đến sự nản
lòng và thất vọng. Trong chán nản và thất vọng, hạnh phúc tạm thời mong manh
của sự hài lòng ấy bị phá vỡ nhanh chóng, con người sống trong bất an, lo lắng,
áp lực càng nhiều hơn. Hạnh phúc nhiều hơn và bền chắc hơn khi chúng ta đem lại
hạnh phúc cho người khác.
Khi hạnh phúc của người khác là hạnh phúc của chính mình, đó là lòng yêu thương |
Điều này nhắc tôi nhớ lại câu chuyện
của một người quen định cư ở Mỹ. Bà kể rằng, lúc con bảo lãnh sang bên ấy định
cư, con cái bà rất hiếu thảo, nên không để bà thiếu thứ gì. Thế nhưng, bà quá
buồn vì ngày thường con đi làm cả, ở nhà cô đơn, môi trường văn hóa, xã hội quá
khác với môi trường ở quê nhà bà từng gắn bó hơn 50 năm khiến bà nhớ quê đến
quay quắt, nhớ cả những người không quen không biết. Một ngày cuối tuần nọ, con
bà đưa bà đến chùa lễ Phật, tình cờ bà gặp được một người cùng quê. Bà trút tâm
sự với người đồng hương, thế là nhận được lời khuyên là cứ gởi tiền, gởi thuốc,
áo quần, tất cả mọi thứ có thể về quê làm từ thiện, không nhất thiết chỉ cho
người quen, cứ cho người nào nghèo khó, cho người nào cần, bà sẽ hết buồn. Bà
thấy đây là việc làm trong khả năng của mình, thế là bà bắt đầu gom đồ gởi về
quê nhờ người thân thay bà làm từ thiện. Nghe người thân báo lại niềm vui của
người nhận quà ra sao, bà phấn chấn hẳn lên, cuộc sống tươi vui vì thấy
việc làm của mình có ý nghĩa. Rồi những
cánh thư cảm ơn từ Việt Nam gởi đến bà ngày một nhiều, bà ngập tràn trong hạnh
phúc từ sự cho đi. Từ đó, bà không còn phiền muộn nữa và tiếp tục làm từ thiện,
liên kết với nhóm bạn già rủ nhau làm từ thiện, dạy con cháu tìm hạnh phúc
trong nghĩa cử cho đi mà không cầu báo đáp, bà sống trong chuỗi ngày hạnh phúc
thật sự.
Điều này cho ta thấy, khi ta khởi tâm
thương người khác, đó là một nhu cầu cần được thỏa mãn của bản thân mình. Khi
nhu cầu của mình được đáp ứng, ta cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc này đủ lớn để
giúp ta vượt qua, hóa giải những vấn đề đang đè nặng trái tim mình, như trường
hợp tôi vừa đơn cử. Hành động nào xuất phát từ tình thương yêu chân thật không
vị kỷ đều có khả năng đem lại sự thay đổi tích cực, niềm vui cho người nhận là
một điều hiển nhiên. Không những thế, người cho đi những gì kèm theo tình
thương yêu ấy, dù đó là vật chất, thời gian, công sức, sự chú tâm lắng nghe,
cho lời khuyên đúng lúc… đồng thời cũng đem lại niềm an lạc và hạnh phúc cho
chính mình. Nhất cử lưỡng tiện như thế này, tại sao ta không cho đi thật nhiều
để đem lại an lạc thật nhiều cho mình và cho người?
Tâm từ giúp ta có nhiều sức khỏe hơn
Ngài Dalai Lama nói các
chuyên gia đã nghiên cứu và tìm ra rằng, người có tâm từ có nhịp tim đập chậm
và có tác dụng tích cực trong việc duy trì sức khỏe của cá nhân ấy. Trái lại,
những tâm lý tiêu cực như sợ hãi, căng thẳng, giận dữ và hận thù, nói một cách
hình tượng, là những thứ “ăn mất hệ thống miễn dịch của mình.”
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tinh
thần đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Người nào biết trải
lòng thương lớn qua hành động thiết thực để giúp người bớt khổ là người có đời
sống tinh thần phong phú, thoải mái, tích cực, lạc quan. Nhờ đó, người ấy mạnh
khỏe, có khả năng kháng bệnh tốt hơn so với những người luôn sống trong lo sợ, giận
dữ, hận thù, căng thẳng. Người có lòng thương lớn có khả năng đương đầu với khó
khăn trong cuộc sống tốt hơn và tìm được giải pháp hợp lý và giải quyết vấn đề
với hiệu quả cao. Với những trải nghiệm trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng cảm
nhận điều này. Niềm an lạc, hạnh phúc dâng trào tự đáy lòng khi chúng ta có thể
làm một điều gì đó cho người khác với tình thương yêu thuần túy, và chính hạnh
phúc này nuôi dưỡng đời sống tinh thần chúng ta khỏe mạnh và ngập tràn trong sự
bình yên. Tâm khỏe thì thân theo đó cũng khỏe và một khi thân tâm khỏe thì
những khó khăn bên ngoài, dù có tồn tại, không hề gây chướng ngại gì cho ta cả,
như nòn núi nặng đứng ngoài kia, đường ta đi, ta cứ vững bước.
Hai nhà nghiên cứu trong lãnh lực tâm
lý học tích cực đề xuất ý kiến từ nghiên cứu của mình rằng, những mối liên kết
với người khác theo hướng tích cực được xây dựng trên nền tảng của lòng thương
yêu sẽ giúp chúng ta có tinh thần hưng phấn và có sức khỏe tốt hơn. Trong
trường hợp bị bệnh, người có tâm yêu thương người khác bình phục nhanh hơn so
với người thờ ơ vô cảm với những người xung quanh. Do vậy, tôi từng chứng kiến
nhiều người trong khi đang bệnh nặng, không tự mình thực hiện được thì nhờ con
cháu, người thân thay họ làm những điều tốt đẹp, gởi gắm tình yêu thương dành
cho người khác như cúng dường, bố thí, đem quà cho người khốn khó với mục đích
từ thiện. Những việc làm này giúp cho người bệnh yên tâm rằng nếu chẳng may
không qua khỏi, trong những ngày cuối đời, họ đã làm được điều lợi ích cho
người xuất phát từ tấm lòng chân thật của mình. Khi nghe người thân đã hoàn
thành tâm nguyện giúp mình, người bệnh cảm thấy vô cùng hành phúc. Với niềm vui
thuần chân này, người bệnh hoặc nhanh khỏe hoặc ra đi trong thanh thản và thỏa
mãn. Nói chung, nhờ niềm hạnh phúc từ việc trải lòng thương yêu đến người khác
qua nghĩa cử bố thí, cúng dường, chất lượng sống của người bệnh được cải thiện
đáng kể theo hướng tích cực.
Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu
Stephanie Brown của trường đại học Stony Brook và Sara Konrath thuộc trường đại
học Michigan rút ra kết luận từ nghiên cứu của mình là người có lòng thương yêu
người khác có tuổi thọ cao hơn. Các nhà nghiên cứu này cũng ghi nhận rằng, sở
dĩ cách sống với lòng yêu thương dành cho người khác qua những hành động thiết
thực, giúp họ vượt qua khó khăn, đau khổ có thể đưa đến sự an lạc trong tâm hồn
bởi vì khi cho đi một cách tự nguyện, người ấy sẽ có cảm giác vui mừng, an lạc,
nếu không nhiều hơn cũng bằng người trực tiếp nhận món quà tặng ấy. Hơn nữa,
như trên đã đề cập, những nhà nghiên cứu về não bộ đã khám phá ra những vùng
“trung tâm khoái cảm” được kích hoạt khi chúng ta trải nghiệm niềm vui, và
trung tâm này cũng hoạt động tương tự khi ta cảm nhận được niềm vui của người
khác qua hành động cho tặng giữa ta và người.
Chúng ta không thể quy kết một cách
cảm tính là cần những chứng cứ cụ thể mang tính khoa học để củng cố niềm tin
của chúng ta về những tốt đẹp của lòng thương yêu đem lại. Trong cuốn sách “Tại sao những điều tốt
đẹp lại đến với những người sống tốt”, bác sĩ Stephen Post, chuyên ngành y tế
dự phòng đại học Stony Brook, ghi nhận từ nghiên cứu của mình rằng khi cho đi,
tình trạng sức khỏe được cải thiện đáng kể ở những người bị bệnh mãn tính, kể
cả HIV và bệnh đa xơ cứng. Một nghiên cứu khác của Doug Oman, trường đại học
California ở Berkeley tiến hành năm 1999 cho thấy kết quả rằng, theo dõi trong
vòng 5 năm, tỷ lệ những người già có tham gia các tổ chức thiện nguyện chết ít
hơn so với người gia không tham gia các công tác thiện nguyện là 44%. Giáo sư
Stephanie Brown thuộc trường đại học Michigan cũng đưa ra kết quả tương tự khi
thực hiện nghiên cứu trên các cặp vợ chồng già vào năm 2003. Cô và nhóm nghiên
cứu tìm thấy rằng, trong thời gian theo dõi suốt 5 năm, những người nào thường
giúp đỡ người thân, bạn bè, hàng xóm hoặc quan tâm giúp đỡ về mặt tinh thần
người bạn đời của mình thì sống thọ hơn những người không biết chia sẻ với
người khác về vật chất cũng như tinh thần.
Các nhà nghiên cứu lý giải nguyên nhân
cải thiện hiện trạng sức khỏe và sống thọ hơn ở người biết giúp đỡ, chia sẻ với
người khác là khi chia sẻ với tình yêu thương, tâm họ được thoải mái, không
căng thẳng, vì chứng căng thẳng (stress) kéo theo nhiều rối loạn và ảnh hưởng
tiêu cực đến sức khỏe, phổ biến nhất là huyết áp cao, loạn nhịp tim, thiếu máu
cục bộ và nghẽn mạch máu. Rachel Piferi của đại học Johns Hopkins và Kathleen
Lawler của trường đại học Tennessee thực hiện một nghiên cứu năm 2006 đưa ra
kết quả là người có tham gia các hoạt động từ thiện xã hội có chỉ số huyết áp
đẹp và ổn định hơn người không tham gia các hoạt động này. Nghiên cứu mới nhất
là của Aknin, trường đại học Simon Fraser, tiến hành năm 2013 ghi nhận rằng,
qua nghiên cứu 136 nước, số tiền mà người ta sử dụng cho người khác (chứ không
phải sử dụng cho bản thân mình) tỷ lệ thuận với mức độ an lạc, không bị ảnh
hưởng bởi mức thu nhập và nhiều yếu tố xã hội khác.
Tại sao trải tâm từ lại đưa đến nhiều
lợi ích về sức khỏe? Các nhà nghiên cứu Steve Cole và Barbara Fredrickson
đưa ra kết quả nghiên cứu là sự viêm nhiễm ở các tế bào là nguồn gốc gây ung
thư và các chứng bệnh khác cao hơn ở người sống nhiều áp lực và căng thẳng và
chỉ số này thấp hơn ở những người sống vui vẻ, hạnh phúc. Các nhà nghiên cứu
này còn đưa ra kết luận lý thú là ở những người thụ hưởng hạnh phúc do đáp ứng
thỏa mãn các nhu cầu cá nhân (còn gọi hạnh phúc có được từ khoái lạc giác quan)
có tế bào viêm nhiễm cao hơn so với người cảm nhận hạnh phúc khi làm được điều
gì lợi ích và ý nghĩa cho cuộc sống (hạnh phúc có được từ lối sống đẹp chứ không
nhằm thỏa mãn khoái lạc giác quan). Một đời sống có ý nghĩa và mục đích là đời
sống chú trọng đến thỏa mãn nhu cầu của người khác hơn là thỏa mãn nhu cầu của
bản thân. Nói cách khác, hạnh phúc của nhận vào không thể sánh với
hạnh-phúc-cho-đi. Ai có được hạnh-phúc-cho-đi là người có cuộc sống giàu lòng
yêu thương, vị tha và có ý nghĩa hơn nhiều.
Cách tạo hạnh phúc cho mình
Hạnh phúc lâu dài là điều ai cũng mong
ước có được trong cuộc sống này. Với những gì trình bày ở trên, chúng ta thấy
cách để đem lại hạnh phúc cho mình thật đơn giản: trải lòng thương yêu rộng lớn
đến người với tâm thành qua những việc làm cụ thể, giản đơn trong các mối quan hệ xã hội của mình, thiết thực như
hơi thở, như nắng, như gió ngoài kia. Thực hành sự trải lòng yêu thương mỗi
ngày như một phần công việc của mình, chúng ta có được an lạc hạnh phúc. Bắt
đầu ngay bây giờ, tại đây, với những người thân và không thân bên ta và quanh
ta, hạnh phúc sẽ ngập tràn, một thứ hạnh phúc cao thượng, nhẹ nhàng, lâu dài
hơn là hạnh phúc hưởng thụ cá nhân. Tình thương yêu cần được thực hành với
những đối tượng sau:
Tự thương mình
Tình thương yêu, nền tảng của hạnh
phúc chân thật, không phải như món đồ để mình có thể cho người khác mà phần
mình không có. Hạnh phúc như sương, như mưa, trước khi làm ướt cho vạn vật tươi
mát thì bản thân nó phải thấm nhuần tính ướt và tươi mát ấy. Do vậy, trước khi
có thể cho người khác tình thương yêu, chúng ta phải biết tự thương lấy mình.
Tự thương mình không phải là cứ tôn vinh thân xác này, cho nó thỏa mãn mọi nhu cầu thuận với bản năng,
vì như trên đã lý giải, đáp ứng nhu cầu bản thân chỉ đem lại hạnh phúc tạm thời
để rồi lại đau khổ nhiều hơn mà thôi. Chúng ta phải biết cách tự thương mình
thanh cao, nhẹ nhàng hơn đưa đến hạnh phúc lâu dài.
Nếu biết thương mình thật sự, chúng ta
phải biết cách nuôi dưỡng thân tâm mình cho khỏe mạnh, biết trân quý những gì
mình có để không phải chịu đựng những khổ đau không đáng có gây ra chỉ vì mình
không biết cách bảo hộ bản thân mình. Duy trì nếp sống lành mạnh, nuôi dưỡng tâm
thiện lành, thực hành thiền định, tập thể dục thường xuyên, giúp người vô tư
không tính toán, duy trì chế độ ăn uống hợp lý và khoa học là những cách thể
hiện lòng thương với chính mình. Để làm được điều này, chúng ta cần có cái nhìn toàn cảnh,
xuyên thấu trong mối quan hệ giữa mình và môi trường sống, giữa mình và người
một cách biện chứng và tương liên. Nếu cảm nhận có ai đó làm tổn thương mình,
chúng ta nên nghĩ rằng chính bản thân họ cũng đang đau khổ. Họ khổ vì khi làm
tổn thương người khác, ngay sau đó, họ bất an, lo sợ, luôn đề phòng và tự vệ,
tâm họ không thể nào tự tại được. Do vậy, với chánh niệm tỉnh giác, chúng ta có
thể buông xả không bận lòng, nhẹ nhàng tha thứ là cách ta tự thương mình và
thương người vậy.
Thương người thân trong gia đình
Với người thân trong gia đình, sợi dây huyết thống
ngầm ấn định trách nhiệm, bổn phận thương yêu nhau trong mối quan hệ vốn ta
không có quyền chọn lựa này. Dù vậy, nếu thương yêu đặt trên cơ sở trách nhiệm
và bổn phận thì có khi ta thể hiện một cách gượng ép, miễn cưỡng, vì sợ bị
trách cứ, ngại bị đánh giá không biết điều, thiếu tử tế, sợ mất điểm trong cái
nhìn của những người xung quanh. Tình thương như thế sẽ không thể bền và việc
gì ta làm trong sự gắng gượng, gồng mình thì cũng sẽ sớm mỏi mệt mà dừng lại
thôi. Do vậy, để cuộc sống nhẹ nhàng và nhiều ý nghĩa hơn, ta hãy trải tình
thương yêu một cách tự nguyện, vượt qua tất cả những rào chắn trên mà thương người
thân với tình thương trong suốt tự nguồn tâm của mình, ta cảm thấy mình được thấm
nhuần trong nguồn hạnh phúc vô biên. Cứ nghĩ đi, người ngoài mình còn thương được,
cho được, tại sao ta không thể làm điều ấy với người thân yêu cùng chia sẻ nguồn
gen di truyền “giọt máu đào” với mình? Thế nhưng cũng cần đề phòng tâm mình,
khi ta “chấp” vào tình thân và từ trong sâu thẳm, ta muốn áp đặt những gì mình
muốn lên người thân và nhân danh đó là tình thương yêu thì chúng ta đã lạc lối
rồi đó. Nên ý thức rõ ràng rằng thương người thân là mong muốn và làm những gì
tốt đẹp nhất có thể để người mình thương yêu hạnh phúc chứ không phải bắt người
ta sống theo cách mình muốn, làm những
gì mình ưa. Hãy chọn cách sống hạnh phúc bằng cách trải thảm tình thương nhẹ
nhàng, trong suốt lên người thân của mình. Cuộc đời có bao lâu mà hờ hững.
Thương người chính là thương mình, vì đây là nguồn hạnh phúc lớn, mà hạnh phúc
là cái ta cần, ta tìm nên ta cần trân quý khi có nó.
Thương yêu bạn bè
Bạn bè nói chung, là người không có
quan hệ huyết thống nhưng có mối quan hệ
thân thiết với mình trong những cơ duyên khác nhau có khi rất tình cờ và ngẫu
nhiên trong cuộc sống. Tuy không là bà con quyến thuộc, nhưng nơi bạn bè, ta
tìm được sự cảm thông, chia sẻ, thương yêu có khi còn nhiều hơn cả đối với
người thân. Tại sao vậy? với người thân, mối quan hệ thường đặt trên nền tảng
của trách nhiệm, bổn phận nên thương yêu người thân là chuyện tất nhiên. Còn
bạn bè, người không cùng huyết thống mà gắn kết nhau trên cơ sở chọn lựa chủ
quan của bản thân. Một khi ta chọn lựa, hẳn đối tượng thỏa mãn một số tiêu chí
ta ngầm đưa ra và đây là cơ sở để tình thương yêu được nuôi lớn. Một khi thỏa
mãn những điểm ta thích, ta muốn thì ta dễ dàng dành chấp nhận họ và dành tình
thương yêu cho họ. Trên cơ sở này, ta cảnh giác đừng để tâm rơi vào tình thương
yêu ích kỷ và nên lấy cơ sở này để mở rộng lòng thương yêu không điều kiện, Cứ
sẵn lòng giúp họ, chia ngọt sẻ bùi trong những lúc cần mà không cầu báo đáp,
làm tất cả những gì có thể cho họ mà không tính toán so đo, cứ làm với một tình
thương cho đi thật sự, lòng ta sẽ ngập tràn hạnh phúc.
Thương yêu những người hàng xóm
Những người hàng xóm chia sẻ với chúng
ta chung một không gian sống, hẳn có nhiều điều chung với chúng ta. Không gian
vật lý gần nhau là điều kiện để tình người nảy nở, đơm hoa kết trái. Để ý mà
xem, hễ có một cái gì “chung” là dễ dàng thiết lập mối quan hệ và tình thương
yêu là chất liệu gắn kết giữa những con người có những cái “chung” này. Với
hàng xóm, tình thương yêu được nuôi lớn mỗi ngày nhờ sự chia sẻ không gian
chung sống ấy. Người ta thường nói, “bà con xa không bằng láng giềng gần” là
vậy. Hãy thương những người hàng xóm thật lòng vì họ là những người thật sự gần
gũi với mình, là người đầu tiên có mặt khi ta cần khi cấp bách. Nếu không quá
vô tâm, vừa ra khỏi nhà mình là ta có thể nhìn thấy họ và cơ hội để chúng ta
trải lòng thương yêu chân thật đến những người này nhiều vô cùng, nếu bỏ qua,
thật là uổng phí. Thương yêu là bản chất vốn có của mỗi con người. Hãy cho thật
nhiều, hạnh phúc ùa về trong vô tận.
Thương yêu người không quen biết
Người thân có quan hệ huyết thống với ta thì không
nhiều, bạn bè quen biết cũng giới hạn ở một con số khiêm tốn, chỉ có người
không quen biết trong xã hội thì nhiều. Trên lý thuyết, có thể người ta có thể
nghĩ thương người dưng sẽ khó khăn lắm, vì không có một mối quan hệ gắn kết nào
thì làm sao mà thương được. Thế nhưng, trên thực tế, con người trải lòng thương
yêu của mình đến đồng loại không quá khó như mình nghĩ. Ta cứ thực hành đi, sẽ
thấy nhiệm mầu trong sự trải nghiệm của mình. Vì người không quen biết là số
đông, mà theo tâm lý thường tình, được số đông có thiện cảm, đánh giá cao, ngưỡng
mộ là điều ai cũng thích. Do vậy, chia sẻ về mặt vật chất với người không quen
biết là một việc nhiều người có thể làm được. Thế nhưng, đó chưa phải là tình
thương yêu rộng lớn nếu động cơ sâu thẳm nằm sau hành động ấy là được ghi nhận,
được khen tặng, được nể trọng. Ta nên ý thức vấn đề này để thoát ra cái tâm lý thường tình ấy. Chất liệu tạo nên hạnh-phúc-cho-đi
là giúp người không vụ lợi. Giúp nhiều người, thương nhiều người, hạnh phúc
càng lớn hơn. Người không quen biết quanh ta nhiều lắm, hãy thương họ bằng cả tấm
lòng trong những cử chỉ, hành động thực tế nhất. Đưa một người lớn tuổi qua đường,
nhường chỗ ngồi cho người già, người tàn tật trên xe buýt, xách giùm túi đồ nặng
cho người lớn tuổi, nhặt cây đinh trên lối ta đi… là vài trong vô vàn cơ hội ta
có thể làm với tình thương đồng loại. Hãy giúp người và chân thành cảm ơn họ đã
cho ta cơ hội để nuôi dưỡng tâm lành yêu thương của mình.
Nếu ai đó chưa dám thương
người trọn vẹn hết lòng mà thương dè chừng soi xét mức độ phản ứng của đối
phương mà kịp thời điều chỉnh theo kiểu sòng phẳng “bánh ít đi, bánh quy lại”
thì sẽ không bao giờ nếm được hương vị của hạnh-phúc-cho-đi. Đúng theo định
luật bảo toàn, đời sẽ bảo toàn tất cả những gì ta tác động đến nó ở mức độ vi
tế nhất là khởi tâm tác ý! Ta sẽ nhận lại còn nhiều hơn từ những gì ta cho đi.
Hãy cho đi tình thương yêu rộng lớn, không tính toán, so đo, hạnh phúc và bình
an, sức khỏe và tươi trẻ là những món quà đời đáp trả cho ta.