Monday, October 20, 2014

VÔ CẢM - Căn bệnh xã hội


Trong xã hội văn minh, hiện đại, con người đã biết tạo ra những máy móc hiện đại để hỗ trợ cuộc sống con người đỡ vất vả. Nhiều công việc thủ công ngày xưa đòi hỏi toàn sức người, mất nhiều thời gian, sản phẩm cho ra lại kém tinh xảo. Ngày nay, chỉ cần một người vận hành cỗ máy có thể làm thay công việc của cả trăm người. Thêm vào đó, con người biết chế tạo “người máy” để nó giúp con người đỡ đần những công việc nặng nhọc. Công nghiệp robot của Nhật phát triển thật ấn tượng khi cải thiện không ngừng để đưa vào sử dụng trong cuộc sống ngày càng nhiều những con robot có hành vi giống như người thật: Robot đá bóng, robot đấu vật và robot có khả năng tự giới thiệu bằng tiếng Anh, mà có lần họ có đem qua Việt Nam trưng bày, biểu diễn tại Trường Đại học FPT vào năm 2012. 

Khi có máy móc hiện đại làm giúp và làm thay, con người lẽ ra có nhiều thời gian hơn để chăm sóc, quan tâm đến nhau nhiều hơn, nhưng sự thật đắng lòng không phải vậy. Trong khi con người tìm mọi cách để tạo ra ra một con chip “tình cảm” để khiến những cỗ máy thông minh nhưng vô tình này biết thể hiện tình cảm yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô cảm vô tình, thờ ơ với mọi người và mọi sự xung quanh. Bệnh vô cảm, một căn bệnh nan y đang hoành hành trên diện rộng trong mọi tầng lớp trong xã hội chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân nữa rồi.

Bệnh gì cũng có những triệu chứng đặc trưng. Cảm thì có triệu chứng là sổ mũi, nhức đầu, ho, sốt… Triệu chứng của vô cảm trong cuộc sống là khi nhìn thấy cái xấu, cái ác mà tâm chai lỳ, vô cảm, không thấy cần phải làm gì trước những đốm đen ấy. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú, không cảm hứng gì cả. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng thương xót, không rung động tâm can, mà “vô tình nhẹ lướt qua nhau”. Đây là triệu chứng của người bị “chai tâm” . Vậy, một nghịch lý là robot thì ngày càng biết thể hiện tình cảm, trong khi đó, con người đang tự biến mình thành những cái xác khô của một cỗ máy.
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan gọi sự thờ ơ, vô cảm của con người trong xã hội hiện nay là “vết gãy của văn hóa”.  Phải chăng khi xã hội càng phát triển, con người làm được nhiều thứ hơn, họ có cảm giác không cần lệ thuộc vào thiên nhiên và lệ thuộc vào người khác, nói cho dễ hiểu, họ nghĩ họ có thể sống mà không cần nhờ vả đến ai, nên có tâm lý thờ ơ, không quan tâm đến người khác và môi trường chung quanh? Những ai nghĩ vậy là quá sai lầm. Con người chúng ta đang sống trong một mạng lưới chằng chịt các mối quan hệ tương liên, tương kết trong không gian nhiều chiều phi tuyến tính, nên dù chúng ta có nhận ra điều này hay không, bản chất cuộc sống vẫn là như vậy. Nếu ta hững hờ với đồng loại và môi trường sống quanh ta, ta sẽ nhận được sự hững hờ thậm chí còn nhiều hơn. Đời công bằng lắm, ta sẽ nhận lại những gì ta cho đi, tốt cũng như xấu.
Cuộc sống thật đơn giản: những gì tôi cho đi, trở về lại với tôi
Không mấy ai tự nhận mình chưa tốt, thường thì mình tự đánh giá mình toàn là điểm cộng, còn người khác thì không. Thử nhìn lại những cuộc tranh luận, cãi vã, chia tay… gần đây của mình, ta vẫn sống trong ảo giác rằng tôi hành xử như vậy là đúng, người kia mới sai. Bệnh thờ ơ vô cảm cũng vậy; ai cũng tự nhận mình có tấm lòng chia sẻ, thương cảm, không được với tất cả mọi loại thì chí ít cũng đối với đồng loại. Thế nhưng, khi đối diện với chính mình trong thinh lặng, tự kiểm bản thân khi chạm mặt với những tình huống đòi hỏi tâm thương cảm lên tiếng, ta đã ứng xử ra sao, thì đủ biết, ta có virus của bệnh vô cảm trong người mình hay không.
Thấy một người bị tai nạn giao thông, người gây ra tai nạn thì tranh thủ bỏ chạy rồi; đã gây ra tai nạn mà còn bỏ chạy, rõ là bệnh vô cảm nặng rồi. Bao người chạy xe lướt qua, tò mò đi chậm khi qua hiện trường, rồi rồ ga chạy luôn, vì ta đang hối hả cho kịp giờ làm. Một số người rảnh hơn xúm lại coi và đám đông ngày càng nhiều, nhưng không ai làm gì giúp nạn nhân đang nằm trên vũng máu. Có những con người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy đấy! Thế nhưng, đời vẫn còn một chút an ủi khi len lỏi trong đám người vô cảm có một vài người lao vào, đón xe, đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Người nạn cuối cùng cũng được cứu, nhưng không thể phủ nhận bệnh vô cảm đã lây lan rộng lắm rồi.
Không những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp giật, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng lại không thấy ai can ngăn, cứu giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Tất cả đều ngoái nhìn rồi lướt qua. Cái tâm lý sợ vạ lây, nên “không dại gì”  mà dính vô cho  mệt! Và cũng chính do tâm lý “không dại gì” ấy quá phổ biến mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan mạnh hơn. Cũng có những trường hợp các nạn nhân chết thảm một cách oan uổng vì bệnh vô cảm của những người xung quanh. Gần đây nhất là trường hợp bác sĩ Đặng Chí Đông Giang,vợ và em gái cùng tài xế chết thảm vì sự vô cảm của hai tài xế lái xe khách 12 chỗ và 16 chỗ đi ngang qua chỗ xe bị nạn mà vô tình trước nỗi đau của người khác. Họ đi chậm rồi tăng tốc lướt qua, mặc cho dân làng đổ ra đường chặn xe kêu gào cầu cứu trong vô vọng. Họ cứ đổ thừa cho cơm áo gạo tiền, đua tài nhau để bắt khách mà đánh mất đi lương tâm làm người. Họ vội vã và có lý do chính đáng cho sự hối hả của mình.
Khi nghiên cứu về bệnh thờ ơ vô cảm, hai nhà khoa học John Darley và C. Daniel Batson đã tiến hành một thí nghiệm. Họ đã tuyển hai nhóm sinh viên tham gia một bài trắc nghiệm ở một địa điểm, rồi yêu cầu họ rời địa điểm này đi bộ sang khu nhà khác cách đó không xa để làm tiếp phần hai. Một nhóm thì được yêu cầu phải sang ngay địa điểm cần đến, nếu không, sẽ bị trễ giờ làm bài. Nhóm thứ hai được yêu cầu, sang địa điểm thứ hai để làm bài tiếp, nhưng không cần quá gấp.
Trên đường đi, hai nhà nghiên cứu này bố trí một người đóng vai người ốm nặng nằm co ro trên góc phố. Hai nhóm sinh viên, trên lối đi của  mình, tất nhiên phải gặp người này. Hai nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu cách ứng xử của các sinh viên này với người ốm ấy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 40% người ở nhóm thứ hai đã nán lại chút thời gian để giúp đỡ nạn nhân, còn ở nhóm thứ nhất, do quá vội vàng, chỉ có 10% số người ở lại giúp đỡ người ốm đó.
Ở một thí nghiệm khác, nhà tâm lý học Stanley Milgram đã nhờ 1 đứa trẻ 6 tuổi kêu khóc ở đường và nói với người qua đường rằng nó đang bị lạc mất bố mẹ và nhờ sự giúp đỡ. Nhiều người ngoái nhìn đứa bé đang khóc thảm thiết rồi nhẹ bước qua, lướt qua. Kết quả là, chỉ có khoảng 40% người đứng lại hỏi thăm, trong số đó, chỉ có số ít người đi tìm cùng. Con số này ở thị trấn nhỏ lại càng ít hơn. Ở thành phố, có không ít người đã cho đứa bé tiền và bảo bé vào nhà hàng gần đó để đợi cha mẹ rồi sau đó tiếp tục công việc của mình. Kết luận chung cho hai thí nghiệm trên: khi vội vã, không mấy người chịu nán lại để giúp đỡ người khác.
Trong cuộc sống, vì không có thời gian, chính xác hơn là TỰ THẤY mình không có thời gian, nên con người có xu hướng thờ ơ, vô cảm với nỗi khổ niềm đau của người khác. Uh thì ra là vậy! trong xã hội hiện tại, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung như không có gì thúc bách. Những gì ta chứng kiến là những dòng người tấp nập, vội vã, hối hả chen lấn xô đẩy trên đường, giành nhau từng cen-ti-mét đường, nhất là những nơi đang chờ đèn đỏ. Cuộc sống trở nên căng thẳng, áp lực như thể ai cũng không còn chút thời gian nào để có thể dành cho nhau được. Tâm thương cảm đã hóa đá chai lỳ, con người biện hộ cho mình để hợp lý hóa bệnh vô cảm. Lúc ấy cũng chính là lúc mà con người ta mất một phần tâm hồn đẹp đẽ đã bị chôn vùi dưới lớp cát. Phải chăng cũng vì như thế mà họ càng lúc càng khép chặt cánh cửa trái tim mình lại?
Vấn đề để có thể chữa bệnh vô cảm cho chính mình là đừng để cuộc sống, công việc đè nặng lên chúng ta để lấy hết đi thời gian của mình, để rồi không còn một chút thời gian nào để nuôi nấng lương tâm mình cả. Tự sắp xếp công việc một cách có khoa học và hợp lý, cắt giảm thời gian đã chi dùng cho những việc vô bổ, hoặc những việc chỉ đem lại hạnh phúc nhất thời mà sau đó là đau khổ dài lâu để chúng ta có chút thời gian chăm sóc tâm mẫn cảm, biết nuôi dưỡng tâm thương xót của mình để biết cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của người bất hạnh hơn mình.
Ta là chủ nhân của đời mình, hoàn toàn có khả năng kiểm soát tâm ý mình. Nếu biết sống chậm một chút, nhìn thấu một tí để thấy mình là một  mắc xích trong mạng lưới cuộc sống phong phú này, ta sẽ nhận ra, chia sẻ, cảm thương người khác là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người sống trên cuộc đời này.
Khi nào có thể bước từng bước thảnh thơi, không hối hả, ta mới có thể nuôi dưỡng tâm lành thương cảm, một thứ thuốc đặc trị cho bệnh vô cảm vậy.