An tịnh nội tâm là một trạng thái vắng
lặng và thanh bình của tâm thức như là kết quả của tự do thật sự trong tâm mình.
Đó là sự tự do, sự thoát khỏi những suy nghĩ và lo lắng, vắng bặt phiền muộn, không
có bóng dáng của căng thẳng và sợ hãi. Nói cách khác, an tịnh nội tâm chỉ có
thể thiết lập nơi người biết điều chỉnh và giữ thế cân bằng giữa các cung bậc cảm
xúc, tình cảm. Đây là một kỹ năng sống, kỹ năng làm chủ cảm xúc đòi hỏi cả một
quá trình thực hành miên mật với sự chú tâm tỉnh giác thường xuyên trong cuộc
sống mà không phải ai cũng có thể làm được. Đây là sự tịnh lặng xuyên suốt bề
sâu của tâm thức đòi hỏi sự dụng tâm đúng mức một cách kiên định và có nghệ
thuật. An tịnh nội tâm là kết tinh của tri thức và trí tuệ nơi những người có
bản lĩnh sống vững chãi khi đối mặt với bao áp lực của cuộc đời. Người có tâm
an tịnh luôn có cuộc sống hạnh phúc, an lành, bình an và thỏa mãn.
Trong đời sống thường ngày, có những
lúc chúng ta tạm lắng dịu tâm hồn trong giây lát hoặc có một cảm xúc khác mạnh
hơn át đi thì đó chỉ là trạng thái tĩnh lặng tạm thời trên bề mặt của tâm thức mà
thôi. Ai trong chúng ta cũng từng trải qua trạng thái như thế. Ví dụ như khi
chúng ta đang chăm chú vào một vài công việc hấp dẫn hay hoạt động nào đó mà chúng
ta yêu thích như là khi chúng ta xem một tập phim hay hoặc một chương trình ti
vi hấp dẫn. Hoặc khi chúng ta đang bàn luận một vấn đề mình tâm đắc với một
người mà chúng ta yêu thích hay khi đọc một quyển sách thú vị hoặc khi dạo trên
một con đường yên ắng dưới hàng cây râm mát gió nhè nhẹ thổi. Thực chất đây là
những khoảng lặng giữa chuỗi động trong cuộc sống như một trạng thái “nghỉ giải
lao” của tâm bận rộn, hoặc khi sức mạnh của đam mê tạo một trạng thái “an tịnh
ảo” để chúng ta tạm quên đi những lo toan, bận rộn và phiền muộn của đời
thường. Thế nhưng, điều đáng nói là những giây phút này ngự trị trong lòng mình
quá ngắn ngủi và không ổn định. Khi qua rồi những khoảnh khắc dễ chịu ấy, những
lo toan, phiền muộn lại chiếm cứ tâm hồn ta trở lại, tiếp tục hoạt động có khi
với cường độ còn mạnh hơn. Sự lặng đi tạm thời của tâm thức chỉ diễn ra trên bề
mặt hiện tượng, chưa từng chạm đến tầng sâu của tâm, nên sẽ chóng qua đi.
Sự an tịnh nội tâm có liên hệ trực
tiếp đến hòa bình thế giới. Đức Dalai Lama nhấn mạnh tầm quan trọng của an tịnh
nội tâm đối với hòa bình thế giới. Ngài nói một nền hòa bình thế giới thật sự,
lâu dài cần đặt trên nền tảng con người. Do đó, sự an tịnh nội tâm của con
người là nền tảng cho hòa bình thế giới. Bản chất của hòa bình là phải được thiết
lập từ nơi mỗi con người, sau đó mới dần lan tỏa đến phạm vi gia đình, rồi đến
cộng đồng ta sống, dần đến khắp hành tinh này. Trong bài giảng tại Sydney vào
ngày 16.6.2013, đức Dalai Lama nói rằng, “sự thay đổi toàn cầu phải từ sự thay
đổi cá nhân, không phải từ các tổ chức lớn như Liên hiệp quốc.” Chúng ta có cơ
hội và trách nhiệm để đóng góp một phần nhỏ vào thế giới ngày một tốt hơn và
nhiều thương yêu hơn. Đầu tiên, mỗi cá nhận đều phải bắt đầu với sự an tịnh nội
tâm, rồi sự an tịnh ấy mới được phát triển lớn dần trong gia đình và cộng đồng.
Cho đến nay, không còn tranh cãi gì
nữa, ai cũng tán đồng ý kiến rằng hòa bình thế giới phải bắt nguồn từ sự hòa
bình trong mỗi cá nhân, tức sự an tịnh tâm hồn của mỗi người trước, sau đó mới
có thể phát triển với phạm vi ngày càng rộng dần. Vấn đề là làm thế nào để đem
lại sự an lạc nội tâm trong đời sống hằng ngày của bạn và quan trọng hơn nữa là
làm thế nào để phát huy diệu dụng của sự an tịnh này khi gặp khó khăn. Ta cũng
có thể nghĩ đến làm thế nào cho nó trở thành một thói quen và luôn luôn tận
hưởng nó ở bất cứ trường hợp nào. Trước tiên, ta cần phải học cách để có được
nhiều giây phút an lạc nội tâm trong đời sống hằng ngày. Sau đó, ta mới có thể
nhận diện được những giây phút này mỗi khi gặp khó khăn rắc rối, đây là lúc cần
thiết nhất cho sự vắng lặng và thanh bình của nội tâm. Theo tinh thần nhà Phật,
tôi xin bàn đến một số phương cách để trau giồi, bồi dưỡng kỹ năng an tịnh nội
tâm:
Thiên đường, địa ngục đều tại tâm |
Không tham việc ôm đồm mọi thứ
Người nào tự thấy mình quá bận rộn,
chỉ có mình là nhiều công lắm việc, còn người khác thì rảnh, không có việc để
làm, sẽ chẳng bao giờ biết đến niềm hạnh phúc của sự an tịnh nội tâm. Cái an
tịnh của tầng sâu thẳm trong tâm thức đòi hỏi sự trở về với tâm sâu thẳm, chứ
không phải với các hoạt động lăng xăng thể hiện trên lớp sóng lăn tăn, ồn ào
của tâm thức. Đừng tham lam ôm đồm mọi thứ quá mức, như thể ngoài mình ra,
không ai có thể thay mình đảm trách công việc đó. Để khối công việc đè nặng
trên vai, tự tạo áp lực không đáng có với những thứ mình ngỡ là quan trọng nhất
trong đời: công việc, chỉ có công việc và duy nhất là công việc. Thật là sai
lầm và tội nghiệp cho những ai có suy nghĩ như vậy.
Với cách ấy, con người tự cho mình một
vị trí quan trọng, để cho công việc cuốn đi, rồi danh, rồi lợi câu nhử, ta có
ảo giác chúng hà hơi tiếp sức cho mình vì chính những cái danh vọng, địa vị,
tiền bạc làm nên con người và cuộc sống của mình. Ta gắn kết với chúng như thể nếu
thiếu chúng, ta không thể sống nổi. Cái cảm giác thấy mình quan trọng nhất đã
đẩy con người mình xa nguồn tâm vốn nhiệm mầu thanh tịnh của mình. Đến một lúc
nào đó (thường là khi thất bại, càng ê chề càng thấm thía), ta sẽ nhận ra,
những cái bên ngoài, cái mà ta nhân danh “bổn phận, trách nhiệm, công việc,
công tác, phật sự…”, cái mà lâu nay ta dành cho chúng tất cả sự tôn vinh và công
sức, tâm huyết trở thành phũ phàng và vô nghĩa chưa từng thấy. Mọi thứ không
còn như ta muốn, tất nhiên điều này sẽ xảy ra, không chỉ một mà nhiều lần trong
cuộc sống, mỗi lần mỗi thấm thía hơn nỗi khổ niềm đau khi ôm đồm quá nhiều
việc, đặt hết tâm trí vào công việc. Một khi đem buồng phổi và trái tim ra phó
thác cho may rủi, mặc cho chúng thăng trầm theo nhịp đập khi vơi khi đầy cùng
công việc. Khi đời sống tâm linh thiếu tự chủ và tự lập, tinh thần trở nên bệnh
hoạn, “nhịp đập nội tâm” loạn đi, “huyết áp tâm
linh” khi thấp khi cao, đời sống tâm linh trở nên nghèo nàn, hoang vu và
buồn tẻ, vì nó suy dinh dưỡng nặng rồi.
Tâm khỏe mới có thể đồng hành cùng cỗ
xe thân xác đưa ta đi trọn con đường nhân gian. Do vậy, muốn song song với việc
chu toàn những công việc thường ngày, mỗi người nên dành thời gian, tâm lực,
năng lượng để nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho riêng mình, không ôm đồm tham
công tiếc việc, để cảm nhận hạnh phúc của một đời sống tĩnh lặng từ nội tâm, nó
sâu sắc và ý nghĩa thế nào so với những niềm vui ngắn ngủi, mang tính điều
kiện, lệ thuộc vào các duyên bên ngoài.
Không lạm dụng các tiện ích giao lưu trên mạng ảo
Thời đại này, công nghệ thông tin đem
lại cho con người nhiều phương tiện giao tiếp hiện đại để cuộc sống tiện nghi
hơn. Thế nhưng, không vì thế mà lạm dụng các tiện ích dùng để kết bạn, giao
lưu, trò chuyện, trao đổi thông tin rất phong phú này đến mức nghiện và dành
quá nhiều thời gian cho các việc này, trong khi đó, lợi ích nó đem lại chẳng là
bao so với lượng thời gian và những “phản ứng phụ” khi đắm chìm vào trong các
mạng xã hội ảo. Lời của giáo sư
Sherrey Turkle, một chuyên gia xã hội học đầu ngành của Mỹ, được trích trong
bài viết đăng trên The Guardian, một tờ nhật báo nổi tiếng tại Anh, nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đã phát minh ra những công nghệ mang tính đột phá và có ích
nhưng cũng chính chúng ta đã để chúng trói buộc mình”. Theo bà, cách mà người ta đang “giao tiếp” với nhau “một cách điên
cuồng” thông qua việc sử dụng Twitter, Facebook và tin nhắn tức thời
(IM) có thể được xem như một dạng “bệnh điên” thời hiện đại. Trong cuốn
sách mới nhất của bà, Alone Together (Cùng nhau đơn độc), nói rằng, bà từng
chứng kiến trong đám tang mà người ta vẫn không bỏ được thói quen hí hoáy trên
chiếc iPhone của họ. Đúng là mỗi người đều có cách tạm biệt người quá cố theo
cách riêng của mình!
Tôi cũng từng chứng kiến nhiều người nghiện
phiêu lưu trên các trang mạng ảo, đủ thành phần, đủ lứa tuổi đều có thể trở
thành những con nghiện. Có người đi làm về đến nhà, cơm nước xong, liền ôm máy
tính đến khuya, không cần biết những gì diễn ra trong ngôi nhà nhỏ của mình. Lại
có nhiều người trong một gia đình, mỗi người ôm một cái máy như thế và thả mình
trong thế giới ảo, chìm đắm, lan man, lắm khi không hiểu mình đã nói gì, viết
gì và với mục đích gì. Một khi lao vào cơn “nghiện” mạng ảo, họ cảm thấy phiền
lòng với những ai kéo họ ra khỏi thế giới này để trở về với thế giới thực bên
cạnh những con người thực rất đỗi thân
thương bên cạnh họ. Trường hợp một đứa con tỏ vẻ bực bội khi mẹ gọi ra ăn cơm
cùng gia đình là một ví dụ thường thấy. Họ “điên” đến mức cùng nhau quây quần
trong bữa cơm gia đình ấm áp là điều họ không hề muốn.
Tôi hoàn toàn đồng ý với luận điểm rất đơn
giản của Turkle rằng, công nghệ hiện đại đang đe dọa thống trị cuộc sống của
nhân loại, và làm chúng ta ngày càng mất đi “tính người” của mình. Nó gây ra ảo
tưởng rằng những mạng xã hội đang giúp con người giao tiếp và kết nối với nhau
dễ dàng hơn, nhưng trên thực tế, chúng ta ngày càng bị cách ly với thế giới
tương tác thực sự giữa người và người, dưới hình thức một không gian thực tế-ảo
mà bản chất thật sự của nó chỉ là một sự mô phỏng dị dạng của thế giới thật.
Khi lao vào đó, ta cứ ngỡ ảo là thật, nên mới đánh mất mình như vậy.
Con người ta một khi đã đánh mất mình thì
không thể nào có được sự an tịnh của nội tâm và điều này, ai cũng dễ dàng cảm
nhận. Quyết tâm để thay đổi một thói quen không tốt, một cơn nghiện đòi hỏi
chúng ta một sự nỗ lực có mục đích, hãy lấy mục đích an tịnh nội tâm là hạnh
phúc đích thực làm động cơ vậy. Cần hạn chế sự hướng ngoại tìm cầu niềm vui
trong các mối quan hệ ảo và quay về chăm sóc tâm mình để tận hưởng nguồn mạch
uyên nguyên của sự an tịnh nằm sâu trong tâm mình.
Chấp nhận những gì không thể thay đổi
Mỗi ngày chúng ta phải đối diện với
biết bao những điều không vừa ý, những bực bội và những tình huống mà những
điều này vượt quá tầm kiểm soát của mình. Nếu chúng ta có thể thay đổi được
những điều đó thì quá tốt nhưng không phải lúc nào cũng có thể làm được điều
mình muốn. Chúng ta phải học cách làm quen với những việc này và chấp nhận
chúng một cách vui vẻ.
Chấp nhận những cái gì mà chúng ta
không thể thay đổi được là cách tốt nhất để giúp cho chúng ta tiết kiệm được
thời gian, năng lượng và những lo âu phiền muộn. Tuy nhiên, không phải lúc nào
cũng dễ dàng thực hiện điều này, nhất là khi lòng ta muốn thay đổi theo ý mình.
Tránh né là một tâm lý tiêu cực trước những gì không thể thay đổi. Điều này
không giúp gì nhiều cho ta khi tự tạo áp lực càng nhiều hơn, theo đó ta cũng
đeo mang sự bất an, bực mình, căng thẳng và nặng nề. Từ chối đối mặt với một
điều gì đó không bao giờ có thể thay đổi được hoàn cảnh. Hãy chọn cách khác cho
lòng thanh thản, bình yên hơn.
Khi không thể thay đổi hoàn cảnh, ta
đừng phí sức hoài công cố gắng thay đổi nó. Một hòn núi chắn lối ta đi, mong
muốn dời hòn núi để lấy lối đi là một ý định điên rồ. Chi bằng ta khôn ngoan và
thận trọng đi vòng qua hòn núi, vẫn an toàn mà lòng nhẹ tênh. Hãy nhớ rằng ta
không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng ta hoàn toàn có thể thay đổi thái độ sống,
nghĩa là cách mình phản ứng với hoàn cảnh đó. Nếu chấp nhận rằng cái gì xảy ra
đã xảy ra rồi, ta sẽ đối mặt với chính con người thực của mình và hoàn cảnh
sống cùng với những con người, những mối quan hệ ta đang có. Ta không thể xoay
ngược thời gian và thay đổi điều lẽ ra không nên làm trong quá khứ, vì thế hãy
tiếp tục sống với những gì mình có và phát huy tốt nhất trong khả năng có thể.
Với tâm lý học cách chấp nhận, ta
không mất nhiều thời gian và sức lực để lo lắng cho việc làm thế nào để thay
đổi những điều không thể ấy theo ý mình. Thay vì kháng cự lại một cách vô ích,
chấp nhận trong hoan hỷ, cuộc sống trở nên dễ chịu và thoải mái hơn, tâm ta
bình an và tự tại hơn. Reinhold Niebuhr từng nói “Lạy chúa, mong cho con sự
điềm tĩnh để chấp nhận những gì không thể thay đổi, cho con có lòng can đảm để
thay đổi những gì có thể thay đổi, và cho con có sự khôn ngoan để con nhận ra
sự khác nhau đó.” Những gì
trong tầm kiểm soát và làm chủ của mình chính là tâm ý, ta có toàn quyền định
đoạt, hãy thay đổi nó theo hướng tích cực để ngày càng hoàn thiện. Những hoàn
cảnh bên ngoài không thể thay đổi, hãy tùy thuận để nội tâm được an tịnh.
Tập tha thứ và buông xả
Tha thứ là một kỹ năng, một nghệ thuật
sống để giữ tâm an tịnh. Muốn có nội tâm tĩnh lặng mà ôm lòng thù hằn, là cứ
chọc khuấy vết thương ngày một nặng thêm mà mong vết thương lành, da liền sẹo
là điều không thể có, chẳng khác nào nấu đá mong thành cơm.
Sự
tha thứ không có nghĩa là chúng ta bôi xóa quá khứ, hay quên đi những gì đã xảy
ra, hoặc tự tạo một ảo giác như thể mình cao thượng và tha thứ được nhưng trong
lòng chất đầy hiềm hận khổ đau. Tha thứ cũng không có nghĩa là làm cho người
kia thay đổi hành vi, vì chúng ta không kiểm soát được người khác nên không thể
làm điều đó. Tất cả chỉ có nghĩa là ta đang buông xả cơn giận, hay cay đắng và
nỗi đau, để chuyển sang một miền tốt đẹp an vui hơn.
Học cách tha thứ là tập chấp nhận một
thực tế rằng chúng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo và rằng ai cũng
có thể là người phạm sai lầm. Tha thứ, trước hết, là đem lại hạnh phúc cho bản
thân mình. Một khi buồn phiền, giận hờn, lòng ta nặng như mang đá. Mang lè kè
túi đá nặng trong mọi lúc, mọi nơi, mang cả vào giấc ngủ, mang theo cả lúc ăn,
thì nặng nề, bức bách vô cùng, vì mang càng lâu càng mỏi, cảm giác túi đá ngày
một nặng thêm. Chi bằng ta đặt túi đá giận hờn, buồn phiền ấy xuống, lòng ta
khỏe nhẹ, hạnh phúc biết bao. Cảm nhận được sự bất an nếu cứ ôm nỗi hiềm hận
trong tâm, người khôn ngoan biết tặng món quà tha thứ cho bản thân mình và cho
người đã làm tổn thương mình. Tha thứ là ta tự tặng cho mình cơ hội để nuôi lớn
lòng bao dung và niềm tin vào sự tốt đẹp ở người khác và xã hội. Tha thứ là ta
ban tặng cho người cơ hội để sửa sai, làm mới. Cũng như bản thân mình, sai sót
là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, biết nghĩ đến điều này mà tha thứ
cho người là ta đã biết cách đem lại hạnh phúc cho cả hai. Lợi ích nhiều hơn là
tha thứ có công năng đưa ta trở về với nguồn tâm tĩnh lặng của mình.
Sự tha thứ chân thật xuất phát từ khối
óc có hiểu biết và con tim biết yêu thương. Chỉ khi nào thấy được những nỗi khổ
đau của người kia, thấy được những gì họ làm đều có nguyên nhân xa từ những tập
khí không lành mạnh mà do môi trường sống của bản thân người đó tạo nên, hay
được thừa hưởng từ những hạt giống của ông bà, cha mẹ người đó trao truyền, ta
mới có thể phát khởi lòng thương và tha thứ được. Với người gây tổn thương cho
mình, ta giận, ta ghét, ta bực mình. Tuy nhiên, với trí tuệ và lòng thương yêu,
ta hiểu ra một điều rằng, những người này thật đáng thương hơn là đáng giận. Họ
cũng là nạn nhân vì thật sự họ không muốn làm những điều như vậy, thật sự họ không
muốn làm tổn hại đến ta. Họ là người gây ra những lời nói đó, những việc làm
đó, nhưng họ cũng chính là nạn nhân của những gì họ nói và làm. Khi thấy được
những điều này thì sự tha thứ được làm từ tình thương có mặt rất tự nhiên trong lòng mình. Và sự tha thứ chiết xuất từ tình thương này chính là dược phẩm làm lành những vết thương mà người kia đã
làm cho ta đau khổ. Nhiệm mầu hơn, lòng ta trở nên an tịnh, nhẹ nhàng và ngập tràn hạnh
phúc.
Chiêm nghiệm và quán chiếu bản thân
Con người thường ít chịu sống một
mình, vì cứ nghĩ như vậy là buồn tẻ, cô đơn. Do vậy, họ có khuynh hướng tụ tập
và tìm niềm vui nơi đám đông, người trẻ thì tìm vui trong tiếng nhạc ồn ào đến
inh tai nhức óc, trong ánh đèn mờ ảo của những tụ điểm vui chơi. Người đứng
tuổi thì tìm thú vui nhẹ nhàng, thanh tao hơn nhưng vẫn phải là nơi đám đông
mới được. Tuy nhiên, đời sống nội tâm chỉ có thể nuôi dưỡng trong môi trường an
tịnh, vắng vẻ, vì trong môi trường ấy, tâm trí chúng ta không bị phân tán bởi
các yếu tố bên ngoài, mới có thể gom tụ lại để nhìn vào bên trong, chiêm nghiệm
và quán chiếu. Những người xuất gia tu tập miên mật thường có sự an tịnh nội
tâm nhờ chọn môi trường thanh tịnh, vắng vẻ để sống và quán chiếu. Đức Phật
thường khen ngợi những ai biết chọn nơi yên tĩnh để luyện tâm. Ngài dạy “Ta không tán thán các vị xuất gia có sự
liên hệ với các gia chủ. Nhưng với các trú xứ ít tiếng ồn, ít tiếng động, thoát
khỏi hơi thở của nhiều người, những chỗ ở cô độc xa vắng loài người, thích hợp
cho đời sống thiền tịnh, Ta tán thán sự liên hệ với những trú xứ như vậy”
(Tăng chi bộ kinh, chương VII, phẩm 6, kinh số 58).
Trong cuộc sống, chúng ta không thể
lựa chọn một nơi vắng vẻ như được mô tả trong kinh làm nơi trú ngụ cho mình chỉ
để nuôi dưỡng tâm an tịnh. Ta sống đây còn nhiều bổn phận, trách nhiệm với đời,
với người và chính những trách nhiệm, bổn phận này ràng buộc chúng ta bằng
nhiều sợi dây liên đới khác để rồi ta không thể chọn nơi ở theo sở thích. Dù
vậy, trong bất cứ môi trường sống nào, ta đều có thể tạo cho mình một góc không
gian tâm thức riêng để có cơ hội chiêm nghiệm, quán chiếu. Muốn vậy, chúng ta
cần chủ động sắp xếp công việc một cách khoa học, chánh niệm tỉnh giác tập cho
mình những thói quen hỗ trợ cho quá trình nuôi dưỡng tâm an tịnh.
Chiêm nghiệm bản thân cần dành nhiều
thời gian để nhìn vào chính mình thay vì ngóng ra thế giới hiện tượng bên
ngoài. Thông thường, ta có thói quen muốn biết những gì mới nhất diễn ra trong
thế giới quanh ta, biết càng nhiều, càng tốt, biết tin càng sớm, càng hay;
nhưng “tốt” thế nào, “hay” ra sao, thì bản thân ta cũng không thể lý giải điều
ấy. Thật ra, hầu hết chúng ta săn tìm tin tức mới để thỏa mãn tính tò mò, tính
ưa hóng chuyện, thích biết chuyện người khác vốn mang tính bản năng trong mỗi
con người, chứ chúng ta cũng chẳng bao giờ biết ngồi nghĩ lại, mình làm vậy với
mục đích gì. Nếu biết nhìn lại, nghĩa là chúng ta bắt đầu biết nhìn vào tâm,
thay vì nhìn ra thế giới bên ngoài, ta đã biết chăm sóc đời sống nội tâm của
mình rồi đó. Khi nhìn lại, thấy lãng xẹt! biết rồi thôi, biết rồi quên, biết
rồi chẳng để làm gì, chỉ tốn quá nhiều thời gian cho việc biết ấy. Hoặc tệ hơn
nữa biết để rồi đi lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng để rồi tạo hiệu
ứng không tốt từ hành động của mình và chính những điều này trở lại khuấy động
mặt hồ tâm thức của chúng ta.
Chiêm nghiệm cuộc sống, công tâm khách
quan quán xét mình, rút ra bài học kinh nghiệm trong từng bước chân đi trong
đời, ta sẽ có cơ hội sống chậm, xét kỹ, nhìn sâu, thấu rõ con người mình trong
mối liên quan với thế giới bên ngoài. Đây là cách chế tác và nuôi dưỡng sự an
tịnh của tâm hồn.
Thực hành chánh niệm tỉnh giác
Thực hành chánh niệm tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi, trong các hoạt
động của con người, ở mức độ thô cũng như tế, là cách hoàn hảo nhất để thiết
lập và nuôi dưỡng tâm an tịnh, vì đây là người bạn tốt đồng hành cùng chúng ta
trên quá trình trau luyện tâm. Chánh niệm tỉnh giác là luôn ý thức những gì
đang diễn ra trong cơ thể ta, trong tâm trí ta và trong cuộc sống hàng ngày.
Đây là sự thực hành quan trọng nhất của đạo Phật thông qua sự hành thiền. Thiền
ở đây không có nghĩa là ngồi đợi đến giờ nhất định mới đi ngồi thiền và áp dụng
các kỹ thuật nhất định để duy trì chánh niệm, mà thiền ở đây là sự chánh niệm
trong mọi lúc mọi nơi.
Chúng ta thường có thói quen chia đời sống ra thành nhiều
ngăn: ngăn cho công việc, ngăn cho người thân, ngăn cho bạn bè và ngăn cho
chính mình. Theo đó, đời sống vốn đã mặc định chia ngăn như vậy nên thời gian
trong ngày của chúng ta cũng theo đó mà phân chia: thời gian dành cho việc học,
dành cho việc ăn, dành cho việc tiếp khách, dành cho hành thiền. Với cách này,
chánh niệm tỉnh giác chỉ có thể có mặt trong lúc hành thiền mà thôi. Như vậy,
thời gian bị phân tán cho công việc thì nhiều và thời gian để cho chính mình
không còn bao nhiêu. Một cách thông minh cho người muốn có đời sống nội tâm an
tịnh là làm thế nào để tất cả thời gian trong ngày đều là thời gian của chính
mình, đều là thời gian để cho chúng ta sống tỉnh thức.
Để cuộc sống thêm phần phong phú về đời sống tâm linh với
nguồn nội tâm an tịnh, chúng ta cần ứng dụng phương pháp thiền tỉnh thức vào
trong đời sống thường ngày mới thực sự có nhiều lợi lạc. Nếu như ở thiền phòng,
ngồi im lặng theo dõi từng hơi thở để cho tâm tư được tĩnh lặng, tự chủ, an lạc
thì chúng ta cũng phải biết ứng dụng thiền một cách linh hoạt khi làm việc
trong nhà bếp hay lúc ở trong phòng làm việc, tâm của chúng ta cũng được tỉnh
thức như vậy. Làm sao đó để hiệu ứng lúc ngồi thiền được phát huy tác dụng cả
những lúc ta không ngồi thiền, cũng như cần nửa tiếng đồng hồ ăn bữa cơm là để
cung cấp năng lượng nuôi toàn cơ thể trong suốt thời gian dài sau đó khi thức
ăn đã chuyển hóa vào máu để nuôi cơ thể. Khi chúng ta ngồi thiền, sự chánh niệm
tỉnh giác, an lạc mà ta có trong một giờ phải được thấm nhuần và ảnh hưởng trong
suốt hai mươi bốn giờ chứ không phải chỉ trong lúc đang ngồi thiền. Chúng ta
phải thực tập để không còn thấy ranh giới giữa lúc ngồi thiền và không ngồi
thiền thì sự thiền tập mới thực sự mang lại lợi ích liên tục, lâu dài và bền
vững. Làm được điều này là biết nuôi dưỡng sự an tịnh của nội tâm.
Hãy tự nhắc ta mỗi ngày lời Ngài Dalai
Lama rằng, sự an bình trong nội tâm sẽ đưa đến nền hòa bình thế giới. Vì hạnh
phúc của nhiều người, vì sự hòa bình của thế giới ta sống, hãy thiết lập một
thế giới hòa bình, an tịnh bắt đầu từ trong tâm mình.