2. Tôn trọng chân lý
Thái
độ tôn trọng chân lý, tôn trọng sự thật được diễn tả bằng nhiều từ trong kinh
điển Pāli như tôn trọng, tôn kính, sùng kính, kính trọng, cung kính pháp. Pháp
ở đây là dùng để chỉ cho những chân lý vũ trụ, các quy luật vận hành khách
quan, không phụ thuộc vào tình cảm con người. Sự tôn trọng này có thể thực hiện
được khi chúng ta có trí tuệ để học và thấu hiểu nguyên lý duyên sinh hay tính
điều kiện trong nguyên lý nhân quả.
Thấu hiểu lý nhân quả, duyên
sinh và nghiệp và
dành cho nguyên lý này một sự tôn trọng để định vị mình trong thế giới duyên
sinh này để rồi định hướng cho thái độ, hành vi của mình trong cuộc sống. Đức
Phật không phải là người sáng tác ra các chân lý, Ngài chỉ khám phá ra sự vận
hành khách quan của chúng và bằng kinh nghiệm tự thân, Ngài khuyên dạy chúng ta
sống thuận theo chân lý để được an lạc, hạnh phúc. Trong kinh Tạp A Hàm, Phật
dạy: “Dù Như Lai có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, mọi sự vật hiện
tượng vẫn tồn tại, vận hành theo nguyên tắc duyên sinh. Khi những yếu tố, những
điều kiện mất đi thì mọi sự vật hiện tượng không tồn tại. Vạn pháp không nằm
ngoài nguyên lý: Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này
sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt”. Giáo pháp duyên khởi vô
cùng quan trọng trong giáo lý Phật giáo. Đức Phật từng tuyên bố “Ai thấy duyên khởi, người đó thấy
Pháp” (Đại kinh dụ dấu chân voi, Trung bộ
kinh số 28).
Học thuyết
nhân quả duyên sinh cho chúng ta biết mối liên quan hữu cơ giữa các pháp và
liên quan như thế nào. Công thức nhân quả, một cách đơn giản, nói rằng mỗi sát
na thời gian đều chứa đựng ba yếu tố: kết quả nghiệp quá khứ, hành động hiện
tại và kết quả tức thời của hành động hiện tại. Mặc dù nguyên lý này có vẻ đơn
giản, nhưng chuỗi hệ quả của nguyên lý này rất phức tạp. Mỗi một hành động (nghiệp)
chúng ta làm đều chịu ảnh hưởng, tàn dư của quá khứ, để lại ảnh hưởng trong
giây phút hiện tại và rồi âm hưởng ấy còn tác động ở tương lai. Tùy thuộc vào sự
chú tâm tác ý, cường độ của hành động, những âm hưởng ấy có thể gây ảnh hưởng
trong một thời gian dài hay ngắn khác nhau. Như vậy, mỗi một trải nghiệm có
điều kiện được định hình bởi các hậu quả kết hợp của các hành động quá khứ theo
dòng thời gian, cùng với hậu quả của các hành động trong hiện tại và tạo một
động lực định hướng về tương lai.
Nhiều người
lầm tưởng rằng nhân quả là một giáo lý dễ hiểu, cứ gieo nhân thế nào, ra quả
thế đó, có gì đâu khó hiểu. Thật ra, không phải dùng suy luận kiểu tuyến tính,
tất cả đều diễn ra trên một đường thẳng, một mặt phẳng mà có thể hiểu được nhân
quả. Cần phải đặt vào trong không gian đa chiều, trong suốt thời gian từ quá
khứ, đến hiện tại và tiếp đến tương lai với sự tác động của rất nhiều yếu tố có
tính chất khác nhau, cường độ khác nhau mà ta gọi là “duyên” vào hành động
(nghiệp) tạo tác, kết quả theo đó mà hình thành. Hoạt động của nhân-nghiệp- quả
diễn ra phi tuyến tính. Vậy nhân kết hợp với duyên mới cho ra quả, mà duyên thì
phức tạp vô cùng. Ví dụ đơn giản nhất để có thể từ đó hiểu hơn về nguyên lý
nhân quả. Không phải cứ đổ gạo (nhân) vào nồi, nổi lửa lên là có cơm (quả) đâu.
Có khi gạo thành cơm nếu vừa nước, vừa lửa. Gạo có thể thành cháo nếu duyên
nước và lửa khác đi và gạo cũng có thể thành một thứ sống sình không thành cơm thành
cháo, không ăn được nếu duyên nước và lửa khác hơn hai trường hợp trên. Như
vậy, trong tiến trình nhân quả, “duyên” là những yếu tố tác động, góp phần định
hình hành động cùng với chuỗi các kết quả mà hành động (nghiệp) đưa đến.
Nhân quả,
qua thời gian, để lại một số giới hạn nhất định trong mỗi sát sa. Hiện tại
không phải hoàn toàn là một tờ giấy trắng, vì một phần nó được quyết định bởi
các ảnh hưởng của quá khứ. Đức Phật từng dạy “ ta là kẻ thừa tự của nghiệp” (Tăng
chi bộ kinh, Chương V, phẩm VI, kinh số 57; Tăng chi bộ kinh, Chương V, phẩm
XVII, kinh số 161; Trung
bộ kinh, số 135; Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm XXI, kinh số 205) hoặc
: “Các chúng sanh là thừa
tự hạnh nghiệp (của mình)” (Kinh Hạnh con
chó, số 57 Trung bộ kinh). Cấu trúc cơ thể với ngoại hình
sai khác ở mỗi người, những tiềm năng
hoạt động của trí não, thể trạng sức khỏe, tính cách và bao nhiêu thứ gói ghém
nơi con người mình là “di sản” của quá khứ và hiện tại là sự tiếp nối và thừa
hưởng gia tài này để phát triển, phát huy các tiềm năng của con người trên cơ
sở của “di sản” quá khứ này. Một người có cấu trúc cơ thể 1,5 mét thì dùng mọi
cách cũng không thể thành người 1,7 mét được.
Tuy nhiên, không
phải mọi thứ đều do quá khứ quyết định theo nghĩa tiền định, mà những gì quá
khứ để lại cho ta trong chuỗi vận hành nhân quả đóng vai trò tiền đề, là “vốn
sẵn có” để làm nền tảng chúng ta khởi đầu trong kiếp sống này kiến tạo tiếp
cuộc sống của mình. Do đó, nhân quả trong hiện tại có chỗ cho sự tự do của tâm
ý và ở các bài kinh đã đề cập ở trên, Đức Phật nói “nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc,
nghiệp là điểm tựa”. Từ điểm tựa này, Đức Phật nhấn
mạnh đến vai trò của bản thân mỗi người trong hiện tại đối với vận mệnh của chính
mình rằng “ta là chủ nhân của nghiệp”. Trong bất cứ một giây phút nào, chúng ta
cũng có thể đưa dữ liệu mới vào trong quá trình vận hành của nhân quả và uyển chuyển
cuộc sống mình theo một hướng mới theo chủ tâm và chú tâm của mình. Thế nhưng, tự
do trong hiện tại ở đây không phải là vô hạn. Như đã lý giải ở trên, hiện tại
gắn liền với quá khứ và những gì mỗi người sẵn có trong hiện tại đều có giới
hạn từ tàn dư quá khứ. Ta không có nhiều không gian cho tự do ý chí đến mức
nhân quả trở nên tùy tiện, vì những gì ta đang thừa hưởng trong hiện tại là quả
của nhân trong quá khứ và tự do ý chí cũng chỉ có thể dao động trong một cái
ngưỡng nhất định. Mỗi một “cái này” khi đưa vào trong hệ thống nhân quả đều tạo
nên một “cái kia” tương ứng. Mọi sự kiện đều diễn ra theo các mô thức nhất định
trong phạm vi chúng ta có thể xử lý được.
Mối quan hệ
duyên sinh này / kia không phải là một quá trình tự do tùy tiện. Mỗi hành động
bất thiện này liên kết với tâm bất an kia và đưa đến kết quả
đau khổ; mỗi hành động thiện này liên kết với tâm bình an kia
và đưa đến kết quả hạnh phúc. Nguyên lý duyên sinh có quy luật vận hành của
nó, ta không thể xoay sự liên kết ấy để đưa đến những kết quả an vui khi liên
kết tâm bất an với hành động bất thiện. Ta cũng không thể sử dụng những gì mình
thích để tạo những mối liên kết mà mình cho là “duyên sinh” để xây một con
đường theo cách mình muốn nhằm thoát khỏi sự chi phối của nhân quả.
Nhìn công thức đơn giản “cái này có, cái kia có”, ngay
cả Ngài Ananda cũng ngỡ rằng nguyên lý này đơn giản, dễ hiểu, nên thưa với Đức
Phật rằng “Bạch Thế Tôn, giáo pháp Duyên khởi này
thâm thúy, thật sự thâm thúy, và giáo pháp này đối với con hết sức minh bạch rõ
ràng”, nhưng Đức Phật liền cảnh tỉnh rằng “Này Ananda, chớ có nói vậy! Này
Ananda, giáo pháp duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Chính vì không
giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như
một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja không
thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử” (Kinh Đại duyên, Trường bộ kinh, số 15).
Trên thực tế, tất cả giáo lý của đạo Phật được xây dựng trên nền tảng của
nguyên lý duyên sinh này. “Cái này” trong mối liên quan với “cái kia” theo công
thức “cái này có” thì “cái kia có” là nguyên lý chi phối tất cả các quy luật
vận hành khách quan. Vì có sinh ra trên cõi đời này, ắt có ngày chúng ta phải
từ giã nơi ta đến; có sanh, có diệt; có đến có đi, nhưng vì si mê chúng ta
không nhận diện được vô thường, không nhận diện được duyên sinh, nhân quả nên
phải chịu khổ đau. Chính vì vậy, Đức Phật dạy ở đoạn kinh trên rằng, chính vì
không thấu triệt tương quan nhân-duyên-quả mà con người không lường đến hậu quả
khi tác ý hành động nên không thể nào tránh khỏi khổ đau trong hiện tại và
tương lai.
Chỉ có
nghiệp – hành động có tác ý – là nhân tố đóng vai trò quyết định để làm nên
cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau cho chính mình trong cuộc sống này. Sự chủ tâm
tác ý là yếu tố được Đức Phật xác định như là điều kiện cần thiết để tạo thành
nghiệp (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm
VI, kinh số 63). Nội dung câu pháp cú 1 và 2 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng
của tác ý rằng “tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác, nếu nói hay làm với tâm
nhiễm ô, quả khổ đến ngay; nếu nói hay làm với tâm thanh tịnh, thì quả vui liền
đến”. Và bởi vì sự chủ tâm của mình, vốn được dắt dẫn bởi các quan điểm và đưa
dữ liệu mới vào hiện tại, có thể điều chỉnh kinh nghiệm của mình để tác động
đáng kể đến kết quả. Trong quá trình này, khả năng học và kỹ năng chú tâm của
chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt. Tỉnh giác nghĩa là có ý thức rõ ràng rằng
nếu chúng ta không cẩn trọng trong chủ tâm tác ý, chúng ta sẽ chịu khổ đau. Trên
cơ sở đó, chúng ta có thể thay đổi hành vi và đạt được kết quả từ những kỹ năng
cải thiện của mình, được biểu hiện ở trạng thái an lạc ngày càng nhiều hơn. Nếu
thật sự biết yêu mình, chúng ta phải chú
tâm thật nhiều và thật kỹ vào sự vận hành của thực tại và thuận theo đó mà hành
động. Không phải tất cả những gì chúng ta nghĩ hay cảm nhận đều đáng tôn trọng
cả đâu.
Đức Phật dạy
rằng, thay vì nhìn thực tại theo những gì mình thích, chúng ta nên điều chỉnh,
chuyển hướng những cái thích của mình ứng hợp với các quy luật khách quan để học
được nhiều nhất những gì có thể mà không phải khổ đau. Ví như thân này là vô
ngã, ta thấy là “có ngã” thì ta khổ, còn chuyển nhận thức sai lầm của mình để
thấu hiểu, thân này không có một cái ngã thực thể thì ta thong dong tự tại hơn
và dần tiến đến con đường giải thoát hoàn toàn. (Tương ưng bộ kinh, tập III, chương 1, Kinh Vô ngã tướng). Cách hiệu
quả nhất là chúng ta quan sát những hành động và kết quả của những hành động ấy
với thái độ vô cùng thận trọng và chân thành để tránh nhân gây khổ, tạo nhân đưa
đến an vui, hạnh phúc. Như vậy, chủ tâm tác ý, chú tâm tỉnh giác và luôn học
hỏi từ trải nghiệm thực tế là cách thể hiện sự tôn trọng nguyên lý nhân quả. Trên
cơ sở này, tôn trọng chân lý nhân quả, duyên sinh và tự tôn trọng chính mình có
mối liên hệ không thể tách rời, hỗ trợ nhau để tạo cuộc sống an lạc cho chính
mình. Lòng tự trọng phải gồm cả thái độ tôn trọng con đường đi của nhân quả, đã
tạo nhân thì chắc chắn sẽ có kết quả tương ứng và tôn trọng những phẩm giá cao
quý của một con người nơi mình để tạo dựng cuộc sống bình an, hạnh phúc, giải
thoát mọi ràng buộc.