Wednesday, October 1, 2014

TÔN TRỌNG THEO TINH THẦN ĐẠO PHẬT (Kỳ 1)


Tôn trọng là một thái độ sống và mỗi người, tùy theo văn hóa xã hội mà mỗi dân tộc có cách thể hiện lòng tôn trọng của mình một cách đặc trưng. Thế nhưng, tất cả đều có mẫu số chung: trân trọng những giá trị phẩm chất nhất định. Thông thường, khi nói đến tôn trọng, người ta thường nghĩ đó là thái độ mình tôn trọng phẩm giá người khác là đủ. Thế nhưng, một cách bao quát và toàn diện, tôn trọng cần thể hiện ở ba phương diện: tôn trọng chính mình, tôn trọng chân lý và và tôn trọng người khác. Bài viết này sẽ triển khai ba phương diện trên theo tinh thần đạo Phật.
1.    Tôn trọng chính mình
Tôn trọng chính mình hay còn gọi là tự trọng. Lòng tự trọng hình thành từ bé và phát triển trong suốt cuộc sống khi chúng ta hình thành trong đầu hình tượng về chính mình bằng những trải nghiệm với mọi người và hoạt động xung quanh chúng ta. Những trải nghiệm trong thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên lòng tự trọng. Khi lớn lên, thành công hay thất bại, ngay cả cách đối xử của gia đình, bạn bè, thầy cô đối với bạn… đều tác động trực tiếp và góp phần hình thành nên lòng tự trọng của mỗi người.


Theo từ điển Tiếng Việt thì tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình, là ý thức coi trọng giá trị bản thân. Việc coi mình có giá trị, biết giữ gìn danh dự, phẩm cách của mình là thái độ sống đúng đắn. Người có lòng tự trọng luôn biết điều chỉnh thái độ và hành vi ứng xử của mình, biết nên làm gì và không nên làm gì. Do đó, họ luôn là người có đạo đức, có tư tưởng nhân nghĩa, không bao giờ làm điều xấu, việc ác với đồng loại và môi trường thiên nhiên. Tự trọng là một bản chất tốt đẹp của con người.
Trong đạo Phật, lòng tự trọng được thể hiện qua các phương diện:


Trong cuộc sống, lòng tự trọng lại được biểu hiện ở sự nỗ lực của bản thân, tự làm lấy phần việc của mình mà không dựa dẫm, trông chờ người khác. Một công việc dù khó đến đâu nếu biết phát huy khả năng tự lực của mình, chúng ta sẽ hoàn thành, vượt qua; nhưng một công việc dù là dễ, nhỏ nhưng bản thân không có ý thức chủ động, không nỗ lực làm thì sẽ không bao giờ hoàn thành. Nếu ta tin rằng có một đấng tối thượng nào đó sẽ đem lại hạnh phúc cho mình, thì tự nhiên mình tôn trọng và kính quý đấng tối thượng ấy. Nếu ta nghĩ hạnh phúc là điều hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và nỗ lực của mình, thì ta sẽ dành cho ý chí và sự nỗ lực bản thân thái độ tôn trọng nhất. Nếu chúng ta quan niệm rằng hạnh phúc chân thật hoàn toàn không thể đạt được, hoàn toàn tiền định, hay hoàn toàn ngẫu nhiên, thì tôn trọng trở thành vấn đề không cần thiết, vì nó chẳng làm cho cuộc sống mình khác đi tí nào cả. Nhưng nếu ta xem hạnh phúc thật sự là điều có thể đạt được, và những nguyên nhân đưa đến trạng thái này mong manh, tùy thuộc và phụ thuộc vào thái độ sống, nhận thức và sự quyết tâm của mình, thì tự nhiên, chúng ta dành cho những yếu tố này sự trân quý và tôn trọng cần thiết để giữ chúng sung mãn và mạnh mẽ. Đức Phật nhiều lần khuyên nhắc rằng, “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” (Trung bộ kinh số 135: Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm VI, kinh số 57 : Sự kiên cần phải quán ; Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm XVII, kinh số 161: Trừ khử hiềm hận). Chính vì vậy, trước khi giã từ cuộc đời, Đức Phật ân cần di chúc cho chư đệ tử Ngài là “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác”(Đại bát Niết bàn, Trường bộ kinh, số 16).

Tự trọng còn thể hiện ở kỹ năng làm chủ mình. Chúng ta là chủ nhân kiến tạo cuộc đời mình, do vậy, đừng giao phó cho ai thay mình quyết định cuộc sống. Tương tự như vậy, ta làm chủ thái độ sống, làm chủ cảm xúc của mình, đừng để lời khen tiếng chê của người khác chi phối. Chúng ta phải học theo hạnh của đất, phải tập chịu đựng, phải làm chủ bản thân mình từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, để rồi dần dần hình thành thói quen biết chịu đựng, biết làm chủ trước mọi khen chê, vinh nhục của cuộc sống. Tám ngọn gió đời, gồm lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, chỉ trích và tán thán, an lạc và đau khổ, luôn chực cuốn chúng ta, nếu chúng ta không kiên cường thì sẽ dễ bị quật ngã và thậm chí cuốn theo những cơn lốc xoáy này. (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Tám Pháp, Phẩm Từ, Kinh số 5: Tùy Chuyển Thế Giới). Người nào có khả năng chế ngữ tâm mình, người ấy có thể đoạn tận khổ đau (Tương ưng bộ kinh, Tập I, chương I, phẩm 2, phần 4: chế ngự tâm). Biết nói “không” với các pháp ác, giữ tâm thanh tịnh, không tham, không sân, không si là người biết phát huy sức mạnh nội tâm để có được sự tự trọng. Có niềm tin thanh tịnh vào tam bảo, có tâm hổ thẹn khi thân, miệng, ý làm ác, có lòng sợ hãi với người khi thân, miệng, ý làm ác, sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, phát triển trí tuệ giải thoát là năm sức mạnh để bảo hộ lòng tự trọng của mình. (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm I)

Tự trọng là tôn trọng tâm chân thật của mình dù phải trải qua thử thách, khó khăn. Người tự trọng là người trung thực, trước hết là trung thực với chính bản thân mình. Người tự trọng luôn kiên trì với những chuẩn mực đạo đức, những giá trị và nguyên tắc xã hội. Tự điều phục tâm, không buông mình theo bản năng, vượt thắng những nhu cầu tầm thường là cách bảo hộ lòng tự trọng của chính mình. Mỗi lần chiến thắng được bản thân để giữ vững phẩm giá và nhân cách là một lần nâng cao lòng tự trọng của mình. Đức Phật dạy:
 “Tự thắng , tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự”. (Pháp Cú 104) 

Nhắc đến lòng tự trọng ở phương diện này, ta liên tưởng ngay đến Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Chúng ta ấn tượng một Lão Hạc khắc khổ, nghèo túng, nhưng có một bản chất tốt đẹp, có lương tâm trong sáng và đó là biểu hiện của người có lòng tự trọng cao. Vì tự trọng, lão không muốn nhận sự trợ giúp từ phía ông giáo. Cũng vì lòng tự trọng cao đẹp mà khi bán con chó ông đau khổ, dằn vặt, “những nếp nhăn ép lại với nhau xô cho nước mắt chảy ra” và tự trách bản thân tại sao con Vàng nó tin ông, quý ông thế mà ông lại đối xử với nó một cách lừa dối như thế, tại sao cả một con vật vô tội gần gũi với mình và mình cũng hết lòng thương yêu mà ông cũng nỡ bán đi? Người biết tự trọng là không làm tổn thương cái tâm chân thật trong sáng của mình.

Tự trọng là biết sử dụng cuộc sống mình một cách có ý nghĩa. Ai cũng chỉ có một đời để sống trong kiếp làm người này, do vậy, người nào biết sử dụng thời gian, tuổi trẻ, năng lượng sống của mình hợp lý để cuộc sống trở nên ý nghĩa là người có lòng tự trọng cao. Đức Phật đưa ra một hình ảnh so sánh rằng, làm được thân người khó hơn cả việc một con rùa mù ở đáy biển, một trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần, mà có thể tìm được lỗ hổng trên khúc gỗ trôi dạt trên biển mà chui vào (Tương ưng bộ kinh, chương XII, phẩm V, kinh 47: Lỗ khóa). Đức Phật cũng nhắc nhở để mỗi người ý thức được sự quý báu, hy hữu khi có được thân người mà không uổng phí những gì mình có trong kiếp sống này để thực hành thiện pháp, tu tập thiện đạo. Ngài nói rằng, con người sau khi bỏ thân này, được trở lại làm người rất ít, mà bị đọa lạc vào các cảnh giới khổ đau rất nhiều. Người được tái sanh làm người trở lại so với người bị đọa vào cảnh giới khổ ví  như đất dính trong móng tay so với đất của quả địa cầu. (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm XI; Tăng chi bộ kinh, Chương I, phẩm 19, mục 18-20).  

Cuộc sống không đủ dài cho chúng ta phung phí những đặc tính ưu việt của kiếp người. Tuổi trẻ rồi sẽ chóng quá đi, nếu không biết sử dụng cuộc sống một cách khôn ngoan, về già, con người thường hối hận, tiếc nuối. Kinh Pháp cú dạy “Lúc trẻ, không phạm hạnh, Không tìm kiếm bạc tiền. Như cò già bên ao, Ủ rũ, không tôm cá” (Kệ số 156). Trong một bài kinh khác, Ngài cảnh tỉnh mọi người hãy sớm quay về sống đời thiện lành, kẻo không kịp “ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài người  ở đời này, rồi phải đi trong tương lai. Hãy làm điều lành. Hãy sống phạm hạnh. Không có gì sinh ra lại không bị tử vong. Người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.” (Tương Ưng Bộ I, chương IV, phẩm 1, phần Tuổi thọ)

Tự trọng là biết sanh tâm tàm (hổ với chính mình)  và sanh tâm quý (thẹn với người) khi mắc phải lỗi lầm. Đức Phật gọi hổ (với mình) và thẹn (với người) là hai pháp trắng hộ trì thế gian. Nếu không có hai pháp này thì người chẳng khác nào loài cầm thú (Tăng Chi Bộ I, chương II, Phẩm I). Người có tàm, lương tâm luôn bị cắn rứt, áy náy khi làm điều lầm lỗi. Người có quý thì sợ hãi mọi người biết tội lỗi của mình. Nhờ hai tâm sở thiện tàm và quý mà chúng ta biết đắn đo, chùn tay, kịp dừng lại trước sự u mê của tâm trí và sai khiến của dục vọng thế gian. Cũng nhờ đó mà bản thân ta được bảo hộ, thế gian được bảo hộ, chuẩn mực đạo đức được duy trì, sống xứng đáng là con người. Ở một bài kinh khác, Đức Phật dạy, người có tàm và quý sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh về cảnh giới chư thiên tương xứng.  Người không thực hành tàm và quý, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục (Tăng Chi Bộ I, chương II, Phẩm XVI)

Ngài nghiêm  khắc dạy Rahula rằng “này Rahula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm” (Kinh giáo giới Rahula ở rừng Ambala, Trung bộ kinh, số 61). Người có tàm và quý được gọi là “người chơn chánh đầy đủ Chánh pháp” (Tiểu kinh Mãn nguyệt, số 110 Trung bộ kinh). Tàm và quý là pháp nên hành trì để cho các thiện pháp tăng trưởng (Kinh Nên hành trì không nên hành trì, số 114 Trung bộ kinh) và là sức mạnh của người thực hành chánh pháp (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm I). Người có tàm quý thường sống với chánh niệm, có khả năng đoạn tận khổ đau và mỗi bước chân trên đường đời đều thăng bằng, vững chãi dù đường đời không bằng phẳng (Tương ưng bộ kinh, chương I, phẩm II, phần 8: Tàm quý).

Lòng tự trọng còn thể hiện ở kỹ năng vô hiệu hóa tác động tiêu cực của ngoại cảnh. Để những yếu tố bên ngoài làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm mình là cách mình tự làm tổn thương lòng tự trọng của bản thân, ngăn cản sự phát triển của các tâm thiện lành, làm cho con đường thực hành pháp của mình trở nên nhọc nhằn hơn. Nếu những yếu tố của môi trường bên ngoài không thể tiếp sức cho ta trên con đường hành trì, phải biết cách tách chúng ra khỏi từ trường tương tác với tâm mình một cách có nghệ thuật. Bàng bạc trong các bài kinh, Đức Phật dạy chúng ta các phương pháp cách ly này, nếu ai thực hành, nó trở thành rất nhiệm màu, kết quả tức thì trong hiện tại. Đức Phật từng tán thán khi Ngài Xá Lợi Phất chia sẻ kinh nghiệm tu tập của Ngài rằng “Ví như, bạch Thế Tôn,  trên đất, người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ bất tịnh, quăng phẩn uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không xấu hổ, hay không nhàm chán. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như đất, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân.” (Tăng chi bộ kinh, chương IX, phẩm II, kinh số 11: Sau khi an cư).  

Với phương pháp tu như đất, dù ai có chọc giận mình, ta cũng nhắc mình chánh niệm tỉnh giác để giữ tâm như đất. Một cách ứng xử rất khôn ngoan Đức Phật dạy chúng ta qua sự diễn tả rất sinh động với hình ảnh một người mang quà cho người khác, bị từ chối, thì buộc phải đem về thôi. Ngài nói với người phỉ báng Ngài và tăng đoàn rằng “ ông phỉ báng chúng tôi là người không phỉ báng; nhiếc mắng chúng tôi là người không nhiếc mắng; gây lộn với chúng tôi là người không gây lộn; chúng tôi không thâu nhận sự việc ấy từ ông, thời sự việc ấy về lại ông. Ví như ông đem quà cho người, người không nhận, quà trở về ông. (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương VII, phẩm 1). Với cách ứng xử này, không ai có thể khiêu khích chúng ta bằng lời nói hay hành động được. Cần nhớ ta tạo nghiệp lành dữ, quả báo tương ứng về ta, đừng vì các duyên bên ngoài mà tự đánh mất giá trị bản thân, làm tổn thương lòng tự trọng, uổng phí một kiếp người.

Ngài dạy, người có hành động dễ thương, lời nói và tâm ý không dễ thương, ta xem như miếng vải dơ trong đống rác, lượm về, giặt sạch, tận dụng được. Người có lời nói dễ thương, hành động và tâm ý không dễ thương: như hồ nước có rong rêu bao phủ, ta gạt rong rêu để lấy nước dùng. Người có hành động và lời nói không dễ thương, thi thoảng thấy biểu hiện của tâm ý dễ thương: như chút nước còn đọng lại trong dấu chân trâu, ta tiếp cận nhẹ nhàng để uống được chút nước ít ỏi đó. Người có hành động, lời nói và tâm ý hành không dễ thương, ví như người mệt lả sắp xỉu giữa đường vắng và ta là người duy nhất đi trên đường ấy, ta phải có bổn phận giúp. Người có hành động, lời nói và tâm ý dễ thương, chẳng khác nào hồ nước trong mát, có cây xanh bao phủ: ta nên thưởng thức mà không có ganh tỵ. (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm XVII, kinh số 162: kinh Trừ khử hiềm hận).  

Trong cuộc sống, điều cốt yếu là ta biết giữ tâm, giữ thân, giữ lời nói cho thanh tịnh, không làm tổn thương tâm mình, không làm đau khổ người khác, trải lòng thương yêu bao trùm tất cả, chứ không phải hơn thua nhau từng câu nói với người rồi sanh tâm hiềm hận gây oan trái với nhau. Trong một bài kinh, Đức Phật dạy rất chí lý rằng, với tất cả những hạng người ở đời, ai cũng có cái để mình thương mà không khởi tâm phiền giận. Bằng cách này, ta có thể nuôi dưỡng được tâm từ bi, chất liệu cốt lõi của cuộc sống, nuôi dưỡng lòng tự trọng và nuôi dưỡng được các mối quan hệ tình người.