Thursday, October 30, 2014

NGƯỜI PHẬT TỬ DẠY CON NHỮNG GÌ


Chưa bao giờ nhân loại lại phải đương đầu với lắm tệ nạn xã hội, và hiện trạng phức tạp như ngày nay. Không biết bao nhiêu cảnh tượng đau lòng khủng khiếp, xấu xa bại hoại diễn ra hằng ngày trong và ngoài nước mà chúng ta hoặc chứng kiến hoặc được báo chí truyền hình truyền tin đăng tải. Nào là chiến tranh khủng bố, nào là giết người cướp của ngay cả đối với người thân, nào là xì ke ma túy, nào là hiếp dâm giết người giấu xác… Trong một xã hội ngày càng nhiều bạo hành, đạo đức băng hoại khủng khiếp như vậy, cha mẹ nào cũng thấy bất an khi cho con hòa nhập vào môi trường xã hội, nhưng cũng không thể giữ con ở mãi trong nhà. Nỗi lo lắng càng tăng lên gấp bội đối với nhiều cha mẹ phật tử biết hướng về con đường đạo đức thuần lương, không muốn con em mình bị tác động tiêu cực từ bên ngoài mà trở nên hư hỏng.
Không chỉ lạy Phật kính tăng
Với đại đa số tín đồ Phật giáo châu Á, cụ thể là Việt Nam, tu là biết ăn chay, là biết đến chùa lễ lạy, cầu nguyện cho gia đình bình an, hạnh phúc, làm công quả tạo phước, tham gia các công tác từ thiện do chùa khởi xướng, như vậy là mẫu mực lắm rồi. Thế là những phụ huynh phật tử có khuynh hướng dẫn dắt con mình theo cách tương tự để lấp kín nỗi lo con hư. Những biểu hiện thường thấy ở người phật tử Việt Nam là đưa con em mình đến chùa, lạy Phật, chắp tay cung kính khi gặp những vị thầy tâm linh là những tăng ni và tạo điều kiện để con em mình tiếp cận môi trường chùa chiền. Thế nhưng, với cách này, tác dụng giáo dục trẻ rất hạn chế và không bền, Cụ thể, có thể các em không thể duy trì thói quen đến chùa khi lớn hơn một tí, khi các mối quan hệ xã hội trở nên rộng hơn. Vả lại, các em có thể trở thành người ngoan, lễ phép với mọi người, chứ không được trang bị kỹ năng để trở nên tự chủ, tự lập để có thể giữ tâm an tịnh và nhất là đủ bản lĩnh để sống đương đầu với thử thách mà không bị sự chi phối, lôi kéo của những tác động không tốt từ môi trường bên ngoài.
Liệu hành thiền là một giải pháp?
Muốn con em mình có được những kỹ năng để có thể miễn nhiễm với các tác động xấu từ môi trường xã hội, các bậc phụ huynh cần dạy các em cách nhìn vào bên trong tâm mình, phát triển những đức hạnh thiện, rèn luyện kỹ năng sống tự lập, tự chủ để đạt đến sự tự do, không lệ thuộc vào cảm xúc bản năng. Trẻ em được giáo dục bồi dưỡng những đức tính tốt đẹp ngay từ nhỏ, rèn luyện những kỹ năng tự chủ, độc lập ngay từ bé thì sẽ không lạc lối khi đi vào khu rừng mà ta gọi là “cuộc sống”. Những kỹ năng này có thể thành tựu thông qua con đường thực hành thiền, một phương pháp trau luyện nội tâm rất độc đáo của Phật giáo. Thiền là một phương pháp thực hành tâm rất phù hợp với khoa học, giúp con người sống điềm tĩnh hơn, sáng suốt hơn, bình an hơn, hiểu mình hơn và quan trọng nhất là làm chủ được mình trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Thiền có nguồn gốc từ Phật giáo, nhưng không chỉ có người theo đạo Phật mới thực hành thiền. Khắp nơi trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, màu da, ngày càng có nhiều người thực hành thiền vì thiền đem lại cho người hành trì nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống.
Với nhịp sống hối hả trong xã hội hiện đại, mọi thứ vụt trôi qua một cách vô nghĩa, cuộc đời trở nên tẻ nhạt và thiếu ý nghĩa. Chính thiền giúp cho con người sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống sâu hơn, để có cơ hội gần gũi, chăm sóc, quan tâm đến người bên ta, quanh ta hơn. Thiền giúp người thực hành phát huy sự can đảm để đối phó với sự khó khăn. Đó cũng là cách tập luyện tâm linh, trau giồi ý chí vững chãi, bản lĩnh đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Thiền giúp người hành trì phát huy sức mạnh để chuyển hóa những tâm lý tiêu cực làm cho con người bất an, đem lại hạnh phúc chân thật.
Chính những lợi ích này tạo nguồn cảm hứng cho những bậc phụ huynh muốn con em mình cũng được hướng dẫn tu tập thiền để có được những lợi ích như bản thân họ. Tuy nhiên, họ rất lúng túng không biết dạy thiền cho con bằng cách nào, vì ngay cả với người lớn, thực hành thiền còn là một vấn đề khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực và kiên trì. Yếu tố quan trọng nhất trong hành thiền là chú tâm và kiên nhẫn, trầm tĩnh và yên lặng, lại không mấy phù hợp với trẻ em vốn hiếu động, khả năng chú tâm không cao, nhanh chán, và khó có thể chịu ngồi yên. Thế là họ nghĩ đến việc nhờ các chuyên gia hiểu tâm lý trẻ, nắm vững các nguyên tắc và kỹ thuật hành thiền để nhờ hướng dẫn con em họ thực hành thiền.
Cha mẹ hành thiền trước, con tiếp bước theo sau
Ở các nước phương tây, nhiều trung tâm thiền tổ chức các khóa thực hành thiền dành cho trẻ em, nhưng ở nước ta, mô hình này chưa phát triển thành hệ thống và quy củ. Một số nơi bắt đầu mở khóa thiền dành cho trẻ, nhưng cũng chỉ mang tính tự phát ở phạm vi nhỏ lẻ mà thôi. Mô hình này sẽ trở nên phổ biến hơn khi các bậc phụ huynh thuần thục hơn để cảm nhận rõ ràng lợi ích của thiền trong cuộc sống. Do vậy, trước  khi tổ chức các khóa thiền tập cho các em, nên tổ chức thường xuyên các khóa thực hành thiền cho phụ huynh phật tử. Khi sự hành thiền trở thành hoạt động không thể thiếu của người phật tử tại gia, con em của những gia đình phật tử dễ dàng tiếp nhận cách thực hành này. Khi giới xuất gia tổ chức các khóa thiền dành cho các em, sẽ có một sự hậu thuẫn lớn từ phía phụ huynh phật tử và với cách tổ chức có nền tảng vững chắc như vậy, khả năng thành công là điều có thể nghĩ tới. Lợi ích lâu dài hơn là khi trở về với môi trường gia đình, sự thực hành của cha mẹ tạo môi trường nhắc nhở các em tiếp tục thực hành.
Với lý do trên, đối với các bậc phụ huynh phật tử muốn dần đưa con em mình vào nếp sống tỉnh thức của thiền, trước hết, bản thân mình phải thực hành thiền. Với người trưởng thành, chọn lựa một điều gì đó đưa đến kết quả tốt cho mình, dù lúc đầu, công việc này không mấy thú vị, ta vẫn có thể làm được khi nghĩ đến kết quả tốt tương ứng. Thiền là một hoạt động như thế. Lúc đầu mới thực  hành thiền, không ai có thể thích ngay khi phải xếp chân ngồi yên trong tư thế xếp bằng hoa sen, chú âm vào hơi thở. Thế nhưng, vượt qua những trở ngại ban đầu, dần cảm nhận được lợi ích từ việc hành thiền, hành giả có thể bắt đầu thích và duy trì sự hành trì này như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nếu ai đi trên con đường thực hành đến chặng này rồi thì có quyền tin tưởng sẽ có khả năng đưa con em mình vào mạch sống thiền cùng mình nếu biết cách.
Khi hành thiền trở thành một phần cuộc sống của người phật tử, nghĩa là người ấy dành một khoảng thời gian cố định  nào đó trong ngày để ngồi lại, vận dụng các kỹ thuật đã được học qua các khóa thiền, duy trì thực hành để giữ tâm chánh niệm. Quan trọng hơn, họ biết cách ứng dụng cách sống tỉnh thức ngày một nhiều hơn vào các hoạt động thường ngày của mình. Đây là một kỹ năng đòi hỏi nhiều nỗ lực, kiên trì và chuyên cần từ người thực hành. Đây không phải lý thuyết suông mà phải là một thực tế sinh động, thì việc hướng dẫn con cháu dần đi vào quỹ đạo của nếp sống thiền không hề khó khăn tí nào nhờ hiệu ứng của tâm lý lây lan. Thói quen này dần “lây lan” sang những thành viên trong gia đình, trong đó có con em chúng ta. Chúng sẽ bắt chước một cách vô thức cũng như ý thức, như một thói quen tốt, đánh răng trước khi ngủ, hay để đồ dùng gọn gàng đúng nơi quy định chẳng hạn, sẽ được học tập lẫn nhau giữa những thành viên trong gia đình một cách tự nhiên.
Dần đưa trẻ em vào môi trường thực hành
Không chỉ con người mà động vật cấp cao như khỉ, vượn đều có khả năng học qua phương cách bắt chước. Nhiều nhà tâm lý học thực hiện các thí nghiệm đều tán đồng quan điểm này. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cảm nhận được chức năng của bắt chước trong quá trình học. Đó là sự trao truyền kinh nghiệm từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các nghề truyền thống cha truyền con nối, các công thức chế biến sản phẩm nào đó mang tính gia truyền đều là sự dạy và học thông qua kinh nghiệm trực tiếp của bắt chước. Trong xã hội, vẫn còn nhiều nghề truyền nhau thuần túy là quan sát, bắt chước, thử việc và rút dần kinh nghiệm trong quá trình bắt chước ấy. Phương pháp này khá “dân gian”, mộc mạc nhưng hiệu quả lại cao, vì quá trình học diễn ra thường xuyên và tự nhiên, trong đó, người dạy và học cùng chia sẻ một môi trường sống chung, có nhiều thời gian tiếp xúc cùng nhau. Gia đình là môi trường thuận lợi nhất để quá trình học thông qua con đường bắt chước diễn ra. Do vậy, đây cũng chính là môi trường lý tưởng để người phật tử tập cho con em mình thực hành thiền. Tập như thế nào cho con em mình, đây là vấn đề đòi hỏi tình thương yêu, sự hy sinh, kiên nhẫn và thường xuyên của các bậc phụ huynh.
Từng bước, từng bước một, không nóng vội
Nên chọn thời điểm ngồi thiền khi có con em mình ở nhà. Đừng bao giờ ép con cùng ngồi với mình khi chúng chưa sẵn lòng. Nên nhớ là đừng bao giờ ép buộc, vì đây là một cách bạo lực phản khoa học và phản giáo dục. Chỉ cần cho con biết, trong lúc mẹ (hoặc cha) đang ngồi thiền, nếu có thể, con giúp mẹ (hoặc cha) giữ yên lặng, không cười nói lớn tiếng, không chạy nhảy gây ồn ào, không mở nhạc. Chỉ cần các em cộng tác với mình trong việc này, chúng ta đã có một khởi sự khá suông sẻ rồi đó. Thường là các em vì thương và tôn trọng cha mẹ mình, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này. Lúc đầu có thể miễn cưỡng, làm mà không cảm thấy thoải mái lắm, nhưng dần dần các em sẽ quen với môi trường yên lặng trong ngôi nhà mình ở một khoảng thời gian nhất định nào đó trong ngày, quen xong sẽ dần đến thích môi trường yên tĩnh ấy. Có khi các em lại ngồi yên bên cạnh mình, đừng lấy điều này làm phiền mà ngược lại, nên vui. Các bậc phụ huynh nên nhớ mục đích của mình lúc này là dần tập cho con thích thực hành thiền, chứ không phải chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình. Ngồi lát thì chán, có thể các em đứng dậy bỏ đi. Có khi muốn tạo sự chú ý cho mình, bé vùi đầu vào mình như một cách giao tiếp, vì lúc nào chúng ta không nói chuyện, kênh giao tiếp bằng ngôn ngữ đóng, chuyển qua giao tiếp bằng cử chỉ là điều tất yếu. Ta không nên phản ứng theo kiểu bị làm phiền, mà nhẹ nhàng lấy tay xoa đầu bé, tạo cảm giác nhẹ nhàng, an ổn và ấm áp. Nhiều lần như vậy, các em sẽ có thói quen đến ngồi cùng, bắt chước tư thế xếp chân, ngồi thẳng, lim dim mắt như thể đang thực hành thiền rất nghiêm túc. Đến lúc này, các em bắt đầu thích rồi đó.
Với con em lớn tuổi hơn một tí, cha mẹ có thể khuyến khích con cùng ngồi yên với mình. Thời gian thực tập khi mới bắt đầu chừng 5 phút là hợp lý, sau đó dần tăng, nhưng không quá 10 phút, vì trẻ em thường không thể ngồi yên nếu không qua tập luyện. Khi các em dần quen với việc ngồi yên mà không chạy nhảy, không hò hét, không nghe nhạc, chúng ta dần đưa các em đến một giai đoạn thực hành mới tiếp theo.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và ghi nhận rằng, khi một người đang thực hành thiền, những sóng âm êm dịu, mát mẻ, nhẹ nhàng phát ra từ người ấy lan tỏa trong môi trường xung quanh và có ảnh hưởng tích cực đến con người và cảnh vật nằm trong vùng từ trường ấy. Một đứa bé ngồi yên bên cạnh một người mẹ (hoặc cha) đang hành thiền có sóng não dao động hoàn toàn khác với khi em đang nằm ngủ, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận điều này. Không chỉ con người, ngay cả con vật, cây cỏ lá hoa đều nhận được sóng từ trường tích cực này khi ta đang hành thiền. Hiểu được điều này, cha mẹ không nên nóng vội muốn con em mình thực hành thiền ngay như mình đang làm, mà cứ thường xuyên, kiên trì thực hành phần mình, song song với việc dắt dẫn các em một cách nhẹ nhàng, tự nhiên trên tinh thần khơi dậy sự tự nguyện của các em là chính.
Tập cho trẻ em sống với hiện tại
Đến thời điểm này, chúng ta có thể tạo cơ hội cho con em mình bắt đầu hành trình khám phá nội tâm của mình để nhận ra những tiềm năng vốn có và học các nguyên tắc phát huy chúng thành những kỹ năng để sống tự chủ, tự tại trong cuộc sống. Sự thực hành tâm linh nếu được bắt đầu ở lứa tuổi còn bé, sẽ là nền tảng vững chắc cho cá nhân ấy trên con đường thực hành lâu dài và lợi ích của việc hành trì sẽ được tích lũy ngày một thêm nhiều. Tất cả các kỹ năng của con người, từ vận động cơ thể, đến tinh thần, rồi tâm linh đều phải rèn luyện, đi từ thô đến điêu luyện, đi từ cạn đến sâu, và hành thiền cũng cần trải qua một hành trình như vậy, trong đó, kiên trì rèn luyện là điều kiện tiên quyết. Chúng ta nên dạy cho trẻ em luyện kỹ năng tỉnh thức một cách linh hoạt  chứ không thể áp dụng cách chú tâm vào đề mục thiền quán nào đó, như hơi thở chẳng hạn, vì sự tự ý thức của trẻ em còn nhiều hạn chế hơn so với người trưởng thành. Chúng ta có thể ứng dụng các tình huống hằng ngày để làm bài học cho các em, mà tình huống trong cuộc sống thì phong phú vô cùng, đơn cử vài trường hợp:
Quan sát và ghi nhận: Khi có dịp ngồi chơi ngoài vườn cùng với con em mình, chúng ta có thể rủ các em cùng tham gia trò chơi: lắng nghe. Nhắm mắt lại, trong vòng 3 phút chẳng hạn (thời gian ngắn dài tùy mình), lắng nghe những âm thanh quanh ta. Hãy ghi nhận và phân biệt các loại âm thanh ấy. Một hôm, vòi nước trong nhà mình bị gỉ chảy từng giọt mà chưa kịp gọi thợ đến sửa, ta đặt chiếc xô để hứng nước và bảo bé nhắm mắt lắng nghe, thử đếm trong một thời lượng nhất định nào đó (1 hoặc 2 phút chẳng hạn) có bao nhiêu giọt nước nhỏ vào xô… bất cứ tình huống thực tế nào cũng có thể biến thành bài thực tập sinh động cho con em mình nếu chúng ta biết tận dụng những cơ hội này. Tập cho các em quan sát trong một không gian và thời gian giới hạn nào đó để trau luyện kỹ năng chú tâm và tỉnh giác. Ví dụ sắp xếp góc học tập của bé, cho bé quan sát, sau đó thay đổi và yêu cầu bé xếp lại góc học tập như cũ.
Học, chơi và thực hành: Có một cuốn sách thật tuyệt vời về hướng dẫn thiền cho trẻ em từ 4 đến 9 tuổi mà tôi may mắn được đọc ở một thư viện trường tiểu học Ấn Độ với tựa đề “Peaceful Piggy thật hấp dẫn. Bạn có thể xem qua vài trang (link đây). Với cách kể chuyện rất lôi cuốn của Kerry Lee MacLean và hình minh họa rất sinh động, Kerry MacLean dẫn dắt người đọc sẵn lòng làm theo những gì gợi ý, hướng dẫn đơn giản mà hấp dẫn qua các câu chuyện và khi làm theo sự hướng dẫn nghĩa là đang thực hành thiền. Ví dụ trong một câu chuyện, chúng ta được hướng dẫn lấy một cái lọ thủy tinh, để vào đó ít cát. Tiếp theo, đổ nước ngập. Lắc mạnh chiếc lọ theo hướng xoay tròn, những hạt cát bắt đầu chạy vòng theo. Nói cho trẻ em biết, mỗi hạt cát tượng trưng cho một ý nghĩ và các ý nghĩ chúng ta trong đầu cũng chạy vòng quanh như vậy đó. Đó có thể là một ý nghĩ hạnh phúc, một ý nghĩ buồn, một ý nghĩ giận dữ. Các ý tưởng cứ thế chạy vòng quanh trong đầu suốt ngày, làm cho cái đầu chúng ta bấn loạn, như lọ nước đang đục ngầu vì sự khuấy động của những hạt cát. Thế nhưng để lắng lại thì những hạt cát không còn chạy lăng xăng nữa, nước trở nên trong hơn. Cũng như vậy, khi lắng dịu các ý nghĩ, chúng không còn chạy điên cuồng trong đầu mình nữa. Sự an tịnh và bình an đã ngự trị. Trên cơ sở này, chúng ta giải thích ảnh hưởng tích cực của thiền đối với bộ não. Rất đơn giản và ấn tượng. Tôi từng kể cho trẻ em nghe và chúng rất thích. Nếu không có điều kiện thực hành thực tế với lọ, cát và, chúng ta có thể mô tả, hầu hết các em hình dung ra và hiểu vấn đề dễ dàng, tỏ vẻ thích thú lắm.
Tập chú tâm vào hơi thở và ghi nhận các cảm thọ. Chúng ta cần khuyến khích các em mô tả lại các cảm thọ của mình khi trải nghiệm qua các trạng thái tâm lý vui, buồn, giận, lo lắng và sợ hãi mà các em còn nhớ được. Bên cạnh đó, hướng dẫn để các em ghi nhận những cảm thọ trong hiện tại. Ghi nhận cảm thọ là một phần thực hành căn bản của thiền tỉnh thức, do vậy, tập dần cho các em có thói quen chú tâm, quan sát và ghi nhận các cảm thọ của mình. Đừng nghĩ rằng các em còn nhỏ và không thể cảm nhận hoặc mô tả các cảm thọ của mình. Có thể những cảm xúc vi tế các em chưa nhận ra được, cũng giống như bất kỳ người nào mới tập thực hành thiền đều như vậy cả. Tuy nhiên, những cảm xúc rõ ràng, cụ thể, đặc trưng cho các cảm xúc, ví dụ cảm giác vui mừng, hồi hộp, phấn khích, tò mò…khi được cha mẹ tổ chức cho cả gia đình chuyến đi chơi xa đến nơi em chưa từng biết, cảm giác khi có người thân trong gia đình bị bệnh, cảm giác khi bị bạn bè trên lớp chọc ghẹo…
Đối với các em lớn tuổi hơn tí, sự căng thẳng, lo lắng, áp lực phần lớn đến từ các bài kiểm tra, kết quả học tập, các kỳ thi, cách đối xử của thầy cô giáo và bạn bè… nên việc hướng dẫn các em tập tĩnh tâm, chú tâm vào hiện tại sẽ giúp các em giải tỏa những căng thẳng, lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Thiền sẽ giúp các em làm lắng dịu những cảm giác hỗn độn làm choáng ngợp và đưa chúng về trạng thái an tĩnh hơn. Với những tác động mạnh mẽ của các yếu tố bên ngoài, cac em sẽ có kỹ năng quán sát, ghi nhận mà không để các yếu tố này lôi đi, nhấn chìm mình là một món quá vô giá của thiền vậy. Với lứa tuổi học sinh cấp I, II chúng ta có thể hướng dẫn các em ngồi xếp chân, nhắm mắt, giữ yên lặng trong một khoảng thời gian nhất định, chừng 10 đến 15 phút, buông thư toàn thân, hít thở đều, sâu và chậm, đồng thời chú tâm vào hơi thở. Với các em nhỏ hơn, thật khó cho các em có thể ngồi yên một chỗ chừng vài phút, nên bước đầu, chỉ tập cho các em có thể ngồi yên, nhắm mắt trong vài phút, tối đa là 5 phút thôi. Bố trí sự thực tập như là một trò chơi để các em có hứng thú mà không nhàm chán. Tuy nhiên, thông qua cách tổ chức trò chơi, tập các em chú tâm quan sát, ghi nhận, cảm nhận cảm thọ, tạng thái tâm mình trong cái “động” hơn là trong cái “tĩnh” vì như thế sẽ phù hợp với độ tuổi của các em hơn.
Thiền trong lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ và cả trong cách nghĩ
Thiền có thể xem như một phần giáo dục tâm linh, là cách hướng dẫn người học phương pháp sống tỉnh thức trong cuộc sống. Ý thức, quản lý và điều chỉnh các hoạt động hằng ngày qua các phương diện hành động, lời nói và ý nghĩ là thực tập thiền thường xuyên nhất và nếu áp dụng thành công, thì đây là cách hiểu quả nhất nhờ vào tính liên tục và thường xuyên trong thực hành. Bởi lẽ con người thể hiện mình qua ba cửa ngõ: hành động, lời nói và ý nghĩ. Cả ba phương diện này đều được đặt dưới tầm kiểm soát của chú tâm, của tỉnh giác thì mỗi cá nhân đều có khả năng làm chủ mình và có khả năng khám phá tầng sâu tâm thức, đồng thời kích hoạt các tính cách tốt đẹp như bản lĩnh, nghị lực, trầm tĩnh… hoạt động và phát triển. Hiệu quả tùy thuộc vào thời gian chúng ta có thể duy trì kỹ năng sự chú tâm này thường xuyên trên các hoạt động với sự liên tục. Không một người bình thường nào có thể duy trì sự chú tâm trên các hoạt động của mình xuyên suốt thời gian, ngoại trừ những người thực hành thiền tỉnh thức miên mật. Do đó, các bậc cha mẹ cần hỗ trợ, tác động, nhắc nhớ sự tỉnh thức của các em bằng cuộc sống thực tế của mình: tỉnh thức, làm chủ tâm ý, điều tiết và điều khiển cảm xúc của mình để các em học qua con đường bắt chước như đã trình bày ở trên. Giáo dục tâm linh tức là sự hướng dẫn kỹ năng và nghệ thuật khám phá và tìm hiểu đời sống nội tâm để cá nhân ấy trở nên tự lập, tự tin và biết hòa hợp, cân bằng giữa đời sống nội tâm và đời sống xã hội.
Như vậy, một điều hiển nhiên rằng muốn dạy con em làm điều gì, chúng ta phải làm gương thực hành điều ấy trước đã. Muốn con em biết chăm sóc đời sống nội tâm, có ý chí, nghị lực để miễn nhiễm với những tác động tiêu cực của xã hội, cha mẹ cần thực hành nếp sống đạo đức làm gương. Bên cạnh đó, cha mẹ nên thực hành thiền tỉnh thức thường xuyên trong các hoạt động thường ngày, tạo nên một môi trường tâm linh tốt nhất để các em có thể học và thực hành như một quá trình thẩm thấu tự nhiên. Được như vậy, các bậc phụ huynh phật tử không phải lo lắng quá nhiều khi chúng ta có thể đưa giáo dục Phật giáo vào trong môi trường giáo dục gia đình.