Saturday, December 13, 2008

Tin khủng!

Hôm nay, thấy trên vnexpress đăng một tin giật cái tít là “Mỗi ngày một triệu trẻ em hứng chịu bạo lực học đường”, tôi giật mình!

Tôi giật mình vì không phải số lượng ‘một triệu trẻ em chịu bạo lực mỗi ngày” mà giật mình vì con số chính xác như vậy, lấy đâu ra? Đọc vào nội dung, tôi chẳng tìm thấy con số MỘT TRIỆU ở đâu cả. Phóng viên có dẫn lời nói của ông Pierce rằng “Giám đốc Tổ chức Plan tại Việt Nam Mark T. Pierce cho biết, bạo lực trong trường học hiện khá phổ biến và ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em, tước đi cơ hội để các em phát triển bình thường và khỏe mạnh.”

Đúng rồi! một trường hợp bạo hành học đường, tùy theo mức độ, có ảnh hưởng đến một lớp, một khối lớp hay cả một trường, nên ông giám đốc Plan phát biểu vậy là đúng. Ông chỉ nói đây là trường hợp phổ biến và có ảnh hưởng đến số đông (hàng triệu) trẻ em, thế mà phóng viên viết lại bằng con số xác định như thế. Blah! Blah! Hết biết! Hơn nữa, theo chỗ tôi hiểu, 'hứng chịu bạo hành' có nghĩa là 'trực tiếp bị bạo hành' thì cái tít bài đã không phản ánh đúng nội dung ông giám đốc Plan phát biểu rồi. Lại thêm 'mỗi ngày' nữa chứ! Nghiên cứu, khảo sát nào cũgn thực hiện trên một khoảng thời gian nhất định, nhưng không thể mỗi ngày được. Việc bạo hành trường học xảy ra, dù nhiều và phổ biến, cũng không thể tính bao nhiêu em bị bạo hành trong mỗi ngày được. Tôi thiết nghĩ, ngôn ngữ nghiên cứu cần rõ ràng và không thể hiểu nhiều nghĩa cho một câu phát biểu có tính chất như một 'finding' thế này.

Theo những thông tin tôi đọc được, từ năm 2003 đến nay, tổ chức Plan làm nghiên cứu ở nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác. Thường thì người ta chọn theo địa hình địa lý: Bắc-Trung-Nam hoặc đồng bằng-cao nguyên-miền núi, hoặc thành phố-nông thôn. Phương pháp họ sử dụng thường là khảo sát cộng đồng lớn (survey) với các câu hỏi (questionnaire) và tổng kết tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trên tổng số cá thể họ chọn để nghiên cứu có ý kiến này hay ý kiến khác. Từ đó, họ có thể tổng quát hóa và khái quát hóa khi giả thuyết rằng số cá thể chọn ra nghiên cứu có thể đại diện cho toàn thể cộng đồng. (Vì vậy, phương pháp nghiên cứu nào cũng chỉ có giá trị tương đối thôi.)

Thấy con số cụ thể về trẻ em (mà không phải tỉ lệ phần trăm) tôi e không chính xác vì số liệu nghiên cứu về 'trẻ em' nhất thiết phải thuộc nhóm tuổi nào trong các nghiên cứu của Plan chứ. Rõ ràng trong bài viết này, tôi không thấy phóng viên trưng dẫn kết quả nghiên cứu nào của Plan với con số thống kê (dù là tỉ lệ hay số lượng) mà sao lại có một câu kết luận chắc nịch và giật thành tít của bài báo như thế nhỉ?