Monday, December 22, 2008

Thái độ

Chúng ta ai cũng hiểu rằng thái độ tác động rất lớn đến suy nghĩ, hành vi của mình trong cuộc sống. Tôi cũng thường tâm niệm như thế để kịp thời điều chỉnh thái độ mình đối với những gì xảy ra chung quanh, nhất là khi những yếu tố bên ngoài ấy không xứng ý với mình. Tôi để ở sidebar trang blog này câu nói tôi rất tâm đắc về ‘thái độ’ của Swindoll để nhắc mình chừng chừng. Thế nhưng, không phải lúc nào mình cũng có thể nhìn cuộc sống bằng con mắt của ‘nửa ly nước đầy’. Sáng nay, tôi lại gặp một việc thử thách thái độ của tôi.

Giờ điểm tâm ở ký thúc xá là 8 am đến 8.30 am. Tôi thường xuống nhà ăn từ 8.05 am hoặc trễ nhất là 8.10 am, vì tôi không muốn ăn quá trễ khi ghế ngổn ngang và bàn la liệt những mẩu bánh mì vụn hay vây ố những vết nước trà bẩn. Hôm nay, như mọi ngày, tôi có mặt ở nhà ăn lúc 8.05 am. Trong nhà ăn, có hai bạn sinh viên đang ngồi đọc báo.

Theo menu, sáng nay chúng tôi dùng paratha (một loại bánh bột mì nướng), mà chưa thấy gì cả, ngay cả trà sữa, vẫn chưa có trên bàn. Thêm vài bạn trai bước vào, cùng ngồi đợi. Tôi cảm thấy không được vui lắm khi phải mất ít nhất 15 phút để chờ đợi mấy chú nhà bếp chuẩn bị cán bột và nướng bánh. Tôi ngồi thừ ra, để tờ báo trước mặt, nhìn mà lại không đọc, đang phân vân đi lên phòng trở lại hay nán ở nhà ăn. Hai sinh viên nam nữa bước vào, thấy trên bàn chưa có bánh paratha cũng như trà, hai bạn bước thẳng xuống nhà bếp.

Nhìn xuyên qua cửa giữa nhà ăn nối với nhà bếp, tôi thấy một bạn phụ nhồi bột, một bạn nắn bánh, thao tác rất nhanh gọn như thể đã quen phụ bếp như thế ở nhà rồi. Ở trên nhà ăn, mấy bạn đọc báo hoặc cùng nhau nói chuyện hay đơn giản chỉ ngồi đợi mà không ai tỏ ra khó chịu hay bất bình cả.

Nhìn tới nhìn lui, chỉ có mình tôi là bất an (dù bề ngoài, chắc không ai phát hiện ra). Tôi vội nhớ câu tôi để trên sidebar của blog “chúng ta không thể làm thay đổi quá khứ. Chúng ta cũng không thể thay đổi được cách làm cách nghĩ của người khác. Chúng ta không thể làm thay đổi những gì không thể đổi thay. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là tạo cho mình một điểm tựa, đó là thái độ sống [tích cực].” Trễ nãi là chuyện muôn thuở của người Ấn, sao mình lại khó chịu trong lòng chứ? Mấy người phục vụ này trễ, nhưng họ cũng đang làm đó mà. Vả lại, vẫn tốt hơn những ngày đình công không có điểm tâm, cơm trưa chiều gì cả thì sao? Thế là lòng tôi yên ổn lại, tôi đọc báo. Chừng 10 phút sau, tôi cũng được phục vụ hai cái bánh paratha như bao người khác.

Nếu ngay từ đầu, tôi biết nhìn cuộc sống bằng ‘nửa ly nước đầy’, tôi sẽ đỡ lỗ lã hơn rồi!