Wednesday, December 10, 2008

Tỉ lệ bỏ học chỉ có 1%: Ai mà tin được? (đọc báo)

Hôm nay, đọc báo, thấy tác giả bài này DÁM nghi ngờ Bộ Giáo dục (Ông dám viết: 'ai mà tin')!!! E rằng nội dung này sẽ không còn trong nay mai, xin về đây làm tài liệu vì có vài con số thông kê 'thật' và 'ảo' trong bài viết.


http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/12/817781/
06:44' 10/12/2008 (GMT+7)


- Ngành giáo dục đang chú ý đến khảo thí và kiểm định chất lượng, song cũng cần phải kiểm định số lượng sao cho chính xác minh bạch để có được sự nhất trí tin tưởng của cả xã hội và quốc tế. Nếu tuyên bố tỉ lệ bỏ học dưới 1% thì có nghĩa là tỉ lệ bỏ học ở nước ta gần bằng tỷ lệ của Singapore. Điều này khó mà tin được!
"Khất" chiến lược giáo dục do thống kê chưa chính xác
Ngành giáo dục đang nợ một lời giải thích
Xóa mù chữ cho người trên 36 tuổi chẳng để làm gì?
Điều chưa nói từ con số thống kê mù chữ


0,94%: chưa rõ ràng!

Sau giờ học các em học sinh THCS xã Tân Hùng - Tiểu Cần, Trà Vinh đi câu cá để giúp gia đình giảm tiền mua thức ăn hằng ngày. Ảnh: Vĩnh TràTháng 3/2008, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: hiện tượng bỏ học năm nào cũng có, nhưng năm nay số học sinh bỏ học có chiều hướng gia tăng đột biến. Tuy nhiên, đến ngày họp báo thường kỳ trong tháng, Bộ lại đưa ra số liệu tỉ lệ HS bỏ học rất thấp so với năm trước. THCS bỏ học giảm 5 lần và tiểu học bỏ học giảm 20 lần.
Hội nghị tổng kết năm học 2007 - 2008 và triển khai nhiệm vụ năm học 2008 - 2009 tại Hải Phòng, Bộ GD-ĐT cho biết, chưa có số liệu thống kê để nói Việt Nam so với các nước khác số bỏ học khá cao.


Ngày 12/11/2008, trên báo Hà Nội Mới, với câu hỏi "Trên thực tế, con số học sinh bỏ học là bao nhiêu" Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời: Cụ thể năm 2006 là 0,92%, năm 2007 là 0,9%, năm 2008 là 0,94%, tương ứng với khoảng 150.000 HS bỏ học trong tổng số 16 triệu HS các cấp.


Theo tôi, câu trả lời này chưa rõ ràng ở 2 điểm:


Thứ nhất, tỷ lệ HS bỏ học từ trước đến nay tính theo năm học chứ không phải tính theo năm lịch. Thứ hai, nếu tính theo năm lịch thì còn 2 tháng nữa mới hết năm 2008, mà Bộ đã biết trước tỉ lệ HS bỏ học là 0,94%?


1%: Quá thấp!

Lớp học vắng vì nhiều học sinh đã bỏ học!Trong khi Bộ đánh giá tình hình bỏ học quá lạc quan như vậy thì các Giám đốc Sở GD-ĐT nói gì?


Bà Nguyễn Thị Anh Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng nhận định: Tình trạng học sinh bỏ học ngày càng nhiều ở nơi này (Tây Nguyên) đang là nỗi lo cho ngành giáo dục và các đơn vị trường học. Đa số học sinh bỏ học là người dân tộc thiểu số và những em có học lực quá yếu.


Ngày 24/11, hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2008 - 2009 bao gồm 12 Sở GD-ĐT khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì tỉ lệ HS bỏ học đầu năm học này tại các tỉnh còn khá cao. Các tỉnh có tỷ lệ bỏ học cao ở cả 3 cấp học là Cà Mau 18,67%, An Giang: 14,34%, Bạc Liêu 13,23%, Hậu Giang: 10,19%. Nguyên nhân tỉ lệ HS yếu kém không theo kịp chương trình phải bỏ học là 40%.


Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long thừa nhận: Căn cứ vào số liệu hàng năm, tỉ lệ bỏ học chiếm khoảng 6% trong khi năm nay, chỉ mới thống kê ở những tháng đầu năm học đã chiếm 4,43% chắc chắn đến cuối năm, thống kê con số này sẽ còn tăng lên nữa. Chúng tôi đã làm quyết liệt nhưng không thể rút nhỏ lại con số này được. Xin nói thêm, Vĩnh Long là một tỉnh giáo dục đào tạo phát triển cao ở ĐBSCL.


Căn cứ vào thực tiễn của tình trạng HS bỏ học hiện nay và căn cứ vào thống kê về tỉ lệ HS bỏ học mấy chục năm qua, tôi thấy rằng Bộ công bố tỉ lệ HS bỏ học các cấp dưới 1% là quá thấp, không đúng với thực trạng giáo dục hiện nay.


Điều này trái với nhận định của nhiều địa phương, của nhiều cán bộ giáo viên trong ngành và báo chí quan tâm tới giáo dục.


Ví du, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng đã viết: "mỗi năm nước ta có 1,2 triệu HS bỏ học". Tôi cũng đồng thuận với ý kiến này, đánh giá của bà giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng và của ông giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long... đã nêu ở trên và xin dẫn chứng thêm vài điểm sau:


Chưa năm nào dưới 5%


1. Theo dõi tình hình HS bỏ học mấy chục năm qua thì chưa có năm nào nước ta có tỉ lệ HS bỏ học dưới 5%. Vì khuôn khổ của bài viết, tôi chỉ xin nêu vài dẫn chứng sau: Cách đây 10 năm, năm học 1996 - 1997: tỷ lệ HS bỏ học bậc tiểu học là 6,42%, cấp THCS là 8,08%, cấp THPT là 4,81%.


Năm học 1999 - 2000, tỉ lệ HS bỏ học ở tiểu học là 4,67%. Đây là năm học hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn quốc gia nên có tỉ lệ HS bỏ học thấp, số HS đến trường đạt cao nhất trong những năm qua (10.063.025 học sinh), tỉ lệ HS bỏ học ở cấp THCS là 8,51%, ở cấp THPT là 7,68%.


Cũng theo thống kê của Bộ, tỉ lệ HS trung học bỏ học năm 2003 - 2004 là 6,29%, năm học 2004 - 2005 là 7,59%, năm học 2005 - 2006 là 6,59%. Tính trung bình hơn 10 năm học quả, tỉ lệ bỏ học của HS tiểu học là khoảng 5%, THCS là 8,5%, THPT là gần 4%. Như vậy, số HS bỏ học hàng năm trên dưới 1 triệu em.


2. Nếu tỉ lệ HS bỏ học giảm một cách đột biến như Bộ công báo thì số HS tới trường phải tăng lên. Nhưng mấy năm qua, số HS tiểu học giảm 3 triệu em, số HS THCS cũng liên tục giảm gần 1 triệu em. Cụ thể, số HS THCS 2004-2005 có 6792000 HS, năm học 2007-2008 còn 5740000 học sinh. Số HS THPT cũng bắt đầu giảm. Cụ thể, năm học 2006 - 2007 có 3111280 học sinh, năm học 2007-2008 còn 3052620, giảm 58660 học sinh. Người ta có thể giải thích số học sinh giảm là do kết của phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, nhưng cả nước đã phổ cập đúng độ tuổi đâu? Còn ở các tỉnh giáo dục phát triển thì số HS đi học đúng và gần đúng độ tuổi đã đạt từ lâu rồi. Mặt khác, giả sử 100% HS 6 tuổi đều đến lớp 1 và sau 5 năm đều lên lớp 5 đúng độ tuổi 100% thì số HS tiểu học cũng là 7 triệu (vào lớp 1: 1,4 triệu, lên lớp 5: 1,5 triệu; 1,4 triệu x5 = 7 triệu). Còn THCS đang trong giai đoạn nước rút hoàn thành phổ cập vào năm 2010 mà tại sao số HS lại giảm? THCS đã phổ cập giáo dục đúng độ tuổi đâu.


Tóm lại, số HS giảm chỉ có thể giải thích với lý do chủ yếu là tỉ lệ HS bỏ học ở các cấp còn cao hơn như các thống kê giáo dục của Bộ đã có hàng chục năm qua. Mặt khác, còn nhiều em đang ở độ tuổi học mà chưa đến trường như UNESCO vừa đưa ra con số 1 triệu trẻ "ở ngoài nhà trường".


Ngành ta đang chú ý đến khảo thí và kiểm định chất lượng, song cũng cần phải kiểm định số lượng sao cho chính xác minh bạch để có được sự nhất trí tin tưởng của cả xã hội và quốc tế nếu tuyên bố tỉ lệ bỏ học dưới 1% thì có nghĩa là tỉ lệ bỏ học ở nước ta gần bằng tỷ lệ của Singapore. Điều đó "hổng dám đâu"! Quan trọng hơn là có đánh giá đúng mới có quyết tâm cao và biện pháp đúng để giữ vững và phát triển quy mô giáo dục phổ thông trong thời gian tới.


Nhà giáo Trần Hữu Trù (nguyên chuyên viên cao cấp, Bộ GD-ĐT)

TIN LIÊN QUAN

UNESCO đính chính thông tin HS Việt Nam bỏ học

Nguy cơ bỏ học ở vùng lũ Tây Bắc tăng cao

Trẻ nghèo bỏ học vì tiền không đến đúng đối tượng

Khi nhà giàu “bỏ học”

Số liệu mới nhất: Hơn 147.000 học sinh bỏ học

Kỳ 4: Bỏ học… đi ăn xin

Nghệ An: Học sinh bỏ học sẽ tăng!

Bộ GD-ĐT nói gì về thống kê bỏ học "vênh" thực tế?

Pu Sam Cáp "mùa bỏ học"

Cô không bỏ trò, trò đừng bỏ học

3 điều “kỳ lạ” trong bản thống kê HS bỏ học

SOS: Tình trạng học sinh bỏ học ở ĐBSCL

Bỏ học hàng loạt không hẳn vì khó khăn

Sao lại phạt học sinh nghèo bỏ học?